Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ta hiện nay

Ngày phát hành: 01/04/2021 Lượt xem 22387


 

I. Sự cần thiết phải khẳng định cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước

1. Một số khái niệm

Theo Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý (Chủ biên), Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, 1998:

Cơ đồ: sự nghiệp lớn lao: xây dựng cơ đồ. Cơ nghiệp: (1) Tài sản có được trong quá trình gây dựng, để làm cơ sở tạo lập cuộc sống. (2) Cơ đồ, sự nghiệp lớn lao. Cơ ngơi: (1) Toàn bộ vật chất có được bao gồm nhà cửa, đất đai và các tài sản khác. (2) Tình hình đang chuyển biến rõ.

Tiềm lực: Lực lượng tiềm tàng, khả năng lớn chưa được sử dụng, chưa được thể hiện ra: tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự,... Tiềm năng: Năng lực tiềm ẩn chưa được khai thác.

Vị thế: Vị trí, địa vị, về mặt có vai trò ảnh hưởng đến những mối quan hệ trong xã hội.

Uy tín: Sự tín nhiệm, tin yêu, mến phục của mọi người. Uy thế: Thế mạnh do quyền lực tạo nên.

2. Cha, ông ta, Đảng ta đã luôn khẳng định cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam

Năm 968, sau khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 xứ quân lên ngôi Đinh Tiên Hoàng Đế, tuyên bố thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên tại Việt Nam.

Lý Thường Kiệt tuyên bố: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở. Rành rành định phận tại sách trời”. Đây là áng tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Đầu thế kỷ XV Nguyễn Trãi viết bản tuyên ngôn hùng tráng Binh Ngô đại cáo sau chiến thắng chống giặc Minh: “Như nước Đại Việt ta từ trước. Vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Núi sông, bờ cõi đã chia. Phong tục Bắc Nam cũng khác”.

Đánh giá ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chẳng những giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nước thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào, với toàn thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ  nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam.

Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 80 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn nhiều”[1].

Đại hội XI của Đảng (2011) đánh giá: “Những thành tựu đạt được trong 20 năm thực hiện Cương lĩnh là to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước bước đầu thực hiện thành công công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển, bộ mặt của đất nước và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi; sức mạnh về mọi mặt được tăng cường, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới”[2].

Đại hội XII của Đảng (2016) đánh giá: “Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”[3].

 

 

II. Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay

Đại hội XIII của Đảng (2021) đánh giá: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay[4].

1. Cơ đồ của đất nước

1.1. Về kinh tế

(1) Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng khá cao; chất lượng được cải thiện, quy mô của nền kinh tế tăng lên

Từ 1975 đến giữa thập niên 1980 tăng trưởng kinh tế thấp và thậm chí không phát triển. Nền kinh tế không có tích lũy. Lạm phát hoành hành. Năm 1986, lạm phát đạt đỉnh cao: 774,7%. Đời sống nhân dân hết sức khó khăn, thiếu thốn.

Từ khi tiến hành đổi mới, kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển. Giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), tăng trưởng bình quân 4,4%/năm. Giai đoạn 1991-2000: tăng trưởng bình quân 7,6%/năm. Giai đoạn 2001-2010: 7,26%. Giai đoạn 2011-2020: gần 6%.

- Quy mô nền kinh tế tăng lên: Năm 1955: 6,3 tỷ USD, 1986: 26,88 tỷ USD, 2020: 271,2 tỷ USD (Theo đánh giá lại quy mô nền kinh tế của Tổng cục Thống kê, năm 2020: 343,6 tỷ USD).

Thu nhập bình quân đầu người: 1945: 80 USD, 1975: 80 USD, 1985: 159 USD, 1990: 182 USD, 2020: 2.779 USD (Theo đánh giá lại của Tổng cục Thống kê: 3.521 USD).

Năng suất lao động tăng từ 4,3% giai đoạn 2011-2015 lên 6,8% giai đoạn 2016-2020. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng nhanh, xếp thứ 67/141 nền kinh tế (năm 2019).

Cơ cấu kinh tế chuyển mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ trong GDP từ 82,6% (2015) lên 84,8% (2020).

Công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân, ước tính đóng góp khoảng 28,2% GDP vào năm 2020. Tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh, ngành khai khoáng giảm xuống. Tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp đã được cải thiện rõ rệt.

Hệ thống kết cấu hạ tầng được tập trung xây dựng đồng bộ với một số công trình hiện đại, nhất là hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, khai thác sử dụng khoảng 1.200 km đường cao tốc, 6.000 km quốc lộ, 22 sân bay dân dụng. Hạ tầng năng lượng phát triển nhanh (nhiều công trình lớn trên 1.000 MW được hoàn thành và đưa vào sử dụng như thủy điện Sơn La, Lai Châu, nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và 4, Mông Dương 1 và 2, Vũng Áng 1, Duyên hải 1 và 3...). Hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển mạnh, đã phủ sóng thông tin di động đến 98% người dân với công nghệ hiện đại, tốc độ kết nối internet trung bình đạt 9,5 Mb/s, xếp hạng 58 thế giới (2018). Tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 gần 40%.

Nông nghiệp phát triển sản xuất hàng hóa công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Nông sản Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 160 quốc gia, khoảng 40 loại rau quả của Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều mặt hàng (gạo, cà phê, hạt điều, hải sản, các loại quả như vải, xoài, chanh leo, bưởi, dưa, thanh long,...) được xuất khẩu sang các thị trường lớn yêu cầu cao như EU, Hoa Kỳ, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada... Hơn 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 173 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngành dịch vụ có những bước tiến vượt bậc, chất lượng và khả năng cạnh tranh ngày càng cao. Tỷ trọng khu vực dịch vụ đạt khoảng 42% GDP năm 2019. Các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, hàm lượng khoa học công nghệ cao (công nghệ thông tin, truyền thông, vận tải, logistic, tài chính, ngân hàng...) được tập trung phát triển; trong đó có một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin có bước phát triển mạnh.

- Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Tháng 7/1995: Việt Nam chính thức trở thành thành viên ASEAN. Tháng 7/1995: Việt Nam chính thức trở thành thành viên ASEM. Tháng 11/1998: Việt Nam chính thức trở thành thành viên APEC. Tháng 01/2007: Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO.

Việt Nam đã tham gia đàm phán ký kết 16 FTA, trong đó 13 FTA đã có hiệu lực.

Việt Nam đã và đang dần trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập toàn diện nhất thế giới qua các cấp độ (song phương, đa phương, khu vực) và theo các hình thức và khung khổ khác nhau (đối tác chiến lược, hiệp định, diễn đàn (APEC, ASEM...), tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)). Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký kết gần 100 hiệp định thương mại song phương.

Việt Nam đã dần dịch chuyển từ quốc gia tham gia hội nhập thành quốc gia cùng định hình tiến trình hội nhập bằng việc chủ động trong đàm phán với các nước khác để hình thành các khu vực thương mại tự do. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Việt Nam đã ký kết và thông qua nhiều FTA thế hệ mới ở phạm vi và mức độ cam kết sâu rộng hơn so với các FTA thế hệ cũ, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

- Kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng mạnh: Năm 1945: 40,5 triệu USD; 1975: 914,2 triệu USD; 1985: 2.451,7 triệu USD, 1990: 5.156,4 triệu USD, 2020: 551,5 tỷ USD.

- Vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh: 1985: 37 tỷ đồng, 1990: 7.581 tỷ đồng. Giai đoạn 2011-2020 đạt gần 15,7 triệu tỷ đồng (tương đương 673 tỷ USD). Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước trong nước chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng đầu tư xã hội, tăng từ 36,1% (2010) lên 44,9% (2020). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng mạnh: 1990: 108 dự án, số vốn đăng ký: 839 tỷ USD, số vốn thực hiện: 408 tỷ USD; 2020: 32.539 dự án, số vốn đăng ký: 381,2 tỷ đồng, số vốn thực hiện: 223,1 tỷ USD.

1.2. Về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

(1) Giáo dục và đào tạo

Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Việt Nam đã đạt kết quả tích cực trong công tác giáo dục phổ cập và xóa mù chữ. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt phổ cập trung học cơ sở và đạt chuẩn phổ thông giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2025. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-60 là 97,65% cơ bản đạt được mục tiêu của đề án xóa mù chữ đến năm 2020 là 98% (sau Cách mạng Tháng Tám 95% người mù chữ). Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% (năm 2015) lên khoảng 65% (năm 2020); tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ tăng từ 20,3% (2015) lên 24% (2019).

Hiện có khoảng 700 trường đại học, học viện và trường cao đẳng. Tổng số giảng viên khoảng 75.000 người, trong đó hơn 700 giáo sư, hơn 4.500 phó giáo sư, hơn 20.000 tiến sĩ, hơn 44.000 thạc sĩ.

Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên, được quốc tế ghi nhận.

Hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo được mở rộng. Đến 31/12/2019 Việt Nam đã có 525 dự án đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài với số vốn gần 4,4 tỷ USD; có khoảng 400 chương trình liên kết đào tạo với hơn 30 quốc gia trên thế giới và nhiều chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, cử nhân tài năng, chương trình giáo dục - đào tạo tiên tiến trên thế giới. Đại học Bách khoa Hà Nội lọt top đại học trong “độ tuổi vàng” tốt nhất thế giới. 3 trường: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh lọt top 500 đại học tốt nhất châu Á.

(2) Về khoa học - công nghệ

Hiện nay, khoa học và công nghệ tiếp tục có những bước tiến quan trọng, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam đã có quan hệ hợp tác về khoa học và công nghệ với hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên của hơn 100 tổ chức quốc tế và khu vực về khoa học - công nghệ.

(3) Hạ tầng thông tin được mở rộng với 6 tuyến cáp quang biển quốc tế; gần 297.000 trạm thu phát sóng di động 36,44. Sóng di động phủ tới 99,7% dân số; là một trong những nước đầu tiên thử nghiệm công nghệ 5G...

Việt Nam đang thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia với ba trụ cột chính là xây dựng và phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Kinh tế số của Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển năng động, với mức tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á (đã vượt Singapore và Indonesia) chiếm 4% tổng GDP (2018).

1.3. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân

 (1) An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm tốt hơn

Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 70% (1990) xuống còn 3% (2020). Tham gia bảo hiểm xã hội chiếm 31,9% lực lượng lao động xã hội. Tham gia bảo hiểm thất nghiệp 27,2%. Môi trường sống của người dân được cải thiện. Thu nhập liên tục tăng: 35 USD/ngày (1945), 159 USD (1985) lên 2.779 (2020)[5].

(2) Lĩnh vực y tế đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân cả về vật chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống

Tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân tăng từ 3,5 người (1990) lên 9 người (2020). Số giường bệnh trên 1 vạn dân từ 21,9 giường bệnh (2010) lên 28 (2020). Tuổi thọ trung bình từ 72,9 tuổi (2010) lên 73,7 (2020). Chỉ số phát triển con người (HDI) hiện xếp 110/189 nước (2019).

1.4. Củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ vững an toàn xã hội

75 năm năm qua, nhất là trong 35 năm đổi mới, thành tựu quan trọng nhất là đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh quốc gia. Hoạch định biên giới với 3 nước láng giềng (4.550 km); phân định Vịnh Bắc Bộ. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, trách nhiệm, từng bước hiện đại.

1.5. Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được coi trọng. Năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng ngày càng được nâng lên. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước ngày càng tốt hơn. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động.

 

                                               Một góc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

 

2. Tiềm lực của đất nước

2.1. Tiềm lực kinh tế

Công nghiệp: Số doanh nghiệp tăng nhanh. Từ 2015-2019, hơn 601,2 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới (tăng bình quân 13,1%) . Hiện có 1,4 triệu doanh nghiệp. Đã hình thành một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế. Một số doanh nghiệp công nghiệp trong nước có năng lực cạnh tranh tốt (các Tập đoàn VinGroup, Trường Hải, Thành Công trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô; Vinamilk, TH True Milk trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm; Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình Minh, Công ty thép Pomina, Công ty cổ phần thép Nam Kim trong lĩnh vực sắt thép, kim khí...).

Nông nghiệp: có hơn 52.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Nông nghiệp công nghệ cao đang phát triển mạnh.

Du lịch, dịch vụ: Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng về du lịch, hiện đã trở thành một địa điểm du lịch hàng đầu của khu vực, rất được chú ý trên thế giới. Việt Nam có 39 di sản được UNESCO ghi nhận (8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 12 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới và 3 công viên địa chất toàn cầu); 363 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 191 hiện vật và nhóm hiên vật được công nhận bảo vật quốc gia; 3.528 di tích quốc gia; 122 di tích quốc gia đặc biệt; 175 bảo tàng thường xuyên lưu giữ và trưng bày hơn 3 triệu tài liệu hiện vật. Du khách quốc tế đến Việt Nam tăng từ 8 triệu lượt (2015) lên 18% (2019). Năm 2019, du lịch Việt Nam được vinh danh, trao tặng nhiều giải thưởng danh giá của du lịch thế giới, như “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2019”, “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới năm 2019”, “Điểm đến hàng đầu châu Á năm 2019”, “Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á năm 2019”, “Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á năm 2019”, v.v...

2.2. Tiềm lực khoa học và công nghệ

Tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước được tăng cường. Hiện nay, cả nước đã có hơn 4.000 tổ chức khoa học và công nghệ, ba khu công nghệ cao quốc gia, 13 khu nông nghiệp ứng dụng cao, 8 khu công nghệ thông tin tập trung và gần 67.000 cán bộ nghiên cứu. Hạ tầng nghiên cứu một số lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, hóa dầu, vật liệu, năng lượng tự động hóa, nanô, công nghệ tính toán, y học được tăng cường. Việt Nam liên tục thăng hạng về Chỉ số đổi mới sáng tạo năng lượng toàn cầu. Năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia nền kinh tế, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN (sau Singapore và Malaysia).

2.3. Tiềm lực con người

Dân số năm 1945: hơn 22 triệu, 1975: hơn 47,6 triệu, 1985: gần 60 triệu, 2020: 97,58 triệu, trong đó có 54,61 triệu lao động. Số có trình độ đại học trở lên hơn 6 triệu.

Có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 500.000 người có trình độ đại học trở lên, nhiều người là kỹ sư, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, tài chính và một số đã tham gia hệ thống chính trị của các nước. Hằng năm, có khoảng 400 - 500 lượt chuyên gia, trí thức trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ ở Việt Nam. Có gần 3.000 doanh nghiệp của kiều bào từ Hoa Kỳ, Canada, Australia, Nga, Pháp, Séc, Hà Lan,... đang hoạt động tại 50/63 tỉnh, thành phố với số vốn 4 tỷ USD. Lượng kiều hối gửi về nước tăng qua các năm. 10 năm qua lên tới 112 tỷ USD.

2.4. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường

- Quân đội

Năm 1944: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân có 34 cán bộ, chiến sĩ. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (1945) quân số lực lượng Vệ quốc đoàn (tên gọi trước đây của Quân đội nhân dân Việt Nam) chỉ khoảng 50.000 người. Đến nay Quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm bộ đội chủ lực (lục quân, phòng không, không quân, hải quân, biên phòng, bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng, cục giữ gìn hòa bình Việt Nam); bộ đội địa phương; các quân khu, quân đoàn, binh chủng; hệ thống các đơn vị bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, nhà trường, viện nghiên cứu và các đơn vị kinh tế - quốc phòng.

- Công an:

Lực lượng công an được tổ chức chính quy, chặt chẽ, phân cấp từ Trung ương ® tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ® huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ® xã, phường, thị trấn. Các cục, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, đầu tư, nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh, tăng cường sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng, nhất là các địa bàn trọng điểm; mua sắm trang thiết bị, vũ khí hiện đại, chủ động nghiên cứu phát triển trang bị, vũ khí công nghệ cao.

 

3. Vị thế của Việt Nam

3.1. Việt Nam ngày càng có vị thế quan trọng trong các tổ chức quốc tế

Đầu những năm 1950, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN.

- Từ 1951-1975: Việt Nam ở vào tình thế vô cùng khó khăn khi kinh tế và xã hội bị ảnh hưởng nặng nề sau những năm chiến tranh tàn khốc và sự bao vây, cô lập, cấm vận của Hoa Kỳ và phương Tây. Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước (năm 1975 Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 90 nước).

- Từ năm 1976-1995: Ngày 20/9/1977, Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc. Tháng 11/1991: Việt Nam và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Tháng 7/1995: Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ 1995 đến nay, Việt Nam đã tham gia sáng lập ASEM (1996), tham gia APEC (1998), gia nhập WTO (2006); hai lần đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Bảo an Liên hợp quốc (các nhiệm kỳ 2003-2004 và 2020-2021). Đến nay Việt Nam đã thiết lập ngoại giao với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước, đối tác toàn diện với 13 nước, trong đó có tất cả năm nước Ủy viên Thường trực Liên hợp quốc.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam có nhiều đóng góp hiệu quả và đảm nhiệm thành công vai trò chủ chốt tại các tổ chức và diễn đàn, đặc biệt là Liên hợp quốc, ASEAN. Có nhiều đóng góp tích cực trong việc tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn, nhất là vị trí nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao Pháp ngữ (1997), ASEAN (1998, 2010, 2020), ASEM (2005), APEC (2006, 2007)... Việt Nam cũng chủ động đưa ra nhiều ý tưởng, sáng tạo ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, nhất là ASEAN, ASEM, APEC, Liên hợp quốc, nhóm các nước G7, G20,... Việt Nam cũng trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

3.2. Vị thế quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước được nâng cao

Các đảng, các nước (kể cả các nước từng có quan hệ thù địch trước đây với Việt Nam như Hoa Kỳ, Anh, Pháp...) đều tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Các chuyến thăm nước ngoài của Tổng Bí thư Đảng ta đều được các nước, các đảng hết sức coi trọng, tiếp đón với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất, người đứng đầu chính thể Việt Nam.

Các đảng, các nước, không phân biệt hệ thống chính trị, khuynh hướng chính trị, nhận thức rất rõ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đều mong muốn củng cố và mở rộng quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát triển quan hệ ở nhiều mức độ khác nhau với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, trong đó 96 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 28 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính. Các đảng, các nước, các đối tác đánh giá đóng góp của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nhiều mặt. Năm 2016, Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu đăng cai tổ chức IMWCP lần thứ 18 tại Hà Nội với sự tham gia của 57 đảng công nhân và công nhân đến từ 48 nước.

3.3. Hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh đi vào chiều sâu, hiệu quả

Hội nhập về quốc phòng, an ninh đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

- Về quốc phòng: Tháng 6/2014, Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc. Tính đến 8/2020, Việt Nam đã cử 50 lượt sĩ quan tham gia các phái bộ giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan; đã tổ chức triển khai 2 bệnh viện dã chiến cấp 2, mỗi bệnh viện gồm 63 quân nhân. Có 2 sĩ quan đã trúng tuyển và được lựa chọn vào làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc và Cơ quan phái bộ tại Cộng hòa Trung Phi.

- Về an ninh: Công an nhân dân Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 141 cơ quan công an, cảnh sát, nội vụ của 62 quốc gia, vùng lãnh thổ. Là thành viên của 18 tổ chức, 13 diễn đàn, 12 cơ chế hợp tác khu vực. Hợp tác đầy đủ với 194 quốc gia thành viên tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). Việt Nam tăng cường và mở rộng hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế cả song phương và đa phương, trong đó tập trung vào các nội dung: Đối thoại an ninh, hợp tác trao đổi thông tin, phối hợp bảo đảm an ninh biên giới; tăng cường hợp tác huấn luyện, đào tạo với Hoa Kỳ, Nga, Australia, Ấn Độ, Singapore,... hợp tác điều tra và hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Cảnh sát quốc tế với Nhật Bản, Hàn Quốc; tích cực phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao, an ninh mạng chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia...

 

 

4. Uy tín của Việt Nam

4.1. Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế

Sự chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam trong 35 năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Hai tiếng “Viet Nam” từ chỗ từng gắn với “Vietnam war” (Chiến tranh ở Việt Nam) đã chuyển sang “Vietnam Renewal” (Công cuộc đổi mới ở Việt Nam) hay “Vietnam Reforms” (Công cuộc cải cách của Việt Nam). Thậm chí, “đổi mới” đã đi vào kho từ vựng quốc tế.

(1) Dư luận quốc tế đánh giá cao vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt chiều dài xây dựng, bảo vệ, phát triển và nâng cao vị thế đất nước

Uy tín, vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế. Đại hội XII có 252 điện mừng. Đại hội XIII có 369 điện mừng. Hơn 90 điện chúc mừng của các đảng nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nội dung các điện mừng đánh giá cao vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đảng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và những tình cảm nồng ấm đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện sự theo dõi sát sao từng bước tiến của Đảng trong lịch sử cũng như sự lãnh đạo đất nước và công cuộc đổi mới. Chẳng hạn, Đảng Cộng sản lao động Dominicana: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng huyền thoại và anh hùng”. Đảng Cộng sản Trung Quốc: “Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân lãnh đạo sự nghiệp CNXH và đổi mới của Việt Nam... đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện giải phóng dân tộc và thống nhất nước, đồng thời giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng CNXH phù hợp với tình hình đất nước Việt Nam”...

Các đảng khẳng định sự đóng góp của Đảng, đất nước Việt Nam đối với thế giới. Chẳng hạn, Đảng Cộng sản Nhật Bản: “Cuộc đấu tranh anh hùng, thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do đã góp phần to lớn vào việc xây dựng hòa bình ở châu Á và thế giới”. Đảng Tiến bộ của nhân dân lao động Síp: “Chúng tôi đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc nâng cao các nguyên tắc cơ bản thúc đẩy hòa bình thế giới, độc lập dân tộc và chủ quyền của các dân tộc”.

(2) Dư luận quốc tế ca ngợi Việt Nam đặt quyền lợi người dân lên hàng đầu

BBC News: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động trách nhiệm và đặt người dân làm mối quan tâm hàng đầu”. Tờ The Diplomat: “Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống người dân lên hàng đầu”.

4.2 Quốc tế đánh giá sức mạnh tổng hợp của Việt Nam

- Về sức mạnh kinh tế: Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 của WEF, Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong mức trên của bảng xếp hạng thế giới, xếp 67/141 nền kinh tế. Theo Báo cáo Doing Bussiness 219 của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp 69/190 nền kinh tế. Dự báo về tình hình phát triển kinh tế trong thời gian tới. Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,8% vào năm 2030. Cuốn sách “Cường quốc trong tương lai” xuất bản cuối năm 2019 của chính khách Nhật Bản Hamada Kazuyuki dự báo: Năm 2026: Việt Nam nhảy vọt thành cường quốc kinh tế số; năm 2030: GDP của Việt Nam bứt phá mới: 10.000 USD; năm 2048: Việt Nam lọt vào top 20 thế giới về quy mô kinh tế.

- Về sức mạnh đối ngoại: Thế giới đánh giá Việt Nam đang dần trở thành “một ngôi sao sáng”.

- Về sức mạnh quân sự, an ninh quốc gia: Chuyên gia quốc tế đánh giá quân đội Việt Nam là một trong những lực lượng quân sự giàu kinh nghiệm nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng quân sự thế giới của trang Global Firepower năm 2020, Việt Nam đứng 22/138 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, riêng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã vững vàng ở vị trí thứ 2 chỉ sau Indonesia.

                                                                                           *  *

Việc xác định cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước hiện nay có ý nghĩa rất sâu sắc và quan trọng. Báo cáo chính trị Đại hội XIII xác định: “Đây là niềm tự hào, là động lực; nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững đất nước”[6].

 

PGS.TS Nguyễn Viết Thông

            Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận TW

 

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.CTQG, HN, 2011, tr.63-64.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.CTQG, HN, 2011, tr.177.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.CTQG, HN, 2016, tr.65.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQG, HN, 2021, tập 1, tr.103-104.

[5] Theo tính toán lại của Tổng cục Thống kê là 3.521 USD.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H, 2021, tập 1, tr.104.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết