Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thời đại hiện nay

Ngày phát hành: 03/03/2021 Lượt xem 14323

 

 

       Trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay, vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn là một trong những chủ đề nóng bỏng nhất mà các thế lực thù địch luôn công kích với những luận điệu ngang trái, giả dối và hằn học. Họ cho rằng, chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, thế giới đương đại là thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, hầu hết các nước trên thế giới đi theo con đường tư bản chủ nghĩa nên Việt Nam không thể giữ mãi định hướng xã hội chủ nghĩa. Những luận điệu đó không phải không có những tác động nhất định đối với một số người nhẹ dạ, cả tin. Chính vì thế, rất cần phải lý giải một cách cặn kẽ hơn việc Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

        Trong nhiều văn kiện của Đảng ta, vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn được khẳng định một cách mạnh mẽ và dứt khoát. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định một trong những bài học kinh nghiệm lớn của cách mạng nước ta là: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội – ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau”(1). Văn kiện Đại hội XI của Đảng lại một lần nữa nhấn mạnh: “Trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”(2). Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới”(3). Nhất quán với các đại hội trước, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng trong các quan điểm chỉ đạo định hướng phát triển đất nước trong thời gian tới đã xác định: “Kiên định vận dụng phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. 

        Nhìn ra bên ngoài và nhìn lại lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX và hai thập niên đầu thế kỷ XXI, chúng ta càng thấy rằng sự lựa chọn của Đảng ta, của nhân dân ta là hoàn toàn chính xác. Chính vì thế, chúng ta có đầy đủ luận cứ để khẳng định độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cao đẹp, bất di bất dịch của nước ta.

 

          1. Như chúng ta biết, dân tộc ta có truyền thống yêu nước, anh dũng bất khuất, đã từng chiến thắng nhiều đế quốc phong kiến hung hãn. Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, phong trào yêu nước đã dấy lên hết sức mạnh mẽ. Liên tiếp nổ ra các cuộc nổi dậy trên khắp mọi miền đất nước, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các bậc sĩ phu, kể cả một bộ phận quan lại phong kiến. Các phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Yên Thế; các phong trào Duy Tân, Đông Du, khởi nghĩa Yên Bái và hàng chục cuộc đấu tranh khác nữa đều bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp và thất bại. Điều đó chứng tỏ rằng, vẫn là nhân dân giàu lòng yêu nước, có truyền thống chống giặc ngoại xâm, sẵn sàng ủng hộ và tham gia các phong trào yêu nước; còn các bậc sĩ phu, các nhà lãnh đạo các phong trào chống thực dân Pháp đều có trí dũng, không thiếu quyết tâm, nhưng cả họ, cả giai cấp phong kiến và đại diện cho thế lực tư sản khi đó đều không giải quyết được vấn đề dân tộc ở nước ta.

          Trong bối cảnh đó, chưa bao giờ như lúc bấy giờ, độc lập dân tộc càng trở nên là yêu cầu cơ bản, khách quan của xã hội Việt Nam - xã hội thuộc địa, nửa phong kiến. Công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam khi ấy ở trong "tình hình đen tối như không có đường ra". Bằng con đường nào và giai cấp nào có khả năng gánh vác sứ mệnh trọng đại đó?

          Nhưng rồi lịch sử có lời giải đáp. Chủ nghĩa Mác ra đời đã vạch ra cái tất yếu từng bị che lấp bởi màn sương mù trong lịch sử. Chủ nghĩa Mác khẳng định chủ nghĩa tư bản nhất định bị thay thế bằng một chế độ tốt đẹp hơn - chế độ cộng sản chủ nghĩa không có người bóc lột người và người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản chính là giai cấp công nhân - sản phẩm của nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa. Đó là một tiếng sét trong lòng chủ nghĩa tư bản ở vào thời thịnh trị, sau khi nó chiến thắng các chế độ chuyên chế phong kiến, và đã bành trướng ra khắp thế giới. Các nước tư bản phát triển khi ấy đang trở thành "trung tâm vũ trụ" chi phối và làm mưa làm gió mọi mặt đời sống xã hội loài người.

Nghiên cứu lịch sử xã hội loài người, Mác đã khái quát nó qua sự phát triển của các phương thức sản xuất kế tiếp nhau. Theo quan điểm của Mác, sự thay đổi hình thái kinh tế -xã hội này bằng hình thái kinh tế xã hội khác nhất định phải có điều kiện hình thái kinh tế xã hội cũ đã mất khả năng tự phát triển và trở thành lực cản xã hội. Chủ nghĩa tư bản tất yếu bị thay đổi bằng chủ nghĩa xã hội, và điều đó sẽ xảy ra ở những nước mà chủ nghĩa tư bản phát triển đến đỉnh cao. Chính Lê nin và Đảng bôn sê vích Nga đã vận dụng sáng tạo các luận điểm của Mác vào hoàn cảnh lịch sử của nước Nga bằng việc, trước tiên giai cấp công nhân giành lấy chính quyền, rồi sau đó dựa vào chính quyền của mình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

          Vậy là, chính vào thời điểm chủ nghĩa tư bản tưởng như đang cực thịnh ấy, thì Cách mạng Tháng Mười Nga đã nổ ra. Sự đột phá Tháng Mười mở đầu cho một xu thế phát triển mới của lịch sử thế giới. Nếu trước Cách mạng Tháng Mười Nga, chế độ tư bản chủ nghĩa phát triển đến mức người ta rêu rao như một "định mệnh", như một "trật tự vĩnh hằng", thì sau Tháng Mười năm 1917, không ai không thấy cái "xiềng xích" giam hãm thế giới đã bị chặt đứt, điều định mệnh ấy thành ảo tưởng, các trật tự ấy bị lật nhào, tạo ra phản ứng dây chuyền của hàng loại cuộc đấu tranh giải phóng có quy mô to lớn và chiều sâu cách mạng chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.

          Rõ ràng, Cách Mạng Tháng Mười Nga "rung chuyển thế giới" đã làm cho tính chất thời đại thay đổi, giai cấp trung tâm của thời đại thay đổi, vai trò lãnh đạo cách mạng cũng thay đổi; vì vậy con đường để giải quyết mâu thuẫn của xã hội, lực lượng cách mạng và phương pháp cách mạng cũng thay đổi. Lý tưởng Tháng Mười đã không chỉ là ngọn đèn pha dẫn đường tỏa sáng, mà còn có những đóng góp thực tế to lớn. Cách mạng Tháng Mười Nga là tiếng chuông đánh thức lịch sử, báo hiệu một trang sử mới của thế giới. Thế giới trước Cách mạng Tháng Mười Nga là một thời kỳ u mê, an phận, là thời đại của chủ nghĩa tư bản. Sự đột phá Tháng Mười làm cho chủ nghĩa tư bản bị đổ vỡ, mất mát lớn. Thế giới bừng tỉnh, bung ra với sức mạnh của sự hình thành và phát triển chủ nghĩa xã hội, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga đã tạo cho loài người có khả năng kìm giữ sự lộng hành của chủ nghĩa tư bản, làm thay đổi cả những yếu tố bên trong của chủ nghĩa tư bản. Cách mạng Tháng Mười Nga là niềm vinh quang của những người vô sản cùng với hàng trăm triệu người lao động thành thị và nông thôn nước Nga. Họ đã lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản và phong kiến, giành quyền làm chủ cuộc sống của mình. Đó là thắng lợi của một xu thế mới: độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội và gắn kết với chủ nghĩa xã hội.

          Toàn bộ tình hình đó của thế giới, bằng nhiều con đường, dội vào và thấm sâu trong mảnh đất Việt Nam - nơi mà chính "sự tàn bạo của chủ nghĩa tử bản đã chuẩn bị đất rồi; chủ nghĩa cộng sản chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt của công cuộc giải phóng nữa thôi". Hơn ai hết, chính Nguyễn Ái Quốc là người gieo hạt, gây mầm cách mạng Việt Nam. Người đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa xã hội. Ở người, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, bản lĩnh và tố chất đặc biệt Việt Nam đã "bắt gặp" chủ nghĩa Mác - Lênin, nói như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - một cuộc gặp gỡ đẹp như cùng hẹn trước - đã chung đúc nên tư tưởng Hồ Chí Minh. Với kỳ công của Nguyễn Ái Quốc, chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào yêu nước và phong trào công nhân Việt Nam chuyển hoá thành một tất yếu đưa đến một sự kiện trọng đại: năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sự kiện này là mốc son đánh dấu sự kết hợp các nhân tố dân tộc và giai cấp, quốc gia và quốc tế, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong bản chất của Đảng. Vừa ra đời, Đảng tuyên bố: "Chủ trương tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản". Lời tuyên bố ấy cũng đồng nghĩa với lời bác bỏ thẳng thừng chế độ phong kiến và chế độ tư bản chủ nghĩa; và nhìn rộng hơn, cũng bác bỏ bất cứ một con đường nào khác. Một cách tự nhiên là, ngay sau lời tuyên bố ấy của Đảng, chủ nghĩa xã hội không chỉ là mục tiêu lựa chọn mà đã thực sự thúc đẩy lịch sử dân tộc Việt Nam chuyển mình, là con đường dân tộc Việt Nam đã và đang đi dọc theo thế kỷ XX, sang thế kỷ XXI, và tiếp tục cho tới đích cuối cùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ; chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người, không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc, có một xã hội tốt lành gắn liền với tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no; bảo đảm việc làm cho mọi người, tất cả vì niềm vui, hoà bình, hạnh phúc của con người.

          Rõ ràng, sự lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn chặt với chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân ta, xét về lôgíc là một tất yêu khách quan; xét về lịch sử, là hoàn toàn phù hợp với sự vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; xét về nhu cầu, là hoàn toàn xuất phát từ điều kiện cụ thể của một nước thuộc địa, nửa phong kiến và nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam; và xét về mặt xã hội, đó là một hệ giá trị cơ bản nhất quyết định sự phát triển của đất nước Việt Nam hôm nay và mai sau.

          Có thể khẳng định như vậy bởi vì việc giải quyết vấn đề độc lập dân tộc theo ý thức hệ phong kiến và tư sản, trong khuôn khổ của chế độ phong kiến và chế độ tư bản chủ nghĩa không tránh khỏi những mâu thuẫn và những hạn chế bắt nguồn từ bản chất kinh tế và chính trị của các chế độ ấy - những hình thái kinh tế - xã hội dựa trên các quan hệ tư hữu về tư liệu sản xuất và các quan hệ đối kháng giai cấp.

 

          2. Vượt qua những mâu thuẫn và những hạn chế trong công việc giải quyết vấn đề độc lập theo lập trường phong kiến và tư sản chỉ có thể là con đường gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, tức là giải quyết độc lập dân tộc theo lập trường của giai cấp công nhân, của chủ nghĩa xã hội khoa học. Đó là: Độc lập dân tộc thực sự phải là độc lập về chính trị, kinh tế, văn hoá, đối ngoại. Độc lập dân tộc thực sự đòi hỏi phải xoá bỏ tình trạng áp bức bóc lột và nô dịch của dân tộc này đối với dân tộc khác về kinh tế, chính trị và tinh thần. Do đó, độc lập gắn liền với tự do và bình đẳng, công việc nội bộ quốc gia - dân tộc phải do quốc gia - dân tộc đó giải quyết, không có sự can thiệp từ bên ngoài.

          Bản chất của chủ nghĩa xã hội là thực hiện triệt để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Chủ nghĩa xã hội sẽ xoá bỏ căn nguyên kinh tế sâu xa của tình trạng người bóc lột người do chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất sinh ra. Nhờ đó, nó xoá bỏ cơ sở kinh tế sinh ra ách áp bức con người về chính trị và sự nô dịch con người về tinh thần, ý thức và tư tưởng.

          Chủ nghĩa xã hội thực hiện độc lập dân tộc để mở đường đưa dân tộc tới sự phát triển phồn vinh về kinh tế và sự phát triển phong phú, đa dạng về văn hoá, tinh thần, sự thực hiện đầy đủ nhất quyền lực của nhân dân. Chỉ với chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc mới đạt tới mục tiêu phục vụ lợi ích và quyền lực của mọi người lao động, làm cho mọi thành viên của cộng đồng dân tộc trở thành người chủ thực sự, có cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ và đời sống tinh thần ngày càng phong phú. Chính điều đó làm cho nền tảng của sự độc lập tự chủ càng thêm vững chắc, khả năng bảo vệ nền độc lập dân tộc càng đầy đủ mạnh mẽ.

          Sự phát triển thực chất và bền vững của độc lập dân tộc được đo bằng những khả năng và điều kiện bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi tình cảnh nô lệ, phụ thuộc, bị áp bức bóc lột và nô dịch. Nó cũng bảo đảm cho dân tộc vượt qua tình trạng đói nghèo, lạc hậu và tụt hậu trong tương quan với các dân tộc khác trong thế giới và ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn để đạt tới sự bình đẳng trong các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa cộng đồng dân tộc này với cộng đồng dân tộc khác. Toàn bộ khả năng và điều kiện bảo đảm đó chỉ có thể được tìm thấy và giải quyết bằng con đường phát triển chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trở thành hệ giá trị phát triển của Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng, trong thời đại ngày nay. Đó cũng chính là cái lôgíc phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên cốt cách Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam và vị thế Việt Nam trước thế giới.

          Nhận thức và hành động theo sự lựa chọn và theo hệ giá trị đó, từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa nước ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

 

          3. Qua hơn 75 năm giành và giữ độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt 35 năm đổi mới, với hệ giá trị đó, Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng tiêu biển cho bản lĩnh Việt Nam trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, đã tỏ rõ tính độc lập tự chủ trong mọi đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại, đưa nước ta từ một xứ thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta ra khỏi tình trạng đói nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; có quan hệ quốc tế ngày càng rộng mở, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Tất nhiên trong suốt hành trình cách mạng sáng tạo nhưng cũng gặp phải nhiều trở ngại, gian nan, chúng ta không phải không có những hạn chế yếu kém khi thực hiện những nhiệm vụ cụ thể của việc xây dựng nền độc lập dân tộc và hướng tới chủ nghĩa xã hội.

          Như vậy, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, với Việt Nam không chỉ là mục tiêu,nhu cầu,cương lĩnh hành động,ngọn cờ hiệu triệu, mà còn là động lực, là niềm tin sắt son của dân tộc Việt Nam ta. Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sự gắn kết hai sức mạnh thành một sức bật mới; là cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau.

 

          4. Đã qua hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, thiên niên kỷ thứ ba của một thế giới đầy biến động, cũng đồng thời mở ra một kỷ nguyên hội nhập, đua tranh gay gắt của cộng đồng quốc tế. Thế giới đã chứng kiến bao cảnh đau thương của nhiều dân tộc ở châu Phi, ở Trung Đông, dù đã giành được độc lập nhưng đất nước bị hoang tàn bởi các xung đột chia rẽ trong nội bộ và sự can thiệp từ bên ngoài. Ngay một số nước dù có độc lập dân tộc nhưng việc tranh giành giữa các lực lượng chính trị trong nước làm cho tình hình luôn nóng bỏng, cuộc sống của nhân dân không được bình yên. Vậy nên, dù thời cuộc biến đổi xoay vần ra sao, dù phải đối mặt với xu thế toàn cầu hoá, với tất cả mặt tích cực và tiêu cực, bất trắc; dù cho ai đó bị loá mắt bởi những bộ áo cánh sặc sỡ cả chủ nghĩa tư bản thì hệ giá trị độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trong ý thức và trong hành động vẫn là mục tiêu, lý tưởng, là quốc bảo phù hợp xu thế thời đại. Mãi mãi giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta tiếp tục giành thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước ta sánh vai cùng các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

Trần Thị Nga

                                                                                       Bộ Ngoại giao

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

2. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

3. V.I.Lênin: Toàn tập, Tập 5, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1975.

4. V.I.Lênin: Toàn tập, Tập 6, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1975.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội 1991.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.



(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.  Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 65.

(2) Sđd: tr. 21.

(3) Đảng Cộng sran Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 46

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết