Thứ Ba, ngày 19 tháng 03 năm 2024

Đổi mới nhận thức về chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước

Ngày phát hành: 27/06/2020 Lượt xem 5393

 

1. Đổi mới, nâng cao nhận thức về vai trò của chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước

Chức năng quản lý kinh tế của nhà nước tồn tại trong mọi nhà nước và trong mọi giai đoạn tồn tại và phát triển của mỗi nhà nước. Chỉ có sự khác nhau giữa các nhà nước trong thực hiện chức năng quản lý kinh tế ở cách thức thực hiện chức năng. Ở nước ta hiện nay, đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) đang là nhiệm vụ trọng tâm, nên cần coi quản lý kinh tế của Nhà nước là chức năng chủ yếu, đóng vai trò quan trọng trong các chức năng của Nhà nước.

                           Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số (ảnh minh họa)

 

Vai trò của chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước ta trong thời kỳ mới cần được nhận thức qua những chức năng, nhiệm vụ chủ yếu mà nhà nước hiện đại, kiến tạo phát triển đang đảm nhiệm. Các chức năng, nhiệm vụ đó cần được nhận thức trên cả ba giác độ lập pháp, hành pháp, tư pháp, gắn với việc làm rõ hơn khái niệm và có so sánh, phân biệt giữa nhà nước pháp quyền (sử dụng pháp luật và tuân theo pháp luật) và nhà nước pháp trị (sử dụng pháp luật và đứng trên pháp luật) trong việc thượng tôn pháp luật.

Dưới góc độ lý luận nhà nước và pháp luật, chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước được thể hiện trong hoạt động xây dựng, thi hành và bảo đảm thực hiện pháp luật về kinh tế với ba nội dung cơ bản trên khía cạnh quản lý kinh tế, bao gồm: xây dựng, hoàn thiện pháp luật về kinh tế; thực thi pháp luật về kinh tế; bảo vệ các quan hệ kinh tế hợp pháp, xử lý các vi phạm pháp luật về kinh tế. Với nhận thức đó, việc phân định nội dung chức năng quản lý kinh tế cụ thể nêu trên không những giúp chia tách một cách khoa học các nhiệm vụ chủ yếu được Nhà nước thực hiện mà còn phù hợp với các quan điểm lý luận cơ bản về sự ra đời của nhà nước và pháp luật đã tồn tại nhiều thế kỷ qua.

Trong nền KTTT định hướng XHCN, thông qua hoạt động xây dựng, thi hành và bảo đảm thực hiện pháp luật về kinh tế của Nhà nước, cần nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của chức năng quản lý kinh tế, đó là: định hướng phát triển nền kinh tế; tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; điều tiết, điều chỉnh nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh và bảo vệ tài nguyên môi trường; phân bổ các nguồn lực nhà nước theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phù hợp với cơ chế thị trường; kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết các tranh chấp kinh tế. Vai trò của chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước còn được nhìn nhận thông qua trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước theo các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội có cơ sở khoa học, tường minh trong quá trình tham gia góp ý, đánh giá, phản biện, giám sát việc thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước.

Đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò của chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước còn là đổi mới nhận thức, quan điểm về vai trò, trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo và tập thể trong bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế. Việc cá nhân thừa hành và trách nhiệm tập thể dường như là thực trạng thường thấy khi thi hành pháp luật và chính sách về kinh tế; thực tế cho thấy không ít trường hợp đã để lại hậu quả, tổn thất lớn về kinh tế. Thực trạng đó đặt ra nhu cầu phải tiếp tục nghiên cứu và làm rõ khi nào thì trách nhiệm thuộc về cá nhân, những trường hợp nào quy trách nhiệm cho tổ chức. Khi tất cả mọi người đều cùng chịu trách nhiệm trong thực hiện cùng một công việc có thể khiến cho công việc đó được thực hiện với trách nhiệm ở mức thấp nhất. Do đó, nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo và tập thể trong bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế sẽ đem lại những lợi ích lớn lao trong thực tiễn, hay ít nhất góp phần tránh được sự chủ quan, duy ý chí không đáng có của Nhà nước mà trực tiếp là các cá nhân lãnh đạo hay của từng cán bộ, công chức - những người thừa hành công vụ trong quản lý nhà nước về kinh tế.

2. Đổi mới nhận thức về phương thức thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước

 

 

Nhà nước chủ yếu thực hiện kiến tạo cho phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô, với phương thức sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của mình để định hướng, điều tiết, kiểm tra, giám sát, bảo vệ, giải quyết tranh chấp, hạn chế các vấn đề phát sinh và khuyết tật của KTTT, qua đó đổi mới, phát triển bền vững đất nước theo hướng thúc đẩy việc làm giàu hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực làm giảm dần số hộ nghèo và người nghèo hiện nay. Trong khi đó, thị trường là phương thức chủ yếu để huy động, phân bổ có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.

Do ảnh hưởng và tác động mang tính đột phá của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần đổi mới nhận thức về phương thức thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước theo hướng quản lý nền kinh tế của Nhà nước thông qua sử dụng các công nghệ số. Áp dụng sáng tạo, sử dụng sâu rộng hơn công nghệ số sẽ giúp hệ thống hành chính công hiện đại hóa cấu trúc và chức năng nhằm nâng cao tổng thể hiệu quả hoạt động, từ củng cố các quy định quản lý điện tử đến tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn bó giữa Nhà nước với người dân, doanh nghiệp.

Qua sử dụng các công nghệ số, Nhà nước cũng phải thích ứng với thực tế là quyền lực từ Nhà nước đang chuyển dịch dần sang các thực thể kinh tế phi nhà nước. Chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước cần tập trung cho đổi mới sáng tạo, với việc lựa chọn và sử dụng đúng các chính sách kinh tế cùng với phương pháp, cách thức quản lý sao cho phù hợp với từng vấn đề, mâu thuẫn về lợi ích kinh tế của các chủ thể trong nền KTTT định hướng XHCN (như nền kinh tế chia sẻ với phương thức vận tải Uber hay Grab,...). Đó cũng là bảo đảm cho Nhà nước không bị tụt lại phía sau và tạo điều kiện mở đường cho các công nghệ và phương thức đầu tư, sản xuất, kinh doanh mới đi vào thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội.

Nhận thức về phương thức thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước cũng cần được đổi mới theo hướng phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, khuyến khích người dân, doanh nghiệp làm giàu hợp pháp, trong đó tập trung vào: (1) Đổi mới sâu sắc nhận thức về thực hiện và phát huy dân chủ XHCN vì cơ sở kinh tế của dân chủ XHCN là chế độ sở hữu toàn dân về tài sản công (đất đai, tài nguyên,...) do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhân dân phải thực sự làm chủ tài sản công và do đó cần được tham gia đầy đủ vào quá trình tổ chức, quản lý sản xuất và phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, cũng như tạo điều kiện cho sự tham chính có hiệu quả của người dân, doanh nghiệp trong các quyết sách chính trị, chứ không chỉ có sự tham gia của cán bộ, công chức; (2) Nhà nước ta khi thực hiện chức năng quản lý kinh tế phải bảo đảm cho sự tham gia có hiệu quả của người dân, doanh nghiệp trong việc tạo lập và thực thi chính sách. Để việc xây dựng và thực thi đó diễn ra hiệu quả, cần đổi mới nhận thức về vai trò giám sát của nhân dân theo hướng nhân dân thực sự là chủ thể nắm quyền lực tối cao, bên cạnh vai trò giám sát do chính các cơ quan nhà nước đảm nhiệm như cơ quan kiểm toán, thanh tra, hay cao hơn nữa là Quốc hội.

Cùng với biện pháp hành chính trong phương pháp hành chính và giáo dục, việc giáo dục, tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ công dân đối với việc thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước được xem như một biện pháp hữu ích trong quá trình thúc đẩy dân chủ hóa về kinh tế. Rõ ràng, người dân, doanh nghiệp sẽ khó nắm bắt được những việc cần làm, được làm, nên làm, không nên làm nếu không thực sự hiểu biết về dân chủ và pháp quyền, về các quyền của mình đã được hiến định như quyền tự do kinh doanh hay công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước.

Các cơ quan nhà nước quản lý nhà nước về kinh tế cần nhận thức đầy đủ và ý thức trách nhiệm hơn đối với việc tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia cùng với Nhà nước trong thực hiện quản lý kinh tế - xã hội. Cần coi đây là một trong những cách thức quan trọng để nâng cao hơn ý thức phản biện, tinh thần giám sát của người dân, doanh nghiệp đối với các hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế trong điều kiện nhất nguyên chính trị - Nhà nước pháp quyền XHCN thống nhất quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.

3. Đổi mới nhận thức về điều chỉnh chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước

Dưới góc độ chủ quyền, Nhà nước có chức năng đối nội và đối ngoại, tương ứng với các hoạt động đối nội và đối ngoại. Để thực hiện có kết quả các hoạt động đó, trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, Nhà nước cần điều chỉnh các chức năng của mình, nhất là chức năng quản lý kinh tế cho phù hợp với điều kiện thực tế trong và ngoài nước.

Trước hết, chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước cần được nhận thức và điều chỉnh theo hướng phân biệt với các chức năng khác của Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực kinh tế: (1) Với chức năng kinh tế của Nhà nước. Ở đây, chức năng kinh tế của Nhà nước bao gồm hai mặt hoạt động là tổ chức kinh tế và quản lý kinh tế, có nội hàm rộng hơn chức năng quản lý kinh tế. Còn chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước chỉ là mặt hoạt động tập trung vào quản lý nhà nước, không phải là hoạt động quản trị đầu tư hay kinh doanh và chức năng này được coi là một “tập con” của chức năng kinh tế của Nhà nước. (2) Khác với chức năng tự điều tiết của thị trường, Nhà nước thực hiện chức năng quản lý kinh tế với nguyên tắc chỉ làm những việc xã hội, thị trường không làm và tập trung làm tốt công việc quản lý nhà nước về kinh tế, với việc giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững, an toàn của nền kinh tế đất nước. Nhà nước tăng cường chức năng quản lý kinh tế vĩ mô, giảm bớt và tiến tới xóa bỏ chức năng quản lý vi mô. Thay vì là người trực tiếp tổ chức, điều hành nền kinh tế và tham gia vào đời sống kinh tế, thì Nhà nước thực hiện vai trò kiến tạo phát triển, thiết lập môi trường ổn định, thuận lợi, phục vụ, hỗ trợ các người dân, doanh nghiệp phát triển đầu tư, sản xuất, kinh doanh; (3) Với chức năng đại diện sở hữu toàn dân và chức năng quản trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, Nhà nước thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản công và đóng vai trò là chủ sở hữu, chủ đầu tư tham gia hoạt động kinh tế. Còn chức năng quản lý kinh tế được Nhà nước thực hiện với tư cách là bộ máy kiến tạo phát triển, bộ máy hành chính nhà nước quản lý các hoạt động kinh tế đặt trong mối quan hệ toàn diện, mọi mặt với các chức năng khác của Nhà nước như chức năng chính trị, chức năng xã hội (thể hiện qua các lĩnh vực về văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường và sinh thái theo định hướng phát triển bền vững),...

Sự phát triển của KTTT trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế tạo ra nhiều cơ hội mới, nhưng cũng làm phát sinh nhiều quan hệ mới, vấn đề mới, thách thức mới đòi hỏi Nhà nước phải điều chỉnh chức năng quản lý kinh tế của mình cho phù hợp, tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước cần được điều chỉnh trên cơ sở lý thuyết về nhà nước kiến tạo phát triển trên những nội dung cơ bản sau đây: (1) Nhà nước cần điều chỉnh “thay đổi chức năng của mình trong quan hệ với thị trường, từ vị thế điều hành trực tiếp bằng mệnh lệnh hành chính, các hoạt động kinh tế sang vị thế kiến tạo một môi trường phù hợp để nuôi dưỡng thị trường phát huy được hết sức mạnh của mình” để dần trở thành Nhà nước kiến tạo phát triển trong thực tế [103, tr.16]. (2) Việc xây dựng chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước cần theo hướng tương hợp với thị trường, tôn trọng các quy luật khách quan như cạnh tranh, quy luật giá trị, quy luật cung cầu, cũng như công tác chỉ đạo, điều hành dựa chủ yếu vào các “tín hiệu” của thị trường,... (3) Hoạt động xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật, chính sách kinh tế cần hướng tới giảm thiểu tối đa các biện pháp can thiệp trực tiếp, mang tính hành chính mệnh lệnh và tăng cường hơn nữa những quyết sách có tính mềm dẻo, linh hoạt, điều chỉnh thị trường theo hướng gián tiếp.

Thứ hai, sự quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế là tất yếu, nhưng Nhà nước không được, không cần và không nên cho mình quyền hành chính hóa nền kinh tế, làm méo mó thị trường và làm thay doanh nghiệp, người dân. Nói cách khác, Nhà nước cần điều chỉnh để giới hạn và cụ thể hoá chức năng quản lý kinh tế của mình bằng các quy định pháp luật, từ đó tự tiết chế, giảm dần các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường.

Thứ ba, việc điều chỉnh chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước cần được nhận thức đồng thời trên cả hai nội dung: (i) tăng cường quản lý kinh tế của Nhà nước thông qua các biện pháp đổi mới mạnh mẽ bộ máy nhà nước từ cơ cấu, tổ chức thực hiện quyền lực công của các nhánh quyền lực đến việc cải cách nền hành chính quốc gia, cải cách tư pháp; (ii) từng bước loại bỏ dần sự can thiệp trực tiếp, bằng mệnh lệnh hành chính của Nhà nước vào các mối quan hệ kinh tế.

Thứ tư, đổi mới nhận thức về điều chỉnh chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước cần xuất phát từ sự đổi mới tư duy về kinh tế của Đảng trong vai trò lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội. Có thể thấy, Đảng hiện diện trong mọi tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội chủ yếu của đất nước. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, Đảng lãnh đạo Nhà nước thực hiện chức năng quản lý kinh tế với nhiệm vụ chủ yếu là quản lý và tổ chức xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân. Còn Nhà nước thể chế hoá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật để làm căn cứ pháp lý cho quản lý, điều hành toàn bộ nền kinh tế và tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện.

Đổi mới, nâng cao nhận thức về chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước trước hết phải bắt đầu từ phía Nhà nước. Để hoàn thiện và bảo đảm thực hiện chức năng quản lý kinh tế của mình, Nhà nước cần quản lý nền kinh tế với tư duy và nhận thức mới, đó là: (1) Mỗi người dân, doanh nghiệp đều là chủ thể kinh tế của chính mình và họ có quyền tự do, bình đẳng trong mọi hoạt động kinh tế, trong các mối quan hệ kinh tế với các chủ thể kinh tế khác, kể cả với Nhà nước là chủ thể kinh tế đặc biệt; (2) Là người ban hành pháp luật, Nhà nước phải nêu gương trong việc tuân theo pháp luật và thông qua pháp luật để bảo đảm môi trường pháp lý tự do, bình đẳng, giữ gìn an ninh, trật tự kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh./

 

TS Nguyễn Hồng Sơn

Hội đồng Lý luận TW.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết