Thứ Bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024

Đưa AI vào khuôn khổ

Ngày phát hành: 27/03/2024 Lượt xem 517

Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) lần đầu tiên thông qua nghị quyết mang tính bước ngoặt về thúc đẩy các hệ thống Trí tuệ nhân tạo (AI) "an toàn, bảo mật và đáng tin cậy" được đánh giá là bước đi mang tính lịch sử.

 

 

Nghị quyết do Mỹ đề xuất và được trên 120 nước đồng bảo trợ, trong đó có Việt Nam, khẳng định các hệ thống AI an toàn, đảm bảo và tin cậy có thể đóng góp tích cực cho nỗ lực thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), thúc đẩy hòa bình, bảo vệ quyền con người và thu hẹp khoảng cách số giữa các quốc gia. Mặt khác, nghị quyết cũng chỉ ra mặt trái của AI nếu thiếu cơ chế quản trị phù hợp, nhất là nguy cơ bị lạm dụng cho mục đích xấu, làm xói mòn tính toàn vẹn của thông tin, cản trở phát triển bền vững trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, làm gia tăng bất bình đẳng...

 

Thực tế, AI trải qua quá trình nghiên cứu và phát triển tiệm tiến từ những năm 1940. Năm 1956, nhà khoa học máy tính John McCarthy của Đại học Công nghệ Massachusetts (MIT) lần đầu tiên đưa ra khái niệm AI với định nghĩa “chương trình máy tính có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chỉ có thể hoàn thành bởi con người, đòi hỏi quá trình tư duy bậc cao bao gồm các bước như học tập qua tri giác, sắp xếp bộ nhớ và suy luận”.

 

Sau đó, AI ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư nghiên cứu - phát triển, nhờ đó đạt được một số thành tựu quan trọng. Ví dụ tiêu biểu là sự kiện “siêu máy tính” Deep Blue của IBM đánh bại nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov năm 1997.

 

Trong những năm gần đây, đặc biệt từ cuối năm 2022, với sự xuất hiện của công cụ ChatGPT, công nghệ AI tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng ngày càng lớn tới nhiều lĩnh vực xã hội. Ứng dụng ngày càng rộng rãi của AI có khả năng tạo ra cách mạng trong nhiều vấn đề trọng yếu, mang đến cơ hội và thách thức đan xen.  

 

Về kinh tế, số liệu điều tra của OECD cho thấy AI có khả năng thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 14%, tương đương 15,7 nghìn tỷ USD, đến năm 2030; tăng 40% năng suất lao động. Riêng AI tạo sinh có thể đóng góp 4,4 nghìn tỷ USD, giúp cắt giảm 60 - 70% thời gian làm việc. Các tác động của AI đối với kinh tế đến từ hai nhân tố chính. Một là, ứng dụng tự động hóa vào các nhiệm vụ/hoạt động có tính lặp lại, nhất là trong các lĩnh vực thâm dụng vốn như sản xuất và vận tải; áp dụng công nghệ AI vào hoạt động của doanh nghiệp giúp tăng hiệu quả, giảm giờ làm, qua đó giải phóng nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ khác tạo ra giá trị gia tăng. Hai là, AI làm tăng tính cá nhân hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, qua đó kích thích nhu cầu tiêu dùng, đồng thời tạo ra lượng dữ liệu lớn hơn làm đầu vào cho AI. Đối với thị trường lao động, phát triển và ứng dụng của AI sẽ tạo ra làn sóng chuyển dịch giữa các ngành trong nền kinh tế; thay đổi tính chất, nội dung công việc, đòi hỏi tái đào tạo kỹ năng cho lao động; tăng lương đối với lao động tay nghề cao, đồng thời giảm lương, hoặc thậm chí mất việc làm đối với lao động tay nghề thấp.  

 

Đối với xã hội, AI làm thay đổi mối quan hệ giữa các chủ thể trong xã hội, cách thức con người sinh hoạt, làm việc, từ đó đặt ra thách thức mới trong quản trị và xây dựng khuôn khổ pháp luật để điều chỉnh các vấn đề và mối quan hệ mới. Một trong những thách thức chính là xác định trách nhiệm và địa vị pháp lý trong ứng dụng AI, nhất là trong trường hợp xảy ra sai sót, tranh chấp liên quan tính mạng con người hay quyền sở hữu trí tuệ.

 

AI hỗ trợ mạnh mẽ việc quản lý xã hội, song cũng nảy sinh quan ngại về vấn đề tự do cá nhân, lạm dụng kiểm soát… Hệ thống AI sử dụng cơ sở dữ liệu, phân tích không phù hợp cũng có thể làm phát sinh thiên kiến, phân biệt đối xử trong đánh giá chủ thể, hành vi. Đặc biệt, khả năng tạo ra các nội dung giả mạo, thiên lệch có chủ đích, độc hại, làm nổi lên các nguy cơ dư luận bị định hướng, dẫn dắt phục vụ mục đích chính trị, về lâu dài có thể làm suy giảm lòng tin vào tin tức. “AI ngoài tầm kiểm soát” là vấn đề hầu hết các chính phủ đều lo ngại. Ngoài ra, còn tồn tại quan ngại về khả năng trong tương lai xa AI tự phát triển trí tuệ tương tự như con người, có tư duy độc lập, có hình thái của ý thức xã hội.  

 

Trong lĩnh vực an ninh, AI có thể hỗ trợ tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn xã hội thông qua nâng cao năng lực phòng thủ, tác chiến quân sự, nhất là với các vũ khí tự động, giảm chi phí con người; phòng ngừa, phát hiện rủi ro an ninh phi truyền thống như tấn công mạng, vũ khí sinh học; giám sát, dự báo hành vi đối với các loại tội phạm xã hội. Mặt khác, cạnh tranh phát triển công nghệ AI trong quân sự có thể kéo theo chạy đua vũ trang; việc cho phép AI đưa ra các quyết định về quân sự có nguy cơ kích hoạt, gây leo thang xung đột, đe dọa tính mạng con người ngoài dự tính và ý muốn. Ứng dụng AI có thể được tiếp cận dễ dàng bởi các cá nhân, tổ chức cực đoan, tội phạm để thực hiện các hành vi khủng bố, lừa đảo, ví dụ như phần mềm giả mạo hình ảnh Deepfake hay thiết bị bay không người lái (UAV) để vận chuyển hàng cấm, thực hiện hành vi khủng bố.

 

Bên cạnh đó là các nguy cơ mất an toàn thông tin, rò rỉ dữ liệu, thông tin cá nhân trong quá trình ứng dụng, sử dụng ứng dụng AI. Quá trình xây dựng khuôn khổ quản trị AI ở cấp độ quốc gia và toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do việc xây dựng pháp luật không theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ nói chung và AI nói riêng.

 

Nhiều nước, như Mỹ đang tìm cách để có thể hạn chế những rủi ro từ công nghệ này. Trung Quốc đã hoàn thiện các quy tắc đầu tiên về việc quản lý lĩnh vực AI tạo sinh. Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua đạo luật kiểm soát AI.

Đánh giá về sự kiện ĐHĐ LHQ thông qua nghị quyết về AI, ông Lê Văn Chính, Trưởng Văn phòng Đại diện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại New York (Mỹ), cho rằng đây là dấu mốc mang tính bước ngoặt, đúng thời điểm, quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với nhân loại. AI đã mang lại lợi ích to lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống con người, song một số ứng dụng của AI tạo ra những rủi ro, có thể gây hại cho cá nhân, doanh nghiệp và xã hội ở cả quy mô quốc gia, khu vực và toàn cầu. Thực tế này đòi hỏi cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, thể hiện trách nhiệm cao trong việc phát triển công nghệ AI theo hướng bền vững, công bằng.

 

Theo ông Lê Văn Chính, thời gian tới, LHQ và các quốc gia cần nỗ lực để cụ thể hóa nghị quyết quan trọng nêu trên, các nước cần tiếp tục cùng nhau xây dựng khung khổ pháp lý và phát triển công nghệ nhằm quản trị AI hiệu quả, an toàn, bảo đảm và tin tưởng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và không ai bỏ lại phía sau. Trước hết là nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ; AI cùng với nền tảng số sẽ ngày càng phát triển và được ứng dụng trong nhiều ngành (y tế, nông nghiệp, thương mại, giao thông, tài chính…) và tác động đến mọi mặt trong đời sống xã hội. Các quốc gia có nền tảng, hạ tầng và chiến lược đầu tư sẽ vượt xa các nước mới hội nhập với AI.

 

Theo đó, cần phải có cơ chế hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thì mới đạt được kỳ vọng như nghị quyết đã đề ra là: “an toàn, bảo đảm, tin tưởng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và không ai bỏ lại phía sau”. Tiếp đó là xây dựng chính sách đảm bảo an toàn, tránh rủi ro với trọng tâm là bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, an ninh phi truyền thống, đặc biệt là quyền con người, đạo đức và minh bạch trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; Cụ thể hóa khung chính sách AI bằng các tiêu chuẩn, quy định tuân thủ pháp lý, bản quyền nhằm đảm bảo tính đạo đức, quyền riêng tư về dữ liệu cá nhân trong AI.  

 

AI là công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp 4.0, có tiềm năng tạo đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và có thể tạo ra cuộc cách mạng mang tính bước ngoặt đối với thế giới. Cơ hội, tiềm năng luôn song hành cùng thách thức. Do đó, quản trị, đưa AI vào khuôn khổ cũng là vấn đề ngày càng cấp thiết, đòi hỏi các nước phải có một tư duy và chiến lược phù hợp, hướng tới việc phát triển và ứng dụng công nghệ AI một cách chủ động, trách nhiệm, bền vững, công bằng và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

 

Thanh Tuấn (Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc)

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết