Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Đấu tranh chống tham nhũng không khoan nhượng- một quyết tâm chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam

Ngày phát hành: 10/11/2018 Lượt xem 2200

 

1.Tham nhũng, suy thoái không phải là bản chất của Đảng cộng sản Việt Nam

   Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời luôn mang trong mình bản chất cách mạng và khoa học, với mục tiêu xây dựng dân tộc đoàn kết, đất nước thống nhất phồn vinh, phát triển, tiến bộ và công bằng xã hội vì hạnh phúc của nhân dân.

Theo Hiến pháp Đảng cộng sản Việt nam không những là Đảng của giai cấp công nhân mà còn là Đảng của nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Do có vị trí, vai trò đặc biệt đối với toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam cho nên Đảng Cộng sản Việt Nam được Nhân dân Việt Nam coi là lực lượng lãnh đạo tối cao và duy nhất. Đảng luôn luôn gắn bó mật thiết với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc trong tất cả các thời kỳ của cách mạng. Sự ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam là phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, vì Đảng không có mục đích tự thân, ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, lợi ích của toàn dân tộc, Tổ quốc Việt Nam, lợi ích của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Đảng là duy nhất, không đại diện cho một phe phái, lực lượng chính trị, lực lượng kinh tế riêng. Vì thế Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích chung, do đó tham nhũng, suy thoái không phải là bản chất của Đảng cộng sản Việt Nam. Quan điểm của các thế lực thù địch cho rằng “Đảng Cộng sản Viêt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công vì Đảng cũng tham nhũng, suy thoái” là luận điệu chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẻ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân. Bởi vì, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tính quyết định hàng đầu từ sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam đã được thực tế lịch sử chứng minh, không có một tổ chức chính trị nào có thể thay thế. Mọi mưu toan nhằm hạ thấp hoặc nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đều xuyên tạc thực tế lịch sử cách mạng dân tộc ta, trái với mặt lý luận và thực tiễn, đều đi ngược lại xu thế phát triển của xã hội Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng ta đã chỉ rõ, bản chất của Đảng không thay đổi. Khi có chính quyền trong tay, một vấn đề mới cực kỳ to lớn, cũng là thử thách hết sức nặng nề của Đảng là người đảng viên cộng sản không được lãng quên nhiệm vụ, mục đích của mình, phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân: trên thực tế, đã có một số cán bộ, đảng viên từ chỗ là “công bộc của dân” đã bị thoái hóa biến chất, trở thành "quan cách mạng". Nhưng với Chủ tịch Hồ Chí Minh "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" là bản chất và mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, đồng thời là mục tiêu phấn đấu của Đảng và Nhân dân. Đó là điểm xuất phát để xây dựng Đảng ta làm tròn nhiệm vụ, xứng đáng với danh hiệu "Đảng cầm quyền". Người nói: Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân. Đó là mục đích, lý tưởng cao cả không bao giờ thay đổi trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người còn chỉ rõ: "Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới". Khi trở thành Đảng cầm quyền, mục đích, lý tưởng đó không những không thay đổi mà còn có thêm những điều kiện và sức mạnh nhằm hiện thực hóa mục đích, lý tưởng ấy.

Đảng cầm quyền vừa là người lãnh đạo, vừa là người “đầy tớ trung thành” của Nhân dân. Quan điểm này của Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền là sự vận dụng, phát triển hết sức sáng tạo lý luận Mác - Lênin về đảng vô sản kiểu mới vào điều kiện Việt Nam, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

2.Thắng lợi của Đảng là giành được lòng dân

Đảng Cộng sản Việt Nam "là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân". Xác định "người lãnh đạo" là xác định quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng đối với toàn bộ xã hội và khi có chính quyền, Đảng lãnh đạo chính quyền Nhà nước. Đối tượng lãnh đạo của Đảng là toàn thể quần chúng nhân dân trong toàn dân tộc, nhằm đem lại độc lập cho dân tộc, tự do, ấm no và hạnh phúc cho Nhân dân mà trước hết là quần chúng nhân dân lao động. Nhưng muốn lãnh đạo được nhân dân lao động, trước hết Đảng phải có tư cách, phẩm chất, năng lực cần thiết. Vì "Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”"chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo":. Điều đó cho thấy, Đảng không giành địa vị lãnh đạo bằng bạo lực, cũng không dựa vào ưu thế là lực lượng nòng cốt ưu tú của dân tộc mà bằng phẩm chất cao quý, sự hy sinh phấn đấu vì nước, vì dân. Thắng lợi của Đảng là giành được lòng dân qua đấu tranh gian khổ chiến thắng kẻ thù dân tộc và chiến thắng ngay những tiêu cực trong Đảng mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, mỗi cán bộ đảng viên phải đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân, vượt lên bản ngã, phải có đức tính “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí Công, Vô Tư”. Công tác phòng chống tham nhũng được Đảng CSVN thực hiện rất quyết liệt, có bài bản. Với việc ban hành Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Đảng đã thực sự thể hiện thái độ “tuyên chiến” với tham nhũng. Nhằm đánh vào “gốc rễ” của tham nhũng, tiêu cực làm giảm sút lòng tin của Nhân dân, Hội nghị lần thứ tư BCHTW Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng thông qua việc ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản yêu cầu thực hiện thêm các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kê khai, kiểm soát tài sản như quản lý bản kê khai và việc sử dụng, khai thác dữ liệu bản kê khai nhằm phát hiện tham nhũng;Thông báo số 116-TB/BCĐTW ngày 14/5/2015 của Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng, tại phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo TW, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật PCTN năm 2005 để đáp ứng sát hơn các yêu cầu PCTN, hạn chế tình trạng tham nhũng vặt; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng yêu cầu thực hiện nhiều giải pháp về PCTN như nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng sát với thực tiễn và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt thống nhất trong quy định về hành vi tham nhũng giữa Bộ luật hình sự và Luật PCTN; hoàn thiện quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong PCTN; kiểm soát tốt tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các tổ chức xã hội; áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản; tăng thẩm quyền, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

3. Phòng chống tham nhũng đã được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị trong đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái và đổi mới để phát triển đất nước. Để thể chế hóa các quan điểm của Đảng, đưa các nghị quyết về phòng chống tham nhũng vào cuộc sống, Đảng đã lãnh đạo việc sửa, đổi Hiến pháp năm 1992 bằng Bản Hiến pháp 2013 gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Hiến pháp năm 2013 đã quy định bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người. Hiến pháp đều hướng tới Nhân dân, đảm bảo quyền và lợi ích của Nhân dân, đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước để phục vụ Nhân dân tốt hơn, bước đầu xây dựng cơ chế nhằm giảm tham ô, nhũng nhiễu người dân, đảm bảo quyền dân chủ của Nhân dân được thực hiện một cách thực chất hơn trong thực tế. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của Hiến pháp (sửa đổi) là kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 1992, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta và đã bổ sung quy định về bản chất của Đảng, đó là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”.Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng như vậy nên Nhân dân ta thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng. Hiến pháp đã bổ sung vào Điều 4 quy định về trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Hiến pháp (sửa đổi) cũng quy định một thiết chế hiến định độc lập là Kiểm toán Nhà nước phù hợp với thực tiễn hoạt động và thông lệ quốc tế. Lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp, Kiểm toán Nhà nước thể hiện vị trí, vai trò của cơ quan này, từng bước tạo sự kiểm soát độc lập việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công. Việc nâng cao vai trò Kiểm toán Nhà nước phù hợp với xu thế chung của thế giới cũng như mong muốn góp phần giảm tham nhũng, lãng phí.

Bên cạnh đó Quốc hội cũng đã thông qua Luật phòng, chống tham nhũng và nhiều đạo luật quan trọng có liên quan đến phòng, chống tham nhũng như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố cáo… Các đạo luật này đã đưa ra nhiều quy định quan trọng về công khai, minh bạch trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, đấu thầu, quản lý doanh nghiệp nhà nước; các quy định về tội phạm tham nhũng và các tội phạm về chức vụ (mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả khu vực ngoài nhà nước đối với tội tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ; hoàn thiện cấu thành của một số nhóm tội đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tham nhũng; quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân…); quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự của cơ quan, tổ chức để bảo vệ lợi ích của Nhà nước; bảo đảm quyền và khuyến khích sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận, báo chí và Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng; bảo đảm quyền của người tố cáo hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật của CBCC và viên chức nhà nước.

Kết quả đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng trong Chu trình đầu tiên đối với Chương III về hình sự hóa, thực thi pháp luật và Chương IV về hợp tác quốc tế cho thấy Việt Nam đáp ứng phần lớn các yêu cầu của Công ước, đặc biệt là các yêu cầu mang tính bắt buộc về phòng, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Tham ô, lãng phí, quan liêu là ''Giặc nội xâm'', là kẻ thù của Nhân dân. Vì tham nhũng gây nên những hậu quả khôn lường cả về mặt kinh tế, chính trị và xã hội. Năm 1945, ngay khi giành được chính quyền, Người cảnh báo nguy cơ tham nhũng và thoái hóa: ''Có những người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc độc hành độc đoán, hoặc dĩ công vi tư (lấy của chung làm của riêng) thậm chí dùng phép công để báo thù tư, làm cho dân oán đến chính phủ và đoàn thể". Người nói: "Tham ô là trộm cắp. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám. Chống tham ô, lãng phí và quan liêu như một thứ "giặc ở trong lòng". Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình". Lúc này Bác đã nghĩ đến thành lập tòa án chống tham nhũng. Tòa án có thể bắt bất cứ ai trong Chính phủ có tham nhũng.     

4. Phòng chống tham nhũng được thực thi quyết liệt ngay từ Quốc hội đầu tiên 1946 đến nay vẫn giữ nguyên giá trị

Từ chủ trương chống tham nhũng, lãng phí mà ngay trong phiên họp Quốc hội đầu tiên, Chính phủ phải ra điều trần trước Quốc hội. Trong buổi tối 31/10/1946, có 88 câu hỏi của đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ về chống hối lộ, biển thủ của công. Bác tuyên bố: ''Chính phủ hiện thời đang cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ, từ Hồ Chí Minh đến những người làm việc ở Uỷ ban là đông lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương. Nếu làm gương không xong sẽ dùng pháp luật trừng trị những kẻ ăn hối hộ, đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết" và khẳng định nguồn gốc của tham ô, lãng phí là quan liêu. Người phân tích: ''Những người lãnh đạo chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xin báo cáo trên giấy chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn vì những người và cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu, thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỹ thuật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Muốn trừ sạch tham ô, lãng phí thì phải tẩy sạch bệnh quan liêu".

 Cách nay gần 68 năm, ngày 05/9/1950 tại Chiến khu Việt Bắc diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Đó là vụ án Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ và làm nhiều điều bỉ ổi. Tại phiên toà, trước những chứng cứ đanh thép, Trần Dụ Châu đã phải cúi đầu nhận tội. Cụ thể, Châu đã lấy cắp của công quỹ một số tiền lớn: 57.959 đồng Việt Nam, 149 đô la Mỹ, các tài sản khác trị giá 143.900 đồng Việt Nam. Kết thúc phiên tòa, Trần Dụ Châu bị tuyên phạt với mức án cao nhất - tử hình.

Bản án đã nhanh chóng được báo cáo lên Hồ Chủ tịch. Sau khi cân nhắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu. Quyết định của Bác thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và đã được Nhân dân đồng lòng ủng hộ. Điều đó cũng cho thấy sự nghiêm minh và quyết tâm của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ trong việc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí. Sau vụ Trần Dụ Châu, tại phiên họp Hội đồng Chính phủ từ ngày 15 - 17/11/1950, Bác Hồ trong bài phát biểu kết luận đã căn dặn: "Lúc tìm người phải tìm cả tài, cả đức, chú trọng tư tưởng. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của dân thì không xảy ra việc đáng tiếc. Đồng thời phải giáo dục, cải tạo, kiểm tra cán bộ".

Thời gian qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng được quan tâm, nhiều “đại án” nghìn tỷ đã được đưa ra trước ánh sáng, nhiều CBCC, viên chức nhà nước, trong đó có nhiều cán bộ đảng viên giữ chức vụ cao ở trung ương và địa phương đã phải trả giá cho hành vi tham nhũng trong 12 “đại án”.1 Không chỉ quan tâm công tác phòng, chống tham nhũng về kinh tế, Đảng còn lãnh đạo quyết liệt phòng chống tham nhũng trong công tác cán bộ, “tham nhũng quyền lực” vốn đang là một “tệ nạn tư hữu hóa quyền lực công” ở Việt Nam.2 Đặc biệt, trong những ngày đầu năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một quan chức cấp rất cao, từng giữ cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị đã bị truy tố trước tòa. Điều này chứng minh cho tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, dù họ có là ai đi nữa, chức vị có cao đến mấy nhưng nếu vi phạm pháp luật, thì cũng bị tước bỏ quyền miễn trừ và bị xử phạt đúng người, đúng tội, nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. “Luật pháp bất vị thân” từ cổ chí kim luôn được coi là nguyên tắc sống còn của pháp luật, của nhà nước pháp quyền, là quyết tâm chính trị của Đảng ta và chỉ có như vậy mới có thể khiến những con sâu tham nhũng, sâu lợi ích nhóm, bè phái, cánh hẩu, hết đất sống. Đấu tranh PCTN đâu có vùng cấm, đâu có loại trừ ai, cán bộ, Đảng viên ai vi phạm đều phải xét xử công khai, minh bạch, đúng người đúng tội. Vậy thì tại sao có kẻ dám nêu vấn đề “Đảng cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái”. Chứng tỏ đó là luận điệu lạc lõng và dụng ý xấu xa cố tình bóp méo sự thật khách quan về công tác phòng chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn. Phát huy dân chủ cơ sở, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc nghiêm trọng, xã hội quan tâm; thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại hội nghị của chính phủ hôm 28/12/2017 tại Hà Nội, rằng việc chỉnh đốn Đảng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng “được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.” và kết quả: “Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu”.

Trong thực tiễn, Đảng ta đã đấu tranh chống tham nhũng một cách quyết liệt và cương quyết, không khoan nhượng, không có vùng cấm. Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế cho rằng đây là dấu hiệu tích cực đối với những nỗ lực PCTN của Nhà nước và xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đánh giá về tình hình tham nhũng, tại các văn kiện, nghị quyết của Đảng cũng như phản ánh của người dân và doanh nghiệp, thì “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng”. Gần đây nhất, ngày 26/12/2016, tại Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X đã nhận định công tác PCTN chưa đạt mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”; “Tham nhũng, lãng phí với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, đang là vấn đề thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước”. 

5. Đảng, Nhà nước đã thực hiện những quyền tự do dân chủ căn bản cho Nhân dân

Từ những quyết tâm chính trị của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn công cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay cho thấy, nếu có luận điểm cho rằng vì xã hội ta thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng thành công chỉ là sự suy diễn chủ quan với dụng ý chống phá. Bởi lẽ, Nước ta, từ khi nhà nước Dân chủ Cộng hòa ra đời, tuy còn là nước nghèo, kinh tế chậm phát triển, dân trí thấp, phải vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam, vừa xây dựng, bảo vệ miền Bắc, nhưng dưới chế độ mới, Đảng, Nhà nước đã thực hiện những quyền tự do dân chủ căn bản cho Nhân dân, tạo nên cuộc sống chính trị, tinh thần rất tốt đẹp, nhân dân ta đã không còn bị áp bức, bóc lột, thực sự làm chủ vận mệnh của mình. Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái, Đảng, Nhà nước đã ban hành cơ chế, tạo điều kiện cho các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia như chế độ tiếp dân, đường dây nóng ở các công sở hành chính sự nghiệp để Nhân dân trực tiếp phản ánh biểu dương người tốt, việc tốt, tố cáo những hành vi quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu, vi phạm quyền dân chủ của Nhân dân là hình thức dân chủ cao độ để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Tuy việc này còn có hạn chế nhất định, chưa đạt kết quả như mong muốn, nhưng ý kiến của cử tri qua các cơ quan dân cử, sự giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, sự điều tra, thông tin của các cơ quan thông tin đại chúng, nhiều công dân dũng cảm đứng lên tố giác những hành vi tham nhũng, suy thoái của tổ chức đảng, chính quyền, các cán bộ, đảng viên… đã góp phần tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh này; nhiều vụ tham nhũng, suy thoái đã được xử lý kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước xét xử nghiêm minh.

Ở nước ta, khi cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, cuộc sống trong hòa bình xây dựng đất nước, cộng thêm sự chống phá của các thế lực thù địch và sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, làm xuất hiện sự phức tạp về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên được trao cương vị quản lý kinh tế, xã hội. Nhưng Đảng, nhà nước luôn có chủ trương quyết sách vận động toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chưa bao giờ như lúc này, tinh thần đấu tranh chống tham nhũng lại được dấy lên như là cao trào cách mạng với sự đồng thuận cao của toàn dân và xã hội. Tổng Bí thư nói: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu”.

Từ mấy thập niên gần đây, nạn tham nhũng, suy thoái gia tăng, biểu hiện rõ nhất là: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”. (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI).

Đại hội lần thứ X, lần thứ XI, lần thứ XII của Đảng, khi kiểm điểm công tác xây dựng Đảng, đều đánh giá nghiêm khắc những khuyết điểm, yếu kém của Đảng, trong đó có nạn tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên; đồng thời nêu lên mục tiêu, quan điểm, phương châm, giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn trên.

Đặc biệt Hội nghị Trung ương lấn thứ 4 (khóa XI), đã ra nghị quyết chuyên đề Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, xác định tập trung cao độ thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách, trong đó vấn đề “đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của Nhân dân đối với Đảng”.

Qua đó có thể thấy rõ, Đảng đã sớm nhận thức được tình hình, đánh giá đúng tính chất nguy hiểm của tệ nạn, công khai thừa nhận và quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng tiêu cực đó. Nhìn nhận một cách khách quan, từ Đại hội X của Đảng đến nay, nhất là từ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), vấn đề chống tham nhũng, suy thoái luôn là vấn đề có tính thời sự trong xã hội.

Để tăng cường nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã ra Nghị quyết về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng - chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: “Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị” “Công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đạt được một số kết quả”. 

6. Đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có tác động và chuyển biến không thể phủ nhận

Với quyết tâm cao độ của Đảng, Nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên phạm vào tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có người được giáo dục, đấu tranh đã dần nhận thức được sai lầm và chủ động tự gột rửa, tự “sám hối” để từ bỏ quan điểm, hành vi sai trái của mình, trở về đội ngũ, giảm tình trạng thách thức dư luận, hách dịch, cửa quyền, phô trương giàu có, ăn chơi sa đọa…

Các cơ quan Nhà nước đã có nhiều tiến bộ trong tổ chức bộ máy, trong sạch hóa đội ngũ cán bộ, thực hiện cải cách hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; các bệnh viện tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cao y đức phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn; các trường học cũng chấn chỉnh việc học thêm, dạy thêm, nói không với tình trạng thi cử chạy theo thành tích ….

Rõ ràng là người dân có hài lòng hơn trước về chất lượng phục vụ của cơ quan, cán bộ công chức, viên chức nhà nước. Các hiện tượng tham nhũng cũng có chiều hướng được ngăn chặn, đẩy lùi.

Điều đó nói lên rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái vừa qua, tuy chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, chiếc “lò” chưa đốt hết củi rác tham nhũng, nhưng nhìn chung đã có kết quả bước đầu rất tích cực. Đó là điều không thể phủ nhận.

Điều đó cũng cho thấy, viện dẫn hay đưa ra một quan điểm, luận chứng thiếu căn cứ, không đúng sự thật để chứng minh, kết luận rằng “cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thành công” là không khách quan, không có tinh thần xây dựng mà thậm chí có ý đồ phá hoại của thế lực thù địch và các phần tử tiêu cực về tư tưởng, chính trị và đoàn kết dân tộc, cần phải đấu tranh kiên quyết loại bỏ khỏi đời sống chính trị, xã hội.

7. Một số vấn đề cơ bản cần quan tâm để phòng chống tham nhũng

Tuy nhiên, muốn chống tham nhũng, suy thoái cũng rất cần quan tâm cải thiện đời sống của cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức và người lao động để họ tận tâm với công việc phục vụ nhân dân tốt hơn, tạo ra động lực chống mọi diễn biến âm mưu của thế lực thù địch. Thời gian qua, Chính phủ đã không ngừng quan tâm cải cách, sửa đổi bổ sung chính sách tiền lương, điều chỉnh mức lương tối thiểu nhiều lần, góp phần cải thiện đời sống công chức, viên chức, thúc đẩy họ sáng tạo, hăng say trong công việc. Vì vậy, đã đến lúc phải cải cách toàn diện chính sách tiền lương, nhằm đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và coi đầu tư cho tiền lương cũng là đầu tư cho phát triển.Chính sách “lương sạch”: Kết hợp với trả lương cao, xây dựng một hệ thống giám sát rõ ràng và một hệ thống đánh giá công chức hiệu quả, thực chất nhằm quản lý và kiểm soát chặt chẽ thu nhập của đội ngũ công chức. Tất cả các yếu tố cấu thành tiền lương đều rõ ràng, không có thu nhập ngoài lương.

Nguyên tắc trả lương linh hoạt phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và tương xứng với hiệu quả công việc bảo đảm đời sống là cơ hội cho sự “dưỡng liêm” sẻ khiến cho đội ngũ công chức thực hiện một cách tự giác và nghiêm túc “bốn không”: “không được, không thể, không muốn và không dám tham nhũng”. Ông Lý Quang Diệu - nguyên Thủ tướng Singapore, đã từng khẳng định: “Sự trả công thỏa đáng là nhân tố quan trọng đối với chuẩn mực liêm khiết của hàng ngũ những nhà lãnh đạo chính trị và viên chức cao cấp”. Cần thiết phải đổi mới cơ chế quản lý ngân sách bằng việc phân quyền tự chủ tài chính đến tận cấp vụ của các bộ.

Chúng ta là cán bộ, Đảng viên trước hết phải gương mẫu và thể hiện bản chất cách mạng của người cộng sản, nói không với tham nhũng, đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng chính là góp phần chống suy thoái, đem lại niềm tin cho nhân dân và là biểu hiện sinh động để phê phán, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái chống phá Đảng ta./.

 

TS. Bùi Sỹ Lợi

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội

 


 

 



1 1) Vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

2) Vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3) Vụ án Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến hành vi của Phạm Thị Trang.

4) Vụ án Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng liên quan đến hành vi của nhóm Hội đồng tín dụng ngân hàng Đại Tín gồm Hoàng Văn Toàn và các thành viên khác.

5) Vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn.

 6) Vụ án Vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam.

7) Vụ án Tham ô tài sản, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội.

8) Vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group).

 9) Vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

 10) Vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Tây Sài Gòn và Công ty TNHH Đầu tư thương mại giao dịch xuất nhập khẩu Thiện Linh.

 11) Vụ án Lạm quyền trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh 6 TP.HCM.

12) Vụ án Đưa hối lộ và Nhận hối lộ xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh 7 TP.HCM.

2 Ví dụ vụ kỷ luật Nguyễn Xuân Anh, Nguyên Bí thư, Chủ tịch Hội nhân dân thành phố Đà Nẵng. 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết