Thứ Năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024

Phát triển đội ngũ cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng (phần cuối)

Ngày phát hành: 06/11/2021 Lượt xem 2854

 

III. Công tác phát triển đội ngũ cán bộ Bộ Ngoại giao thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế

   1. Ngành ngoại giao Việt Nam luôn giữ một vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngay từ những ngày đầu thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngành ngoại giao vô cùng vinh dự và tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh cũng như trực tiếp dẫn dắt, chỉ dạy. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng công tác cán bộ và luôn đặt công tác cán bộ lên vị trí hàng đầu trong xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước[1].

    Người thường xuyên quan tâm, đến thăm và làm việc với cán bộ Ngoại giao, đặc biệt tại các kỳ Hội nghị Ngoại giao. Người từng căn dặn cán bộ Ngoại giao các thế hệ: “Có quan điểm và lập trường của Đảng và của chủ nghĩa Mác-Lênin vững vàng và thông suốt, lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình; phải học chủ nghĩa Mác-Lênin”; “Cán bộ, nhân viên ngoại giao và bất cứ người Việt Nam nào ra nước ngoài cũng là đại diện cho dân tộc, cho đất nước”; “Phải hiểu rõ tình hình, chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa của nước ta và của nước mình đến, nhưng phải làm cho đàng hoàng, khéo léo”; “Phải có tư cách đạo đức tốt, trình độ văn hóa và hiểu biết về ngoại giao. Làm ngoại giao phải hiểu biết nhiều, văn hóa phải cao. Không biết thì phải học, học nhiều.”; “Phải học tiếng nước ngoài. Công tác ở nước nào phải học tiếng của nước ấy.”

    Những lời căn dặn ngôn ngữ giản dị đó nhưng đã đặt ra nền móng cho triết lý đào tạo cán bộ của Bộ Ngoại giao.

  2. Từ đội ngũ ban đầu với hơn 20 cán bộ và 3 cơ quan đại diện ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao hiện có tổng số 2.200 cán bộ đang công tác tại các đơn vị trong nước và khoảng 750 cán bộ làm việc tại 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ ngoại giao được đào tạo cơ bản, có trình độ ngoại ngữ, năng lực, chuyên môn tốt, có phẩm chất và bản lĩnh chính trị phù hợp với yêu cầu đặc thù của công tác ngoại giao[2]. Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất của cách mạng, ngành ngoại giao luôn có những cán bộ xuất sắc, những con người đã trở thành tấm gương về lòng yêu nước, về tinh thần tự học hỏi, về bản lĩnh chính trị, về phong cách và nghệ thuật ngoại giao[3]. Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Di Niên đã từng chia sẻ phát hiện thú vị rằng các nhà ngoại giao được lựa cho đi sứ trước đây thường là các nhà văn hoá lớn có tên tuổi.

Thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, đóng vai trò tiên phong, tạo dựng môi trường hoà bình, ổn định phục vụ phát triển đất nước, Bộ Ngoại giao đang triển khai xây dựng Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao, trong đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được xác định là một trong những thành tố then chốt, vừa là mục tiêu vừa là giải pháp trong thời gian tới.

Trong nội hàm “ngoại giao hiện đại”, điều cốt yếu là xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có trí tuệ, năng lực chuyên môn, phong cách chuyên nghiệp, hiện đại, sáng tạo, nhạy bén, có tinh thần chủ động tiến công để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế[4].

Năm 2018, phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn cán bộ ngành ngoại giao: “Càng hội nhập sâu với thế giới, chúng ta càng cần có các nhà ngoại giao có bản lĩnh chính trị; đủ trình độ, uy tín, phong cách để sánh vai với các nước, bạn bè quốc tế; toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp. Một nhà ngoại giao giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, luôn lấy lợi ích của quốc gia, của chế độ làm kim chỉ nam trong hành động. Nhà ngoại giao luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, là đất nước, là nhân dân. Phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo[5].

Những yêu cầu của Trung ương, những chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với cán bộ ngoại giao cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng ngành đã được Bộ Ngoại giao chú trọng triển khai trong thời gian qua và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới trong chiến lược xây dựng nguồn nhân lực ngoại giao chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, ngang tầm nhiệm vụ. Bộ Ngoại giao xác định rõ mục tiêu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng là nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chính quy, chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động đối ngoại, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

    3. Về thành tựu, trong thời gian qua, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, Bộ Ngoại giao đã triển khai đồng bộ, bài bản, toàn diện và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng không chỉ cho đội ngũ cán bộ ngoại giao của Bộ mà còn cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tại các ban, bộ, ngành, địa phương. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhìn chung đã được thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ đề ra và liên tục được cải tiến, phù hợp với bối cảnh và nhu cầu thực tiễn, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ với một số kết quả chính như sau,

Về hạn chế, do đặc thù công tác của ngành Ngoại giao, cán bộ phải thường xuyên đi công tác ngắn hạn hoặc công tác nhiệm kỳ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nên gặp khó khăn trong việc thu xếp thời gian hoàn thành một số chương trình đào tạo dài hạn như cao cấp hoặc trung cấp lý luận chính trị[6]. Mặc dù nguồn kinh phí nhà nước cấp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Ngoại giao đã tăng so với các năm trước đây, tuy nhiên, mới chỉ đáp ứng khoảng dưới 50% kinh phí[7]. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cần được bổ sung kinh phí để triển khai thêm các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, đẩy mạnh xây dựng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

    4. Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các bộ, ngành, địa phương:

Song song với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan bộ, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương tiến hành nhiều đề án, dự án nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác đối ngoại, tạo sự thống nhất chỉ đạo chung về đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam[8]. Qua thực tiễn triển khai, các khóa học trong khuôn khổ các đề án do Bộ Ngoại giao tổ chức luôn nhận được sự tham gia và hưởng ứng nhiệt tình của các bộ, ngành và địa phương[9].

Với số lượng tham dự đông đảo, có thể thấy các Đề án đã đạt được nhiều kết quả rất thiết thực cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ thông thạo về nghiệp vụ, ngoại ngữ, am hiểu luật pháp quốc tế,…được các bộ, ngành, địa phương đánh giá cao; qua đó góp phần nâng cao nhận thức và thống nhất về định hướng triển khai nhiệm vụ đối ngoại tại các cấp, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong thời gian qua. Nhìn chung, năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ sau khi tham gia các khóa bồi dưỡng của các Đề án được nâng cao rõ rệt. Bộ Ngoại giao cũng chú trọng và khuyến khích các hoạt động tự đào tạo, tự rèn luyện và đào tạo tại chỗ các cán bộ Ngoại giao. Trong đó, các đồng chí Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm trong việc đào tạo, phát triển kỹ năng cho cán bộ của đơn vị mình với các kiến thức phong phú, đa dạng (như làm đề tài nghiên cứu, tổ chức hội thảo khoa học…).

 

IV. Bài học kinh nghiệm

  Thực tiễn 76 năm của Ngành Ngoại giao cho thấy công tác xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” là then chốt, là điều kiện tiên quyết để các thế hệ Bộ Ngoại giao hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Quá trình hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của đất nước thời gian qua đã cho thấy việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, tiệm cận trình độ khu vực và quốc tế đã trở thành nhu cầu bức thiết. Một số bài học kinh nghiệm là:

 

Một là, luôn coi trọng công tác xây dựng đội ngũ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là đào tạo lại, đào tạo tại chỗ qua công việc đang đóng vai trò quyết định sự thành công của nhiệm vụ xây dựng đội ngũ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong trong Chương trình, kế hoạch hành động của Ban cán sự đảng Bộ, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao.

Đặc biệt, đào tạo về bản lĩnh, phẩm chất là quan trọng nhất. Mỗi cán bộ Ngoại giao luôn thấm nhuần nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó luôn có ý thức học tập và rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống ngoại giao của cha ông, đồng thời không ngừng học hỏi tiếp thu những kinh nghiệm hay, cách làm tốt của quốc tế. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã viết về Bác Hồ “Văn hóa ngoại giao của Bác là văn hóa trộn lẫn giữa cái lịch lãm về hình thức của phương Tây và chân thành, thâm thúy của người phương Đông. Đó là điều chúng ta nên học tập Bác. Bởi vì phải có kiến thức văn hóa rất sâu thì Bác mới có thể có cách ứng xử như vậy”[10]. Chỉ khi đã thấm nhuần đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, bản sắc ngoại giao Việt Nam thì cán bộ Ngoại giao khi tham gia đời sống quốc tế mới đủ bản lĩnh, năng lực để kiến tạo điểm đồng, giảm thiểu điểm khác biệt để đấu tranh, bảo vệ và hợp tác quốc tế vì lợi ích quốc gia – dân tộc.

 Việc đào tạo, bồi dưỡng là công việc thường xuyên, xây dựng văn hóa học tập là nhiệm vụ cả đời của người cán bộ, đảng viên. Hàng năm, Bộ Ngoại giao xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ để chủ động đăng ký các chương trình, khoá đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu. Bộ Ngoại giao cũng xây dựng tài liệu khung hướng dẫn về công tác đào tạo tại chỗ qua công việc để trên cơ sở đó, các đơn vị thuộc Bộ xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo tại chỗ hàng năm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công tác của đơn vị mình.

 

Hai là, xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ toàn diện, đảm bảo chất lượng và số lượng,có lớp lang, truyền lại kinh nghiệm giữa các thế hệ.

 Chính sách phát triển nguồn nhân lực của Bộ Ngoại giao được xây dựng trên cơ sở lấy con người làm nền tảng, công tác quy hoạch nguồn nhân lực luôn được chú trọng thực hiện bài bản[11]. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Bộ Ngoại giao được coi trọng từ khâu “đầu vào” qua việc đào tạo các sinh viên ở Học viện Ngoại giao, theo dõi để tuyển dụng các sinh viên có tiềm năng trở thành cán bộ Ngoại giao chuyên nghiệp. Đồng thời, với đặc thù của ngành, Bộ Ngoại giao quan tâm tuyển dụng nguồn cán bộ là các sinh viên từng đi du học ở nước ngoài. Qua đó, đội ngũ cán bộ đầu vào của Bộ Ngoại giao đã được trang bị những kiến thức cơ bản về quan hệ quốc tế cũng như rèn luyện kỹ năng đa văn hóa và ngoại ngữ.

Đối với các cán bộ Ngoại giao, việc rèn luyện và đào tạo luôn phải gắn với thực tiễn đòi hỏi công việc. Do đặc thù cán bộ ngoại giao phải “đa nhiệm”, các cán bộ luôn được tạo điều kiện để làm các mảng việc khác nhau, cả đa phương và song phương, tham gia phối hợp Adhoc liên đơn vị, để qua đó rèn luyện khả năng linh hoạt và có tầm nhìn, kiến thức rộng. Một hình thức đào tạo, bồi dưỡng đặc thù khác của Bộ Ngoại giao cũng đã phát huy hiệu quả rất cao, đó là cơ chế cử cán bộ trẻ đi thực tập tại các Cơ quan đại diện đa phương của Việt Nam ở nước ngoài hoặc cử làm sỹ quan liên lạc (liaison officer) cho các sự kiện ngoại giao quan trọng của đất nước như các hội nghị thượng đỉnh, cấp cao APEC, ASEM, Pháp ngữ, ASEAN... Trong thời gian thực tập hoặc làm sỹ quan liên lạc, cán bộ trẻ sẽ được tham gia trực tiếp vào các hoạt động ngoại giao thực tiễn, qua đó tích luỹ được những bài học kinh nghiệm quý báu và có sự trưởng thành nhanh chóng.

Việt Nam gần đây đã tổ chức, đăng cai nhiều sự kiện đa phương quan trọng, để tạo ra nhiều cơ hội quý báu để đào tạo lớp cán bộ ngày càng chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, có khả năng làm việc ngày càng tốt trong môi trường quốc tế, được bạn bè quốc tế khen ngợi và đánh giá cao. Có thể nói, các tiểu ban, nhóm công tác với các chuyên môn khác nhau để phục vụ cho việc đăng cai các sự kiện đối ngoại đa phương (lễ tân, chuẩn bị nội dung, đàm phán văn kiện, hậu cần, truyền thông…) đã tạo ra những trường đào tạo thu nhỏ tiêu chuẩn quốc tế cho các cán bộ trẻ.

Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan triển khai hiệu quả Đề án đưa người vào các tổ chức quốc tế, trong đó đã đề cử và giới thiệu ứng cử vào các cơ chế quốc tế quan trọng như UNESCO, Ủy ban Luật pháp quốc tế (2016 và 2021), thành viên Toà trọng tài thường trực PCA (năm 2012 và 2018), danh sách Trọng tài viên và Hoà giải viên UNCLOS (năm 2020)… Việc cử người tham gia trực tiếp vào các cơ chế quốc tế nêu trên đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời trong quá trình làm việc trong môi trường quốc tế hiện đại, bản thân cán bộ cũng được cọ xát, tiếp thụ những phương pháp, cách thức giải quyết công việc, tích luỹ kinh nghiệm và trưởng thành nhanh chóng.

Một trong những bài học thành công rất quan trọng của Bộ Ngoại giao là việc dựa vào các thế hệ đi trước. Trí tuệ của các cán bộ lão thành được tận dụng tối đa thông qua việc tham vấn một số vấn đề chính sách quan trọng với các Cố vấn cấp cao của Bộ là nguyên Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nguyên lãnh đạo Bộ và các cựu Đại sứ, chuyên gia của Bộ. Đồng thời, Bộ Ngoại giao luôn coi trọng việc “truyền nghề” và “truyền lửa” giữa các thế hệ. Bộ và các đơn vị trong Bộ, đoàn thanh niên thường xuyên tổ chức các cuộc trao đổi, nói chuyện của các cán bộ lão thành Bộ Ngoại giao về chia sẻ với các cán bộ đang công tác.

 

Ba là, gắn đào tạo, bồi dưỡng với thi đua, khen thưởng, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; phát huy vai trò người đứng đầu. Với quan điểm “đào tạo gắn với sử dụng”, “đào tạo là để sử dụng”, Bộ Ngoại giao luôn coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng gắn kết chặt chẽ với các khâu khác của công tác cán bộ, trong đó bao gồm thi đua, khen thưởng, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.

Bộ Ngoại giao đã triển khai thí điểm và đến nay đã chính thức áp dụng hệ thống tín chỉ trong đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, hàng năm mỗi cán bộ được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng khác nhau để đạt số tín chỉ tối thiểu theo yêu cầu của vị trí việc làm, coi đây là một trong những cơ sở để xem xét đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển và thi đua, khen thưởng đối với cá nhân cán bộ và đơn vị sử dụng cán bộ. Qua đó, mỗi cán bộ và đơn vị đều coi đào tạo, bồi dưỡng vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, Bộ Ngoại giao yêu cầu các Thủ trưởng đơn vị xem việc thực hiện công tác đào tạo lại, đào tạo tại chỗ, qua công việc thực tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; kết quả đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ trong đơn vị là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý.

 

Bốn là, tiếp tục phát huy các sáng kiến, cơ chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã chứng minh hiệu quả trên thực tế. Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu tiên của Chính phủ đã thực hiện thí điểm thành công cơ chế đào tạo cán bộ tập sự lãnh đạo, quản lý ngay từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước.

Trên cơ sở rà soát, phát hiện sớm những nhân tố cán bộ có tiềm năng, đáp ứng được các yêu cầu về năng lực, trình độ và phẩm chất, Bộ Ngoại giao tạo điều kiện để cho các cán bộ này được đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực, bản lĩnh, trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý thông qua cơ chế Tập sự (lãnh đạo quản lý) cấp Vụ và Tập sự (lãnh đạo quản lý) cấp Bộ. Theo đó, cán bộ tập sự tuy chưa phải là cán bộ lãnh đạo quản lý chính thức ở cấp tương ứng nhưng đã được tham gia điều hành, giải quyết công việc trong phạm vi đơn vị phụ trách như một cán bộ lãnh đạo quản lý.

Qua quá trình triển khai, rút kinh nghiệm, Bộ Ngoại giao đã hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy chế Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (do Thủ tướng Chính phủ quyết định) và Quy chế Tập sự Phó Vụ trưởng và tương đương (do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành) để làm cơ sở triển khai cơ chế đào tạo này. Đến nay, hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý của Bộ Ngoại giao đều được đào tạo, bồi dưỡng theo lộ trình, quy định của các cơ chế tập sự trước khi được bổ nhiệm. Quá trình đó giúp cho cán bộ, kể cả cấp Vụ hay cấp Bộ, tích luỹ được kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tránh những bỡ ngỡ, khó khăn trong thời gian đầu mới được bổ nhiệm và sớm phát huy hiệu quả trong công tác lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

 

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và không ngừng ứng dụng sáng tạo những cách làm mới.

Bộ Ngoại giao tăng cường, mở rộng hợp tác với cơ quan, trung tâm giáo dục, đào tạo trong nước và quốc tế, tập trung ưu tiên cho việc xây dựng đội ngũ nhân lực tiệm cận trình độ quốc tế trong các lĩnh vực trọng điểm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Ngoại giao đã cử 435 lượt cán bộ tham gia các khóa học tại nước ngoài từ nguồn học bổng của các chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao của Bộ Ngoại giao qua các chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ… Bên cạnh đó là một số hoạt động bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ không thường xuyên khác do các cơ quan Trung ương phân cấp, mời tham dự như tổ chức các đoàn nghiên cứu ở nước ngoài do Văn phòng 165, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ phân cấp (Bộ Ngoại giao đã chủ động tổ chức 06 Đoàn cho hơn khoảng 120 cán bộ tham dự)…

Đồng thời, Bộ Ngoại giao thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác với Bộ Ngoại giao một số quốc gia như Nga, Trung Quốc, Đức, Lào, Cuba… và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong công tác tổ chức cán bộ nói chung và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng[12]. Qua đó, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, tham khảo những cách làm hay, giải pháp đổi mới, sáng tạo của các nước nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Sự phát triển của khoa học công nghệ, của cách mạng công nghiệp 4.0 thời gian qua đã đặt ra đòi hỏi cần đổi mới cách tiếp cận, phương pháp và hình thức đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa, tạo điều kiện cho việc bồi dưỡng, bổ sung kiến thức, kỹ năng cho các cán bộ ở ngoài nước. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội, hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa đã thực sự phát huy vai trò của mình. Cùng với hình thức đào tạo truyền thống, sự ra đời của hình thức đào tạo trực tuyến là phương thức bổ sung hiệu quả, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Ngoại giao. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng tích cực xây dựng kho dữ liệu về đào tạo, bồi dưỡng cùng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp để khai thác cơ sở dữ liệu trực tuyến, vừa tạo điều kiện cho cán bộ dễ tiếp cận và chủ động nâng cao kiến thức của mình, vừa góp góp phần giảm kinh phí đào tạo, bồi dưỡng về lâu dài.

 

V. Một số đề xuất, kiến nghị

Thời gian tới, nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với đội ngũ cán bộ làm đối ngoại nói chung là rất nặng nề, trong bối cảnh đồng thời phải thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, quy định của Chính phủ về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Yêu cầu công việc đặt ra cao với nguồn lực còn hạn chế. Bên cạnh đó, có một thực tế là những cán bộ có năng lực, đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế lại thường dễ bị thu hút ra thị trường lao động bên ngoài.

Trên cơ sở đó, xin có một số đề xuất, kiến nghị:

          Thứ nhất, tiếp tục đổi mới nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Cần coi “khả năng làm việc trong môi trường quốc tế” là một yêu cầu tất yếu của các cán bộ tầm trung, cán bộ cấp chiến lược.

          Thứ hai, xây dựng Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp (trong đó có cán bộ ở các cơ quan Trung ương) có đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập quốc tế[13]. Hoàn thiện và triển khai hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành đối ngoại giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định rõ nhu cầu về nhân lực theo từng lĩnh vực, từng chuyên ngành của từng cơ quan, đơn vị trong mỗi giai đoạn cụ thể, gắn với những ưu tiên và định hướng về đối ngoại.

          Thứ ba, xây dựng bộ tiêu chí năng lực cán bộ trong làm việc trong môi trường quốc tế và hội nhập quốc tế. Xây dựng KPI và có cơ chế đánh giá năng lực cán bộ. Xây dựng hình ảnh, tái định vị hình ảnh cán bộ công chức nhà nước trong môi trường quốc tế.

Thứ tư, tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình, cơ chế đào tạo cán bộ qua công việc đang phát huy hiệu quả tốt, như cơ chế tập sự lãnh đạo, quản lý; cơ chế cử cán bộ trẻ làm việc tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở một số địa bàn song phương và đa phương; góp phần phát triển hơn nữa đội ngũ chuyên gia, cán bộ chuyên sâu về một số lĩnh vực trọng tâm công tác...

Thứ năm, tăng cường công tác giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, yêu ngành, yêu nghề đối với đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, nhất là cán bộ trẻ.

Thứ sáu, có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích, động viên và giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám trước sự cạnh tranh và sức hấp dẫn ngày càng lớn của các công ty, doanh nghiệp nước ngoài và khu vực tư nhân. Theo đó, việc xây dựng chế độ phụ cấp đặc thù gắn với hàm, cấp ngoại giao cần được triển khai đồng bộ với việc tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ theo hướng chính quy, hiện đại./.


 

Nguyễn Minh Vũ

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao



[1] Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu: Xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn diện, hiện đại, ngang tầm nhiệm vụ.

[2] Tỷ lệ cán bộ tốt nghiệp từ bậc đại học trở lên chiếm 97%, trong đó tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ chiếm 49%. Về chuyên ngành đào tạo, quan hệ quốc tế là chuyên ngành có số lượng lớn nhất chiếm 34,6%, ngành kinh tế chiếm 21%, ngành luật quốc tế chiếm 10%... Về ngoại ngữ, đa số cán bộ sử dụng tốt ít nhất một ngoại ngữ, trong đó 70% cán bộ sử dụng tốt ngoại ngữ tiếng Anh; số lượng cán bộ sử dụng tiếng Pháp là 10%, còn lại là các ngoại ngữ khác như Nga, Trung, Nhật, Hàn, Lào, Campuchia, Tây Ban nha, Bồ Đào nha, Đức, Ả rập… Khoảng 30% cán bộ sử dụng được từ 2 ngoại ngữ trở lên.

[3] Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao bản lĩnh, trí tuệ, tận tâm, chuyên nghiệp, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại trong tình hình mới.

[4] Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Phát huy vai trò đối ngoại phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

[5] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao 30, tháng 8/2018.

[6] Do quy định chặt chẽ về thời gian đào tạo; độ tuổi và tỷ lệ đi học các chương trình tập trung và không tập trung, trong khi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Bộ Ngoại giao ngày càng trẻ hóa (tuổi quy hoạch trung bình là 36), việc cử cán bộ đáp ứng tiêu chuẩn đi học hệ không tập trung gặp nhiều khó khăn, trong khi vẫn phải bảo đảm, không ảnh hưởng đến yêu cầu công việc của đơn vị.

[7] Để tổ chức 16 khóa bồi dưỡng và cử một số cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu về trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức quốc phòng – an ninh và bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh.

[8] Đề án của Thủ tướng Chính phủ về bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế của các bộ, ngành và địa phương (giai đoạn 2015-2020 và đang triển khai giai đoạn 2021-2025); Đề án của Thủ tướng Chính phủ về bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại và ngoại ngữ, biên phiên dịch cho công chức ngoại vụ địa phương (giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025); Đề án của Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ làm công tác đối ngoại nhân dân (giai đoạn 2021-2025)…

[9] Cụ thể, trong giai đoạn 1 triển khai Đề án Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế của các Bộ ngành và địa phương (2015-2020), tổng số lượt học viên tham gia các khóa học đạt hơn 9.000 lượt học viên, trong đó có 540 lượt học viên cấp Vụ trưởng và Giám đốc Sở, 900 lượt học viên cấp Phó Vụ trưởng và Phó Giám đốc Sở, 1.800 lượt học viên cấp phòng và 5.760 lượt học viên là chuyên viên. Số lượng học viên trung bình mỗi khóa học đạt 85 người. Đặc biệt, đối với các khóa tổ chức tại địa phương, số lượng học viên của các Sở, ngành tham dự đạt trung bình 122 người/khóa.

[10] Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: “Không ai chịu khó học ngoại ngữ như Bác”. https://vov.vn/chinh-tri/ng-vu-khoan-khong-ai-chiu-kho-hoc-ngoai-ngu-nhu-bac-1047110.vov

[11] Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ đã xây dựng: Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Ngoại giao giai đoạn 2011-2020 (theo Quyết định số 2952/QĐ-BNG ngày 21/10/2011); Chương trình tổng thể về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ngoại giao giai đoạn 2012-2015, 2016 - 2021 và Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm để phù hợp với đặc thù công tác và nhu cầu phát triển của Ngành. Trong giai đoạn 2016-2021, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hơn 110 lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử với gần 9.000 lượt cán bộ tham dự các khóa bồi dưỡng, tăng 37% so với giai đoạn 2011-2015. 100% cán bộ của Bộ Ngoại giao được tham gia cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ hàng năm.

[12] Các chương trình hợp tác với đối tác nước ngoài trong khuôn khổ một số đề án, dự án mà Bộ Ngoại giao là bên kí kết như: Các chương trình nâng cao tiếng Pháp trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam (Bộ Ngoại giao – Văn phòng Đề án 165) và Tổ chức Pháp ngữ quốc tế (OIF); các khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ tại Trung tâm đào tạo Việt Nam – Singapore theo Thỏa thuận hợp tác, tài trợ kỹ thuật của Chính phủ Singapore; các hoạt động bồi dưỡng về hội nhập quốc tế và nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức theo Dự án nâng cao năng lực phục vụ hội nhập quốc tế sâu rộng đến 2020 giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và UNDP, Thỏa thuận hợp tác nhằm nâng cao năng lực cán bộ với một số Quỹ và tổ chức quốc tế khác…

[13] PGS,TS, Nguyễn Chí Hiếu, Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan Trung ương đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tạp chí Cộng sản.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết