Thứ Hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024

An ninh văn hóa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay: Từ lý luận đến thực tiễn

Ngày phát hành: 09/05/2024 Lượt xem 748


 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng cùng với sự bùng nổ của cách mạng công nghệ mới, vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng được các quốc gia - dân tộc quan tâm mạnh mẽ hơn. Ở Việt Nam, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước đã và đang dành cho an ninh phi truyền thống sự quan tâm mạnh mẽ và thiết thực. Tuy nhiên, xem xét kỹ cách tiếp cận và các hệ vấn đề đã và đang được quan tâm thì có thể thấy vấn đề an ninh văn hóa (cultural security) còn lộ ra nhiều khoảng trống không nhỏ cần phải được làm rõ và bổ khuyết. Bài viết này góp phần nhằm làm rõ một số vấn đề cơ bản của an ninh văn hóa từ phương diện lý luận và thực tiễn, đồng thời đề xuất một số kiến nghị chính sách nhằm đảm bảo tốt hơn an ninh văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.

 

1. An ninh văn hóa – từ tiếp cận lịch sử

 

Ngược dòng lịch sử, có thể thấy lớp lớp các thế hệ cha ông ta đã luôn gắn chặt sự nghiệp đảm bảo an ninh văn hóa cho cộng đồng dân tộc với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này có căn nguyên lịch sử, khi mà suốt chiều dài hàng nghìn năm, dân tộc Việt Nam luôn luôn vừa phải một mặt đấu tranh kiên trì, bền bỉ chống lại các làn sóng xâm lăng văn hóa, đồng hóa văn minh của ngoại bang, đồng thời lại vừa phải rộng mở, khoan hòa, vượt qua mọi loại kỳ thị để tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa và các thành tựu văn minh từ bên ngoài để vun bồi, củng cố nền văn hóa dân tộc.

 

Thực tế lịch sử cho thấy dân tộc Việt Nam và một số dân tộc khác ở Đông Nam Á chỉ có thể trải nghiệm thành công quá trình tiếp biến văn hóa (acculturation) trên cơ sở của một cơ tầng văn hóa (cultural infrastructure) bản địa bền vững, kết tinh thành bản sắc và bản lĩnh văn hóa của riêng mình[1]. Cơ tầng văn hóa đó được kiến tạo lâu dài, dựa trên ba yếu tố cơ bản: về kinh tế, đó chính là nền nông nghiệp trồng lúa, đặc biệt là nền nông nghiệp trồng lúa nước; về xã hội, đó là sự tồn tại phổ biến, bền vững của các loại cộng đồng nông thôn mà sau này được biết đến rộng rãi là làng xã; và về tinh thần - tâm linh, đó chính là tín ngưỡng tổ tiên và tục thờ cúng tổ tiên. Đây là những yếu tố nguyên sơ, cơ bản, tạo nên bản lĩnh văn hóa dân tộc Việt Nam mà dựa vào đó dân tộc ta, trong suốt chiều dài lịch sử đã khẳng định được sức sống mãnh liệt, trường tồn, hơn nữa còn có thể tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa từ Ấn Độ, Trung Quốc và phương Tây để vun bồi cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

 

Các thế lực ngoại xâm trong khi tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược (hoặc tạm thời áp đặt được ách đô hộ trên đất nước Việt Nam), cũng hiểu rất rõ điều này nên luôn tìm mọi cách làm suy yếu hoặc hủy hoại một cách tàn bạo bản sắc văn hóa Việt Nam. Ví dụ điển hình là vào đầu thế kỷ XV, sau khi giao cho Trương Phụ và các tướng đem quân xâm lược nước Đại Ngu,[2] Hoàng đế nhà Minh (Trung Quốc) đã ra lệnh lùng bắt nhân tài hoặc giết đi hoặc đem sang Trung Quốc giam giữ và sử dụng, đồng thời cử người sang tịch thu hết sách vở, thư tịch đem đi hoặc tiêu hủy. Mục đích của những biện pháp tàn bạo đó là để tuyệt diệt bản sắc văn hóa dân tộc, qua đó mà hủy diệt tinh thần kháng chiến quật khởi của người Đại Việt.[3] Đây cũng là điều mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ từng ra sức tiến hành bằng những thủ đoạn hoặc trắng trợn, hoặc thâm sâu, kín đáo hơn trong các thế kỷ XIX và XX.

 

Nhưng, có một số sự thực lịch sử khác cũng cần phải chỉ ra ở đây. Di sản văn hóa và các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam không chỉ từng bị tàn phá bởi các thế lực ngoại xâm mà cũng còn nhiều lần bị xâm hại nghiêm trọng bởi thiên tai, nhân họa. Kinh thành Thăng Long vốn là nơi “lắng hồn núi sông nghìn năm”, là một trung tâm chính trị - văn hóa tiêu biểu bậc nhất của đất nước, cũng mấy phen bị tàn phá nặng nề bởi các cuộc nội loạn.

 

Có thể thấy trong thảm họa này, không chỉ những di sản văn hóa bị hủy hoại, kho tàng bị cướp phá mà cả đến nhân cách con người cũng bị làm cho biến dạng. Cũng chính vì vậy mà cha ông ta, sau mỗi lần trải qua thiên tai, nhân họa, giặc dã v.v, thì lại phải thêm một lần chăm lo bồi bổ, củng cố lại gia tài văn hóa để làm chỗ nương tựa cho xã tắc và nhân tâm. Ngay sau khi đưa quân ra Bắc Hà dẹp tan tập đoàn thống trị họ Trịnh, nghe tin Văn Miếu - Quốc Tử Giám bị tổn hại nặng nề, vua Quang Trung đã ra lệnh cho tu sửa với lời ngự phê còn lưu truyền đến mai sau vì cái tâm đậm chất văn hóa của vị vua anh hùng:

“Thôi! Thôi! Thôi! Việc đã rồi,

Trăm nghìn hãy cứ trách bồi vào ta!

Nay mai dọn lại nước nhà,

Bia nghè lại dựng trên tòa muôn gian.”[4]

 

Cũng với tinh thần đó, chỉ sau Lễ Tuyên ngôn độc lập một ngày, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề chống “giặc dốt” là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách hơn cả, bởi lẽ “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.[5] Đây chính là động thái văn hóa quan trọng nhất để đảm bảo “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” như Hồ Chí Minh yêu cầu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 24-11-1946, ngay trước khi cuộc Kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ.

 

Nhắc lại lịch sử với một số sự kiện điển hình như trên, cốt để chỉ ra rằng vấn đề đảm bảo an ninh văn hóa là một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất, nhiều thách thức nhất trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài và gian nan của dân tộc ta. Đầu thế kỷ XX, nhà yêu nước – nhà văn hóa nổi tiếng Nguyễn An Ninh đã từng đúc kết, rằng: “Dân tộc nào để cho một nền văn hóa ngoại bang ngự trị thì không thể có độc lập thực sự. Văn hóa là tâm hồn của một dân tộc”[6].

 

2. An ninh văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới

 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự phát triển bùng nổ của cách mạng công nghiệp mới, vấn đề an ninh văn hóa càng được đặt ra cấp bách và phức tạp hơn bao giờ hết. Toàn cầu hóa nói chung và toàn cầu hóa văn hóa nói riêng trước hết cần phải được xem như một cơ hội lịch sử đối với Việt Nam và nhiều quốc gia - dân tộc khác để có thể biến các tài nguyên văn hóa (cultural asset) thành nguồn lực văn hóa (cultural resources) rồi thành vốn văn hóa (cultural capital), đầu tư vào phát triển công nghiệp văn hóa / công nghiệp sáng tạo để tạo nên những nguồn sức mạnh mềm (soft power) to lớn, những nguồn xung lực mới trong phát triển bền vững. Thông qua đó mà đưa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với thế giới và tỏa sáng, đồng thời cũng thông qua đó mà tiếp nhận thêm được những tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu có thêm hành trang văn hóa của con người và quê hương.

 

Nhưng toàn cầu hóa văn hóa, trên thực tế, cũng đang là những làn sóng xâm thực văn hóa toàn cầu. Từ hàng chục năm nay giới trí thức và chính khách ở nhiều nước đã và đang tranh luận rất sôi nổi về những vấn đề, như “toàn cầu hóa hay là Mỹ hóa”, “bản sắc dân tộc ở đâu trong thế giới toàn cầu hóa”, “cái gì là văn hóa ‘dẫn đạo’ (Leitkultur) của Đức”; “Văn hóa quy phạm (normative culture) trong thế giới toàn cầu hóa” ... Như vậy, an ninh văn hóa là một nỗi lo ngại có thực và không chỉ đối với riêng một quốc gia - dân tộc nào.

 

Ở bình diện học thuật, người ta đã đề xuất những cách hiểu khác nhau về an ninh văn hóa. Một trường phái ở Australia cho rằng “An ninh văn hóa là một triết lý, một phương thức vận hành để đảm bảo rằng tất cả các cá nhân và các nhóm đều được đối xử trên cơ sở quan tâm đến sự khác biệt và yêu cầu đối với tính riêng biệt về văn hóa của mình.”[7]. Trong khung cảnh của Australia, nơi mà vấn đề bảo tồn, bảo vệ nền văn hóa của dân cư bản địa (Aboriginal Australians) luôn luôn là một vấn đề nhạy cảm, nóng bỏng, thì cách đặt vấn đề như trên là phù hợp. Suy rộng ra, an ninh văn hóa là sự đảm bảo cả về tư tưởng và hành động đối với quyền được duy trì sự khác biệt, tính độc đáo về văn hóa của tất cả các cá nhân và cộng đồng người. Và theo cách hiểu đó, quyền được đảm bảo an ninh văn hóa là một quyền cơ bản của con người, là bảo đảm an ninh con người (human security).

 

Tiếp cận từ một phương diện khác, vấn đề an ninh văn hóa lại được nhìn nhận từ góc độ chủ quyền văn hóa (cultural sovereignty). Và ở đây cũng có có hai cách hiểu khác nhau. Trên phạm vi hẹp, “chủ quyền văn hóa” của cá nhân và của cộng đồng người chính là quyền được thực hành những nghi thức, những hoạt động văn hóa của mình một cách tự do, không thể bị cấm đoán hoặc bị cưỡng ép làm cho sai lệch, nếu sự thực hành đó không phương hại đến sự thực hành văn hóa của cá nhân hay cộng đồng khác. Khi quyền đó được đảm bảo thì tức là an ninh văn hóa được đảm bảo, con người được thực hành hoạt động văn hóa, được khẳng định giá trị văn hóa và được tự hào một cách chính đáng về truyền thống văn hóa của mình.[8]

 

Ở phạm vi rộng lớn hơn, chủ quyền văn hóa được xem là một bộ phận cấu thành quan trọng của chủ quyền quốc gia, giống như cương vực, lãnh thổ, lãnh hải, không phận, chủ quyền kinh tế, chủ quyền chính trị … Bất kể một hợp phần nào của chủ quyền quốc gia bị xâm hại, bao gồm chủ quyền văn hóa, thì an ninh quốc gia cũng bị xâm hại. Vì vậy, quốc gia nào cũng có một số biểu tượng quốc gia như quốc kỳ, quốc ca, quốc huy, tín ngưỡng, ngôn ngữ v.v. được quốc gia đó bảo vệ đặc biệt. Thậm chí một số quốc gia còn xác định một loạt biểu tượng khác được bảo hộ, bảo vệ đặc biệt, như quốc hoa, quốc bảo, hình tượng một số công trình kiến trúc, tên tuổi, uy tín của một số danh nhân, anh hùng dân tộc, quốc phục, vũ điệu …

 

Tất cả những biểu tượng cụ thể đó vừa tiêu biểu cho chủ quyền quốc gia, danh dự, uy tín quốc gia, đồng thời cũng là biểu tượng của bản sắc văn hóa của quốc gia - dân tộc. Vì thế, chúng được coi như đối tượng chính của an ninh văn hóa của một đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các ngành công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo đã và đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, trở thành nguồn sức mạnh mềm (soft power) quan trọng, xuyên thủng các đường biên giới mềm (soft boundary) trở thành những làn sóng cạnh tranh mạnh mẽ thì chủ quyền văn hóa, an ninh văn hóa còn được nhấn mạnh ở ba phương diện rất quan trọng:

 

Thứ nhất là tiếp cận từ quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual property rights) vốn đã được quy định bởi Công ước Berne và nhiều bộ luật của các quốc gia. Tuy vậy, thực tế ở Việt Nam và trên thế giới đang cho thấy tình trạng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đang khá phổ biến, với rất nhiều hình thức khác nhau, và với diễn thế ngày một phức tạp. UNESCO và nhiều nước đều coi đây là một trong những vấn nạn lớn về an ninh văn hóa.

 

Cũng từ phương diện này, một vấn đề còn phức tạp hơn, còn chưa được nhiều người quan tâm đầy đủ, là vấn đề đảm bảo quyền của chủ nhân văn hóa. Bất kỳ sản phẩm văn hóa nào, di sản vật thể hay phi vật thể, đều có chủ nhân đã tạo ra chúng. Họ chính là chủ nhân tác tạo, hay chủ nhân đích thực của di sản. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều di sản không còn thuộc sở hữu của chủ nhân tác tạo, vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Chủ nhân sở hữu là những cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương nơi di sản đang tồn tại. Họ sở hữu và chiếm hữu, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, nhưng nhiều khi không có mối liên hệ nào với chủ nhân tác tạo, vì họ có thể sống cách nhau nhiều thế kỷ và không hề có mối quan hệ huyết thống hay thừa kế nào. Vì vậy, khi đảm bảo an ninh văn hóa là vừa phải đảm bảo những giá trị của di sản do chủ nhân tác tạo gửi gắm vào di sản, nhưng đồng thời lại phải đảm bảo cả quyền và lợi ích của chủ nhân sở hữu di sản theo các quy định pháp lý hiện hành.

 

Thứ hai, tiếp cận từ quan điểm thị trường văn hóa và nguy cơ thao túng giá trị, thao túng văn hóa và xâm lăng văn hóa. Đối với sự phát triển của công nghiệp văn hóa / công nghiệp sáng tạo thì thị trường chắc chắn đóng vai trò rất quan trọng. Bằng nhiều cách thức khác nhau, các sản phẩm công nghiệp văn hóa / công nghiệp sáng tạo của các công ty, các nước sẽ tìm cách chiếm lĩnh, tiến tới thống trị các thị trường, từ thị trường quốc nội cho tới thị trường quốc tế. Trên cơ sở chiếm lĩnh được thị trường, các hình thái độc quyền chính thức hoặc phi chính thức sẽ xuất hiện, dần dần, thông qua đó họ sẽ tìm cách định hướng sở thích tiêu dùng của nhân dân các nước đối với sản phẩm của họ. Các loại hình hàng hóa văn hóa như thời trang, điện ảnh, internet, mạng xã hội (như facebook, twitter, tiktok …), các phần mềm, các ứng dụng của điện thoại thông minh … là những ví dụ điển hình của quá trình này.

 

Điều cần nhấn mạnh là thông qua thao túng thị trường văn hóa và định hướng sở thích của người tiêu dùng, các thế lực sở hữu sức mạnh công nghiệp văn hóa / công nghiệp sáng tạo sẽ thao túng giá trị, thẩm mỹ, tình cảm, đạo đức và niềm tin của người dân. Thao túng giá trị (value manipulation) chính là điều mà cha đẻ của lý thuyết công nghiệp văn hóa là Theodor Andorno và Max Hokcheimer đã cảnh báo từ ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Hãy thử hình dung xem, một khi người dân Việt Nam (như hiện nay) bé thì chơi đồ chơi sản xuất ở Trung Quốc, xem phim hoạt hình Trung Quốc, lớn thì xem phim dã sử, phim kiếm hiệp Trung Quốc, mua hàng hóa thì phần lớn cũng là đồ Trung Quốc, sử dụng các phần mềm Trung Quốc (Tiktok, Bing, Huawei v.v) thì rồi sẽ ra sao? Họ sẽ hình dung thế nào là thiện, thế nào là ác, thế nào là huynh đệ, tỉ muội theo cách hình dung của người Trung Quốc. Đó là kết quả logic nếu như cái quy trình “Blockchain” văn hóa kiểu này không được thay đổi!

 

Thứ ba, tiếp cận từ việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy / phát triển, nếu không đúng cách, không dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc thì sẽ làm sai lệch hoặc hủy hoại giá trị di sản văn hóa. Đây chính là tình hình đáng quan ngại nhất của lĩnh vực văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hiện đại. Người ta đã từng phạm phải sai lầm coi phần lớn các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội, tín ngưỡng là “mê tín dị đoan”, cho nên đã từng có “phong trào” đập phá đình, chùa, đền, miếu, xóa bỏ lễ hội ở hầu hết các tỉnh ở miền Bắc trong những năm 1960-1970, để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Gần đây, trong thời kỳ Đổi mới lại xuất hiện hiện tượng sao chép lễ hội một cách thô thiển, khiến cho nhiều lễ hội bị “đồng phục hóa”, thậm chí bị biến thành những trò nhảm nhí để câu khách. Không ít di sản vật thể và phi vật thể đã bị làm cho sai lệch, bị bóp méo, bị xuyên tạc, thậm chí bị tiêu diệt trong quá trình đô thị hóa gấp gáp.

 

Thứ tư là tiếp cận từ phương diện quản lý văn hóa, có thể thấy những sai phạm, bất cập theo hai hướng, hoặc quá chặt chẽ theo kiểu võ đoán hoặc lại quá buông lỏng khiến cho môi trường văn hóa đã và đang bị đầu độc, mất an ninh, an toàn khá nghiêm trọng. Trước hết, là hiện tượng võ đoán, máy móc, nặng về áp đặt khiến cho nhiều giá trị tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại không được trao truyền đúng cách, có hiệu quả. Trong gia đình thì thế hệ trước áp đặt giá trị cho thế hệ sau, trong nhà trường thì thầy cô áp đặt học trò bằng nhiều cách, từ “văn mẫu”, “sử mẫu” cho tới những phong trào thi đua hình thức, nặng bệnh thành tích. Trong xã hội thì trào lưu “ném đá” tràn lan, độc ác bóp chết bất kỳ cái gì mới, khác biệt, dù là cái tốt hay cái xấu. Căn bệnh này lại luôn song trùng với hiện tượng bất cập, buông lỏng đến mức mất kiểm soát trong công tác quản lý văn hóa. Chưa bao giờ các biểu hiện văn hóa đồi trụy, phản nhân loại, truyền bá cái xấu, cái ác thậm chí cả những thông tin phản động chính trị, v.v. có thể dễ dàng phát tán và lan rộng trên các không gian ảo như thế! Chưa bao giờ “rác văn hóa” lại tràn lan từ không gian ảo đến không gian thật nhiều như thế!

 

Rõ ràng là cả trên phương diện học thuật và thực tiễn, an ninh văn hóa đang ngày càng trở thành một địa hạt rất quan trọng, rất nóng bỏng của lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Đảm bảo an ninh văn hóa không chỉ còn giới hạn trong phạm vi hẹp là bảo đảm quyền văn hóa (bao gồm quyền được bộc lộ và thực hành các hành vi văn hóa, quyền nói và viết bằng tiếng mẹ đẻ, quyền được thụ hưởng văn hóa, …), mà còn là đảm bảo chủ quyền quốc gia về văn hóa, tức là bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện đúng công ước quốc tế và pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, quyền của người chủ nhân văn hóa (chủ nhân tác tạo và chủ nhân sở hữu). Đảm bảo an ninh văn hóa cũng là bảo vệ môi trường văn hóa, chiếm lĩnh thị trường văn hóa để tăng cường nội lực, phát huy sức mạnh mềm Việt Nam, là phát triển thành công công nghiệp văn hóa / công nghiệp sáng tạo để chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa, chống lại các làn sóng xâm thực văn hóa và thao túng giá trị của ngoại bang, mở đường hội nhập thành công của Việt Nam theo phương châm: Hội nhập mà không hòa tan; Hội nhập để tỏa sáng và phát triển bền vững.

 

3. Một số quan điểm và giải pháp để tăng cường đảm bảo an ninh văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới

 

3.1. Về quan điểm

 

Trên cơ sở những phân tích như trên, tôi đề nghị chúng ta xác định rõ một số quan điểm chủ đạo như sau:

Thứ nhất, phải coi an ninh văn hóa như một hợp phần hữu cơ quan trọng của an ninh quốc gia. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn.” Vì vậy, đảm bảo an ninh văn hóa cũng là đảm bảo an ninh của quốc gia; mặt trận văn hóa cũng là một mặt trận trọng yếu của công tác an ninh. Bảo đảm an ninh văn hóa là góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, là trách nhiệm của toàn dân tộc, của từng công dân và của toàn bộ hệ thống chính trị. Trong bối cảnh ngày nay thì đảm bảo an ninh văn hóa cũng còn là đảm bảo môi trường phát triển, đảm bảo an ninh cho một loại nguồn lực nội sinh quan trọng và cho một phương thức phát triển bền vững của đất nước.

 

Thứ hai, phải đảm bảo khoa học, hài hòa, chủ động, tích cực và hiệu quả trong công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa. Không thể quay lại thời kỳ “bế quan tỏa cảng”, nhưng cũng không được phép buông lỏng, mất cảnh giác. Như đã chỉ ra ở trên, cả hai xu hướng cực đoan trong đời sống văn hóa, nhất là trong lãnh đạo và quản lý văn hóa, đều có thể đưa tới những hậu quả khôn lường. Nếu bảo thủ, trì trệ, cực đoan, võ đoán thì sẽ xâm hại quyền và lợi ích văn hóa của cộng đồng và cá nhân bị xâm hại, làm xói mòn và hạn chế việc phát huy nguồn lực văn hóa trong phát triển bền vững. Nhưng nếu buông lỏng lãnh đạo, quản lý thì sẽ dẫn đến sự chệch hướng, hòa tan, mở đường cho tự diễn biến, tự chuyển hóa từ bên trong, thậm chí có thể dẫn đến mất nước về mặt văn hóa.

 

Thứ ba, cần xác định dứt khoát công tác đảm bảo an ninh văn hóa là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của nhiều giải pháp, trên nhiều phương diện, từ chính trị, hành chính, kinh tế, giáo dục, khoa học, v.v. nhưng giữ vai trò chủ đạo vẫn phải là các giải pháp văn hóa, của lĩnh vực văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt của dân tộc và là một nguồn nội lực cho sự phát triển, hơn nữa văn hóa lại không tồn tại độc lập, bên ngoài con người và các hoạt động của con người. Văn hóa thẩm thấu vào các phương diện của xã hội và vào tất cả các hoạt động của con người. Cho nên, đảm bảo an ninh văn hóa là trách nhiệm của toàn dân, cần có sự chung tay góp sức của toàn dân, của tất cả các ngành, các cấp. Song, văn hóa lại có đặc thù riêng, cho nên đảm bảo an ninh văn hóa phải xuất phát từ văn hóa và bằng các giải pháp văn hóa, nguồn lực văn hóa là chủ yếu.

 

3.2. Về giải pháp

 

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ mục đích, phương hướng và nhiệm vụ của sự nghiệp chấn hưng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam nhằm khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào dân tộc và khát vọng phát triển để xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu phát triển bền vững, vừa là nguồn sức mạnh nội sinh, văn hóa “phải soi đường cho quốc dân đi” trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp mới (4.0), tức là đảm bảo cho dân tộc Việt Nam không những chủ động hội nhập mà không bị hòa tan, mà còn hội nhập để tỏa sáng trong thế giới hiện đại. Do đó, trong công cuộc đảm bảo an ninh văn hóa, cần thiết phải triển khai thành công một số giải pháp chủ đạo sau đây:

 

3.2.1. Đảm bảo an ninh văn hóa bằng sự lãnh đạo và quản lý văn hóa khoa học và chuyên nghiệp

 

Toàn bộ công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa phải được đổi mới trên cơ sở nhận thức khoa học, đúng đắn về cấu trúc của nền văn hóa dân tộc. Cho đến nay, tư duy văn hóa của chúng ta chủ yếu mới khám phá văn hóa theo chiều phẳng ngang (horizontal dimension), do đó mới chỉ nhận thấy sự phân biệt giữa văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần hay văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Và do vậy, công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa mới chủ yếu diễn ra trên bình diện này (mà chúng ta quen gọi là “cờ, đèn, kèn, trống”, tức là đời sống văn hóa với những hoạt động văn hóa cụ thể).

 

Nhưng nếu chúng ta tiếp cận nền văn hóa theo chiều cấu trúc dọc (vertical dimension), chúng ta sẽ thấy một cấu trúc khác của nền văn hóa, có tính chất “tầng bậc” (hierarchical). Trong nhân cách văn hóa của mỗi cá nhân hay mỗi cộng đồng người, đóng vai trò nền tảng, quan trọng nhất là các giá trị (values) và hệ giá trị (value systems). Nhưng tự bản thân nó, các giá trị, ví dụ như lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, lòng nhân ái, v.v. không trực tiếp bộc lộ ra bên ngoài theo bất kỳ một hình thức nhất quán nào, mà trái lại, nó phải được chuyển tải thông qua các tiêu chí, quy phạm đạo đức (moral norms), thông qua các xu hướng hay lựa chọn lối sống (preferences of life or ways of life). Đến lượt nó, các lối sống lại phải được bộc lộ thông qua các hoạt động sống hay là các hoạt động văn hóa. Các hoạt động này lại được cấu thành bởi các hành vi, các ứng xử văn hóa.

 

Trong mô hình cấu trúc như vậy, có thể thấy hệ giá trị, đạo đức và lối sống là ba thành tố có tính nền tảng trong nhân cách văn hóa của cá nhân và cộng đồng, đồng thời là những yếu tố tương đối ổn định nhất. Trong khi đó, đời sống văn hóa và hành vi, ứng xử văn hóa là “phần nổi”, là cái được biểu hiện ra bên ngoài trong các đối thoại văn hóa liên nhân cách và trong tương tác xã hội. Hai thành tố này luôn luôn đa dạng, phong phú và dễ biến đổi nhất. Vì hai nhóm thành tố trên có vai trò, vị trí và đặc điểm khác nhau, cho nên nội dung, mục đích và phương thức lãnh đạo đối với chúng cũng khác nhau. Có nhiều phương thức và mô hình lãnh đạo khác nhau, song tựu trung lại có hai phương thức chính là gây ảnh hưởng và cưỡng chế và sự kết hợp giữa hai phương thức đó.

 

Hình 1: Lược đồ cấu trúc nền văn hóa theo chiều dọc (vertical)

 

Lãnh đạo bằng phương thức gây ảnh hưởng là phương thức mà theo đó, nhân tố lãnh đạo sử dụng các biện pháp như tuyên truyền, thuyết phục, nêu gương, v.v nhằm làm cho nhân tố được lãnh đạo thấu hiểu, tin cậy và tự nguyện làm theo những chỉ bảo, yêu cầu hay khuyến nghị của nhân tố lãnh đạo. Phương thức lãnh đạo này, một khi đã phát huy tác động thì sẽ đưa lại hiệu quả rất to lớn, tích cực và bền vững. Đối với các tầng “hệ giá trị” và “đạo đức” thì chỉ có thể lãnh đạo bằng phương thức này, tuyệt đối không được sử dụng phương thức cưỡng chế.

 

Trong khi đó, lãnh đạo bằng phương thức cưỡng chế lại là phương thức lãnh đạo được sử dụng phổ biến bởi các chủ thể quản lý. Các thành tố đời sống văn hóa và hành vi, ứng xử văn hóa cần được lãnh đạo chủ yếu theo phương thức cưỡng chế trên cơ sở có hướng dẫn và các giải pháp quản lý khác. Có thể nói đây chính là phạm vi của công tác quản lý văn hóa của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, thành tố “lối sống” lại là đối tượng cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển giữa hai phương thức tác động nói trên.

 

Sự phân biệt về tính chất và loại hình, nội dung giải pháp và các công cụ lãnh đạo và quản lý văn hóa đối với các thành tố trong cấu trúc văn hóa có ý nghĩa quan trọng. Đây chính là bí quyết để đảm bảo lãnh đạo và quản lý văn hóa khoa học, chuyên nghiệp và thành công. Việc nhầm lẫn trong việc lựa chọn phương thức lãnh đạo, quản lý để áp dụng cho từng đối tượng sẽ khiến cho công tác lãnh đạo, quản lý không đạt được hiệu quả như mong đợi, thậm chí kém hiệu quả, phản tác dụng.

 

3.2.2. Đảm bảo an ninh văn hóa thông qua phát triển thành công công nghiệp văn hóa / công nghiệp sáng tạo

 

Ngày nay, trong thế giới toàn cầu hóa với sự bùng nổ mạnh mẽ của truyền thông đa phương tiện, truyền thông công nghệ cao, tính hai mặt của công nghiệp văn hóa / công nghiệp sáng tạo càng bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Đó vừa là một lĩnh vực kinh tế sôi động, giàu tiềm năng, có thể đưa về nguồn thu nhập khổng lồ, tạo ra nhiều công ăn việc làm, lại ít gây ra ô nhiễm môi trường tự nhiên. Đó lại cũng là nơi hình thành và phát triển những đội quân hùng mạnh để tăng cường sức mạnh mềm quốc gia, đủ sức xuyên thủng mọi tuyến đường biên giới, mở rộng tầm ảnh hưởng và gia cường đáng kể năng lực cạnh tranh và chi phối của các quốc gia trên thế giới toàn cầu hóa.

 

Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam từ năm 2016, nhưng cho đến nay sự phát triển của công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn còn đang rất khó khăn, chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng.[9] Thực tế là thị trường văn hóa Việt Nam vẫn đan bị chi phối đáng kể bởi các ngành công nghiệp văn hóa / công nghiệp sáng tạo của nước ngoài. Đây chính là một trong những biểu hiện của tình hình an ninh văn hóa chưa được đảm bảo thật tốt ở nước ta hiện nay.

 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu bước đầu, phần lớn các địa phương còn lúng túng khi triển khai, nhất là chưa đặt vấn đề đảm bảo an ninh văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa / công nghiệp sáng tạo. Nhiều hiện tượng, sự cố đáng tiếc vẫn tiếp tục xảy ra, như để cho một số vật phẩm văn hóa có “đường lưỡi bò” xâm nhập vào nước ta, hiện tượng tiếp nhận xô bồ một số sản phẩm văn hóa từ nước ngoài, trong khi đó các cơ chế chính sách phục vụ cho phát triển công nghiệp văn hóa / công nghiệp sáng tạo Việt Nam thì rất chậm được đổi mới ...

 

Nếu chúng ta tiếp tục kéo dài tình hình này thì tức là chúng ta đang bỏ ngỏ thị trường văn hóa cho ngoại bang, tiếp tục “thua ngay trên sân nhà” trong cuộc cạnh tranh văn hóa toàn cầu.

 

Vậy, để phát triển tốt, hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa / công nghiệp sáng tạo Việt Nam cần có sự chung tay, góp sức, sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, quan trọng nhất là phải khơi thông những ách tắc về cơ chế; đa dạng hóa và tối đa hóa nguồn lực đầu tư, tập trung đầu tư vào những lĩnh vực, những ngành công nghiệp văn hóa/ công nghiệp sáng tạo mà Việt Nam có thế mạnh; đặc biệt tập trung, nâng cao chất lượng vốn hóa các nguồn lực văn hóa (capitalization of cultural resources) để tạo nên chuỗi giá trị gia tăng vượt trội của các sản phẩm công nghiệp văn hóa, xác lập được chuỗi phân chia lợi nhuận bền vững … Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể tạo nên bước phát triển đột phá cho công nghiệp văn hóa Việt Nam.

 

Trên cơ sở đó cần có những giải pháp để bảo vệ thị trường văn hóa quốc nội. Các cơ quan quản lý cần nâng cao năng lực để kiểm soát những sản phẩm và dịch vụ văn hóa nhập khẩu, xâm nhập vào thị trường văn hóa nước ta, nhất là qua các mạng xã hội, internet. Kiên quyết loại bỏ, trừng phạt thích đáng những tổ chức, cá nhân du nhập và truyền bá những sản phẩm văn hóa phản động, độc hại, chấm dứt tình trạng buông lỏng quản lý như hiện nay. Tiếp theo, rất cần những chương trình đầu tư về tài chính và hỗ trợ về mọi mặt để công nghiệp văn hóa Việt Nam có thể “đánh chiếm”, làm chủ được thị trường văn hóa quốc nội, từng bước vươn ra thị trường toàn cầu bằng những thế mạnh ưu trội, vốn có, để quảng bá cho đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, để hội nhập và tỏa sáng.

 

Sự nghiệp đảm bảo an ninh văn hóa nói riêng và đảm bảo an ninh quốc gia nói chung đã và đang là nhiệm vụ của toàn dân, của từng công dân Việt Nam, của tất cả những người Việt Nam yêu nước. Để mỗi người Việt Nam, dù sinh sống và làm việc ở đâu, trên cương vị nào cũng có thể là một “đại sứ văn hóa”, một “chiến sĩ an ninh văn hóa”, thì trước tiên cần phải thể chế hóa, coi đó là một trong những quyền và bổn phận của công dân, của con dân đất Việt. Đồng thời, phải không ngừng bồi bổ ý thức, bồi dưỡng năng lực bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam của các thế hệ người Việt Nam.

 

4. Kiến nghị

 

Trên cơ sở những phân tích trong bài viết này, tôi xin trân trọng kiến nghị trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài cần đặc biệt quan tâm, và quan tâm một cách thiết thực, hiệu quả đối với vấn đề an ninh văn hóa. Cụ thể như sau:

 

Một là, phải xem an ninh văn hóa như một hợp phần của an ninh quốc gia, gắn chặt với sự an nguy của chế độ, với vận mệnh và tương lai của dân tộc, của quốc gia. Cho nên, xét từ phương diện an ninh văn hóa, việc tổ chức, triển khai ngay và có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia này là vô cùng cấp thiết, đặc biệt quan trọng, không thể có lựa chọn khác.

 

Hai là, an ninh văn hóa không thể tự nó tách rời khỏi các nội dung khác mà đồng hành, thẩm thấu vào các nội dung, nhiệm vụ của sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa:

 

Về thể chế, đó là sự hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để tạo hành lang pháp lý an toàn, bền vững cho toàn bộ sự nghiệp văn hóa; là sự đảm bảo quyền và phúc lợi văn hóa của tất cả các tầng lớp, các nhóm, các cộng đồng và cá nhân; là sự bình đẳng văn hóa và sự nghiêm cấm, ngăn ngừa các loại kỳ thị văn hóa; là pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; là sự bảo hộ của quốc gia đối với quốc kỳ, quốc ca, ngôn ngữ, danh dự và các biểu tượng, các giá trị văn hóa thiêng liêng của dân tộc; đó còn là sự khai thông, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật đảm bảo cho sự phát triển hiệu quả nhất của công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo Việt Nam …

 

Về kinh tế, đó là đa dạng hóa, huy động tối đa, đầu tư có hiệu quả để đảm bảo cho công nghiệp văn hóa / công nghiệp sáng tạo Việt Nam phát triển hiệu quả và bền vững. Chỉ có như thế chúng ta mới vun bồi và phát huy được sức mạnh mềm quốc gia; tạo ra nguồn xung lực để giành lại thị trường văn hóa quốc nội và từng bước lan tỏa, hội nhập thành công ở khu vực và trên thế giới. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể đảm bảo an ninh văn hóa cho đất nước chủ động, từ sớm, từ xa và có hiệu quả.

 

Về xã hội, cần đặc biệt chú trọng đến việc đầu tư để giúp cho các tầng lớp nhân dân hiểu và làm được như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946): “Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình là biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng.”[10] Tức là phải vun bồi năng lực văn hóa của nhân dân, nhất là thu hẹp khoảng cách và mức độ, điều kiện thụ hưởng phúc lợi văn hóa giữa các nhóm, cá nhân và cộng đồng người Việt Nam, phải “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”; “phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ”; “Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự do, độc lập.”[11].

 

GS.TS. Phạm Hồng Tung
Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN

 

Tài liệu tham khảo

Báo Cứu quốc, số 416, ngày 25-11-1946.

Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

https://nhandan.vn/cuong-than-tuong-mot-hien-tuong-xa-hoi-dang-lo-ngai-post231263.html. Truy cập ngày 24/3/2023.

https://www.notredame.edu.au/majarlin/about/cultural-security#:~:text=Cultural%20security%20is%20a%20philosophy,unique%20cultural%20needs%20and%20differences. Truy cập ngày 22/3/2023.

https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa/vai-tro-cua-cong-nghiep-van-hoa-doi-voi-nen-kinh-te-quoc-dan-va-su-phat-trien-cua-nen-van-hoa-viet-nam-trong-140214. Truy cập ngày 3/9/2023.

Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

Nguyễn An Ninh (1996), “Lý tưởng của thanh niên An Nam”. Nguyễn An Tịnh sưu tầm và dịch, in trong: Nguyễn An Tịnh, Nguyễn An Ninh, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

Phan Huy Lê (chủ biên) (2012), Lịch sử Thăng Long Hà Nội, tập 1, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

Souder, Laura M. Torres, “what is cultural sovereignty”, in: The Guam Daily Post, Aug 15, 2021 Updated Sep 14, 2021. https://www.postguam.com/forum/featured_columnists/what-is-cultural-sovereignty/article_567e20fe-fbf0-11eb-aca5-6b70cecf7753.html#:~:text=Cultural%20sovereignty%20is%20a%20state,customs%20with%20pride%20and%20legitimacy. Truy cập ngày 23/3.2023.

Tạ Ngọc Liễn (chủ biên) (2013), Lịch sử Việt Nam tập 3 (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1909 QĐ/TTg ngày 12/11/2021 về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.



[1] Trong giới nghiên cứu, thuật ngữ “cultural infrastructure” có thể được hiểu theo hai nghĩa khác nhau. Thông thường, thuật ngữ này được sử dụng để chỉ “cơ sở hạ tầng văn hóa” bao gồm các thiết chế hữu hình cơ bản, như các tòa nhà, các công trình kiến trúc và các quảng trường vv nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, như nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện, khu triển lãm vv. Còn trong các công trình nghiên cứu về lịch sử văn hóa và giao lưu văn hóa thì khái niệm “cultural infrastructure” lại được sử dụng để chỉ những yếu tố cơ bản, nguyên sơ kiến tạo nên bệ đỡ cho toàn bộ nền văn hóa của một cộng đồng hay một dân tộc. Ở đây chúng tôi sử dụng theo nghĩa này và trong tiếng Việt được biểu đạt bằng cụm tư “cơ tầng văn hóa”.

[2] “Đại Ngu” là quốc hiệu của nước ta thời nhà Hồ (1400-1407).

[3] Tạ Ngọc Liễn (chủ biên, 2013), Lịch sử Việt Nam tập 3 (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 64, 74-75.

[4] Phan Huy Lê (chủ biên, 2012), Lịch sử Thăng Long Hà Nội, tập 1, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, tr.924-927.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 2.

[6] Nguyễn An Ninh (1996), “Lý tưởng của thanh niên An Nam”. Nguyễn An Tịnh sưu tầm và dịch, in trong: Nguyễn An Tịnh, Nguyễn An Ninh, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, tr.81.

[8] Souder, Laura M. Torres, “what is cultural sovereignty”, in: The Guam Daily Post, Aug 15, 2021 Updated Sep 14, 2021. https://www.postguam.com/forum/featured_columnists/what-is-cultural-sovereignty/article_567e20fe-fbf0-11eb-aca5-6b70cecf7753.html#:~:text=Cultural%20sovereignty%20is%20a%20state,customs%20with%20pride%20and%20legitimacy. Truy cập ngày 23/3.2023.

[9] Năm 2019 đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa chiếm khoảng 3,61% GDP của cả nước. Xem: https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa/vai-tro-cua-cong-nghiep-van-hoa-doi-voi-nen-kinh-te-quoc-dan-va-su-phat-trien-cua-nen-van-hoa-viet-nam-trong-140214. Truy cập ngày 3/9/2023.

[10] Dẫn theo báo Cứu quốc, số 416, ngày 25-11-1946.

[11] Dẫn theo báo Cứu quốc, số 416, ngày 25-11-1946.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết