Thứ Ba, ngày 14 tháng 05 năm 2024

Vì sao Nhật Bản sau khi trở thành nước có thu nhập rất cao lại đối diện với nguy cơ "biến mất" do tỷ lệ sinh thấp (phần 1)

Ngày phát hành: 13/11/2023 Lượt xem 574

 

Tóm tắt:

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, như nhiều nước trên thế giới, Chính phủ và người dân Nhật Bản đã rất nỗ lực để đưa đất nước từ nước thu nhập trung bình lên thu nhập cao và rất cao (1960 - 1995).

 

Tuy nhiên chính các nhà khoa học Nhật Bản và quốc tế từ khoảng 20 năm nay đã đề cập đến nguy cơ tự tiêu vong của Nhật Bản (dân số suy giảm từ hơn 120 triệu người còn 10 triệu người sau 200 năm và còn 1 triệu người sau 300 năm) do Tổng tỉ suất sinh của Nhật Bản thấp dưới mức Tỉ suất sinh thay thế đã hơn 50 năm và dự báo sẽ thấp trong 100 năm (1974 - 2070).

 

Mặc dù liên tục từ 1990 đến nay chính phủ Nhật Bản đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích lập gia đình và sinh con, để nâng Tổng tỉ suất sinh về mức Tỉ suất sinh thay thế, song không có kết quả. Nghiên cứu sau đây sử dụng một phương pháp tiếp cận, phương pháp phân tích mới, chưa từng được áp dụng trong các nghiên cứu đã công bố, để góp phần lý giải hiện tượng Nhật Bản: sau khi trở thành nước thu nhập rất cao lại đối diện với nguy cơ "biến mất" do tỷ lệ sinh giảm. Cốt lõi của phương pháp tiếp cận mới là làm rõ triệt để các nguyên nhân và hậu quả của việc Tổng tỉ suất sinh thấp dưới Tỉ suất sinh thay thế và phân tích đồng thời các quá trình xã hội và quá trình kinh tế liên quan. Kết quả mới này là cơ sở cho thiết kế hệ thống 8 nhóm giải pháp đồng bộ, khả thi để ngăn chặn nguy cơ nói trên.

 

Từ khóa: Tổng tỉ suất sinh thấp, Mô hình quan hệ nhân quả Tổng tỉ suất sinh thấp (Nguyên nhân xã hội, Nguyên nhân kinh tế, Nguyên nhân chính sách, Hậu quả xã hội, Hậu quả kinh tế, Hậu quả chính sách), Phao Tổng tỉ suất sinh, Ngăn chặn nguy cơ tự tiêu vong.

 

1. SỰ TÍCH THẢN KỲ KINH TẾ NHẬT BẢN 35 NĂM

 

Trước chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản đã là một nước công nghiệp phát triển. Do hậu quả chiến tranh nặng nề, sau 15 năm khôi phục kinh tế, GDP/người của Nhật năm 1960 là 480 USD, thuộc nước thu nhập trung bình, HÌNH 1.

 

Tuy nhiên, đến 1977, GDP/người của Nhật đã đạt 6.340 USD, trở thành nước thu nhập cao (theo phân loại của Ngân hàng Thế giới năm 1987 là 6.000 USD/người). Và chỉ 18 năm sau, 1995, GDP/người đã đạt 44.200 USD, gấp 4,7 lần ngưỡng nước thu nhập cao năm 1995 (9.385 USD). Từ năm 1995 Nhật Bản đã là nước thu nhập rất cao. Năm 1985, GDP/người của Mỹ là 18.200 USD, gấp 1,5 lần GDP/người của Nhật Bản (11.600 USD, HÌNH 1).

 

 

Nhưng chỉ 10 năm sau, GDP/người của Nhật Bản là 44.200 USD, gấp 1,5 lần của Mỹ (28.700 USD). Có thể thấy trong 35 năm, 1960 - 1995, tăng trưởng kinh tế của Nhật đã qua 3 giai đoạn; HÌNH 1:

 

- 1960 - 1970: Tăng trưởng kinh tế tương đối chậm, GDP/người tăng bình quân 1 năm là 158 USD.

 

- 1970 - 1985: Tăng trưởng kinh tế nhanh, GDP/người tăng bình quân 1 năm là 636 USD, gấp hơn 4 lần mức tăng giai đoạn 1960 - 1970.

 

- 1985 - 1995: Tăng trưởng kinh tế rất nhanh, GDP/người tăng bình quân 1 năm là 3.260 USD, gấp hơn 5 lần mức tăng giai đoạn 1970 - 1995 và gấp hơn 20 lần mức tăng giai đoạn 1960 - 1970.

 

GDP/người năm 1995 là 44.200 USD gấp hơn 92 lần 35 năm trước đó (480 USD năm 1960). Năm 1960, GDP/người của Mỹ là 3.000 USD, gấp 6,4 lần của Nhật Bản (470 USD), song sau 35 năm, GDP/người của Nhật Bản là 44.200 USD gấp 1,54 lần của Mỹ (28.700 USD). Sau 10 năm, 2005, GDP/người của Mỹ (44.100 USD) mới bằng Nhật Bản năm 1995 (44.200 USD). Đây chính là kỳ tích kinh tế của Nhật Bản mà không nưóc nào khác đạt được sau chiến tranh thế giới thứ 2.

 

2. TRÌ TRỆ KINH TÉ XUẤT HIỆN NGAY SAU KHI ĐẠT ĐỈNH CAO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ KÉO DÀI GẦN 30 NĂM (1996 - 2023)

 

Tuy nhiên, thần kỳ kinh tế (1960 - 1995) đã ngay lập tức chấm dứt ở đỉnh cao 1995, HÌNH 1. Năm 1996, GDP/người đã giảm từ 44.200 USD năm 1995 xuống còn 39.150 USD tức giảm 11,4 %. Trong 10 năm, 1996 - 2005, GDP/người bình quân chỉ là 36.160 USD, bằng 82% mức năm 1995, HÌNH 1. Lúc đó, giới học giả gọi là thập niên mất mát (lost decade).

 

Trong suốt gần 30 năm sau 1995, 1996 - 2022, GDP/người của Nhật Bản trì trệ, nằm trong khoảng 32.400 USD và 49.150 USD, bình quân 1996 - 2022 là 37.200 USD, HÌNH 1, bằng 84% năm 1995. GDP/người năm 2022 là 32.800 USD chỉ bằng 74,2%) năm 1995. Năm 2022, GDP/người của Mỹ là 63.500 USD, gấp hơn 1,9 lần của Nhật Bản (32.800 USD).

 

GDP/người năm 2023 ước là 35.400 USD, bằng 80% năm 1995. GDP của Nhật Bản năm 1995 là 5.546 tỉ USD, song năm 1998 là 4.100 tỉ USD, bình quân giai đoạn 1996 - 2002 là 4.920 tỉ USD, bằng 89% năm 1995, HÌNH 3. Tức là thực tế không chỉ diễn ra 1 thập niên mất mát sau 1995 mà đến nay đã là gần 3 thập niên mất mát (28 năm).

 

Hai câu hỏi đặt ra là:

 

1. Vì sao Nhật Bản năm 1995 là 1 trong các nước giàu nhất trên thế giới, GDP/ người gấp hơn 1,5 lần Mỹ, có khoa học và công nghệ tiên tiến, song 30 năm sau đó lại phát triển trì trệ, GDP/người năm 2022 là 32.800 USD, chỉ bằng 74% mức GDP/người năm 1995 (44.200 USD) và bằng 52% của Mỹ.

 

2. Bao giờ thì sự trì trệ kinh tế này sẽ chấm dứt, các thập niên mất mát sẽ kết thúc và Nhật Bản sẽ bước vào một thời kỳ tăng trưởng mới?

 

Cho đến nay chúng tôi chưa thấy các nhà khoa học và chính phủ Nhật Bản nêu ý kiến về 2 câu hỏi này.

Sau đây chúng ta sẽ:

  • Hệ thống hóa các kết quả nghiên cứu chủ yếu đã công bố về hiện tượng Tống tỉ suất sinh thấp dưới tỉ suất sinh thay thế đã kéo dài 50 năm, dân số giảm, xuất hiện nguy cơ tự tiêu vong sau 300 năm,
  • Thử lý giải nguyên nhân của tình hình trên và việc kinh tể Nhật Bản trì trệ gần 30 năm (1996 - 2023) và
  • Chỉ ra 8 nhóm giải pháp để khắc phục tình hình này.

3. TNG TỈ SUẤT SINH THẤP DƯỚI TỈ SUẤT SINH THAY TH ĐÃ 50 NĂM, LAO ĐỘNG GIẢM, DÂN S GIẢM, NGUY CƠ TỰ TIÊU VONG XUẤT HIỆN

 

Từ hơn 20 năm nay, giới khoa học Nhật Bản và quốc tế đã thể hiện sự lo lắng về hậu quả của Tổng tỉ suất sinh rất thấp, kéo dài của Nhật Bản. Bình quân từ 1995 đến 2022 chỉ là 1,366 và năm 2022 đã xuống mức thấp nhất lịch sử là 1,26, HÌNH 1.

 

Năm 1999, Bộ Sức khỏe và An sinh Nhật Bản đã dự báo: Nếu Tổng tỉ suất sinh và chính sách nhập cư tiếp tục như hiện nay thì đến năm 3000 (sau 1000 năm) dân số Nhật Bản chỉ còn 500 ngưòi [1]. Năm 2012, Viện quốc gia về Dân số và Nghiên cứu an ninh xã hội Nhật Bản đã đưa ra dự báo: Dân số năm 2100 là 50 triệu, năm 2200 là 10 triệu, năm 2350 là 1 triệu và năm 3000 là 62 ngưòi [2].

 

Với các thống kê về dân số Nhật Bản trước năm 1900 và các dự báo trên, chúng tôi xây dựng Tháp dân số Nhật Bản 2000 năm, Hình 2. Nhật Bản cần 1010 năm, từ năm 1000 đến 2010, để dân số tăng từ 4,5 triệu người lên 128 triệu người. Song chỉ cần khoảng 250 năm (2010 - 2260) dân số giảm rất mạnh chỉ còn 4.5 triệu người. Sự sụp đổ Tháp dân số Nhật Bản, HÌNH 2, là cảnh báo mà các nhà nghiên cứu Nhật Bản và nước ngoài đều thống nhất, cho dù con số cụ thể dự báo dân số vào các mốc thời gian cụ thể có thể khác nhau chút ít.

 

 

Lịch sử Tổng tỉ suất sinh (TTSS) ở Nhật Bản giảm dưới tỉ suất sinh (TSS) thay thế (2,1) đã qua 50 năm (1974 - 2023), HÌNH 1. Từ 1974 (TTSS = 2,06), TTSS đã liên tục giảm 32 năm, năm 2005 TTSS = 1,26 là mức thấp nhất. 10 năm sau, 2006 - 2015, TTSS có tăng nhẹ, có lẽ là do các chính sách khuyến khích sinh con của chính phủ, lên đỉnh TTSS = 1,45 năm 2015. Sau đó TTSS lại tiếp tục giảm và đạt đáy mới TTSS = 1,26 năm 2022. Bình quân TTSS 28 năm, 1995 - 2022, là 1,366, HÌNH 1.

 

Việc Tổng tỉ suất sinh giảm từ 1975 tất yếu dẫn đến hậu quả là lao động giảm sau khoảng 15-20 năm (trẻ sinh ra đến tuổi lao động). Thực tế là từ 1995 đến nay, dân số tuổi lao động của Nhật giảm liên tục, HÌNH 3.

 

 

Khi lao động giảm liên tục, từ 86,89 triệu người trong tuổi lao động năm 1995 xuống 73,98 triệu năm 2022, tức giảm 15%, trong bối cảnh năng suất lao động của Nhật Bản sau giai đoạn tăng mạnh từ 1970 - 1995 thì lại trì trệ từ 1996 và xu hưng 1996 - 2022 là giảm nhẹ (HÌNH 6) và do Nhật Bản không có chính sách nhập cư để bù đắp thiếu hụt lao động thì GDP của Nhật Bản trì trệ gần 30 năm là hậu quả tất yếu. GDP năm 1995 là 5.546 tỉ USD, năm 2022 là 4.231 tỉ USD, chỉ bằng 76,3% năm 1995, bình quân 1996 - 2022 là 4.920 tỉ USD bằng 88,7% năm 1995, HÌNH 3. GDP năm 2023 ước là 4.400 tỉ USD bằng 79,3%) năm 1995. Điều này lại dẫn đến hậu quả là thu ngân sách của Nhật Bản trì trệ: 31 năm liên tục, từ 1991 - 2021, thu ngân sách hàng năm thấp hơn thu ngân sách 1990, HÌNH 4, trong khi chi ngân sách không ngừng tăng lên.

 

Từ năm 1990, sau khi TTSS giảm tới mức 1,57 vào 1989, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các sáng kiến và chương trình hỗ trợ gia đình để khắc phục sự suy giảm TTSS, gồm 3 lĩnh vực [3]:

 

• Trợ cấp tiền cho nuôi trẻ từ lúc sinh đến học hết trung học cơ sở (100 USD/tháng đến 150 USD/tháng).

 

•  Nghỉ để nuôi con và được trả 50% mức lương trước khi nghỉ.

 

•  Xây dựng thêm các nhà trẻ và khuyến khích các doanh nghiệp có môi trường làm việc thân thiện với gia đình.

 

Sau 2015, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục thực hiện các biện pháp khuyến khích kết hôn và sinh con, song diễn biến TTSS 16 năm, 2006 - 2022 cho thấy , các chính sách này không thay đổi được thực chất tình hình: Mất 10 năm, 2005 - 2015, TTSS tăng từ 1,26 lên 1,45, song chỉ cần 7 năm tiếp theo, TTSS đã giảm xuống còn 1,26, bằng mức thấp nhất 1,26 của 2005, HÌNH 1.

 

Theo đánh giá của Giáo sư Nhật Bản Noriko O.Tsuya năm 2017 [3], Mặc dù có các chương trình của chính phủ, chính sách gia đình của Nhật Bản đã thể hiện về tổng thể là không hiệu quả”. Một lý do quan trọng của tình trạng này là chính phủ thiếu nguồn lực tài chính do kinh tế tăng trưởng trì trệ. GDP/người năm 2022 (32.800 USD) chỉ bằng 74% GDP/người năm 1995 (44.200 USD). Thu ngân sách hàng năm 31 năm liên tục, 1991 - 2021 thấp hơn năm 1990, HÌNH 4. Một nghiên cứu của The Economist Intelligence Unit năm 2018 đánh giá: “Sự hỗ trợ về tài chính để mở rộng chăm sóc trẻ nhỏ là nửa vời” [4]. Mức hỗ trợ 100 - 150 USD/tháng cho một trẻ em, tức 3,3-5 USD/ngày rõ ràng không giúp các gia đình Nhật Bản giảm gánh nặng chi tiêu để nuôi con, cho con đi học, khám chữa bệnh là bao nhiêu.

 

Chi phí của Chính phủ Nhật Bản cho tất cả các chính sách hỗ trợ gia đình, nuôi dạy con, để tăng TTSS chiếm 1,49% GDP, trong khi chi phí này các nước OECD bình quân là 2,43% GDP và ở Pháp là 3,65% (gấp hon 2,4 lần của Nhật Bản). Viện quốc gia về Dân số và Nghiên cứu an ninh xã hội Nhật Bản năm 2017 đã dự báo TTSS năm 2065 là 1,44, nhưng sau 5 năm, năm 2023 đã điều chỉnh dự báo TTSS năm 2070 là 1,36. Năm 2000 TTSS là 1,36, HÌNH 1, bình quân 1995 - 2022 là 1,366 và dự báo 2070 là 1,36.

 

Tức là sau 30 năm (1970 - 2000), TTSS giảm từ 2,1 xuống 1,36, HÌNH 1, thì mặc dù đã có nhiều chương trình khuyến khích tăng TTSS của chính phủ, TTSS 70 năm sau, 2000 - 2070, vẫn thấp bền vững, bình quân chỉ nằm trong khoảng 1,37 - 1,36. Theo một điều tra xã hội do Hãng truyền thông Reuters News thực hiện, 90% các doanh nghiệp Nhật Bản cảm nhận có khủng hoảng về giảm tỉ suất sinh [5].

 

Tháng 6-2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida công bố sẽ triển khai một gói giải pháp trị giá 25 tỉ USD mỗi năm, để đảo ngược xu thế tỉ suất sinh thấp bền vững nói trên mà không đòi hỏi người dân phải chịu thêm gánh nặng (tài chính) nào. Tuy nhiên, chính phủ đã vấp phải sự phê phán là không chỉ ra được nguồn tài chính nào, ở đâu để thực hiện gói giải pháp này mà lại không phải cắt giảm các khoản chỉ đang có cho người dân [5].

 

Năm 2021, GDP của Nhật giảm 100 tỉ USD so với 2020. GDP năm 2022 giảm 700 tỉ USD so với 2021. Trong bối cảnh này, chi thêm 25 tỉ USD từ ngân sách mà không cắt giảm các khoản chi khác là không khả thi. Theo dự báo của Viện quốc gia về Dân số và Nghiên cứu an ninh xã hội Nhật Bản năm 2023, thì tới 2070, nước Nhật đã trải qua 100 năm TTSS dưới TSS thay thế (1974 - 2070), trong đó 70 năm (2000 - 2070) chỉ ở mức bình quân 1,36. Khi đó lớp thanh niên bước vào tuổi lao động thòi kỳ 2070 - 2100 sẽ có quan niệm về gia đình và sinh con rất khác với các thế hệ ông bà cách đó hơn 100 năm (1960 - 1970).

 

Một nghiên cứu của Bảo hiểm nhân thọ Meiji Yasuda năm 2016 cho thấy: ở nhóm tuổi 20 - 29 năm 2013 có 33% đàn ông độc thân không có ý định lấy vợ, song đến năm 2016 tỉ lệ này tăng đến 61%. Còn ở phụ nữ độc thân cùng nhóm tuổi, tỉ lệ này tăng từ 18% lên 41%. Điều tra của Viện quốc gia về Dân số và Nghiên cứu an ninh xã hội năm 2021 cho thấy: năm 1982 có 2,3% đàn ông độc thân trong nhóm tuổi 18 đến 34 không có ý định lấy vợ, thì năm 2021 đã tăng lên là 17,3%, tức là gấp 7,5 lần. Còn ở phụ nữ độc thân cùng nhóm tuổi tỉ lệ này đã tăng từ 4,1% lên 14,6% (gấp 3,5 lần). Năm 2022, từ kết quả điều tra xã hội học, Chính phủ Nhật Bản cho biết: trong số đàn ông tuổi 20 đến 29 có 19% không có ý định lấy vợ, còn trong số đàn ông tuổi 30 đến 39 có đến 26,8% như vậy. Còn trong số phụ nữ tuổi 20 đến 29 có 14% không có ý định lấy chồng, nhưng ở tuổi 30 đến 39 có đến 25,4% không có ý định lấy chồng [7].

 

Lý do những phụ nữ này nêu ra cho quyết định của họ là: Họ có được sự tự do, có con đường phát triển nghề nghiệp, không muốn mang gánh nặng của người vợ truyền thống (việc nhà, nuôi dạy con, chăm sóc cha mẹ lớn tuổi).

 

Còn lý do những người đàn ông không muốn lấy vợ là: Họ có được tự do cá nhân, lo lắng về việc làm không ổn định, không có khả năng kiếm đủ tiền để duy trì một gia đình.

 

Báo cáo của chính phủ kết luận: “Suy nghĩ về gia đình của ngưòi Nhật đã thay đổi và lập gia đình không còn được coi là một lưi an toàn đảm bảo một cuộc sống ốn định” [7]. Đây chính là một nguyên nhân sâu xa, cơ bản nhất của tình hình TTSS ở Nhật Bản giảm dưới TSS thay thế sẽ tiếp tục ở giai đoạn 2023 - 2070, sau khi đã sụt giảm dưới TSS thay thế 50 năm (1974-2022). Khi có gia đình, có con không được coi là cần thiết, là hạnh phúc cho chính mình, mà trở thành sự cản trở tự do cá nhân, sự phiền toái trong cuộc sống (nhất là với phụ nữ vì gánh nặng làm vợ, làm mẹ, làm con dâu), là gánh nặng tài chính (nhất là đối với người chồng) đã trở thành quan điểm, triết lý sống của một bộ phận ngày càng lớn hơn trong xã hội thì số người độc thân sẽ ngày một tăng, số gia đình không con và chỉ có 1 con sẽ ngày một tăng, số trẻ sinh ra sẽ ngày một giảm. Lúc đó sự sụp đổ của Tháp dân số Nhật Bản, HÌNH 2, sẽ khó tránh khỏi.

 

Sau 35 năm tạo nên kỳ tích kinh tế Nhật Bản (1960 - 1995), đến nay gần 30 năm tiếp theo (1996 - 2023) là trì trệ kinh tế (GDP và GDP/người không tăng mà xu hướng là giảm, Thu ngân sách giảm), Tổng tỉ suất sinh 50 năm dưới TSS thay thế, bình quân 1995 - 2022 TTSS là 1,366. Chính phủ Nhật chưa tìm ra và thực thi được hệ thống các giải pháp để tăng được cơ bản TTSS, Nhật Bản dự báo TTSS 2070 là 1,36. Tức là xã hội Nhật Bản sẽ trải qua 100 năm TTSS dưới TSS thay thế, trong đó 70 năm cuối ở mức bình quân 1,36. Giáo sư Noriko O. Tsuya, Đại học Keio, Tokyo, chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản về tỉ suất sinh, dân số và gia đình, năm 2017 đã nhận định: Tỉ suất sinh thấp ở Nhật Bản không thấy khả năng kết thúc [3], Nhật Bản đang đối diện nguy cơ tự tiêu vong sau 300 năm, sau khi đạt dân số cao nhất 128 triệu người năm 2010. Dự báo của Nhật Bản: dân số năm 2350 là 1 triệu ngưòi và năm 3000 là 62 ngưòi, HÌNH 2 [2].

(Còn tiếp)

 

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết