Thứ Năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024

Dân số Trung Quốc sụt giảm gây tác động như thế nào đến kinh tế thế giới?

Ngày phát hành: 25/01/2024 Lượt xem 453

Trung Quốc đứng trước nguy cơ khủng hoảng dân số - Ảnh: Getty Images.


Theo tờ ABC News (Australia), dân số Trung Quốc đã giảm năm thứ hai liên tiếp. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, chỉ có 9,02 triệu ca sinh trong năm 2023 - bằng một nửa so với năm 2017. Cùng với 11,1 triệu ca tử vong ở nước này trong năm 2023, tăng 500.000 ca so với năm 2022, điều đó có nghĩa là dân số Trung Quốc đã giảm 2,08 triệu vào năm ngoái sau khi giảm 850.000 năm trước đó.

Một nhóm nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải dự đoán dân số Trung Quốc sẽ giảm từ 1,4 tỷ người hiện tại xuống chỉ còn 525 triệu người vào năm 2100. Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm xuống chỉ còn 210 triệu người vào năm 2100 - bằng 1/5 so với mức đỉnh điểm năm 2014.

Tỷ lệ sinh-tử không tương xứng

Tỷ lệ tử vong ngày càng tăng là hệ quả tất yếu của tình trạng già hóa dân số, đồng thời một phần cũng là do sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 trong những tháng đầu năm 2023.

Dân số đang già đi chủ yếu là do tỷ lệ sinh giảm. Tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc - số con trung bình trên mỗi phụ nữ - khá ổn định ở mức khoảng 1,66 trong khoảng thời gian từ năm 1991-2017 theo chính sách một con của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó tỷ lệ này giảm xuống 1,28 năm 2020, 1,08 năm 2022 và hiện ở mức gần 1 - thấp hơn nhiều so với mức 2,1 thường được cho là cần thiết để duy trì dân số. Để so sánh, Australia và Mỹ có tỷ lệ sinh là 1,6. Năm 2023, Hàn Quốc có tỷ lệ thấp nhất thế giới là 0,72.

Trung Quốc từ bỏ chính sách một con vào năm 2016. Năm 2021, nước này đưa ra chính sách ba con, được hỗ trợ bởi thuế và các ưu đãi khác. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm, một phần là do quy định một con đã được thiết lập, một phần vì chính sách một con đã cắt giảm số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và một phần vì áp lực kinh tế đang khiến việc làm cha mẹ trở nên kém hấp dẫn hơn.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, nhân viên của các doanh nghiệp làm việc trung bình 49 giờ mỗi tuần, hơn 9 giờ mỗi ngày. Phụ nữ tốt nghiệp kiếm được ít tiền hơn nam giới và ngày càng trì hoãn việc sinh con.             

Người ta hy vọng rằng năm 2024 sẽ chứng kiến tỷ lệ sinh tăng vọt, là năm con rồng trong chiêm tinh học Trung Quốc, một biểu tượng của sự may mắn. Một số gia đình có thể đã chọn hoãn sinh con trong năm Kỷ Mão kém tốt lành (2023). Ít nhất một nghiên cứu đã xác định được tác động như vậy.             

Dân số già hơn, phụ thuộc nhiều hơn            

Một nhóm nghiên cứu khác của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải và Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại Đại học Victoria (Australia) cho rằng dân số Trung Quốc sẽ giảm hơn một nửa xuống còn khoảng 525 triệu người vào năm 2100, giảm nhiều hơn khoảng 62 triệu người so với dự báo trước đây.            

Dân số trong độ tuổi lao động dự kiến sẽ giảm mạnh hơn xuống còn 210 triệu người. Hiện tại, có những kỳ vọng rằng số người Trung Quốc từ 65 tuổi trở lên sẽ vượt qua số người Trung Quốc trong độ tuổi lao động truyền thống vào năm 2077, sớm hơn 3 năm so với trước đây.            

Đến năm 2100, các nhà nghiên cứu dự báo cứ 100 người Trung Quốc trong độ tuổi lao động truyền thống sẽ phải hỗ trợ 137 người cao tuổi Trung Quốc, tăng từ mức chỉ 21 người hiện nay.            

Các nhà nghiên cứu đưa ra 2 giả định: Giả định thứ nhất là tỷ lệ sinh của Trung Quốc sẽ phục hồi, tăng chậm lên mức 1,3. Giả định thứ hai là tỷ lệ sinh sẽ tiếp tục giảm xuống 0,88 trong thập kỷ tới và sau đó dần phục hồi về 1,0 vào năm 2050 trước khi giữ ổn định. Họ đưa ra 2 giả định nói trên dựa trên những quan sát về tổng tỷ suất sinh thực tế ở khu vực Trung Quốc và xu hướng giảm của chúng.

Năm 2022, tỷ lệ này là 1,26 ở Nhật Bản, 1,04 ở Singapore, 0,87 ở Đài Loan (Trung Quốc), 0,8 ở Hong Kong (Trung Quốc) và 0,78 ở Hàn Quốc. Không quốc gia nào trong số này có mức sinh tăng trở lại, bất chấp những nỗ lực của chính phủ. Những xu hướng này chỉ ra điều mà các nhà nhân khẩu học gọi là "bẫy sinh thấp", trong đó mức sinh khó được nâng lên một khi nó giảm xuống dưới 1,5 hoặc 1,4.             

Tác động tới phát triển kinh tế thế giới

 

Hiện nay, do chiếm 1/6 dân số thế giới nên sự suy giảm quy mô dân số nhanh chóng của Trung Quốc sẽ dẫn đến khả năng dân số thế giới đạt đỉnh. Dự báo cập nhật của các nhà nghiên cứu về Trung Quốc đưa ra dự đoán về thời điểm dân số thế giới sẽ đạt đỉnh là năm 2083, sớm hơn 1 năm so với dự đoán trước đây.             

Sự suy giảm nhanh chóng về dân số Trung Quốc sẽ làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc và từ đó làm suy yếu nền kinh tế thế giới. Nó sẽ gây áp lực giảm chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc và áp lực ngày càng tăng đối với tiền lương và chi tiêu của chính phủ. Do Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, điểm yếu này (sự suy giảm nhanh chóng về dân số) của Trung Quốc sẽ đặt ra thách thức cho quá trình phục hồi kinh tế thế giới./.


 Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết