Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam (Phần 2)

Ngày phát hành: 21/08/2020 Lượt xem 3705

 

III. Định hướng và giải pháp quản lý phát triển xã hội trong tình hình mới

1. Một số yếu tố mới đặt ra trong giai đoạn tới

Một là, mục tiêu phát triển đất nước đặt ra rất cao và khá lạc quan

Báo cáo “Việt Nam 2035” (được Chính phủ phê duyệt năm 2016) đã khẳng định “khát vọng” chung của Việt Nam là có được một xã hội thịnh vượng vào năm 2035, với thu nhập bình quân đầu người đạt ở mức trung bình cao của thế giới. Đại hội Đảng lần thứ XIII thể hiện ý chí và sức mạnh vươn lên của toàn Đảng, toàn dân trong thời kỳ phát triển mới, có thuận lợi nhưng cũng có những thách thức đan xen. Bản dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII có đưa ra 2 phương án về mục tiêu phát triển đất nước, cả hai phương án đó đều hướng tới, đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), Việt Nam  nằm trong nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước), Việt Nam thuộc nhóm nước phát triển có mức thu nhập cao. Để thực hiện được khát vọng này, cần có những chuyển đổi hoặc nút thắt quan trọng, trong đó những chuyển biến trong quản lý phát triển xã hội đóng vai trò khá quyết định.

Hai là, xu hướng phát triển của xã hội trung lưu

Ngân hàng thế giới dự báo tầng lớp trung lưu Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, đến năm 2035, sẽ có một tỷ lệ dân số trung lưu là 50% (năm 2019 là 16,3%). Tầng lớp trung lưu sẽ là một cấu thành quan trọng trong cấu trúc xã hội Việt Nam, bao gồm chủ yếu là các doanh nhân thành đạt, các cán bộ lãnh đạo quản lý trong các cơ quan tổ chức và những người nông dân vươn lên làm ăn phát đạt. Tầng lớp trung lưu nên được xem là "cầu nối tự nhiên" giữa tầng lớp giàu và tầng lớp nghèo, theo đó làm giảm đi tối đa những tiềm ẩn tiêu cực có thể này sinh trong xã hội, đồng thời góp phần tạo nền tảng vững chắc cho khối đại đoàn kết trong toàn xã hội.

Ba là, sự phát triển của khoa học công nghệ

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã phát triển nhanh làm cho thế giới thay đổi nhanh chóng. Cách mạng 4.0 sẽ có ảnh hưởng khá lớn đến Việt Nam theo chiều hướng khó khăn. Với lợi thế lao động rẻ sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng lớn, có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt vì không thể chuyển đổi nghề kịp thời, làm cho phân hóa giàu nghèo gia tăng thêm và các xung đột xã hội có thể nổi lên. Vì thế: (i) Vấn đề hòa nhập xã hội và thanh niên thất nghiệp phải được đưa vào trong các quyết sách để khắc phục tình trạng thiếu việc làm năng suất cao trong điều kiện dân số vàng; (ii) Vấn đề phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tạo ra cấu trúc lâu bền về cân bằng động lực kinh tế với an sinh xã hội.

2. Quan điểm định hướng hoàn thiện quản lý phát triển xã hội bền vững trong tình hình mới

(1) Phát triển xã hội được xem như là mục tiêu cuối cùng trong quá trình phát triển nền kinh tế đất nước

Lý thuyết kinh tế học phát triển hiện đại đã cho thấy, phát triển nền kinh tế là quá trình vận động và phát triển đồng thời cả phát triển lĩnh vực kinh tế và phát triển lĩnh vực xã hội. Phát triển lĩnh vực kinh tế tạo ra các điều kiện vật chất và tài chính, tạo ra các tiềm lực để thực hiện phát triển, xét theo kết quả cuối cùng, phát triển lĩnh vực kinh tế là việc tạo ra sự tăng trưởng nhanh và hiệu quả, đem lại sự giầu có cho đất nước và con người. Tuy vậy, mục tiêu của phát triển không phải là vì sự giầu có cho đất nước hay con người mà chính là ở phấn đấu cho sự tiến bộ xã hội, đem lại sự hạnh phúc cho con người và đó là sự phát triển lĩnh vực xã hội.

(2) Phát triển kinh tế là điều kiện cần và thực hiện phân phối thành quả của phát triển kinh tế là điều kiện đủ cho phát triển xã hội bền vững

Để phấn đấu cho sự tiến bộ xã hội, sự hạnh phúc cho con người thì không thể không nói đến khía cạnh giầu có - một yếu tố cấu thành của hạnh phúc và được tạo nên bởi quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh và hiệu quả. Tuy vậy, sự phát triển mạnh của kinh tế trong nhiều trường hợp đã không dẫn đến đẩy nhanh sự tiến bộ xã hội do quá trình phân phối thành quả kinh tế còn bất hợp lý theo hướng không có lợi cho sự phát triển xã hội. Vì vậy, cần xác định: phát triển kinh tế là điều kiện cần để có phát triển xã hội, nhưng việc phân phối thành quả của phát triển kinh tế là điều kiện đủ để thực hiện phát triển xã hội

(3) Cần đặt các mục tiêu cao cho phát triển xã hội bền vững phù hợp với yêu cầu phát triển trở thành nước thu nhập trung bình cao và năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045

Tương ứng với mục tiêu phát triển kinh tế đất nước với hơn 50% dân số Việt Nam gia nhập tâng lớp trung lưu toàn cầu (Khái vọng Việt nam 2035 - WB và Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cần phải đặt mục tiêu phát triển xã hội cao và bền vững, theo đó, đến năm 2030: Chỉ số phát triển con người đạt: 0,75; hệ số GINI đạt dưới 4, khoảng giãn cách thu nhập 8,0 và thu nhập của 40% người nghèo nhất chiếm từ 16-17%. Mục tiêu phát triển xã hội bền vững được đặt ra yêu cầu cải thiện ở mức cao các hệ số tương quan giữa các tiêu chí phản ánh tiến bộ xã hội với phát triển kinh tế.  

(4) Nguyên lý của mô hình phát triển hài hòa nền kinh tế là cơ sở hợp lý nhất trong xây dựng các chính sách quản lý phát triển xã hội bền vững

Mô hình phát triển hài hòa dựa trên nguyên tắc không để ai tụt lại phía sau đã đặt ra yêu cầu không chỉ là phân phối lại thành quả kinh tế cho các tầng lớp yếu thế trong xã hội mà còn tạo điều kiện để mọi người được trực tiếp tạo ra các thành quả của phát triển kinh tế, khuyến khích làm giầu và tạo cơ hội làm giầu cho mọi người. Các nguyên lý này cần phải được nhấn mạnh khi hoạch định các chính sách phát triển xã hội gắn kết và được bảo đảm bằng thành quả kinh tế.

(5)  Bộ máy quản lý phát triển xã hội bền vững là yếu tố bảo đảm hiệu quả và tính khả thi của mục tiêu phát triển xã hội bền vững

Bộ máy quản lý phát triển xã hội trong bối cảnh một nền kinh tế phát triển ở trình độ trung bình cao và cao đồi hỏi phải có sự phân vai và gắn kết chặt chẽ giữa các tác nhân, trong đó nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của nhân tố thị trường và nhân tố xã hội. 

2. Một số đề xuất quan trọng

Thứ nhất, đề xuất mô hình phát triển hài hòa trong quản lý phát triển xã hội bền vững

 Có thể mô hình hóa mô hình phát triển hài hòa trong quản lý phát triển xã hội bền vững qua hình 3.

 

Hình 3: Mô hình phát triển hài hòa trong quản lý phát triển xã hội

 

Mục tiêu của mô hình: Bảo đảm thực hiện gắn kết tốt nhất thành quả của phát triển xã hội với quá trình phát triển kinh tế nhanh và hiệu quả. Tính chất bao trùm (hài hoà) thể hiện trên cả hai góc độ: (i) Bảo đảm không chỉ làm cho con người sống trong điều kiện kinh tế thịnh vượng, mà còn cần các điều kiện về cuộc sống có môi trường lành mạnh;  (ii) Tạo điều kiện cho con người thuộc tất cả các tầng lớp cư dân cùng có điều kiện tham gia tạo nên thành quả phát triển và thụ hưởng thành quả phát triển một cách công bằng

Động lực thực hiện mô hình : (i) lấy “xã hội” là đối tượng để hướng tới mục tiêu phát triển xã hội chứ không phải là từng con người cụ thể riêng lẻ; (ii)Tính bao trùm trong phát triển xã hội được thể hiện trên các chiều cạnh phát triển như: không gian lãnh thổ (các địa phương), sở hữu (các doanh nghiệp) và trên mọi ngành và lĩnh vực của nền kinh tế; (iii)  Để bảo đảm phát triển xã hội bền vững cần hướng tới một mục tiêu liên kết gồm ba mục tiêu bộ phận là tăng trưởng, tạo việc làm, và mục tiêu vì người nghèo. 

 Điều kiện thực hiện: (i) Phát triển kinh tế nhanh và hiệu quả vẫn là một điều kiện trung tâm, trong khía cạnh này, tạo việc làm có năng suất cao là vấn đề có ý nghĩa sống còn, nhất là trong điều kiện cạnh tranh và cách mạng khoa học - công nghệ hiện nay; (ii) Phát triển xã hội không chỉ là hưởng thành quả phát triển kinh tế mà còn là động lực của phát triển kinh tế; (iii) Tạo sự tiến bộ, công bằng trong “đầu vào”, “đầu ra” của nền kinh tế, từ tạo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế tới việc phân phối kết quả lao động và cả đóng góp về vốn và lao động sáng tạo.

Thứ hai, hoàn thiện các chính sách phát triển xã hội bền vững thích ứng với nền kinh tế phát triển ở trình độ trung bình cao và cao

Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế phát triển ở mức thu nhập trung bình cao (2030) và thu nhập cao (2045), vì vậy các chính sách xã hội cần cải cách mang tính tạo điều kiện hoăc đón đầu cho sự phát triển. Cụ thể tập trung vào một số chính sách:

Thứ nhất, trọng tâm của đối mới chính sách xã hội là chuyển từ số lượng sang chất lượng. Khía cạnh chất lượng dịch vụ là chủ đề cần phải được chú ý. Ví dụ trong lĩnh vực giáo dục đòi hỏi hệ thống đào tạo hiệu quả và chất lượng cho người học hơn. Trong lĩnh vực y tế, cung cấp dịch vụ khóa chữa bệnh chất lượng cao cho người dân nhất là người nghèo là một đòi hỏi cấp bách. Thị trường lao động cần nâng cao chất lượng các thể chế liên quan đến thương lượng tiền lương, giải quyêt tranh chấp, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Trong lĩnh vực bảo trợ xã hội cần cải cách thể chế theo hướng công khai minh bạch đối với các thu phí dịch vụ tốt hơn.

Thứ hai, các chính sách xã hội cần được định hướng lại phù hợp với biến đổi nhân khẩu. Khi mức sinh giảm, tuổi thọ gia tăng, di cư và đô thị hóa diễn ra nhanh, hay quá trình già hóa dân số nhanh, dân số tuổi lao động bắt đầu bị thu hẹp, các áp lực mới sẽ tăng lên cùng với nhu cầu chăm sóc người cao tuổi, người lao động năng suất cao hay khi lợi thế của cơ cấu dân số vàng giảm dần , đồng thời yêu cầu quản lý đô thị  để bảo đảm có được thành phố dễ sống và hoà nhập hơn.

Thứ ba, các chính sách quản lý tài khóa và kinh tế vĩ mô để duy trì các tiêu chí xã hội một cách bền vững.  Kinh nghiệm của các nước thành công trong chuyển đổi từ vị trí thu nhập trung bình thấp sang vị trí trung bình cao, đều phải dành một tỷ lệ ngày càng cao trong chi tiêu công cho các lĩnh vực xã hội, giai đoạn đầu là chi tiêu cho giáo dục theo yêu cầu phổ cập giáo dục, tiếp sau đó là nhu cầu chi tiêu cao cho y tế, an sinh xã hội.

Thứ tư, một số chính sách hành chính về quản lý dân cư và lao động không còn phù hợp cần được thay đổi. Trong bối cảnh thị trường lao động phát triển mạnh, để tránh hiện tương phân mảng của thị tường lao động, cần nghiên cứu và tiến hành chuyển hệ thống quản lý dân cư bằng hộ khẩu sang chức năng đăng ký dân cư giản đơn, hoặc cho phép đại diện người lao động hoạt động độc lập  trong vấn đề quan hệ lao động.

Thứ năm, thực hiện các chính sách nhằm thực hiện sự lan tỏa tích cực của vùng giầu, vùng động lực sang vùng nghèo người nghèo, nhằm giảm sự bất công bằng trong cơ hội phát triển và phân phối thu nhập giữa các tầng lớp dân cư. Liên quan đến mục đích này là các chính sách: (i) Đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối giữa vùng nghèo đến các vùng, khu vực trung tâm, tổ chức tốt hệ thông thông tin truyền thông kết nối hiệu quả; (ii) Chính sách đào tạo nghề cho người lao động nông dân, người lao động các vùng nghèo, để họ có các nghề nghiệp thích ứng, có thể di chuyển lao động theo yêu cầu của thị trường lao động; (iii) Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội cho các vùng sâu, xã, vùng nghèo.

Thứ ba, đề xuất mô hình tổ chức quản lý phát triển xã hội bền vững

 

 

Hình 4: Mô hình tổ chức quản lý phát triển xã hội bền vững

 

Nội dung chính của mô hình này (thể hiện qua hình 4) muốn nói đến sự phối hợp quản lý phát triển xã hội của các tác nhân trong hệ thống tổ chức quản lý phát triển xã hội . Nguyên lý hoạt động của mô hình này là: Đảng đóng vai trò lãnh đạo trong phát triển xã hội và thực hiện sứ mệnh đẩy nhanh sự tiến bộ xã hội. Ngoài vai trò lãnh đạo của Đảng ra, cần phân định nội dung quản lý phát triển xã hội cho các chủ thể khác nhau theo cơ chế: (i) Nhà nước đóng vai trò là chủ thể chính trong quản lý các lĩnh vực xã hôi; (ii) Hướng đến chuyển dần những chức năng cung ứng dịch vụ xã hội và tổ chức phát triển hoạt động phát triển xã hội cho thị trường (khu vực tư nhân) và xã hội, người dân thông qua các kênh khác nhau, trong đó có mạng xã hội tham gia vào việc phát hiện vấn đề và ủng hộ nhà nước giải quyết chúng. Cụ thể:

Thứ nhất, theo xu hướng chuyển đổi, khi thị trường lao động và các dịch vụ xã hội phát triển, nhà nước tiến tới chủ yếu bảo đảm thiết chế, cơ chế và quản lý vĩ mô chung, tức là bảo đảm “luật chơi” và “sân chơi”, bảo đảm những điều kiện tối thiểu để thực hiện các nội dung phát triển xã hội, hoặc cung ứng dịch vụ xã hội cho tầng lớp yếu thế, những người nghèo trong xã hội. 

Thứ hai, khu vực thị trường thông qua khu vực tư nhân tiến tới thực hiện cung cấp phần lớn các hàng hóa, dịch vụ trong các lĩnh vực phát triển xã hội, trước mắt, chủ yếu cho các nhóm xã hội không nghèo, có điều kiện về kinh tế. 

Thứ ba, các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng, tự nguyện, người dân tham gia trong nhiều hoạt động quản lý phát triển xã hội

Thư tư, để thực hiện vai trò là chủ thể chính quản lý phát triển xã hội, cần tổ chức lại trên bộ máy quản lý cơ sở phân định chức năng của các cơ quan quản lý ngành xã hôi. Cụ thể:

- Các Bộ ngành chủ quản về các lĩnh vực xã hội như Bộ Lao động, thương bình và xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ y tế v.v… cần làm rõ hơn mối quan hệ kép: vừa quản lý nhà nước, vừa tham gia quản lý phát triển xã hội trong lĩnh vực đó.

- Các Bộ ngành khác, trước mắt cần có các “Báo cáo xã hội” hàng năm tổng hợp những vấn đề xã hội phát sinh trong ngành mình cho cơ quan đầu mối về phát triển xã hội của Chính phủ.

- Tiến tới thể chế hóa lĩnh vực quản lý phát triển xã hội, có phương án thành lập Hội đồng Quốc gia về quản lý Phát triển xã hội trực thuộc chính phủ để kết nối các hoạt động của một số Hội đồng , Ủy ban, Chương trình cấp Quốc gia. 

 

(Hết)

GS.TS Ngô Thắng Lợi

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân


 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết