Thứ Hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024

Cá nhà táng có khả năng giao tiếp tương tự con người

Ngày phát hành: 08/05/2024 Lượt xem 335


Trong một nghiên cứu mang tính đột phá được đăng tải ngày 7/5, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng hệ thống giao tiếp được sử dụng bởi cá nhà táng thể hiện một mức độ phức tạp cao, trong đó có "bảng chữ cái ngữ âm". Phát hiện này cho thấy những âm thanh giao tiếp của loài cá voi này tinh vi hơn nhiều những gì con người từng biết.


Cá nhà táng, loài cá voi có răng lớn nhất, giao tiếp thông qua "coda", một chuỗi âm thanh lách cách tương tự mã Morse. Thông qua phân tích bản ghi âm các coda trong nhiều năm từ khoảng 60 con cá nhà táng ở phía Đông vùng Caribe, các nhà khoa học đã phát hiện ra một cấu trúc phức tạp chi phối những âm thanh giao tiếp này.


"Tiếng gọi của cá nhà táng có khả năng biểu đạt lớn hơn nhiều so với những gì ta từng biết", Pratyusha Sharma, tiến sĩ tại MIT và là tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên Nature Communications cho biết. "Chúng tôi phát hiện ra rằng các coda thể hiện một mô hình phức tạp, có cấu trúc sở hữu những điểm tương đồng cách xây dựng ngôn ngữ của con người".


Các nhà nghiên cứu thuộc Sáng kiến dịch tiếng cá voi đã sử dụng AI và các phương pháp thống kê để kiểm tra các bản ghi âm từ Dự án Cá nhà táng Dominica. Họ phát hiện ra rằng cá nhà táng kết hợp các đơn vị nhỏ hơn, tương tự như các chữ trong bảng chữ cái, để tạo ra các loại coda khác nhau. Những coda này có thể được kết hợp và sắp xếp theo trình tự, tương tự như từ và câu.


"Chúng tôi xác định được hai cấp độ kết hợp, tương tự như việc kết hợp các âm thanh thành từ, sau đó là các từ thành câu", Sharma giải thích. "Cấp độ thấp hơn có những điểm tương đồng với các chữ trong bảng chữ cái."


Cá nhà táng có thể thay đổi độ dài của coda hoặc thêm các tiếng lách cách ở "cuối câu", tương tự như phụ tố trong ngôn ngữ của con người. Điều này cho thấy cá nhà táng có thể truyền đạt những ý nghĩa cụ thể thông qua sự phức tạp của âm thanh giao tiếp.


Mặc dù nội dung chính xác vẫn chưa được giải mã, các nhà nghiên cứu suy đoán rằng các coda có thể giúp điều phối các nhóm gia đình, chia sẻ thông tin về việc kiếm ăn hoặc phòng thủ tập thể. Những phát hiện mới cho thấy khả năng nhận thức tiên tiến của cá nhà táng, động vật biển có vú có tính xã hội cao và sở hữu bộ não lớn nhất Trái Đất.


Đồng tác giả nghiên cứu Shane Gero cho hay: "Có thể chúng ta sẽ tìm thấy nhiều mô thức và cấu trúc trong giao tiếp của các loại động vật như cá voi, vốn được cho là chỉ loài người mới sở hữu. Trong đó có thể bao gồm các đặc trưng mới lạ mà con người không sở hữu".


Nếu các nhà khoa học có thể giải mã ý nghĩa của những gì cá nhà táng đang "nói", thì câu hỏi đặt ra là liệu con người có nên cố gắng giao tiếp với chúng không ? "Tôi nghĩ còn rất nhiều nghiên cứu cần phải làm trước khi chúng ta biết liệu việc cố gắng giao tiếp với chúng có phải là một ý tưởng hay, hay thậm chí có thực sự khả thi hay không", đồng tác giả nghiên cứu Jacob Andreas nhận định.


Mặc dù giới khoa học chưa thể hiểu hết bối cảnh và ý nghĩa thực sự của những cuộc trò chuyện của cá nhà táng, "bảng chữ cái ngữ âm" của loài cá voi này cho thấy sự phức tạp và trí thông minh trong các hệ thống giao tiếp của động vật giống như chính đại dương nơi cá voi sinh sống: sâu thẳm, rộng lớn và vẫn đang chờ đợi sự hiểu biết sâu sắc hơn từ con người./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết