Thứ Hai, ngày 29 tháng 04 năm 2024

Mối quan hệ giữa Đảng ủy và Ban giám hiệu các trường đại học ở Trung quốc, vấn đề đặt ra đối với các trường đại học ở Việt Nam ​

Ngày phát hành: 25/04/2020 Lượt xem 3624


Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14)[1] trong cơ cấu tổ chức trường đại học quy định tách biệt Hội đồng trường, Hiệu trưởng cơ sở đại học, có quyền hạn, trách nhiệm, tiêu chuẩn rất rõ. Mặc dù Hội đồng trường có vị thế rất lớn nhưng trên thực tế hiện nay hoạt động của Hội đồng trường chưa thật sự hiệu quả, không thể hiện rõ được vai trò, quyền hạn chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của mình, ở một số nơi Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học có vị thế tối thượng, được quyền quyết định mọi tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học thay vì phải đề xuất và trình Hội đồng trường quyết định. Để Luật Giáo dục đại học sửa đổi đi vào thực tiễn, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin trình bày mối quan hệ giữa Đảng ủy (Bí thư Đảng ủy) với Ban Giám hiệu (Hiệu trưởng) trong các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc để làm rõ thêm vai trò lãnh đạo của Đảng, nhân tố quyết định ở các trường đại học Trung Quốc và vấn đề đặt ra đối với mối quan hệ giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng cơ sở đại học nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các cơ sở đại học ở Việt Nam.

1. Mối quan hệ giữa Đảng ủy với Ban Giám hiệu trong các trường đại học ở Trung Quốc

Hệ thống Đảng trong cơ sở giáo dục đại học bao gồm Bí thư Đảng ủy và Phó Bí thư Đảng ủy của Ban Chấp hành của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở cấp độ nhà trường. Họ là đại diện của Đảng Cộng sản trong mỗi trường đại học. Họ phải chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc xử lý các vấn đề chính trị và ý thức hệ. Quy mô của hệ thống Đảng được quyết định bởi số lượng sinh viên đại học và giảng viên, cũng như các cấp độ chính trị và hành chính của mỗi trường đại học trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, về nguyên tắc, hệ thống Đảng điển hình ở cấp độ nhà trường bao gồm một Bí thư Đảng ủy và ba hoặc bốn Phó Bí thư Đảng ủy.

Hệ thống hành chính bao gồm Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng. Theo Luật Giáo dục đại học Trung Quốc, Hiệu trưởng lãnh đạo các lĩnh vực học thuật và thực hiện các hoạt động quản lý đặc biệt cho giảng dạy và nghiên cứu. Tùy thuộc vào quy mô của mỗi đơn vị, ngoài Hiệu trưởng có bốn hoặc năm Phó Hiệu trưởng[2]. Mối quan hệ giữa Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng trong các trường đại học ở Trung Quốc được thực hiện trên cơ sở thuyết nhị nguyên tinh hoa. Thuyết này bắt nguồn từ nghiên cứu của Konard và Szelenys, theo đó, Đảng ủy gồm Bí thư Đảng ủy và các Phó Bí thư Đảng ủy với quyền lực chính trị, Ban Giám hiệu gồm Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng có kiến thức chuyên môn. Thâm niên và kinh nghiệm chính trị trong Đảng có tác động đáng kể đến việc lựa chọn Bí thư Đảng ủy, trong khi nền tảng học thuật và văn bằng giáo dục lại là cơ sở để bổ nhiệm Hiệu trưởng trường đại học[3].

Bí thư Đảng ủy là đại diện của Đảng Cộng sản, đóng vai trò trung tâm trong việc liên kết các hệ tư tưởng và chiến lược điều chỉnh của Đảng với các hoạt động học thuật trong các trường đại học hàng đầu. Hiệu trưởng tham gia nhiều hơn vào việc điều hành các vấn đề học thuật. Sự lãnh đạo của Bí thư Đảng ủy bị ảnh hưởng bởi chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong khi sự lãnh đạo của Hiệu trưởng bị ảnh hưởng bởi các chuẩn học thuật.

Theo Luật Giáo dục đại học Trung Quốc thì Bí thư Đảng ủy thực hiện đường lối và chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuân thủ định hướng xã hội của việc điều hành các trường, thực hiện sự lãnh đạo đối với công tác tư tưởng và chính trị và công việc liên quan đến đạo đức trong các trường, thảo luận và đưa ra quyết định về việc thiết lập cơ cấu tổ chức nội bộ và ứng cử viên cho người phụ trách cơ cấu tổ chức nội bộ, tổ chức các cuộc thảo luận và đưa ra quyết định về các vấn đề chính như cải cách, phát triển và các quy tắc hành chính cơ bản của các trường đại học để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ khác nhau tập trung vào đào tạo nhân tài (Điều 39). Trong khi đó, Hiệu trưởng trường đại học phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các công việc hành chính khác của nhà trường... (Điều 41).

Theo một nghiên cứu của Daily of Southern City 2014, cho thấy tác động từ trung ương và các nhân tố bên ngoài có ảnh hưởng rõ ràng và đáng kể trong tuyển dụng và bổ nhiệm lãnh đạo chính trị và lãnh đạo chính quyền trong các trường đại học ở Trung Quốc, cụ thể tính đến năm 2013 trong số 75 trường đại học do Bộ Giáo dục Trung Quốc thành lập và quản lý, có gần 40% Bí thư Đảng ủy từng là lãnh đạo ở chính quyền cấp tỉnh hoặc trung ương. Trong số đó, 15 Bí thư Đảng ủy có kinh nghiệm lãnh đạo ở các tỉnh hoặc thành phố cấp tỉnh và 14 người trong số họ từng là giám đốc hoặc lãnh đạo của Bộ Giáo dục hoặc cơ quan khác ở cấp trung ương. Trong khi đó, Hiệu trưởng của các trường đại học lại được lựa chọn và bổ nhiệm chủ yếu từ các chức vụ Phó Hiệu trưởng với thành tích học thuật vượt trội và khả năng hành chính của họ. Phần còn lại được bổ nhiệm từ các khoa/phòng hoặc cơ sở trực thuộc Bộ Giáo dục hoặc là người (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) có kinh nghiệm trong việc điều hành các trường đại học khác.

Mối quan hệ giữa Đảng ủy với Ban Giám hiệu trong các trường đại học ở Trung Quốc còn được thể hiện thông qua các đặc điểm khác biệt sau đây giữa Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng các trường đại học ở Trung Quốc:

Về giới tính, trong hệ thống Đảng, vấn đề cân bằng giới trong lãnh đạo chính trị và lãnh đạo hành chính được quan tâm, sự khác biệt về giới không đáng kể. Tỷ lệ nữ lãnh đạo nhà trường cao hơn trong so với tỷ lệ nữ trong hệ thống Đảng, tỷ lệ nữ (13,6%) là Bí thư và Phó Bí thư gần gấp đôi so với Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng (7,7%). Vì vậy, trong hệ thống Đảng, tỷ lệ ủng hộ nữ lãnh đạo được đặc biệt chú ý.

Về độ tuổi, Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy nằm trong nhóm trên 55 tuổi chiếm tỷ lệ cao (48,4%) so với nhóm tuổi này trong hệ thống hành chính (43,5%), trong khi Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng nằm trong nhóm 51-55 tuổi (39,2%). Điều này cho thấy, thâm niên được đánh giá cao hơn trong việc bổ nhiệm Bí thư Đảng ủy so với Hiệu trưởng và nhóm tuổi tương đối trẻ 35-40 tuổi và 41-45 tuổi được tập trung để bổ nhiệm Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng.

Về tư cách Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, 100% Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng hầu hết đều là Đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên có một tỷ lệ nhỏ Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng là đảng viên thuộc đảng khác (5,6%) hoặc không thuộc đảng nào (1,4%) vì tiêu chuẩn Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc không bắt buộc đối với Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng.

Về ngành học, được nhấn mạnh như nhau trong việc lựa chọn và bổ nhiệm các lãnh đạo nhà trường trong cả hai hệ thống Đảng và hành chính ở các trường đại học: có 51,1% Bí thư Đảng ủy và Phó Bí thư Đảng ủy là từ ngành nhân văn và khoa học xã hội như Triết học mácxít, hành chính, quản lý, luật hoặc giáo dục..., trong khi có 60,5% Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng là từ khoa học và kỹ thuật.

Về bằng cấp cho thấy có một khoảng cách giữa lãnh đạo trong hệ thống Đảng và lãnh đạo hành chính. Bằng tiến sĩ được coi là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc lựa chọn Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng (80%), trong khi tỷ lệ Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy có bằng tiến sĩ thấp hơn (45%); và kinh nghiệm học tập hoặc nghiên cứu ở nước ngoài thì chỉ có 4,0% Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư có bằng cấp ở nước ngoài, trong khi Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng là 12,4%; và 18,4% Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư có kinh nghiệm học tập hoặc nghiên cứu ở nước ngoài, trong khi Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng là 39,0%.

Về thứ hạng học thuật và bằng cấp cuối cùng từ các trường đại học khác ngoài trường mà họ hiện đang giữ vai trò lãnh đạo, tỷ lệ Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư với chức danh giáo sư hoặc nhà nghiên cứu cao cấp cao hơn một chút so với tỷ lệ tương ứng của Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng. Có 60,2% lãnh đạo hệ thống Đảng đã nhận bằng cấp cuối cùng từ các trường đại học khác ngoài trường mà họ hiện đang giữ vai trò lãnh đạo, so với 56,2% của Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng.

Về việc luân chuyển Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng, do việc bổ nhiệm Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng được chính quyền trung ương trực tiếp thực hiện từ góc độ chính trị, nên việc luân chuyển Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng từ nơi này sang nơi khác là điều khá bình thường và đơn giản.

2. Vấn đề đặt ra về mối quan hệ giữa tổ chức Đảng với Ban Giám hiệu, với Hội đồng trường trong các trường đại học ở Việt Nam

Theo Luật Giáo dục đại học Việt Nam mối quan hệ giữa tổ chức Đảng với  Ban Giám hiệu (Hiệu trưởng) trong các trường đại học còn mờ nhạt[4]. Cụ thể là, khoản 1 Điều 13 Luật Giáo dục đại học chỉ quy định: “Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong cơ sở giáo dục đại học được thành lập và hoạt động theo quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật”; điểm b khoản 3 Điều 16 chỉ quy định: “Thành viên đương nhiên bao gồm Bí thư cấp ủy, hiệu trưởng trường đại học, chủ tịch công đoàn và đại diện Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường đại học”.

Trong khi Điều 20 Luật Giáo dục đại học quy định rất cụ thể về vai trò, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệu trưởng: “1. Hiệu trưởng trường đại học, giám đốc đại học (gọi chung là hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học) là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học... 2. Tiêu chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định như sau: ... 3. Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định như sau: ...[5].

Trên cơ sở nghiên cứu mối quan hệ giữa hệ thống lãnh đạo Đảng ủy và lãnh đạo hành chính trong các trường đại học ở Trung Quốc được đề cập trong bài viết này, để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các trường đại học ở Việt Nam; thể hiện được rõ thế mạnh về trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường mối quan hệ giữa Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Hội đồng trường phù hợp với tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chúng tôi khuyến nghị một số vấn đề sau:

1. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 16, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học[6], và Điều 7 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ[7] theo hướng quy định rõ về vai trò, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường của trường đại học công lập, cụ thể Chủ tịch Hội đồng trường phải là Bí thư Đảng ủy của trường đại học, có thể bổ sung thêm Phó Bí thư Đảng ủy là thành viên của Hội đồng trường. Vì theo chúng tôi, với mô hình này sẽ làm rõ vai trò quyền lực của Hội đồng trường, phát huy tính dân chủ, quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong quá trình bầu chủ tịch Hội đồng trường theo đúng với quy định về trách nhiệm và quyền hạn, khắc phục tính hình thức của Hội đồng trường của nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay.

2. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 58, Luật Giáo dục[8] cũng như trong Nghị định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục để làm rõ hơn vai trò của Tổ chức Đảng trong nhà trường nói chung và trong cơ sở giáo dục đại học nói riêng, nhằm thể hiện được rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong mối quan hệ giữa Đảng ủy với Ban Giám hiệu (Hiệu trưởng), và mối quan hệ giữa Hội đồng trường với Hiệu trưởng trong tổng thể cơ cấu tổ chức của trường học vì hiện nay quy định này còn chung chung, chưa cụ thể vai trò của từng tổ chức.

3. Vận dụng nghiên cứu trong các trường đại học ở Trung Quốc để phân định rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm của Hiệu trưởng trong quá trình điều hành hoạt động cơ sở giáo dục đại học, có thể được bổ nhiệm hiệu trưởng nhưng không nên bầu làm Bí thư Đảng ủy.

Trên đây là nghiên cứu về mối quan hệ giữa Đảng ủy với Ban Giám hiệu trong các trường đại học ở Trung Quốc và vấn đề đặt ra đối với các trường đại học ở Việt Nam. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo, trao đổi./.

 

TS. Đỗ Đức Hồng Hà

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Giáo dục (2011), Niên giám Giáo dục Trung Quốc, Báo Giáo dục Nhân dân, Bắc Kinh.

2. Hayhoe, R., J. Li, J., Lin và Q., Zha (2011), Chân dung của các trường đại học Trung Quốc thế kỷ 21: Trong sự chuyển sang giáo dục đại học, Trung tâm nghiên cứu giáo dục so sánh, Đại học Hồng Kông.

3. Lạc, Y., và P. Yang (2013), Giáo dục đại học Trung Quốc: Mở rộng và công bằng xã hội từ năm 1949, Nhà xuất bản Sense.

4. Liu, J (2012), Kiểm tra các chính sách đại chúng và hậu quả của chúng đối với sự bình đẳng trong giáo dục đại học Trung Quốc: Một quan điểm văn hóa, Nhà xuất bản Giáo dục đại học, tr.64.

5. Postiglione, GA ed (2006), Giáo dục và thay đổi xã hội ở Trung Quốc: Bất bình đẳng trong một thị trường.

6. Quách, J., J. Sun và X. Huang (2012), Nghiên cứu giáo dục đại học Trung Quốc, tr.24-28.

7. Sun, FS và A. Barrientos (2009), Thử thách công bằng trong chính sách tài chính giáo dục đại học của Trung Quốc, Chính sách giáo dục đại học, tr.207.

8. Văn phòng Quốc hội (2018), Văn bản hợp nhất Luật Giáo dục đại học số 42/VBHN-VPQH ngày 10 tháng 12 năm 2018 của Văn phòng Quốc hội.

9. Zang, X (2003), Lựa chọn lãnh đạo và thuyết nhị nguyên ưu tú ở Trung Quốc.

 

 



[1]Văn phòng Quốc hội (2018), Văn bản hợp nhất Luật Giáo dục đại học số 42/VBHN-VPQH ngày 10 tháng 12 năm 2018 của Văn phòng Quốc hội.

[2]Trong những năm gần đây đã có sự giảm dần về số lượng các Phó Bí thư Đảng ủy và tăng số lượng các Phó Hiệu trưởng. Điều này đặc biệt rõ ràng ở các trường đại học hàng đầu như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Fudan và Đại học Zhe-jiang.

[3]Dữ liệu trong nghiên cứu này chủ yếu được rút ra từ trang chủ của từng trường đại học; phiên bản điện tử của bách khoa toàn thư của Baidu, một trong những phiên bản lớn nhất và là công cụ tìm kiếm phổ biến ở Trung Quốc và chuyên mục trên tạp chí Giáo dục đại học của Trung Quốc giới thiệu Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng tại các cơ sở giáo dục đại học của Trung Quốc.

[4] Văn phòng Quốc hội (2018), Văn bản hợp nhất Luật Giáo dục đại học số 42/VBHN-VPQH ngày 10 tháng 12 năm 2018 của Văn phòng Quốc hội.

[5] Văn phòng Quốc hội (2018), Văn bản hợp nhất Luật Giáo dục đại học số 42/VBHN-VPQH ngày 10 tháng 12 năm 2018 của Văn phòng Quốc hội.

[6]Luật số 34/2018/QH14, Điều 16. Hội đồng trường của trường đại học công lập. 

[7]Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

[8]Luật số 43/2018/QH ngày 14/6/2019, Điều 58. Tổ chức Đảng trong nhà trường. 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết