Thứ Bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024

Đấu tranh chống tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách, trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng

Ngày phát hành: 14/09/2018 Lượt xem 6195

Lợi dụng những hạn chế, thiếu sót trong công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay, các thế lực phản động, thù địch đã và đang đẩy mạnh các hoạt động phản tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo tình hình, phủ nhận thành quả cuộc đấu tranh, gây ra nhiều hậu quả xấu về mặt chính trị - xã hội. Chúng cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng thành công với các lý do, nào là “tham nhũng là con đẻ của chế độ “độc đảng”, nào là Đảng “không thực lòng chống tham nhũng” v.v. Mục đích của chúng không gì  khác ngoài việc gây hoang mang, dao động, hoài nghi của xã hội về hiệu quả công tác chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối Đảng, Nhà nước và chế độ. Đây chỉ là một trong rất nhiều thủ đoạn thực hiện âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, áp đặt các giá trị tư sản phương Tây vào xã hội nước ta.
Với mục đích vạch trần âm mưu lợi dụng vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng để chống phá của các thế lực phản động, thù địch, chống đối góp phần phản bác các quan điểm sai trái, bài viết này sẽ phân tích, luận giải một số nội dung sau:
1. Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của mọi thể chế nhà nước và là cuộc đấu tranh chung của cả cộng đồng quốc tế. Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng năm 2003 khẳng định: “Ngăn ngừa và xoá bỏ tham nhũng là trách nhiệm của các quốc gia và rằng các quốc gia phải cùng nhau hợp tác, với sự hỗ trợ và tham gia của các cá nhân và các nhóm ngoài khu vực công như xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng nếu nỗ lực của họ trong lĩnh vực này có hiệu quả” .
Từ lâu, tham nhũng luôn là vấn đề nhức nhối, đe dọa nghiêm trọng đến tiến trình phát triển của nhiều quốc gia và đã trở thành vấn đề toàn cầu.Cộng đồng quốc tế thừa nhận: “Tham nhũng là hiện tượng hiện đang vượt qua các biên giới quốc gia và ảnh hưởng đến mọi xã hội và nền kinh tế, nên hợp tác quốc tế nhằm ngăn ngừa và kiểm soát tham nhũng là yêu cầu cấp thiết” . Kết quả phân loại quốc gia tham nhũng hàng năm của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) hàng năm cho thấy rất rõ điều này. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mỗi năm, nạn hối lộ gây thiệt hại 1.500-2.000 tỷ USD, tương đương khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, làm trì trệ nền kinh tế và ảnh hưởng tới an sinh xã hội. 
Mặc dù tham nhũng ở các nước đang phát triển xảy ra nhiều hơn, thậm chí  ở một số nước do chế độc tài nắm quyền thống trị, tình hình tham nhũng rất trầm trọng, nhưng không vì thế mà tham nhũng loại trừ các nước phát triển, khu vực luôn tự cho mình thuộc “thế giới tự do” và mang trong mình cái gọi là “trọng trách thúc đẩy nền dân chủ toàn cầu”. Bài báo “Tham nhũng xuyên quốc gia: Tội ác thịnh hành” đăng trên tờ “Thế giới” (Pháp) ngày 3/12/2014 chỉ rõ, vấn đề tham nhũng là một cố tật xã hội, bén rễ rất sâu trong chính trị, kinh tế và văn hoá Phương Tây. Các nước phương Tây chẳng những bất lực trong loại trừ nạn tham nhũng, mà còn trở thành thủ phạm của nạn tham nhũng xuyên quốc gia. Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Âu (EESC) cho biết, nạn tham nhũng ở Châu Âu gây thiệt hại tới 120 tỷ euro mỗi năm, tương đương 1% tổng sản phẩm nội khối (GDP) của Liên minh châu Âu (EU). Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (có trụ sở ở Pa-ri, Pháp), tình hình tham nhũng tại các nước phát triển còn nghiêm trọng hơn so với các nước đang phát triển. Báo cáo về hối lộ xuyên quốc giangày 2/12/2014 của tổ chức này chỉ rõ, hối lộ xuyên quốc gia thường phát sinh tại các nền kinh tế phát triển. Theo đó, có 57% hành vi hối lộ xuyên quốc gia để nhận được những hợp đồng trong các dự án của chính phủ, chủ yếu ở các lĩnh vực khai thác, xây dựng, giao thông, kho vận và thông tin  - truyền thông. Phần lớn những kẻ đưa và nhận hối lộ đều đến từ các nước phát triển, bao gồm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước và lãnh đạo các cơ quan nhà nước, trong đó lãnh đạo chính phủ và các thành viên chính phủ chiếm 5%, chiếm đoạt 11% tổng số tiền tham nhũng . 
Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều các ý kiến phân tích, đánh giá thực trạng tham nhũng tại các nước tư bản phát triển. Điều đó cho thấy, tham nhũng không buông tha bất cứ quốc gia nào. Các nước tư bản phát triển cũng không thoát được chiếc vòi bạch tuộc tham nhũng. Những ý kiến trên đã phá vỡ sự nhìn nhận sai lệch bấy lâu nay về tình trạng tham nhũng của Phương Tây, khiến họ phải nhìn nhận lại tính nghiêm trọng của nạn tham nhũng ngay trong chính cái gọi là “thế giới tự do” của mình. 
Như vậy, không thể nói “tham nhũng là con đẻ của chế độ độc đảng”. Nó là vấn đề của mọi thể chế nhà nước, là ung nhọt của xã hội hiện đại, đại dịch mang tính toàn cầu.
2. Ở Việt Nam, từ trước đến nay, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng là rất kiên quyết và nhất quán. Đảng luôn coi tham nhũng là “giặc nội xâm”, một trong các nguy cơ, đe dọa sự tồn vong của chế độ, cản trở tiến trình phát triển đất nước, phải kiên quyết đấu tranh loại trừ ra khỏi đời sống xã hội. Đảng xác định phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Ngay từ những ngày đầu giành được chính quyền và trong những năm tháng kháng chiến, kiến quốc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi phòng, chống tham nhũng là công việc quan trọng, cấp bách của cách mạng. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh ghét cay, ghét đắng tệ tham ô, quan liêu, lãng phí, coi chúng như là kẻ thù bên trong, như những loài vi rút độc hại lại xâm nhập vào cơ thể con người. Người cho rằng, tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi nhất trong xã hội, nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân, hại đến đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, theo Người, “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”. Nguyên nhân chính của căn bệnh tham nhũng là chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, Người yêu cầu phải “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, quét sạch những ung nhọt ngay từ trong nội bộ Đảng, kiên quyết trừng trị bọn tham nhũng cho dù giữ cương vị nào. Năm 1950, chính Người đã ký bản án tử hình Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu (Bộ Quốc phòng) vì hành vi tham ô tài sản của quân đội, ăn chơi sa đọa.
Xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe đọa sự tồn vong của chế độ và sự nghiệp phát triển đất nước, trong giai đoạn đổi mới, Đảng ta đã tăng cường lãnh đạo đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đưa ra bàn thảo và đi đến thống nhất cao trong toàn Đảng tại các kỳ đại hội, từ Đại hội lần thứ VI đến Đại hội lần thứ XII. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các nhiệm kỳ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác phòng, chống tham nhũng gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như: Nghị quyết Trung ương 8 (khóa VI) về tiến hành cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng; Chỉ thị của Bộ Chính trị (khóa VII) về việc tiếp tục ngăn chặn bài và bài trừ tệ tham nhũng, buôn lậu; Nghị quyết số 14-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VII) về lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng… 
Về tình hình tham nhũng, ngay từ những ngày đầu của công cộc đổi mới, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, Đảng đã chỉ rõ, những hành vi lộng quyền, tham nhũng của một số cán bộ, và nhân viên nhà nước... chưa bị trừng trị nghiêm khắc. Tại Đại hội Đảng lần thứ X, Đảng đánh giá, tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng. Tại Đại hội Đảng lần thứ XI, Đảng thừa nhận “Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội” . Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII của Đảng nêu rõ: tham nhũng ở nước ta vẫn diễn ra nghiêm trọng, với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, “làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ” . 
Về quan điểm và giải pháp phòng, chống tham nhũng, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong đó xác định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) nêu rõ quan điểm “Đảng lãnh đạo chặt chẽ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức hành chính, kinh tế, hình sự;… Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm” . Tại Đại hội XII, Đảng tiếp tục khẳng định: “các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, và toàn bộ hệ thống chính trị phải kiên quyết phòng chống tham nhũng... phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng tiếp tay cho tham nhũng... ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí”.
Những quan điểm của Đảng đã được thể chế hóa bằng pháp luật của Nhà nước. Năm 1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh phòng, chống tham nhũng, tiếp theo năm 2005, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham  nhũng (thay thế Pháp lệnh 1998) và các đọa luật khác có liên quan như Bộ luật Hình sự, Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại, Luật Tiếp công dân... Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản để thể chế hóa và thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Luật Phòng, chống tham nhũng và các đạo luật có liên quan .
Những văn kiện trên thể hiện quan điểm nhất quán kiến quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta, không như một số luận điệu   cố tình xuyên tạc sự thật, vu cáo Đảng “không thực lòng chống tham nhũng”.
 3. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều hành vi tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, nhiều đối tượng tham nhũng đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Tham nhũng bước đầu được đẩy lùi một bước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Qua 10 năm (2005-2016) thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, 5 năm thực hiện Kết luận 21 Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. 
Cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được xây dựng, từng bước hoàn thiện phù hợp với đặc điểm, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và luật pháp, thông lệ quốc tế, nhất là trong quản lý kinh tế, quản lý tài sản công, quản lý cán bộ, cải cách hành chính, thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ đi đôi với kỷ cương luật pháp, cơ chế giám sát và chống đặc quyền, đặc lợi. Năng lực của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng được nâng lên một bước.  
Chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ngày càng được cải thiện. Trong 10 năm, qua công tác kiểm tra, giám sát, các cấp ủy đảng và Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp đã phát hiện, kỷ luật hàng chục nghìn đảng viên, không kể đảng viên giữ vị trí nào trong hệ thống chính trị và lực lượng vũ trang . Qua công tác quản lý, thanh tra, kiểm toán, các ngành chức năng đã phát hiện, xử lý và kiến nghị xử lý hành chính hàng chục nghìn cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, bao che cho đối tượng tham nhũng (918 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp quản lý, phụ trách), thu hồi, đề nghị thu hồi tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh theo đúng pháp luật hàng nghìn vụ án tham nhũng với trên 10 nghìn bị cáo .
Riêng trong năm 2017, ngành thanh tra đã phát hiện 136 vụ, 207 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan tới tham nhũng; Cơ quan điều tra các cấp thụ lý điều tra 354 vụ án, 785 bị can phạm tội về tham nhũng, khởi tố mới 202 vụ, 438 bị can, Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 219 vụ, 481 bị can phạm tội về tham nhũng .
Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều vụ án tham nhũng lớn được phát hiện, đưa ra xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật, như: vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (trong đó có Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị); vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm; vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm v.v. Đã có không ít cán bộ cấp cao tha hóa biến chất, tham ô tài sản Nhà nước, nhận hối lộ, cố ý làm trái, bị vạch mặt, chỉ tên, bị đưa ra truy tố trước pháp luật . 
Những kết quả trên, đặc biệt là việc chỉ đạo khẩn trương điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng lớn và kỷ luật nghiêm khắc cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao đương chức, cho thấy thái độ kiên quyết, không khoan nhượng trong chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, tinh thần thượng tôn pháp luật theo nguyên tắc: mọi người đều bình đẳng trước pháp luật được thực thi nghiêm túc. Thực tế trên là những minh chứng quan điểm của Đảng là: Không có ngoại lệ, không có “vùng cấm” trong chống tham nhũng ở Việt Nam. 
Quan hệ và hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng được mở rộng và củng cố. Năm 2009, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng; nhiều nội dung Công ước đã được nội luật hóa,pháp luật Việt Nam về cơ bản đã phù hợp với nội dung Công ước (đáp ứng được 135/135 quy định mang tính bắt buộc, 61/64 quy định mang tính tuỳ nghi, 37/38 quy định mang tính khuyến nghị của Công ước). Việt Nam cũng đã ký với các tổ chức quốc tế, với các quốc gia, vùng lãnh thổ nhiều thỏa thuận, hiệp định song phương về hợp tác phòng, chống tham nhũng; tổ chức thi hành nghiêm túc các Nghị quyết của Hội nghị quốc gia thành viên Công ước và các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương.
Chúng ta đã tham gia tích cực, hiệu quả các diễn đàn, sáng kiến khu vực và thế giới về phòng, chống tham nhũng; tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật các nước tiến hành điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế liên quan đến nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước mà nước ta là thành viên, đạt kết quả tích cực, được quốc tế đánh giá cao.
4. Bên cạnh những ưu điểm, Đảng cũng thẳng thắn thừa nhận công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, chưa đáp ứng được mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân.Sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng chưa chặt chẽ, thiếu sâu sát, chưa thường xuyên. Tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị chậm được đổi mới, trình độ quản lý kinh tế - xã hội còn hạn chế. Cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, việc phân cấp quản lý chưa rõ ràng. Việc huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia phòng, chống tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức. Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Kết quả phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng chưa cao, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản tham nhũng còn thấp…Nghị quyết Đại Hội lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: “chưa chế định rõ ràng, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, hệ thống tư pháp còn những điểm chưa thực sự hợp lý, hiệu lực, hiệu quả. Chưa khắc phục được sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế, làm ảnh hưởng tới sự thống nhất quyền lực nhà nước... Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều nội dung chưa đáp ứng yêu cầu nhà nước pháp quyền, còn chồng chéo; tính công khai, minh bạch, khả thi, ổn định còn hạn chế. Kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ còn nhiều yếu kém...” . Đây là những hạn chế, khuyết điểm chủ yếu và cũng là nguyên nhân cơ bản làm cho tình hình tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi trong thời gian qua. 
Trong thời gian tới, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các giải pháp với quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị. Trong đó phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, như: đảm bảo vai trò lãnh đạo trực tiếp của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tăng cường quản lý kinh tế - xã hội, nhất là quản lý tài sản, đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính gắn với xây dựng hệ thống chính quyền, cơ quan nhà nước liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ; đổi mới công tác cán bộ, trọng tâm là quản lý và giáo dục đạo đức công vụ đi đôi với chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý tham nhũng đi đôi với phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội; củng cố, nâng cao năng lực các cơ quan phòng, chống tham nhũng chuyên trách; chủ động, tích cực mở rộng hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng...
Có thể khẳng định, tuy chưa đáp ứng được mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân, nhưng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo cũng giành được nhiều kết quả quan trọng, tham nhũng đã bị đẩy lùi một bước. Những kết quả trên là chứng cứ xác thực minh chứng cho quan điểm và thái độ kiên quyết đấu tranh loại trừ tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Nó cũng là lời đáp trả mạnh mẽ nhất, vạch trần bộ mặt thật của những kẻ cố tình xuyên tạc sự thật, bóp méo tình hình, phủ nhận thành quả cuộc đấu tranh, nhằm phá hoại sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta do Đảng khởi xướng và dẫn dắt./.



Trung tướng, PGS, TS Trần Minh Thư
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an









Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết