Thứ Sáu, ngày 17 tháng 05 năm 2024

Những vấn đề lý luận - thực tiễn mới về quốc phòng, an ninh , đối ngoại

Ngày phát hành: 29/01/2022 Lượt xem 3459


 

I. Bối cảnh, tình hình và những tác động đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại

 

1. Bối cảnh và tình hình quốc tế và khu vực

Bước sang thế kỷ XXI, nhất là từ nửa sau thập niên thứ hai đến nay, trên thế giới diễn ra nhiều thay đổi, biến động phức tạp. Ở phạm vi toàn cầu, xu hướng chuyển dịch quyền lực từ Tây sang Ðông dẫn đến sự thay đổi tương quan lực lượng giữa các nước lớn. Ðặc biệt, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương xuất hiện cạnh tranh chiến lược và sự gia tăng tập hợp lực lượng theo những xu huớng khác nhau khiến cho xu thế cạnh tranh và hợp tác giữa các nước lớn ngày càng mạnh hơn; biểu hiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là nguyện vọng, đồng thời là mục đích của cộng đồng quốc tế và mọi quốc gia; tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược nước lớn gây nhiều biến động đối với môi trường an ninh quốc tế.

Thứ hai, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa biệt lập nổi lên làm tăng những ứng xử cực đoan, cường quyền, làm suy yếu mô thức hợp tác đa phương trong quan hệ quốc tế; tuy nhiên cũng tạo điều kiện xuất hiện những mô thức hợp tác đa phương mới.

Thứ ba, các nguy cơ an ninh phi truyền thống (ANPTT) nổi lên với sáu nhóm các nguy cơ: (1) ô nhiễm môi trường, (2) tình trạng thiếu hụt tài nguyên, (3) tội phạm xuyên quốc gia, (4) nạn khủng bố, (5) dịch bệnh truyền nhiễm và (6) thảm họa địa chất. Chúng vừa là mối đe dọa chung đối với loài người và khuyến khích nỗ lực hợp tác tập thể, vừa là phương tiện nhiều quốc gia lợi dụng để làm suy yếu lẫn nhau.

Thứ tư, phát triển về khoa học công nghệ trong cuộc CMCN lần thứ tư (4.0) làm thay đổi phương thức quản trị, quan hệ quốc tế đến cách thức quốc gia xử lý những vấn đề về quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Đại hội XII xác định “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”. Đại hội XIII đã phát triển thành “xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”. Đảng ta nhận thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ hữu cơ với nhau. Đại hội XIII xác định rõ trong chủ đề Đại hội, là một nhận thức mới.

 

2. Tình hình trong nước

Thành tựu xây dựng đất nước sau 35 năm đổi mới, những bài học rút ra qua 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và 75 năm xây dựng đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh:

Một là, bài học về đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết.

Hai là, bài học trong nhận thức và xử lý đúng đắn mối quan hệ đối tác - đối tượng và bảo đảm sự cân bằng trong mối quan hệ với các nước, nhất là với các nước lớn.

Ba là, phát huy tối đa tiềm năng to lớn của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, quan hệ quốc tế là yếu tố quan trọng nhưng nội lực là yếu tố quyết định cho sự phát triển của đất nuớc.

 Bốn là, bài học về đề cao tinh thần độc lập, tự chủ, học tập kinh nghiệm mô hình của thế giới phù hợp với điều kiện đặc thù của đất nước, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc mà Ðảng đã đề ra.

 

 

II. Những điểm mới về lý luận - thực tiễn về quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong văn kiện Đại hội XIII

 

1. Nhận thức về an ninh quốc gia và vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia

(1) An ninh quốc gia: Theo quan niệm truyền thống, ANQG mang nội hàm đồng nghĩa với sử dụng sức mạnh để chống xâm lược, bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia. Ngày nay, ANQG bao hàm: AN chính trị, AN kinh tế, AN quân sự, AN đối ngoại, AN tư tưởng - văn hóa, AN xã hội, AN thông tin, AN tài chính - tiền tệ, AN năng lượng, AN lương thực, AN dân số, AN môi trường… Trong đó, AN kinh tế là nền tảng (trung tâm), AN chính trị là cốt lõi, xuyên suốt và cùng với AN tư tưởng - văn hóa, AN quân sự trở thành 04 trụ cột của Chiến lược ANQG trong thế kỷ 21.

Tiếp cận khái niệm ANQG, phải đề cập đến những vấn đề thuộc về bản chất của ANQG, đó là: (i) ANQG là nói đến mức độ an toàn, ổn định và sự bền vững cần đạt được trên các lĩnh vực; (ii) ANQG là nói đến những lợi ích cực kỳ quan trọng cần được giữ gìn, bảo vệ ở một quốc gia cụ thể; (iii) ANQG vừa mang tính tiến công, vừa mang tính bảo vệ (tiến công để chủ động bảo vệ và ngược lại). Có hai dạng thức: Chiến lược ANQG mang tính tiến công nhằm bành trướng, mở rộng ảnh hưởng và dạng Chiến lược ANQG mang tính chất bảo vệ là chủ yếu (Chiến lược ANQG của Việt Nam thuộc dạng này).

An ninh quốc gia của Việt Nam là sự ổn định, phát triển bền vững về mọi mặt của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của quốc gia, của dân tộc Việt Nam được bảo vệ.

 

2. Những nội dung cốt lõi:

2.1. Nội dung bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) Việt Nam XHCN gồm 06 nội dung không tách rời với tư duy lý luận BVTQ:

(1) Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ;

(2) Bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN;

(3) Bảo vệ sự nghiệp đổi mới, CNH - HĐH đất nước;

(4) Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc;

(5) Bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa;

(6) Giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

2.2. Quan điểm Bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN: (1) Khẳng định lợi ích quốc gia dân tộc; lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của Tổ quốc; (2) Xác định nội lực là quyết định “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc đó là thượng sách giữ nước”; (3) Kiên định chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị rộng mở đa dạng hóa, đa phương hóa, sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước; (4) Phát huy sức mạnh tổng hợp để thực hiện mục tiêu.

 

3. Về chủ đề Đại hội XIII

 “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

 

4. Điểm mới trong chủ đề Đại hội

(1) Bổ sung xây dựng hệ thống chính trị vào nội dung xây dựng Đảng thành “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

 

(2) Bổ sung: “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí”, “kết hợp với sức mạnh thời đại” vào nội dung “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” để trở thành “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại...”.

 

(3) Bổ sung cụm từ: “tiếp tục” thành “tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”.

Nội dung phát huy sức mạnh toàn dân tộc” luôn là một nội dung quan trọng trong đường lối của Ðảng, được nêu trong tiêu đề Báo cáo chính trị của nhiều Ðại hội Ðảng (trong chủ đề và cũng là tiêu đề của Báo cáo chính trị Ðại hội XI, XII đều có nội dung này). Ðại hội XIII của Ðảng tiếp tục đưa nội dung “phát huy sức mạnh toàn dân tộc” vào chủ đề Ðại hội. Việc kết hợp nội lực và ngoại lực, trong đó nội lực là quyết định, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại là một quan điểm lớn, nội dung lớn trong đường lối cách mạng, phát triển đất nước của Ðảng.

Xác định mục tiêu “Đến giữa thế kỉ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”

 

(4) Xác định rõ hơn nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, an ninh: Trước những diễn biến mới nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực cũng như sự phát triển mạnh mẽ các loại vũ khí, trang thiết bị hiện đại do việc ứng dụng những thành quả khoa học và công nghệ, cần phải có sự nghiên cứu, phát triển lý luận về an ninh, quốc phòng; Văn kiện Đại hội XIII xác định: Quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi”.

Đồng thời Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình hình mới. Nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức, viên chức và cho toàn dân, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng. Chú trọng giáo dục, thống nhất, nâng cao nhận thức về đối tác và đối tượng; nắm vững đường lối, quan điểm, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

 

Một là, về vị trí, vai trò của quốc phòng, an ninh

Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó QĐND, CAND là nòng cốt.

Đại hội XIII của Đảng cũng xác định: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục là nhiệm vụ trung tâm, được ưu tiên, nhưng không coi nhẹ nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, bởi vì củng cố quốc phòng, an ninh là cơ sở trực tiếp tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; ngược lại, kinh tế - xã hội phát triển, tiềm lực đất nước ngày càng vững mạnh sẽ là “phương thức hữu hiệu” để tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

 

Hai là, về mục tiêu, nội dung tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc

Tiếp tục khẳng định nội dung bảo vệ Tổ quốc mang tính toàn diện cả phương diện tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội, văn hóa, môi trường sống, môi trường hòa bình... trong một chỉnh thể thống nhất; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong Báo cáo chính trị Ðại hội XIII, xây dựng con nguời, phát huy nhân tố con nguời, xây dựng môi trường văn hóa và giải quyết các vấn đề xã hội, phát huy vai trò của nhân dân... được trình bày thành hai nhiệm vụ trọng tâm. Vì vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng con nguời gắn rất chặt với việc giải quyết các vấn đề xã hội, quản lý phát triển xã hội, do vậy, Báo cáo chính trị Ðại hội XIII đã tích hợp hai nội dung này thành một nhiệm vụ trọng tâm và trình bày toàn diện, cụ thể, phản ánh đầy đủ hơn yêu cầu khách quan và những nguyện vọng chính đáng của con người, của nhân dân, đặc biệt là khát vọng phát triển đất nước, khát vọng hạnh phúc và nhu cầu bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người...

Báo cáo chính trị Ðại hội XIII xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con nguời, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất luợng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam

 

Ba là, về sức mạnh bảo vệ Tổ quốc

Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế” để bảo vệ Tổ quốc.

 Là sự cụ thể hóa chủ đề của Đại hội XIII của Đảng là: “... khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại...” để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 

Bốn là, về phương châm, quan điểm chỉ đạo sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, cần phải:

 “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Quan điểm về phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược cơ bản, quan trọng hàng đầu của cách mạng Việt Nam, được thể hiện nhất quán trong các văn kiện của Ðảng. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một trong các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật phát triển, đổi mới.

Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung và nhấn mạnh đến vấn đề “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân. Xác định “chủ động phòng ngừa” là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh”.

 

Năm là, về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân

Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”.

 Trong xây dựng lực lượng cần coi trọng xây dựng cả lực lượng chính trị (lực lượng của các ngành, ở các cấp và nhân dân trong các cộng đồng dân cư...) và lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó quan tâm đặc biệt đến xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh làm nòng cốt.

Tập trung xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh toàn diện, trong đó chú trọng các tiềm lực cơ bản, như chính trị tinh thần, văn hóa, xã hội, kinh tế, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại. Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”.

 

Sáu là, về phương hướng, mục tiêu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân

Xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội và Công an tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, bảo đảm chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống”.

Đồng thời,Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển. Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở”. Văn kiện Đại hội XIII còn nhấn mạnh điểm mới: “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Quốc phòng, an ninh là lĩnh vực vô cùng quan trọng và là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang... Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

 

 

III.  Tư duy mới về quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong văn kiện Đại hội XIII

 

1. Tư duy về quốc phòng, an ninh, BVTQ có bước phát triển và ngày càng hoàn thiện, sự kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa và đối ngoại.

 

(1) Triển khai đồng bộ các chiến lược quan trọng như: Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược BVTQ trên không gian mạng.

Một là, nhận diện về không gian chiến lược của quốc gia.

Hai là, về bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Ba là, tư duy về phạm vi, mục tiêu bảo vệ Tổ quốc, an ninh quốc gia không bó hẹp trong các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống, mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống.

Bốn là, xác định một chủ thể là đối tượng hay đối tác; xác định mặt nào nhiều hơn mặt nào trong một chủ thể cần bám sát hơn vào yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia trong tình hình mới.

Năm là, nhận thức và giải quyết các mối quan hệ về đối tác, đối tượng có bước chuyển biến quan trọng. Chủ động đấu tranh kịp thời hiệu quả, từng bước đẩy lùi các loại tội phạm và ứng phó kịp thời các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Sáu là, xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có mặt tiến nhanh lên hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 

(2) Với Đại hội XII, việc xác định phương hướng, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của Đại hội XIII có mặt đậm nét hơn và có những điểm mới:

Bổ sung nội dung trọng yếu của quốc phòng, an ninh, những nhiệm vụ mới nổi lên cần giải quyết. Đó là: “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng XHCN”. Đồng thời còn nhấn mạnh: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”.

Nội dung xây dựng tiềm lực quốc phòng và an ninh rõ nét hơn, toàn diện hơn “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân...

Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”.

 

(3) Xác định rõ hơn nhiệm vụ triển khai thực hiện các chiến lược về quốc phòng, an ninh: Đại hội XIII nhấn mạnh điểm mới là: “Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành khác”.

Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với QĐND, CAND và sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong  QĐND và CAND đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Báo cáo chính trị Đại hội XIII có cách nhìn nhận và xác định rõ hơn về bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”. Lợi ích quốc gia - dân tộc bao gồm rất nhiều yếu tố lợi ích: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh.

 Đặc biệt bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa, triệt để phương thức phi vũ trang, vận dụng linh hoạt, mềm dẻo sách lược giữ vững độc lập, chủ quyền, lãnh thổ.

 

2. Về phương hướng đối ngoại, Báo cáo chính trị Ðại hội XIII tiếp tục khẳng định những quan điểm đã được xác định tại Ðại hội XII là: “thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”. Ðồng thời, Báo cáo chính trị cũng nhấn mạnh thêm yêu cầuchủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả”. Ðây là nội dung yêu cầu mới mà Ðại hội XIII của Ðảng đặt ra trong điều kiện sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã mở cửa, kết nối và thiết lập các mối quan hệ rộng lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với thế giới. Lợi ích quốc gia - dân tộc luôn được quan tâm và xác định là mục tiêu trọng yếu trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

 

(1) Xác định rõ hơn vai trò của hoạt động đối ngoại: Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”. Đây là lần đầu tiên Văn kiện Đại hội Đảng xác định cụ thể và sâu sắc vị trí, vai trò của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Điều đó làm sáng rõ hơn nhiệm vụ trọng yếu của công tác đối ngoại là tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đối ngoại để phục vụ đối nội. Mở rộng quan hệ đối ngoại nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.

 

 (2) Xác định chủ trương mới trong xây dựng nền ngoại giao và đội ngũ cán bộ đối ngoại:

Đại hội XIII, Báo cáo chính trị đã xác định: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Như vậy, cùng với chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến tới hiện đại, Đại hội XIII đề cập đến việc xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại. Đây là bước tiến mới có tính đột phá đối với hoạt động đối ngoại.

Cùng với việc chú trọng xây dựng nền ngoại giao hiện đại, Đại hội XIII còn xác định: “Nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế...”.

 

 (3) Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng Đại hội XIII đã cụ thể hóa hơn và xác định những định hướng và nhiệm vụ sâu rộng hơn về hội nhập quốc tế. Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia. Gắn kết chặt chẽ quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội; đổi mới, hoàn thiện thể chế trong nước, nâng cao năng lực tự chủ, cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước”.

 

 (4) Chủ động, tích cực đóng góp đối với các hoạt động quốc tế, trong điều kiện hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, chủ động và tích cực là đòi hỏi mới, là điều kiện cho chúng ta tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để xây dựng, bảo vệ đất nước, chủ động, tích cực phải gắn liền với bảo đảm hiệu quả của quá trình hội nhập, bảo đảm cho tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, sự ổn dịnh và phát triển bền vững của đất nước, của chế độ.

Báo cáo chính trị Ðại hội XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”. Ðây là lần đầu tiên Văn kiện Ðại hội Ðảng xác định cụ thể và sâu sắc vị trí, vai trò của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Ðiều đó làm sáng rõ hơn nhiệm vụ trọng yếu của công tác đối ngoại là tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đối ngoại để phục vụ đối nội. Mở rộng quan hệ đối ngoại nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vì một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh. 

 

Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương


 



 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết