Thứ Tư, ngày 24 tháng 04 năm 2024

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật (phần 2)

Ngày phát hành: 02/10/2019 Lượt xem 2409


III. ĐỊNH HƯỚNG TIẾP TỤC ĐỔI MỚI PHƯƠNG THÚC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

1. Trước hết cần nhận thức cho đúng vai trò và phương thức lãnh đạo - cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Đảng lãnh đạo chính trị về xây dựng Nhà nước pháp quyền và xây dựng hệ thống pháp luật, nhưng Đảng không đứng trên Nhà nước, quyết thay Nhà nước, đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật. Đảng lãnh đạo định hướng chính trị trong xây dựng hệ thống pháp luật (định hướng mục tiêu, định hướng phát triển, đề ra định hướng tư tưởng lập pháp…). Nhưng nghị quyết của Đảng không phải là luật pháp; để đưa đường lối, chủ trương định hướng chính sách vào cuộc sống phải được cụ thể hóa, thể chế hóa bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Toàn bộ quy trình lập pháp phải do Nhà nước thực hiện theo con đường pháp quyền; Sự lãnh đạo của Đảng phải tôn trọng và đề cao vai trò của Nhà nước.

Đảng lãnh đạo xây dựng hệ thống luật pháp, lãnh đạo tổ chức thực hiện để đưa vào cuộc sống; đồng thời Đảng phải lãnh đạo để đưa cuộc sống, đưa thực tiễn vào xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, xây dựng hệ thống pháp luật. Đây phải là quá trình “đối thoại” khách quan, liên tục, sinh động trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Trong quá trình lãnh đạo xây dựng pháp luật, Đảng phải đảm bảo sự thống nhất cao giữa ý chí chính trị của Đảng với ý chí pháp quyền của Nhà nước (thay mặt nhân dân, được nhân dân ủy quyền) với ý chí và lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Nghĩa là sự lãnh đạo của Đảng phải đảm bảo sự hòa quyện sâu sắc giữa “ý Đảng - lòng Dân - pháp quyền Nhà nước” trong tư duy và trong thực tiễn xây dựng pháp luật.

2. Tư duy lãnh đạo xây dựng pháp luật và thực tiễn xây dựng pháp luật cần quán triệt sâu sắc quan điểm kiến tạo phát triển

Đây là yêu cầu rất quan trọng đặt ra đối với công tác xây dựng pháp luật trong giai đoạn mới, do bối cảnh phát triển mới của đất nước ta và hội nhập quốc tế quy định. Tư duy lập pháp phải thể hiện sâu sắc nguyên lý cơ bản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu “Trăn điều phải có thần linh pháp quyền”, “Thượng tôn pháp luật”, “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”, “địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, “Công việc đổi mới xây dựng là trách nhiệm của nhân dân”, vì vậy  “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Hệ thống luật pháp được thể hiện ra không chỉ đơn thuần các quy định pháp lý buộc các chủ thể và toàn xã hội tuân theo; mà trong bản chất sâu xa chứa đựng những giá trị cơ bản,  phổ quát về con người và về xã hội cần phải được tôn trọng, bảo vệ và phát triển cao hơn. 

Đồng thời, cần xác định rõ tư duy lập pháp và thực tiễn xây dựng hệ thống pháp luật phải kết hợp hữu cơ giữa yêu cầu xây dựng hệ thống luật pháp tạo nền tảng pháp lý cho sự ổn định chính trị - xã hội, đồng thời phải tạo khung khổ pháp lý thúc đẩy đổi mới - sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh - bền vững đất đất nước trong giai đoạn mới. Vấn đề quan trọng là chế định rõ yêu cầu và phạm vi “tuân thủ” và yêu cầu phạm vi “chủ động, sáng tạo” đối với từng cấp, từng lĩnh vực, nhằm vừa đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương, vừa phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo, của từng cấp, từng tổ chức. Điều này đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng lãnh đạo phải ở tầm cao của tư duy kiến tạo phát triển, Nhà nước pháp quyền (cả lập pháp, hành pháp và tư pháp) phải là nhà nước kiến tạo phát triển; phải tư duy ở tầm toàn cầu - tầm thời đại để xây dựng thể chế phát triển, hệ thống luật pháp phù hợp với điều kiện của Việt Nam đồng thời phù hợp với xu thế tiên tiến của thế giới; khắc phục “độ trễ” của luật pháp so với sự vận động của thực tiễn, tạo nền tảng pháp lý để thúc đẩy đổi mới phát triển, đồng thời tạo “sức ép” để xóa bỏ, hạn chế, điều chỉnh các giá trị cũ, cản trở sự phát triển, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh - bền vững, để đất nước sớm bước lên đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ căn dặn.

3. Cần chế định (phân định) rõ quy trình thực hiện phương thức lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng pháp luật.

Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng pháp luật có thể khái quát bao gồm “chuỗi các công đoạn” sau:

 i). Đảng ban hành nghị quyết chứa đựng các nội dung lãnh đạo về xây dựng pháp luật (hay tư tưởng lập pháp cụ thể);

ii). Các tổ chức đảng trong các tổ chức Nhà nước lãnh đạo cụ thể hóa, thể chế hóa các nội dung nghị quyết thành hệ thống pháp luật, có chế, chính sách;

iii). Các tổ chức đảng và các đảng viên trong các tổ chức Nhà nước lãnh đạo thực hiện các nội dung nghị quyết (đã được cụ thể hóa, thể chế hóa) bằng con đường pháp quyền Nhà nước;

iv). Đảng lãnh đạo kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nghị quyết thông qua cơ chế của Đảng đối với các tổ chức đảng và đảng viên trong các tổ chức nhà nước, thông qua việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước và thông qua đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện nghị quyết của Đảng trên thực tế; rút ra những vấn đề cần thay đổi, sửa đổi, bổ sung, hay ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách mới.

4. Chế định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, trách nhiệm giải trình của tất cả các tổ chức chủ chì, tham gia hoặc liên quan đến quá trình xây dựng pháp luật

 Để nâng cao chất lượng và hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng hệ thống pháp luật, phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ sau :

i) - Phải chế định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, trách nhiệm giải trình của tất cả các tổ chức đảng và các đảng viên (nhất là người đứng đầu và các cán bộ chủ chốt) trong mỗi công đoạn thực hiện phương thức lãnh đạo xây dựng pháp luật nêu trên, và xây dựng cơ chế đồng bộ giữa các công đoạn của quá trình thực hiện phương thức lãnh đạo;

ii) - Phải thể chế hóa, cơ chế hóa, quy trình hóa, quy chuẩn hóa tất cả các “công đoạn” lãnh đạo xây dựng pháp luật nêu trên một cách khoa học và phù hợp với thực tiễn, công khai, minh bạch;

iii) - Phải nâng cao chất lượng của tất cả các “công đoạn” xây dựng phát luật, từ việc ra nghị quyết đến khâu cuối cùng là kiểm tra đánh giá việc thực hiện và kết quả.

iv) - Phải xây dựng được các tổ chức đảng trực tiếp tham gia quá trình lãnh đạo xây dựng pháp luật trong sạch, vững mạnh, có trình độ và tính chuyên nghiệp cao, nhất là các đảng viên giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt có đủ phẩm chất và năng lực để hiện thực hóa có hiệu quả phương thức lãnh đạo đó.

Một vấn đề quan trọng cần được chế định rõ, đó là xác định và phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, trách nhiệm giải trình của tổ chức đảng và các đảng viên, cán bộ chủ chốt, nhất là những người đứng đầu trong quá trình lãnh đạo xây dựng pháp luật, cụ thể là: Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ và các tổ chức Đảng có nhiệm vụ tham gia lãnh đạo xây dựng pháp luật. Đây là cụ thể hóa nguyên tắc của đảng “tập thể lãnh đạo - cá nhân phụ trách” trong lãnh đạo xây dựng pháp luật. Đồng thời chế định rõ chế độ trách nhiệm và cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của cơ quan soạn thảo, thẩm tra, trình, thông qua dự án luật, pháp lệnh...Phải chế định rõ, công khai trách nhiệm giải trình để khắc phục căn bệnh “đúng quy trình”, nhưng sai, không phù hợp, không khả thi về nội dung.

5. Cần nghiên cứu đẩy mạnh quá trình chuẩn hóa, khoa học hóa, hiện đại hóa quy trình xây dựng pháp luật: từ khâu đưa ra sáng kiến lập pháp, xây dựng dự thảo văn bản pháp luật, đưa dự thảo lấy ý kiến tham gia, phản biện của các cơ quan liên quan, của các đối tượng chịu sự điều chính và của xã hội, đến thẩm định, và cuối cùng là Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua. Điều quan trọng là phải chế định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, trách nhiệm giải trình của tất cả các chủ thể tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội được giao nhiệm vụ: sáng kiến lập pháp, chủ trì xây dựng dự thảo văn bản pháp luật, tham gia xây dựng dự thảo, phản biện, góp ý dự thảo, thẩm định dự thảo, chủ thể trình dự thảo, thảo luân và thông qua văn bản pháp luật. Phải hoàn thiện thể chế, cơ chế để mọi chủ thể và nhân dân tham gia xây dựng pháp luật.

6. Quy định rõ các yêu cầu, quy trình nghiên cứu lý luận găn với tổng kết thực tiễn trong quá trình xây dựng pháp luật; phân loại các cấp độ chế định trong pháp luật.

Cần đặc biệt coi trọng công tác nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn trong xây dựng pháp luật; nghiên cứu thấu đáo, đồng bộ các phương diện pháp lý, kinh tế (trong đó có vấn đề kinh tế học công cộng), chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…trong xây dựng pháp luật, nhằm đảm bảo tính khoa học, tích thực tiễn, tính khả thi của pháp luật.

Do yêu cầu của thực tiễn, có thể và cần thiết phân các chế định trong luật pháp làm 4 cấp độ sau : quy định cứng (không được thực hiện khác); quy định cho một phạm vi tự chủ nhất định; quy định cho phép có quyền tự chủ cao (tự chủ hoàn toàn), miễn không trái với Hiến pháp và pháp luật hiện hành; cho phép làm thí điểm hoặc thực hiện một số chế định (khác với quy định hiện hành, hay chưa có quy định) trong một phạm vi nào đó và trong một thời gian nào đó. Nghị quyết của Đảng đã nêu rõ trong các trường hợp cần thiết cho phép làm thí điểm những chính sách, mô hình mới. Theo tinh thần này, trong những trường hợp luật pháp chưa quy định, hoặc các quy định hiện hành không còn phù hợp đòi hỏi phải sửa đổi luật nhưng cần nhiều thời gian, thì Quốc hội có thể và cấn thiết ban hành các nghị quyết làm cơ sở pháp lý cho phép làm thí điểm, hoặc thực hiện một số chế định cụ thể trong một thời gian và phạm vi nào đó nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn nước ta và hội nhập quốc tế.

7. Tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chủ trương, định hướng chính sách và năng lực lãnh đạo cụ thể hóa, thể chế hóa của Đảng

Trước hết, cần tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung và cách thức ra nghị quyết của các Đảng (về đường lối, chủ trương, định hướng chính sách…) phù hợp với vai trò và chức năng lãnh đạo chính trị của Đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong các nghị quyết cần xác định rõ các nội dung cần lãnh đạo để cụ thể hóa, thể chế hóa qua con đường Nhà nước; giao nhiệm vụ rõ cho các tổ chức Đảng trong các cơ quan Nhà nước (Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ…) có trách nhiệm lãnh đạo cụ thể hóa, thể chế hóa. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình, các tổ chức đảng đó lãnh đạo các cơ quan Nhà nước cụ thể hóa, thể chế hóa theo con đường pháp quyền các nội dung nêu trong nghị quyết của Đảng thành pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách quản lý - phát triển của nhà nước, thể hiện ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân; thành khung khổ pháp lý để toàn bộ các lĩnh vực của xã hội và mọi chủ thể trong xã hội sống và hoạt động theo hiến pháp và pháp luật. Để thực hiện được tốt các nhiệm vụ này, Đảng phải lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đội ngũ chuyên gia đủ phẩm chất và năng lực, nắm chắc cả lý luận và thực tiễn, để xây dựng và lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật và các chủ trương, chính sách trong thực tiễn.

Xác định rõ nội dung, phương thức và cơ chế lãnh đạo của Đảng phù hợp đối với hệ thống hành pháp, lập pháp và tư pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền. Tiếp tục lãnh đạo đổi mới tổ chức và hoạt động lập pháp của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, chuyển trọng tâm từ quy định quyền của bộ máy nhà nước sang xác định đồng bộ quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm, trách nhiệm giả trình của các cơ quan nhà nước, từ “người dân được làm những gì pháp luật cho phép” sang “người dân được làm những gì pháp luật không cấm”, chế định rõ các quy định tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền của công dân trong mối quan hệ với Nhà nước./.

               (Hết)

                                            PGS.TS Trần Quốc Toản

                                             Chuyên gia cao cấp,

                                           Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết