Thứ Bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tăng cường và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng thật sự trong sạch, vững mạnh

Ngày phát hành: 05/11/2020 Lượt xem 1367


                                                           

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đặc biệt việc củng cố và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Người nhấn mạnh “Đoàn kết là sức mạnh nhất của ta”, là then chốt của thành công, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công’’(1). Từ đoàn kết trong Đảng, được nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ, đã tạo được sự đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân và đoàn kết quốc tế, để làm cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực tiễn hơn 90 năm qua, từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi bài học về đoàn kết là sức mạnh vô địch, truyền thống quý báu, là một nhân tố đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của cách mạng. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình’’(2). Chủ Tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải được xây dựng, củng cố trên cơ sở vì mục đích cao cả “một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”. Chỉ trên cơ sở đó, trong Đảng mới có sự thống nhất về ý chí và hành động “triệu người như một” để vượt qua mọi khó khăn trở ngại. “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(3). Di chúc của Chủ Tịch Hồ Chí Minh không những chỉ rõ vai trò quan trọng của sự đoàn kết, tính tất yếu của việc giữ gìn, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng mà còn nêu bật nguyên tắc quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh: “Trong Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau’’(4). Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ ta để vượt qua những khó khăn, thách thức; đấu tranh giành thắng lợi đem lại cuộc sống ấm no,  tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Qua theo dõi các kỳ đại hội Đảng bộ các cấp, thấy rằng ở nơi nào nội bộ cấp uỷ đoàn kết, thống nhất và người đứng đầu quy tụ được tập thể lãnh đạo thì ở những nơi đó đều vượt qua được những khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả tốt đẹp, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ; còn những nơi nào lình xình, mất đoàn kết, chia bè, kéo cánh, quyền anh, quyền tôi bằng mặt không bằng lòng; thậm chí nói xấu, chơi xấu, dựng chuyện đối với nhau và tìm cách đối phó nhau, không còn có tâm sức suy nghĩ để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, thì ở đó sẽ là tai hoạ cho đảng, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Hiện nay toàn Đảng đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng… và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII), chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chống tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng. Đây là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên kiểm kiểm chức trách, nhiệm vụ của mình trước tổ chức Đảng về tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật, chức trách, nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng. Thực tiễn cho thấy ở đảng bộ nào thật sự đoàn kết thì kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đời sống nhân dân được cải thiện; dân tin Đảng, Đảng tin dân; phong trào thi đua yêu nước được lan tỏa, có sức sống mạnh liệt; đội ngũ cán bộ luôn phát triển và trưởng thành. Còn ở nơi nào trong tổ chức đảng có biểu hiện mất đoàn kết, thiếu thống nhất ý chí và hành động thì ở nơi đó có kết quả ngược lại.  Để tiếp tục thực hiện tốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, tăng cường và củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, theo chúng tôi các cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên cần quan tâm, thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, tăng cường mở rộng dân chủ trong Đảng, đề cao tính tổ chức, tính kỷ luật, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu trước Đảng, trước nhân dân. Dân chủ trong Đảng là nền tảng cho sự đoàn kết. Trên cơ sở dân chủ nội bộ trong Đảng, đảng viên mới thực sự trung thực, thẳng thắn, chân thành với nhau. Từ đó, "tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" mới thực sự có tác dụng trong công tác xây dựng Đảng. Dân chủ sẽ khơi dậy, phát huy cao nhất trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; khắc phục được tình trạng bè cánh, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, xa rời quần chúng. Thực hành dân chủ chính là “ chìa khóa vạn năng” để giải quyết được mọi khó khăn, thử thách trong các nhiệm vụ của Đảng; nhưng dân chủ phải gắn với tập trung, kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đây là nguyên tắc cơ bản sống còn của một Đảng cách mạng, chân chính và giúp Đảng không ngừng lớn mạnh. Các cấp ủy Đảng phải bảo đảm thực hành dân chủ , đề cao tính tổ chức, tính kỷ luật, thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách nhằm tạo cơ sở đảm bảo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Đảng ta đã chỉ rõ: Phát huy dân chủ thật sự trong Đảng, thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp. Đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp được sắp xếp phù hợp, có cơ chế kịp thời thay thế không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Đây không chỉ là điểm mới được đề xuất từ yêu cầu bức thiết của thực tiễn xây dựng Đảng hiện nay mà còn được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo ra bầu không khí hồ hởi, phấn khởi, mới mẻ trong tổ chức và sinh hoạt đảng ở hầu hết các cấp uỷ Đảng, góp phần tích cực xây dựng Đảng ta trong sạch vững mạnh.

Hai là, thường xuyên, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng và công tác đảng. Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng, để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Thực tế công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua, một số tập thể, cá nhân chưa thực hiện tốt nguyên tắc này, do ý thức tự giác của một số cán bộ, đảng viên không cao, dẫn đến quá trình thực hiện vẫn còn có nơi rơi vào tình trạng “không đạt yêu cầu”. Do đó, cấp ủy, các tổ chức Đảng cần quyết liệt thực hiện tự phê bình và phê bình với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, sâu sắc hơn. Khắc phục tình trạng nể nang, dĩ hòa vi quý, đoàn kết xuôi chiều, bị tình cảm cá nhân chi phối; đồng thời, xử lý nghiêm minh những biểu hiện lợi dụng phê bình để đấu đá, làm mất uy tín của nhau, gây rối đối với tổ chức, ảnh hưởng đến sự đoàn kết trong tổ chức đảng, tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng kích động, chia rẽ nội bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải phê bình một cách thẳng thắn, chân thành nhằm giúp đồng chí, đồng đội nhận rõ sai lầm, sửa chữa khuyết điểm để không ngừng tiến bộ, tuyệt đối không vì mâu thuẫn cá nhân, động cơ cá nhân mà phê bình theo kiểu “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết” nhằm trù dập, đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Phải trên tinh thần đồng chí mà chân thành góp ý cho nhau, để cùng nhau tiến bộ, nâng cao phẩm chất, đạo đức con người, bản lĩnh cách mạng trong sáng của người đảng viên cộng sản. Thực hiện Di chúc của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn, thực hiện triệt để hơn nguyên tắc tự phê bình và phê bình để Đảng luôn trong sạch, làm cho uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao.

Ba là, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau trong công tác và trong cuộc sống. Đây là một điểm rất cơ bản mang tính nhân văn của vấn đề đoàn kết trong Đảng. Bởi không xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” thì dù có thường xuyên tự phê bình và phê bình, dù được gọi là có “có tinh thần thẳng thắn đấu tranh”, thì hiệu quả cũng không được như mong muốn. Khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, phê phán tư tưởng việc bé xé ra to, “bới lông, tìm vết”, “gắp lửa bỏ tay người” nhằm hạ thấp uy tín của đồng chí, đồng nghiệp, nhất là đối với những “kẻ” có nhiều “mánh khoé” tranh giành trên con đường danh lợi, kèn cừa địa vị, chức quyền, kéo bè kéo cánh, gây mất đoàn kết trong chi bộ, đảng bộ. Cho nên chỉ có trên tinh thần yêu thương đồng chí, đồng đội để chỉ rõ những khuyết điểm nhằm giúp đồng chí mình không lấn sâu vào những sai lầm, khuyết điểm và có những biện pháp “tự răn mình” để khắc phục khuyết điểm, phấn đấu vươn lên. Trong công tác xây dựng Đảng, chỉ có xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” thì mọi cuộc phê bình và tự phê bình mới đưa lại kết quả tốt đẹp; ngược lại, nó sẽ làm trầm trọng thêm mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, dẫn đến việc suy yếu sức mạnh của tổ chức Đảng.

Bốn là, phát huy vai trò và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong công tác và trong cuộc sống hàng ngày ở mọi lúc mọi nơi.  Quy định 08- QĐ/TW về “ Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương”(5), yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trao dồi đạo đức cách mạng. Trong cuộc sống không tự cao, tự đại, không phô trương hình thức. Thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành với đồng chí và nhân dân. Phải kiên trì, kiên quyết đấu tranh chống sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ và âm mưu, thủ đoạn thâm độc “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, phản động chống Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng,  kiên quyết giải quyết dứt điểm hiện tượng gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng. Tăng cường kiểm tra, giám sát giúp cho các cấp ủy kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguyên nhân, hiện tượng mất đoàn kết. Đồng thời, biểu dương kịp thời và có biện pháp cụ thể, thiết thực giúp cho các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng theo quy định của Điều lệ. Kiểm tra, giám sát trong Đảng, một mặt phải tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy các cấp, đề cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, tích cực đổi mới  phương pháp, cách thức tiến hành; mặt khác, cần có cơ chế, qui chế, quy định cụ thể để bảo vệ và phát huy vai trò giám sát của quần chúng nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Để bảo đảm cho công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo quy định, cấp ủy, chi bộ cần xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo, phù hợp với tính chất nhiệm vụ của mỗi một tổ chức Đảng; gắn kiểm tra thường xuyên với kiểm tra đột xuất; kiểm tra kết quả lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao bản lĩnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng, chính trị của Đảng; thực hiện tốt Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia – dân tộc để xây dựng, phát triển nhanh, bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sáu là, mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi, gắn bó đoàn kết với nhân dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân, làm tốt công tác dân vận và dựa vào dân để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; biết gợi mở, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong giám sát, góp ý cho cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng trên tinh thần xây dựng Đảng; xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phong cách dân vận “gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều và thật sự là “công bộc của nhân dân”. Chúng ta thấy rằng, trong cuộc phòng, chống đại dịch COVID – 19 và phòng, chống bão, lũ, sạt lở núi ở các tỉnh miền trung trong thời gian qua, thì tinh thần đại đoàn kết, yêu nước “ thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, tình người, tình làng, nghĩa xóm; tình đoàn kết quân dân của nhân dân ta, dân tộc ta lại được nhân lên gấp bội để vượt qua thách thức, khó khăn dịch bệnh, thiên tai…để phát triển sản xuất, ổn định đời sống, chăm lo bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; ổn định chính trị và chủ động hội nhập quốc tế. Đây là cơ sở tốt nhất để thực hiện sự đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân và toàn xã hội, nhất định đất nước sẽ “ thành công đại thành công”, càng khẳng định tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

      *

       **

Phấn đấu thực hiện tốt Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc(18/11/1930- 18/11/2020) và chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta hãy bằng hành động cụ thể, thiết thực, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ta “ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc như Bác Hồ hằng mong muốn./.

 

  TS. Nguyễn Văn Hùng,

                                                         Hội đồng Lý luận Trung ương

      Tài liệu tham khảo:

(1). Hồ Chí Minh toàn tập, t.13, Nxb CTQG, H.2011, tr.119

(2).  Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.15, tr. 622

(3). Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.15, tr. 621- 622

(4). Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.15, tr. 622.

(5). Quy định số 08- QĐ/TW, ngày 25/10/2018, của BCHTW Đảng, khoá XII.

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết