Thứ Hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024

Hội Báo toàn quốc 2022: Sự phát triển mạnh mẽ, những thành tích to lớn của Báo chí Việt Nam

Ngày phát hành: 11/04/2022 Lượt xem 1525

 

Từ ngày 13 đến 15/4/2022, tại Bảo tàng Hà Nội, sẽ diễn ra Hội báo toàn quốc năm 2022 với chủ đề “Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn”. Đây thực sự là ngày hội của giới báo chí và công chúng báo chí cả nước; đồng thời là dịp tôn vinh sự phát triển mạnh mẽ, những thành tích to lớn của Báo chí Việt Nam, quảng bá những sản phẩm báo chí gắn với hoạt động lao động, sáng tạo của các nhà báo trong cả nước.

Sự phát triển mạnh mẽ, những thành tích to lớn của Báo chí Việt Nam
          Hội báo toàn quốc năm không chỉ là ngày hội của giới báo chí và công chúng báo chí cả nước, còn là lời khẳng định đất nước đã chuyển sang giai đoạn bình thường mới sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; là dịp tôn vinh sự phát triển mạnh mẽ, những thành tích to lớn của Báo chí Việt Nam; sự lăn xả, cống hiến, sáng tạo của các nhà báo trong cả nước.
          Thực tiễn đã chứng minh, hơn 90 năm qua, báo chí cách mạng luôn đồng hành và có những đóng góp hết sức to lớn và hiệu quả vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh bại hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, xóa bỏ áp bức bóc lột, giành độc lập dân tộc, mang lại tự do hạnh phúc cho nhân dân, tiếp tục sự nghiệp xây dựng bảo vệ và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, báo chí nước ta tiếp tục phát huy vai trò to lớn của mình là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo đã có đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hoá-xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng và mở rộng quan hệ đối ngoại.
          Báo chí nước ta phát triển ngày càng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay có 851 cơ quan báo chí, 20.000 phóng viên, 50.000 người làm việc ở các cơ quan báo chí với hàng nghìn ấn phẩm các loại, lượng phát hành hơn 600 triệu bản/năm. Đây là lực lượng hùng hậu của báo chí truyền thông nước nhà.
          Báo chí đã làm tốt chức năng và nhiệm vụ của mình là đưa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với dân để dân hiểu, dân biết và làm theo. Đồng thời tập trung phản ánh những vấn đề bức xúc, những điểm “nóng”, những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phản biện chính sách, qua đó gợi mở, góp ý, bổ sung vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, báo chí cũng thường xuyên bám sát các vấn đề, đưa tin về những sự kiện, vụ việc liên quan, cung cấp số liệu, tình hình thực tế để các cơ quan có thẩm quyền tham khảo, củng cố thêm cơ sở khoa học trong hoạch định đường lối, chính sách. Quá trình đó cũng chính là tham gia tích cực vào nhiệm vụ đấu tranh làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước có sức sống trong thực tiễn.
          Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 hai năm qua, báo chí là một trong bốn lực lượng ở tuyến đầu. Cả hệ thống báo chí đã vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc.” Các tòa soạn làm việc ngày đêm, ở đâu có hoạt động chống dịch, ở đó có phóng viên báo chí. Điều đó được thấy rõ khi có rất nhiều giải thưởng lớn đã được trao cho các tác phẩm báo chí về đề tài chống dịch như “Đại dịch COVID-19: Thách thức và cơ hội” của tác giả Nguyễn Hữu Phùng Nguyên (Báo Nhân Dân) đạt giải A Giải báo chí quốc gia 2021; “Cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn dân đồng lòng chống dịch COVID-19” của nhóm tác giả Thông tấn xã Việt Nam đạt giải A Giải Búa liềm vàng 2020…

 


          "Các nhà báo luôn đi đầu trên mọi mặt trận: xưa là những phóng viên chiến trường không quản ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng vào sinh ra tử trong "mưa bom bão đạn" của chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc, nhiều người đã để lại một phần xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, có người đã hiến trọn đời mình cho nền độc lập và tự do của Tổ quốc. Khi hòa bình lập lại, đội ngũ nhà báo lại có mặt trên mọi nẻo đường, âm thầm, tận tụy cống hiến cho công cuộc xây dựng đất nước. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, nhiều nhà báo đã dấn thân, sẵn sàng xung phong tác nghiệp tại tâm dịch, kịp thời có mặt tại các "điểm nóng", phản ánh toàn diện những nỗ lực của Đảng, Chính phủ và toàn xã hội nhằm chiến thắng dịch bệnh, hoàn thành sứ mệnh cao cả của người làm báo". Bộ trưởng Bộ Y tế, GS-TS Nguyễn Thanh Long đã viết như vậy trong thư chúc mừng những người làm báo, nhân dịp 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021). Người đứng đầu ngành y tế đã dùng từ "dấn thân" để đánh giá nỗ lực và cống hiến của đội ngũ những người làm báo Việt Nam trong cuộc đại chiến với dịch COVID-19 suốt 2 năm qua.
          Và với trách nhiệm xã hội hết sức to lớn, trong những năm qua, báo chí đã tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Báo chí vừa tuyên truyền, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về đấu tranh chống tham nhũng, vừa trực tiếp tham gia vạch trần không ít vụ án tham nhũng, tiêu cực, cung cấp nhiều thông tin quan trọng để cơ quan chức năng lấy làm căn cứ vào cuộc điều tra. Nhiều nhà báo đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm; vượt qua mọi cám dỗ, cạm bẫy và nỗi lo “cơm áo” thường ngày để dấn thân theo sát đến cùng các vụ việc, giúp các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Các tác phẩm báo chí mang tính chất phát hiện, là bước khởi đầu cho những cuộc điều tra sâu rộng, sau đó đã phanh phui được vụ án vô cùng nghiêm trọng, gây thất thoát cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, như vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung.
          Trên cơ sở đó, báo chí góp phần quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn dân ta ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.


 Xây dựng nền báo chí cách mạng, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại
          Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng chỉ ra những bất cập, thiếu sót của báo chí trong thời gian qua, cần nghiêm túc tự phê bình và phê bình: khuynh hướng thông tin thiếu toàn diện, thiếu đầy đủ gây hiểu lầm, hiểu không đúng bản chất sự việc; không thực hiện nghiêm túc quy trình tác nghiệp; nhiều trường hợp bỏ qua khâu kiểm tra, xác minh, dẫn đến thông tin không chuẩn xác; cách tiếp cận sự kiện, vấn đề, trong nhiều trường hợp, chưa thực sự hợp lý, thiếu tính nhân văn và thiếu tính thuyết phục; còn tình trạng phóng viên nhũng nhiễu, gây sức ép doanh nghiệp; để xảy ra tình trạng phóng viên, cộng tác viên bị bắt vì vi phạm pháp luật trong quá trình tác nghiệp... Cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, trong một số trường hợp còn thiếu nhạy bén, chưa có phân tích và dự báo từ sớm, từ xa theo chiều hướng vận động của sự việc, vấn đề, do vậy, chưa thực sự định hướng, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí. Một số cơ quan chủ quản chưa thực sự làm hết trách nhiệm, còn lơ là, buông lỏng trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý cơ quan báo chí trực thuộc. Công tác xây dựng đảng, quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ ở nhiều cơ quan báo chí chưa được quan tâm, chăm lo đúng mức…
          Để khắc phục những hạn chế, tiếp tục khẳng định vai trò, sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị những người làm công tác báo chí cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng; Các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch tuyên truyền, mở chuyên mục, chuyên trang, chương trình bình luận, tọa đàm để làm thật sâu sắc, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, qua đó khơi dậy quyết tâm, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tăng cường các thông tin chính thống, tích cực; kết hợp giữa “xây” và “chống”; chú trọng những bài viết, chương trình đặc sắc với cách thể hiện sáng tạo, gắn kết nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn, góp phần tạo dòng thông tin chủ lưu, chính thống, đấu tranh, phản bác trực diện, kịp thời, đồng thời, định hướng dư luận xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân; góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế nói riêng của đất nước. Hệ thống báo chí, xuất bản phải sát cánh cùng toàn Đảng, toàn dân trong nhiệm vụ then chốt và nặng nề này...
          Khẳng định và nâng cao vai trò của báo chí trong việc định hướng xã hội về tính nhân văn, đạo đức, hướng tới các giá trị văn hóa như chân, thiện, mỹ, hoà bình, hội nhập, phát triển bền vững, trước hết, mỗi cơ quan báo chí phải xây dựng và thực hiện chuẩn mực văn hóa, đạo đức trong chính đơn vị mình theo tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc; phấn đấu mỗi cơ quan báo chí là một cơ quan văn hóa tiêu biểu… ./.


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết