Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Tác động qua lại giữa sự phục hồi kinh tế Mỹ và năng suất lao động

Ngày phát hành: 22/08/2021 Lượt xem 2887


The Economist (17/8): Một nhóm các nhà kinh tế đầu ngành đã nhận định rằng cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đối với nước Mỹ kể từ Đại Suy thoái, nhưng đây cũng là giai đoạn suy thoái kinh tế ngắn nhất, chỉ kéo dài từ tháng 3 đến tháng 4/2020. 

Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi về định nghĩa của một cuộc suy thoái kinh tế. Bởi Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) của Mỹ đã mô tả suy thoái kinh tế là sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế, trải rộng trên toàn bộ nền kinh tế và kéo dài hơn một vài tháng. 

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 vẫn được đánh giá là suy thoái kinh tế là bởi quy mô rộng lớn và ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh đối với hoạt động kinh tế. Mức sản lượng kinh tế sụt giảm trong quý II/2020 cao hơn ba lần so với mức sụt giảm hàng quý lớn thứ hai trong lịch sử sau chiến tranh của Mỹ. 

Điều may mắn là Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã phục hồi ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng của quý III/2020 đạt 33,8% - cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng theo quý lớn thứ hai trong thời kỳ hậu chiến. Theo báo cáo của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA), sản lượng kinh tế Mỹ quý II/2021 đã vượt mức trước đại dịch. 

Mặc dù cuộc khủng hoảng lần này có rất nhiều điểm khác biệt so với những cuộc suy thoái trước đây, cách thức mà nền kinh tế đang dần "hồi sinh" có những khía cạnh quan trọng tương đồng với những giai đoạn phục hồi trong quá khứ. Dựa vào đó, các nhà kinh tế hiểu rõ hơn về hiệu quả chính sách có thể đạt được khi đối mặt với khó khăn.

Các giai đoạn phục hồi gần đây của Mỹ ghi nhận xu hướng thị trường lao động mất nhiều thời gian hơn để quay trở lại mức trước khi kinh tế suy thoái. Trong bảy cuộc suy thoái từ năm 1948 đến năm 1980, trung bình cần khoảng 5 quý để GDP vượt qua mức đỉnh trước suy thoái. Trong khi đó, sự phục hồi của thị trường việc làm cần trung bình 6 quý. 

Tuy nhiên, từ những năm 1980 trở đi, sự phục hồi của thị trường việc làm bắt đầu tụt hậu so với sản lượng kinh tế. Trong bốn cuộc suy thoái trước khủng hoảng COVID-19, GDP đã tăng lên mức cao trước suy thoái chỉ trong khoảng sáu quý. Nhưng thị trường việc làm đã không làm được như vậy trong suốt 15 quý.

Trong cuộc khủng hoảng COVID-19, khoảng 22 triệu việc làm đã bị mất từ tháng 2-4/2020, và đến nay, đã có 16,6 triệu việc làm quay trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động tuyển dụng một lần nữa tụt hậu so với tăng trưởng GDP. Mặc dù, sản lượng kinh tế đạt mức cao mới trong quý II/2021, nhưng thị trường việc làm vẫn phục hồi ở mức thấp hơn 4% so với trước đại dịch. 

Đáng chú ý, mức tăng của năng suất lao động trong quá trình phục hồi hiện nay có mô hình tương tự như giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Hiện tại, nền kinh tế Mỹ đang tạo ra sản lượng nhiều hơn so với cách đây một năm rưỡi, với số lượng lao động có việc làm giảm khoảng 6 triệu người. Điều này có nghĩa là năng suất lao động đã tăng vọt trên toàn nền kinh tế. 

Đại dịch đã thúc đẩy nhiều công ty áp dụng công nghệ và mô hình làm việc mới. Xu hướng này có tác động lớn đối với năng suất lao động trong một số ngành, ví dụ như năng suất lao động trong ngành thương mại bán lẻ tăng gần 8% trong năm 2020. 

Trong khi đó, tình hình việc làm trong các ngành giải trí và khách sạn, nơi năng suất lao động tương đối thấp, ghi nhận sự phục hồi yếu và vẫn thấp hơn khoảng 10% so với mức trước đại dịch. 

Quá trình tái cơ cấu để thúc đẩy năng suất lao động thường xuất hiện cùng với giai đoạn kinh tế gặp khó khăn. Nghiên cứu năm 2012 của hai chuyên gia Nir Jaimovich từ Đại học Zurich và Henry Siu từ Đại học British Columbia đã chỉ ra rằng các công việc "lặp đi lặp lại" có quy trình đơn giản rất dễ bị thay thế bằng tự động hóa hoặc thuê ngoài. Những công việc này sẽ mất dần trong các cuộc suy thoái. 

Hơn nữa, các nhà nghiên cứu lưu ý, do những công việc "lặp đi lặp lại" này bị rất dễ bị đe dọa trong thời kỳ suy thoái, nên đây cũng được coi là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp trong quá trình phục hồi kinh tế kể từ giữa những năm 1980 trở lại đây. Tuy nhiên, năng suất lao động giai đoạn đó không cải thiện nhiều, bởi vì việc gia tăng số lượng công việc được trả lương thấp trong lĩnh vực dịch vụ đã giúp dần hấp thụ lượng lao động thất nghiệp trong nền kinh tế.

Thực tế là, sự phục hồi của nền kinh tế hàng đầu thế giới hiện nay đã cho thấy, phản ứng chính sách mạnh mẽ đã có thể mang lại những kết quả nằm ngoài kỳ vọng. Trái ngược với các giai đoạn phục hồi sau suy thoái trong quá khứ, kinh tế Mỹ đã "hồi sinh" tích cực nhờ hàng loạt biện pháp kích thích và cứu trợ, khiến thâm hụt ngân sách phình to chỉ kém thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trong bốn quý đầu tiên khi kinh tế bắt đầu phục hồi, GDP chỉ tăng hơn 12%. Tăng trưởng nhanh dự kiến sẽ tiếp tục duy trì, với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính GDP của Mỹ sẽ tăng 7% trong năm 2021, và 5% vào năm 2022.

Triển vọng việc làm và năng suất lao động trong tương lai có thể phát triển như thế nào? Theo kịch bản thứ nhất, nền kinh tế vẫn tăng trưởng nhanh nhờ hưởng lợi từ các chính sách kích thích, nhưng mức tăng năng suất lao động ban đầu sẽ không thể duy trì. Nhu cầu của người tiêu dùng sẽ quay trở lại lĩnh vực dịch vụ sử dụng nhiều lao động. Kết quả sẽ là thị trường việc làm sẽ phục hồi mạnh, nhưng lại kém về năng suất. Nếu nền kinh tế tăng trưởng theo dự báo của IMF và năng suất lao động giảm trở lại mức trước đại dịch, thì số lao động có việc làm sẽ tăng lên 166 triệu người vào cuối năm 2022, so với mức 147 triệu người hiện nay. Ước tính sẽ có thêm khoảng 14 triệu việc làm so với thời điểm tháng 2/2020, khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,5%.

Tuy nhiên, theo một kịch bản khác, khi các ngành có năng suất lao động cao ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực, khi đó các công ty trong ngành có thể đề xuất mức lương cao và thu hút nhiều lao động hơn. Điều đó cũng khiến cho ít người sẵn sàng làm việc trong lĩnh vực dịch vụ có năng suất thấp và mức lương thấp. Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hiện nay có thể khuyến khích các công ty tăng cường tự động hóa thay vì tạo ra nhiều việc làm với mức lương thấp như trong lịch sử thường thấy. Nước Mỹ có thể chứng kiến sự phục hồi cả về sản lượng kinh tế cũng như việc làm, với sự thay đổi trong cơ cấu giúp tạo động lực tăng năng suất lao động./.


Mai Ly (Theo The Economist)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết