Thứ Bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024

Tiêu chí nền kinh tế thị trường của Hoa Kỳ - kinh nghiệm cho Việt Nam

Ngày phát hành: 25/09/2018 Lượt xem 23242

1. Tiêu chí của Hoa Kỳ về kinh tế thị trường

Theo George Hoffman (2004), kinh tế thị trường là hệ thống mà trong đó, các quyết định liên quan đến đầu tư, sản xuất và phân phối được dẫn dắt bởi các dấu hiệu về giá cả do cung và cầu thị trường quyết định. Một đặc điểm quan trọng của nền kinh tế thị trường là sự tồn tại của thị trường các yếu tố đóng vai trò chi phối trong việc phân bổ vốn và các yếu tố sản xuất. Theo định nghĩa về nền kinh tế thị trường trong bối cảnh hiện đại của Kimberly Amadeo (2018), nền kinh tế thị trường là một hệ thống mà trong đó, các quy luật cung và cầu định hướng việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Cung bao gồm tài nguyên thiên nhiên, vốn và lao động. Cầu bao gồm sức mua của người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ. Nhìn chung, kinh tế thị trường là hệ thống kinh tế mà trong đó, các chủ thể kinh tế tác động qua lại với nhau theo quy luật cung cầu, giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.

Các học giả ở Hoa Kỳ cho rằng, nền kinh tế Hoa Kỳ được định hướng bởi cơ chế thị trường tự do, dựa trên cơ sở sự tự do của cá nhân và tự do của doanh nghiệp. Một đặc điểm cơ bản của nền kinh tế thị trường ở Hoa Kỳ là cá nhân và doanh nghiệp có thể tự do lựa chọn hàng hóa và dịch vụ theo sở thích và thị hiếu của họ. Quyết định sản xuất cái gì, sản xuất cho ai với một số nguồn lực hạn chế được giải quyết bởi các lực lượng của thị trường, gọi là cung và cầu về hàng hóa và dịch vụ. Trong nền kinh tế thị trường của Hoa Kỳ, các cá nhân tự do đưa ra những quyết định có trách nhiệm và được cung cấp đầy đủ thông tin, nhà sản xuất có thể tự do tăng khối lượng sản xuất của một loại hàng hóa nào đó, người tiêu dùng có thể tự do mua bất kỳ sản phẩm nào từ nhiều lựa chọn và người lao động có thể tự do làm việc với bất kỳ chủ doanh nghiệp nào trong số nhiều doanh nghiệp phù hợp với họ.

Luật Thuế quan của Hoa Kỳ năm 1930 quy định, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có thể tiến hành điều tra xác định về “kinh tế phi thị trường” đối với bất cứ nước ngoài và bất cứ thời điểm nào. Đạo luật 19 U.S. Code 1677 của Hoa Kỳ xác định, một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường là quốc gia “không vận hành các nguyên tắc thị trường về cơ cấu chi phí và giá cả, do đó việc mua bán không phản ánh giá trị thật của hàng hóa”.

Theo Đạo luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ, các quốc gia sẽ mặc nhiên được coi là nền kinh tế thị trường, trừ khi Hoa Kỳ chính thức coi quốc gia đó là nền kinh tế phi thị trường. Đối với những quốc gia mà Hoa Kỳ xác định là nền kinh tế phi thị trường, theo quy định tại Phần 773 của Đạo luật Thuế quan năm 1930, trong điều tra chống bán phá giá, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ tính toán giá trị thông thường thông qua các thông số dữ liệu của nước thay thế có nền kinh tế thị trường. Để được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường, chính phủ của quốc gia bị coi là nền kinh tế phi thị trường phải gửi một yêu cầu chính thức để đề nghị rà soát quy chế kinh tế thị trường của quốc gia đó.

Việc xác định một quốc gia được coi là có nền kinh tế thị trường theo pháp luật Hoa Kỳ dựa trên các tiêu chí sau đây:

(1)            Khả năng chuyển đổi của đồng nội tệ sang các đồng tiền khác.

(2)            Mức độ tự do thỏa thuận tiền lương giữa người quản lý và người lao động ở quốc gia đó.

(3)            Mức độ mà các hoạt động liên doanh hoặc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài được cho phép trên lãnh thổ nước sở tại

(4)            Mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của Chính phủ đối với tư liệu sản xuất

(5)            Mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định về giá cả, sản lượng của các doanh nghiệp

(6)            Các yếu tố khác mà cơ quan tiến hành điều tra thấy cần thiết.

Đối với tiêu chí thứ nhất, về khả năng chuyển đổi của đồng nội tệ, các yếu tố được đưa ra đánh giá bao gồm: khả năng chuyển đổi của các tài khoản vãng lai và tài khoản vốn, tỷ giá hối đoái, các xu hướng chính sách ngoại hối.

 Đối với tiêu chí thứ hai, tiền công lao động phải được xác định trên cơ sở thị trường, tại đó người lao động và người sử dụng lao động được tự do thỏa thuận về các điều khoản và điều kiện thuê mướn lao động. Khi điều tra về tiêu chí này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ  xem xét cả các yếu tố quyền của công nhân được tham gia công đoàn, tính độc lập trong hoạt động của công đoàn, khả năng tự xây dựng chế độ tiền công của doanh nghiệp…

Đối với tiêu chí thứ ba, về mức độ tự do của hoạt động đầu tư nước ngoài, một số yếu tố có thể được xem xét như: sự cởi mở của môi trường đầu tư, sự không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, các quy định chuyển lợi nhuận về nước.

Đối với tiêu chí thứ tư, mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của Chính phủ đối với tư liệu sản xuất, đây là một tiêu chí rất quan trọng để Hoa Kỳ xác định nền kinh tế thị trường. Các yếu tố liên quan đến tiêu chí này bao gồm: mức độ cổ phần hóa doanh nghiệp, tỷ lệ các khu vực kinh tế trong nền kinh tế, vai trò và mức độ can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế.

Tiêu chí thứ tư là cũng liên quan đến sự tham gia của chính phủ trong nền kinh tế, đó là mức độ kiểm soát của Chính phủ đối với việc phân bổ các nguồn lực và quyết định giá cả, sản lượng của doanh nghiệp. Tiêu chí này gắn với các yếu tố: sự tự do hóa về giá cả, tình hình cải cách khu vực ngân hàng, sự tự do tham gia vào hoạt động kinh doanh của các cá nhân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng có thể điều tra một số vấn đề khác như: sự tuân thủ các quy định của Luật Chống độc quyền, Luật Chống bán phá giá…

2. Bài học đối với Việt Nam

Kể từ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007 cho đến năm 2018, Việt Nam đã được 69 quốc gia khác trên thế giới công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Như vậy, Việt Nam đã được coi là nền kinh tế có giá cả thị trường được quyết định bởi sự cạnh tranh tự do. Việc Việt Nam được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường cũng chứng tỏ Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nhanh chóng và có độ mở kinh tế ngày càng cao hơn.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không quy định cụ thể các tiêu chí để xác định nền kinh tế thị trường, tuy nhiên trong các hiệp định của WTO, có thể thấy nền kinh tế thị trường hiện đại được xác định dựa trên các nguyên tắc bao gồm: thương mại không phân biệt đối xử, thương mại tự do, đảm bảo tính minh bạch và dễ dự đoán trong chính sách thương mại, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển và cải cách kinh tế, khắc phục những thất bại của thị trường và một số vấn đề khác.

Ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là những quốc gia đầu tiên công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ, đồng thời kêu gọi các nước đối tác của ASEAN sớm có hành động tương tự. Tiếp đó, năm 2009, Australia và New Zeland đã tuyên bố công nhận Việt nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Việc Việt Nam được nhiều đối tác thương mại công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường đã và đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư và thương mại cho các doanh nghiệp Việt trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, với Hoa Kỳ, là một đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc khiến Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Đối với chính phủ Việt Nam, việc được Hoa Kỳ công nhận là “nền kinh tế thị trường”có ý nghĩa quan trọng trong quá trình bình thường hóa quan hệ song phương.

Trong hơn 20 năm, Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Với chính sách đổi mới, chính phủ Việt Nam đã khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiêp tư nhân và phân bổ thị trường cạnh tranh của hầu hết các hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, mặc dù giá cả đã được phi điều tiết hóa, song theo phía Hoa Kỳ, chính phủ Việt Nam vẫn duy trì một số cơ chế chính thức và không chính thức để chỉ đạo và quản lý nền kinh tế.  Theo các điều kiện của thỏa thuận gia nhập WTO với Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn là nền kinh tế phi thị trường trong hơn 12 năm kể từ sau khi gia nhập WTO, nghĩa là cho đến năm 2019, cho đến khi Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí về “nền kinh tế thị trường” của Hoa Kỳ.

Để được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường, theo pháp luật Hoa Kỳ, Việt Nam phải thỏa mãn các điều kiện bao gồm: đồng tiền của Việt Nam phải được chuyển đổi tự do, sự tự do thỏa thuận về tiền công của người lao động và người sử dụng lao động, Nhà nước không can thiệp vào các quyết định của doanh nghiệp và sự tự do cạnh tranh.

Hoa Kỳ yêu cầu nền kinh tế thị trường phải là một nền kinh tế cạnh tranh công bằng, không ưu đãi đối với bất kỳ thành phần kinh tế nào. Theo số liệu của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA), năm 2013, khu vực tư nhân ở Hoa Kỳ đóng góp  87% vào GDP ở nước này, trong khi khu vực Nhà nước chỉ đóng góp 13% GDP. Như vậy, có thể thấy, khu vực tư nhân đóng vai trò  chủ yếu và đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ. Trong khi đó, ở Việt Nam, mặc dù cho đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã được thừa nhận vai trò quan trọng trong nền kinh tế và là một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước, tuy nhiên, theo số liệu của Cục Phát triển doanh nghiệp ViệtNam năm 2017, các doanh nghiệp tư nhân mới chỉ đóng góp 43,2% GDP và 39% vốn đầu tư của toàn xã hội.

Theo Nghị quyết trung ương 5 khóa VII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, “kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Tuy nhiên, khu vực kinh tế nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo. Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định, khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò “định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội”. Đảng ta cũng khẳng định, thành phần kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo song không lãnh đạo các thành phần kinh tế khác.

Nếu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, điều này sẽ giúp Việt Nam tránh được những bất lợi khi phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Trong nhiều vụ việc, hàng hóa xuất khẩu củaViệt Nam bị đánh thuế chống bán phá giá rất cao từ các cơ quan điều tra của các nước sử dụng chi phí, số liệu của nước thay thế, đặc biệt là trong các vụ điều tra về chống bán phá giá của chính phủ Hoa Kỳ. Đồng thời, các quy định về nền kinh tế phi thị trường cũng làm gia tăng nguy cơ đánh trùng thuế đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Chẳng hạn, tháng 3 năm 2018, Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định cuối cùng về xem xét hành chính lần thứ 13 thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn từ 1/8/2015 đến 31/7/2016, trong đó mức thuế quyết định của Hoa Kỳ cao gấp 1,6 lần so với mức thuế mà Hoa Kỳđưa ra trong quyết định sơ bộ vào tháng 9/2017 và cao gấp 4,9 lần so với mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12. Từ ngày 14-25/5/2018, Cơ quan Thanh tra An toàn thực phẩm Hoa Kỳ đã bắt đầu tiến hành thanh tra thực tế chương trình kiểm soát cá da trơn của Việt Nam[1]. Trong 9 tháng đầu năm 207, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ đã giảm tới 9,9% so với 9 tháng đầu năm 2016[2] và tiếp tục giảm vào những tháng cuối năm. Với việc Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá ở mức cao đối với mặt hàng này, việc xuất khẩu cá da trơn của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Việt Nam đang tăng cường những nỗ lực để được Hoa Kỳ và EU, hai đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, công nhận là nền kinh tế thị trường. Theo EU, Việt Nam vẫn chưa đạt được các tiêu chí như: không có sự can thiệp của nhà nước làm biến dạng các hoạt động kinh tế, cạnh tranh công bằng, tôn trọng bản quyền sở hữu trí tuệ([3]). Phía Hoa Kỳ cho rằng, mặc dù chính phủ Việt Nam không điều tiết giá cả hàng hóa, song vẫn duy trì một số biện pháp quản lý chính thức và không chính thức đối với nền kinh tế.

Để đáp ứng các tiêu chí của Hoa Kỳ, Việt Nam có thể phải chịu nhượng bộ ở một số lĩnh vực, điều này giúp Việt Nam tránh được những tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và những tổn hại do các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp của phía Hoa Kỳ. Trong bối cảnh Hoa Kỳ đang gây sức ép về vấn đề thâm hụt thương mại hàng hóa với Việt Nam và những cuộc đàm phán để đạt được một Hiệp định đầu tư song phương giữa hai nước tiếp tục bị trì hoãn thì việc đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường dường như rất khó khăn.

 

Viện Châu Mỹ-Viện Hàn lâm KHXHVN

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt

1. Trần Kim Chung, Tô Ngọc Phan (2018), “Vai trò động lực của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế Việt Nam”, Tạp chí Tài chính.

2. Lưu Xuân Công, Vũ Tiến Dũng (2018), “Vai trò chủ đạo của nền kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, Tạp chí Tổ chức Nhà nước 17/01/2018.

3. Nghị quyết Hội nghị trung ương 5 (khóa XII) về về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

4. Trung tâm WTO, VCCI (2008), “Quy định của WTO về kinh tế thị trường”.

http://chongbanphagia.vn/quy-dinh-cua-wto-ve-kinh-te-thi-truong-n859.html

5. VnEconomy (2018), “Hoa Kỳ sắp thanh tra chương trình kiểm soát cá da trơn Việt Nam”.

6. VOV (2018), “Mỹ áp mức thuế khủng làm khó cá tra Việt Nam”.

https://vov.vn/kinh-te/my-ap-muc-thue-khung-lam-kho-ca-tra-viet-nam-740694.vov

http://vneconomy.vn/hoa-ky-sap-thanh-tra-chuong-trinh-kiem-soat-ca-da-tron-viet-nam-20180507212101131.htm

7. VOV (2017), “Xuất khẩu cá tra sang Mỹ và EU đang lao dốc”.

https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-ca-tra-sang-my-va-eu-dang-lao-doc-689681.vov

 8. “Việt Nam thiếu 4 yếu tố để được công nhận nền kinh tế thị trường”.

https://baomoi.com/viet-nam-thieu-4-yeu-to-de-duoc-cong-nhan-nen-kinh-te-thi-truong/c/18174616.epi

 

Tài liệu tiếng Anh

9. Congressional Research Service (2017), “U.S. – Vietnam Economic and Trade Relations: Issues in 2018”.

10. Economy Watch (2010), “U.S. Market Economy”.

http://www.economywatch.com/market-economy/us-market-economy.html

11. Eduardo Martinez Abascal (2014), “Who contributes to the growth of the U.S. economy?,

https://blog.iese.edu/economics/2014/12/11/who-contributes-to-the-growth-of-the-us-economy/

12. Gregory and Stuart, Paul and Robert (2004). Comparing Economic Systems in the Twenty-First Century, Seventh Edition, p. 538. ISBN 0-618-26181-8.

13. Kimberly Amadeo (2018), “Market Economy, Its Characteristics, Pros, and Cons, with Examples”.

https://www.thebalance.com/market-economy-characteristics-examples-pros-cons-3305586

14. Harish Mehta (2018), “What ails U.S. – Vietnam trade relationship”.

https://www.businesstimes.com.sg/opinion/what-ails-us-vietnam-trade-relationship

15. Title 19 – Custom Duties, Tariff Act 1930.

https://www.gpo.gov/fdsys/pkg/USCODE-2010-title19/pdf/USCODE-2010-title19-chap4.pdf

16. Title 19 CFR §351.408.

17. U.S.Legal , “Nonmarket Economy Country Law and Legal Definition”.

https://definitions.uslegal.com/n/nonmarket-economy-country/

18. VMF Vietnam Manufacturring Federation (2018), “Economy Status a Boost for Growth”.

http://vmfederation.com/news-events/item/79-economy-status-a-boost-for-growth.html

19. VGP News (2007), “ASEAN  recognizes Vietnam as a full market economy”.

http://news.chinhphu.vn/Home/ASEAN-recognizes-Vietnam-as-a-full-market-economy/20075/2884.vgp

20. VOV (2009), “Australia, NZ recognize Vietnam’s market economy”.

https://english.vov.vn/economy/australia-nz-recognise-vietnams-market-economy-status-102202.vov

 

 



[1] VnEconomy (2018), “Hoa Kỳ sắp thanh tra chương trình kiểm soát cá da trơn Việt Nam”.

http://vneconomy.vn/hoa-ky-sap-thanh-tra-chuong-trinh-kiem-soat-ca-da-tron-viet-nam-20180507212101131.htm

[2] VOV (2017), “Xuất khẩu cá tra sang Mỹ và EU đang lao dốc”.

https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-ca-tra-sang-my-va-eu-dang-lao-doc-689681.vov

[3] “Việt Nam thiếu 4 yếu tố để được công nhận nền kinh tế thị trường”.

https://baomoi.com/viet-nam-thieu-4-yeu-to-de-duoc-cong-nhan-nen-kinh-te-thi-truong/c/18174616.epi

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết