Thứ Tư, ngày 24 tháng 04 năm 2024

Giải quyết và phòng ngừa "điểm nóng" trong tình hình hiện nay

Ngày phát hành: 19/06/2019 Lượt xem 49347


Một số “điểm nóng” và khiếu kiện phức tạp ở nước ta

          Qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, bên cạnh những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội, ở một số địa phương trong cả nước vẫn xảy ra  những “điểm nóng”, những vụ, việc phức tạp, như vụ nông dân Thái Bình khiếu kiện diễn ra ở hầu hết các xã năm 1997 - 1999; bạo động ở Tây Nguyên tháng 2-2002 và tháng 4-2004; vụ cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) năm 2012; vụ cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) năm 2012; vụ đòi lại đất liên quan đến tôn giáo tại giáo xứ Thái Hà (Hà Nội) năm 2011; vụ tập trung người Mông trái phép ở huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) năm 2011; vụ gây rối ở tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai năm 2014; các vụ việc ở giáo phận Vinh (tỉnh Nghệ An), lợi dụng sự cố môi trường biển của dự án Formosa (tỉnh Hà Tĩnh), tụ tập đông người, gây rối từ tháng 4-2016 đến năm 2017; vụ lấn chiếm đất quốc phòng tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) tháng 4-2017; vụ kích động gây rối tại Phan Rí, thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) tháng 6-2018… Một số vụ, việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đông người diễn ra trong quá trình thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, như dự án Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), các vụ chuyển đổi mô hình chợ truyền thống sang trung tâm thương mại, như chợ Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn), chợ Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), chợ Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), chợ An Khánh (tỉnh Đồng Nai), chợ Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk)…

          Phân loại “Điểm nóng” và giải quyết “Điểm nóng”

Trên cơ sở tổng hợp, đánh giá tác động xã hội của các “điểm nóng” ở Việt Nam từ trước đến nay, có thể phân thành 3 loại chủ yếu: loại “điểm nóng” có yếu tố địch, loại “điểm nóng” do những sai phạm pháp luật hoặc vi phạm dân chủ của một bộ phận cán bộ chính quyền và loại “điểm nóng” do một số phần tử bất mãn, cơ hội, tiêu cực kích động, lôi kéo, khiếu kiện đông người.

Loại “điểm nóng” có yếu tố địch là loại “điểm nóng” có chỉ đạo, tài trợ của các thế lực thù địch cả bên trong lẫn bên ngoài, để chống phá Đảng, Nhà nước, như vụ bạo động ở Tây Nguyên (tháng 2-2002 và tháng 4-2004), vụ phá rối gây mất ổn định ăn ninh trật tự ở Mường Nhé (tỉnh Điện Biên, năm 2011),...

Loại “điểm nóng” do sai phạm pháp luật hoặc vi phạm dân chủ của một bộ phận cán bộ chính quyền, như tham ô, tham nhũng, sai phạm trong quản lý đất đai, đầu tư các công trình, dự án, chỉ đạo đền bù, giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư, thực hiện không đúng chính sách an sinh xã hội, trù dập, ức hiếp công dân,... Đây là nguyên nhân chủ yếu, phổ biến dẫn đến việc xảy ra các “điểm nóng” hiện nay.

Loại “điểm nóng” do một số phần tử bất mãn, cơ hội, tiêu cực lợi dụng dân chủ, nhân quyền để kích động, tuyên truyền, lôi kéo, mua chuộc công dân  khiếu kiện, chống đối xảy ra ở một số nơi nhưng không nhiều.

          Thực tế cho thấy, trên địa bàn cả nước, nhiều địa phương đã có kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý có kết quả các “điểm nóng”.

Đối với loại “điểm nóng” có yếu tố địch thì điều quan trọng là sớm xác minh được kẻ cầm đầu, kẻ chỉ huy trực tiếp, để có phương pháp, nghiệp vụ phù hợp bắt gọn, sau đó mới tổ chức tuyên truyền, vận động công dân. Nếu không bắt gọn, trấn áp kịp thời kẻ cầm đầu, chỉ huy thì rất khó vận động số công dân bị các thế lực thù địch lôi kéo, tuyên truyền sai sự thật. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi đã ngăn chặn được kẻ chỉ huy, cầm đầu trực tiếp.

Đối với loại “điểm nóng” do một bộ phận cán bộ chính quyền vi phạm pháp luật hoặc vi phạm dân chủ gây ra thì điều quan trọng nhất là điều tra, xác minh rõ sai phạm vấn đề gì, lĩnh vực nào, mức độ đến đâu để giải quyết đúng pháp luật. Đây là “điểm nóng” mang tính chất nội bộ nên phải vừa tuyên truyền, vận động để nhân dân giác ngộ, có nhận thức đúng, vừa sớm khởi tố điều tra khi đã đủ cơ sở pháp lý. Nếu khởi tố điều tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời cán bộ sai phạm thì sẽ tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và không để “điểm nóng” kéo dài.

Đối với loại “điểm nóng” do một số phần tử bất mãn, cơ hội, tiêu cực lôi kéo, kích động, mua chuộc công dân thì cũng vừa tuyên truyền, vận động nhân dân, vừa điều tra, xác minh kẻ bất mãn, tiêu cực, cầm đầu để khởi tố điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật.

          Để công tác vận động, thuyết phục người dân không tham gia khiếu kiện có hiệu quả, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải lựa chọn, phân công được những cán bộ có uy tín, có kinh nghiệm, kiến thức, bản lĩnh chính trị vững vàng tham gia vận động. Đồng thời, căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể của từng “điểm nóng” để tranh thủ được những người có uy tín, các chức sắc, chức việc nòng cốt (là vùng đồng bào tôn giáo) cùng vận động, thuyết phục người dân.

          Một số giải pháp phòng ngừa “điểm nóng”, mà chính quyền các cấp cần thực hiện

          Một là, tập trung chỉ đạo, điều hành và vận động các tầng lớp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân

          Trên thực tế, nếu địa phương nào, đất nước nào tạo được môi trường tốt, có cơ chế, chính sách phù hợp để nhân dân, doanh nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phát minh, sáng chế… thì kinh tế tăng trưởng nhanh. Tùy đặc điểm, lợi thế cụ thể của từng địa phương để lựa chọn, định hướng và chỉ đạo phát triển công nghiệp, dịch vụ, và nông nghiệp có hiệu quả. Gắn sản xuất với thị trường, ưu tiên đầu tư các tiến bộ khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao,... Trên cơ sở kinh tế phát triển, việc làm cho người lao động được giải quyết, công tác an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân được nâng cao. C. Mác từng khẳng định “Lợi ích là động lực trực tiếp”, vì thế cách phòng ngừa “điểm nóng” hiệu quả nhất là chính quyền chỉ đạo, điều hành để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, trên cơ sở đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. “Điểm nóng”, vụ, việc phức tạp dễ phát sinh khi chính quyền để người dân nghèo đói, thất nghiệp, tham nhũng lớn, phân hóa giàu - nghèo cao, tiêu cực xã hội gia tăng…

          Hai là, tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trọng tâm là quản lý nhà nước về đất đai và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

          Trong những năm gần đây, số đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân đến các cơ quan chức năng đều cao. Đơn, thư gửi đến Quốc hội mà Ban Dân nguyện tổng hợp được từ năm 2013 đến 2017 là 72.719 đơn (theo Báo cáo số 571 ngày 21- 10-2017). Đơn thư gửi đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ năm 2014 đến tháng 10-2018 là 21.444 đơn. Đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Thanh tra Chính phủ từ năm 2010 đến 2018 là 25.173 đơn. Đơn gửi đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương từ năm 2010 đến tháng 9-2018 là 49.332 bản. Trên thực tế, có khoảng 70% số đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân là thuộc lĩnh vực đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng. Tình trạng vi phạm dân chủ trong đền bù giải phóng mặt bằng, vi phạm pháp luật trong quản lý đất công vẫn diễn ra, có địa phương vi phạm này trở thành “điểm nóng”, gây bức xúc nhất trong nhân dân. Cùng với những thiếu sót trong quản lý nhà nước về đất đai, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong xây dựng cơ bản, khai thác khoáng sản, mua bán tài sản công, sử dụng ngân sách, thực hiện các chương trình, dự án… cũng diễn ra phức tạp làm suy giảm lòng tin của nhân dân với chính quyền. Thực hiện tốt quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trọng tâm là quản lý nhà nước về đất đai, phòng, chống tham nhũng, lãng phí là biện pháp tích cực, hiệu quả để giảm phát sinh “điểm nóng”.

          Ba là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đối với các kiến nghị, đơn, thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

          Quốc hội đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật, nhưng việc tuyên truyền, phổ biến chúng đến nhân dân thì còn nhiều hạn chế. Các cơ quan truyền thông chưa dành thời lượng phù hợp cho việc phổ biến pháp luật. Việc tổ chức học tập và trao đổi các văn bản liên quan trực tiếp đến người dân, như Luật Đất đai, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Trưng cầu ý dân,... cũng ít được các cơ sở quan tâm. Do thiếu nhận thức đầy đủ về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận công dân chưa tốt nên phát sinh tiêu cực, phức tạp. Người dân và các doanh nghiệp khi trực tiếp làm việc với chính quyền các cấp, với các cơ quan chức năng của chính quyền thì vẫn bị nhũng nhiễu, bị vòi vĩnh. Một số cơ quan, đơn vị thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính chưa tốt, việc giải quyết nhiều kiến nghị chính đáng, đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân thiếu kịp thời, gây bức xúc lớn trong nhân dân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch thiếu sắc bén, kịp thời là những điểm yếu để địch lợi dụng kích động gây ra “điểm nóng”.

          Bốn là, góp phần xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt xây dựng chính quyền cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh.

          Để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh đòi hỏi các cấp, các ngành phải quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của  Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, (Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017), trong đó có tổ chức bộ máy chính quyền các cấp.

          Thực tế cho thấy, ở đâu hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh thì ở đó không có “điểm nóng”. Do đó, cần làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, công chức, viên chức có đạo đức, gương mẫu, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong bộ máy của hệ thống chính trị. Chất lượng đội ngũ cán bộ quyết định việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là việc giải quyết những công việc liên quan đến người dân. Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải hết sức quan tâm việc lựa chọn, bố trí người đứng đầu chính quyền các cấp. Nếu người đứng đầu gương mẫu, thượng tôn pháp luật, nói đi đôi với làm, v.v.. thì công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả cao. Vừa qua, các “điểm nóng” chủ yếu xảy ra ở các cấp cơ sở, nên chính quyền cơ sở cần nắm chắc tình hình của nhân dân, phát huy tính dân chủ, giải quyết tốt đơn, thư khiếu nại, tố cáo, chăm lo tốt công tác an sinh xã hội… Phải kiên quyết khắc phục bệnh thành tích khi phân loại tổ chức cơ sở đảng, phân loại cơ sở. Có một số nơi hệ thống chính trị cơ sở được phân loại trong sạch, vững mạnh nhưng khi xảy ra “điểm nóng” thì tê liệt, không chỉ đạo, điều hành được nhân dân.

          Năm là, thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân

          Trung ương và Chính phủ đã có các văn bản quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền định kỳ hoặc đột xuất đối thoại với nhân dân và chỉ đạo tốt công tác tiếp dân. Trong tình hình hiện nay, việc tiếp công dân và đối thoại với công dân được coi là giải pháp hiệu quả để phòng ngừa “điểm nóng”. Ở một số địa phương, đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân nắm chắc tình hình đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kịp thời đối thoại với công dân thì không để xảy ra “điểm nóng”. Nâng cao chất lượng hiệu quả các cuộc tiếp dân, đối thoại với nhân dân, đặc biệt sau tiếp xúc, đối thoại với dân, chính quyền tích cực chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân. Tuy nhiên, việc tiếp công dân, đối thoại với công dân ở nhiều địa phương làm chưa tốt. Theo báo cáo của Ban Dân nguyện tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, việc tiếp dân định kỳ của chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạt tỉ lệ bình quân 48,3%, chủ tịch ủy ban nhân dân huyện đạt bình quân 71,8% và chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã đạt bình quân 24% so với quy định. Việc tiếp công dân ở những địa phương chưa tốt cần phải được chính quyền các cấp sớm khắc phục.

          Sáu là, chủ động xây dựng cán bộ cốt cán và người có uy tín trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt ở vùng đồng bào có đạo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng trọng điểm quốc phòng, an ninh.

          Công tác nắm tình hình nhân dân, nắm tâm tư, nguyện vọng để tham mưu hoặc trực tiếp giải quyết là nhiệm vụ rất quan trọng. Để nắm chắc tình hình, nhất là tình hình vùng đồng bào có đạo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thì yêu cầu chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức phải sâu sát cơ sở, gần gũi với nhân dân và quan tâm xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt. Để xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt và người có uy tín đòi hỏi từng cơ quan chức năng, như công an, quân đội, nội vụ, trực tiếp là ban tôn giáo, ban dân tộc phải có phương pháp phù hợp, hiệu quả đối với đặc điểm, tình hình từng vùng, miền khác nhau trong cả nước. Các địa phương ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ hết sức quan tâm, phát hiện, xây dựng, tranh thủ người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, các địa phương có đồng bào tôn giáo quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt, nhất là đội ngũ chức sắc, chức việc. Địa phương nào mà chính quyền xây dựng được lực lượng chính trị nòng cốt và có cơ chế để các lực lượng này phối hợp chặt chẽ thì việc nắm thông tin, chất lượng công tác tham mưu cho chính quyền sẽ hiệu quả hơn. Dự báo, nắm chắc tình hình cơ sở là biện pháp phòng ngừa phát sinh khiếu kiện đông người, phát sinh “điểm nóng” một cách chủ động nhất, kịp thời nhất.

          Bảy là, nâng cao chất lượng công tác dân vận của cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang các cấp.

          Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, các cấp ủy đảng, chính quyền phải quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Hiệu quả từ công tác dân vận có vai trò quan trọng đối với đội ngũ, cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan chính quyền trong việc phục vụ nhân dân. Chính quyền các cấp chủ yếu là người đứng đầu phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền các cấp. Cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang phải tự giác học tập, nắm vững kiến thức pháp luật, nghiệp vụ để vừa trực tiếp tuyên truyền, vừa vận động nhân dân thực hiện. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc nào thì phải học tiếng dân tộc đó để có thể giao tiếp, trao đổi với đồng bào, hòa nhập, gắn bó với đồng bào. Thực tế, ở nhiều địa phương, nơi nào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang tiếp xúc với dân mà gương mẫu, trách nhiệm, nói đi đôi với làm, vận động, tập hợp nhân dân tốt thì nơi đó vừa có phong trào, vừa ít xảy ra “điểm nóng”. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức quán triệt và thực hiện sự chỉ bảo của Bác Hồ: Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công, nhất là trong thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, trong chương trình xây dựng nông thôn mới,.. là góp phần phòng ngừa “điểm nóng”.

          Bài học kinh nghiệm về phòng ngừa “điểm nóng”

          Phòng ngừa không để xẩy ra “điểm nóng” là rất quan trọng, tức “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, vì thế phải xác định đúng nguyên nhân, để rút ra bài học cho việc phòng ngừa “điểm nóng”. Các bài học kinh nghiệm đó là:

          Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong phát triển kinh tế - xã hội, có những giải pháp thiết thực, hiệu quả, đột phá để nâng cao, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân để người dân tin tưởng, gắn bó với Đảng, Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, đây là bài học kinh nghiệm quý báu nhất, lâu dài nhất. Địa phương nào lãnh đạo, chỉ đạo không tốt để việc làm thiếu, thất nghiệp tăng, tỉ lệ nghèo đói cao… là mầm mống phát triển bất bình trong xã hội, giảm sút mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, chính quyền.

          Hai là, các cấp ủy đảng lựa chọn, bố trí những cán bộ có đức, có tài, sống gương mẫu, nói đi đôi với làm, công tâm, khách quan… làm người đứng đầu các cấp, các ngành, đồng thời giữ vững kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm minh người tham nhũng, tiêu cực, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những kiến nghị, bức xúc chính đáng của công dân.

          Ba là, các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên tôn trọng và phát huy tốt quyền làm chủ của người dân, có cơ chế để các tổ chức trong hệ thống chính trị phối hợp chặt chẽ trên các lĩnh vực, nhất là phối hợp xử lý có hiệu quả các mâu thuẫn nội bộ phát sinh.

Bốn là, nhanh chóng củng cố, tăng cường vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng, kiện toàn chính quyền và các đoàn thể quần chúng đủ sức giải quyết những vấn đề xảy ra ở cơ sở. Kiên quyết xử lý những cán bộ sai phạm, không còn đủ uy tín và năng lực điều hành, thay vào đó là những cán bộ có uy tín, có năng lực, có khả năng quy tụ quần chúng nhằm tạo sức mạnh mới của tổ chức. Vấn đề đặt ra là cần lựa chọn, bồi dưỡng và đào tạo được đội ngũ cán bộ kế cận ở cơ sở có đủ năng lực và uy tín để triển khai mọi nhiệm vụ.

Năm là, thường xuyên làm tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh kế - xã hội, tích cực đẩy mạnh công tác giám sát và kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các sai phạm, đồng thời tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, ngay từ khi vụ, việc mới phát sinh, không để phát triển và lan sang các lĩnh vực khác, địa bàn khác.

Sáu là, tổ chức thanh tra, kiểm tra và kết luận chính xác, khách quan những sai lầm, khuyết điểm và đề xuất được giải pháp đúng đắn, phù hợp với thực tế, có tính khả thi. Trong quá trình kiểm tra, giám sát và thanh tra phải kiên trì đối thoại, thuyết phục để phân tích làm rõ đúng sai, tạo thống nhất cao trong tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể với đại đa số quần chúng nhân dân. Khi có kết luận thanh tra thì khẩn trương và kiên quyết tổ chức thực hiện, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Bảy là, phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và cơ sở trong các khâu để tránh tình trạng có lúc nôn nóng, có lúc lại chậm trễ, thiếu tập trung, kiên quyết trong xử lý để sự việc kéo dài.

Tám là, chủ động đấu tranh chống quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hòa binh” của các thế lực thù địch, không để kẻ xấu kích động, lôi kéo tạo “điểm nóng”; dự báo những tình huống phức tạp, kịp thời phát hiện những nguy cơ có thể xảy ra “điểm nóng” để chủ động ngăn chặn./. 

 

Nguyễn Thế Trung

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

 

 

 

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết