Thứ Ba, ngày 30 tháng 04 năm 2024

Dư luận về việc Mỹ và Việt Nam đạt được thỏa thuận giải quyết vấn đề thao túng tiền tệ

Ngày phát hành: 20/07/2021 Lượt xem 1489

Ảnh minh họa


Ngày 19/7, Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã đạt được một thoả thuận để giải quyết những lo ngại của Washington về các hành vi tiền tệ của Hà Nội.
Thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, ngày 19/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã gặp trực tuyến Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và đi đến thoả thuận  trên sau cuộc thảo luận “mang tính xây dựng” giữa hai bên.
Thông cáo đưa ra ngày 19/7 nhấn mạnh Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam trong những tháng gần đây đã có “các cuộc thảo luận mang tính xây dựng thông qua quá trình tăng cường cam kết”. Hai bên đã đạt được thoả thuận để giải quyết những lo ngại của Bộ Tài chính Mỹ về các hành vi tiền tệ của Việt Nam như được mô tả trong Báo cáo của Bộ Tài chính trước Quốc hội Mỹ về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ.
Trong thông cáo, NHNN Việt Nam xác nhận rằng Hà Nội có nghĩa vụ tuân theo các Điều khoản Thoả thuận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong việc tránh thao túng tỷ giá hối đoái nhằm ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán hoặc để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh cũng như không để xảy ra bất kỳ sự phá giá cạnh tranh nào đối với đồng tiền Việt Nam. NHNN Việt Nam cũng đang nỗ lực để tiếp tục hiện đại hoá và minh bạch hơn trong chính sách tiền tệ và khuôn khổ tỷ giá hối đoái của mình.
NHNN Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cần thiết để Bộ Tài chính Mỹ tiến hành phân tích kỹ lưỡng và báo cáo về hoạt động của NHNN Việt Nam trên thị trường ngoại hối trong báo cáo định kỳ 6 tháng của bộ này trước Quốc hội.
Cuộc gặp giữa người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam diễn ra giữa lúc có những lo ngại về việc Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) có thể sắp ban hành một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam mà Chính quyền Biden sẽ đề xuất đánh thuế theo Mục 301 sau các cuộc điều tra của Chính quyền Trump về hành vi của Việt Nam “thao túng tiền tệ” và sử dụng “gỗ lậu”.
Bộ trưởng Yellen nói rằng: “Tôi hoan nghênh cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách tiền tệ và sự hiểu biết lẫn nhau mà chúng ta đã đạt được. Tôi tin rằng sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với những vấn đề này theo thời gian không chỉ sẽ giải quyết các mối quan tâm của Bộ Tài chính mà còn hỗ trợ sự phát triển hơn nữa của thị trường tài chính Việt Nam và nâng cao khả năng phục hồi tài chính cũng như kinh tế vĩ mô của họ”.
Bộ trưởng Yellen và Thống đốc NHNN Việt Nam cam kết duy trì sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn giải quyết những thách thức chung khác, như hỗ trợ phục hồi từ đại dịch COVID-19.
“Tín hiệu mang tính xây dựng”


Trang Law360 của Mỹ ngày 19/7 dẫn lời Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết không loại trừ rõ ràng khả năng áp đặt thuế quan, song hoan nghênh thỏa thuận giữa Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam. Bà Tai cho biết USTR và Bộ Tài chính "sẽ giám sát việc Việt Nam thực hiện các cam kết và làm việc với Việt Nam để đảm bảo rằng Việt Nam giải quyết các hành vi, chính sách và thông lệ liên quan đến việc định giá đồng nội tệ."


Trang ustr.gov của USTR dẫn tuyên bố của bà Katherine Tai “hoan nghênh Việt Nam đã cam kết giải quyết các mối quan ngại của Mỹ. Việt Nam có thể trở thành một ví dụ điển hình cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách cho phép tỷ giá hối đoái của mình linh hoạt, phù hợp với các nguyên tắc kinh tế cơ bản. ”
Khi Mỹ đe dọa áp thuế hàng hóa Việt Nam,  một số nhà quan sát lo ngại những tác động không đáng có của việc sử dụng thương mại như một mũi nhọn nhằm vào chính sách tiền tệ. Cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Mark Sobel, hiện làm việc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), đánh giá thỏa thuận là một tín hiệu mang tính xây dựng: "Bộ Tài chính đã chọn cách tiếp cận ngoại giao để giải quyết vấn đề tiền tệ của Việt Nam. Đó là cách tiếp cận đúng đắn. Tác động của thỏa thuận trên sẽ được nhìn thấy theo thời gian về cách Việt Nam thực sự thực hiện các chính sách ngoại hối của mình và liệu tiền đồng có tăng giá hay không".


Các doanh nghiệp Mỹ hối thúc không đánh thuế hàng hóa Việt Nam
Theo đài VOA ngày 19/7, gần 80 tổ chức kinh doanh lớn nhất của Mỹ đã yêu cầu đại diện thương mại Mỹ không dùng thuế quan như một biện pháp giải quyết các tranh chấp thương mại với Việt Nam, giữa lúc có những thông tin về việc Chính quyền Biden có thể đánh thuế hàng hoá nhập từ Việt Nam.
Trong bức thư chung gửi Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, 76 tổ chức gồm Phòng Thương mại Mỹ, Liên đoàn bán lẻ quốc gia và Hiệp hội Internet (trong đó có các thành viên như Amazon và Google)… bày tỏ lo ngại về những thông tin cho rằng Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) có thể sắp lên danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam mà Chính quyền Biden sẽ đề xuất đánh thuế theo Mục 301 sau các cuộc điều tra của Chính quyền Trump về hành vi của Việt Nam “thao túng tiền tệ” và “sử dụng gỗ lậu”.
Trong thư gửi bà Tai ngày 14/7, các tổ chức kinh doanh của Mỹ, từ thực phẩm, nội thất cho đến thời trang viết: “Việc áp thuế theo Mục 301 tại thời điểm khi Bộ Tài chính Mỹ gần đây tuyên bố Việt Nam không thao túng tiền tệ sẽ làm xói mòn các nỗ lực để phát triển một khuôn khổ chặt chẽ hơn về ngoại giao tài chính… Một động thái như vậy sẽ khiến các chính phủ nước ngoài bối rối và do đó giảm ảnh hưởng của Washington đối với quốc tế.”
Bức thư cũng được gửi đến những người đứng đầu Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao.
Mỹ là thị thường xuất khẩu lớn nhất và cũng đang có thâm hụt thương mại ngày càng tăng với Việt Nam. Tuy nhiên, theo các tổ chức viết trong thư, sự gia tăng nhập khẩu từ Việt Nam trong vài năm qua phần lớn là do việc Mỹ áp dụng các mức thuế theo Mục 301 đối với hàng hoá trị giá hàng trăm tỷ USD từ Trung Quốc. Điều này khiến các nhà nhập khẩu Mỹ tìm đến Việt Nam hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Á như một sự thay thế đáng tin cậy cho Trung Quốc.
Việt Nam là thị trường xuất khẩu chính cho các ngành công nghiệp tạo ra nhiều việc làm của Mỹ như dệt may, hoá chất, gỗ cứng, hàng không và các sản phẩm năng lượng và môi trường. Theo thư kiến nghị, các nguyên liệu thô được nhập từ Việt Nam là các đầu vào thiết yếu được các nhà sản xuất Mỹ sử dụng cho các sản phẩm hoàn chỉnh.
Theo ông John Goyer, Giám đốc phụ trách Đông Nam Á của Phòng Thương mại Mỹ, việc áp thuế với hàng hóa Việt Nam “cũng sẽ gây ảnh hưởng nguy hại” tới các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Việt Nam vì nó làm giảm sự cạnh tranh của họ do giá cả các sản phầm tăng cao khi bị đánh thuế./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết