Thứ Bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024

Công tác tư tưởng trước yêu cầu ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay

Ngày phát hành: 28/11/2018 Lượt xem 6801

 

Công tác tư tưởng có vị trí đặc biệt quan trong, góp phần tạo nên sự thống nhất cao trong Đảng và toàn thể nhân dân thực hiện mục tiêu, lý tưởng của cách mạng.

Qua hơn 30 năm đổi mới, công tác tư tưởng được coi trọng và tăng cường hơn, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Coi trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; chống chủ nghĩa cá nhân chỉ đạo, tổ chức triển khai đạt kết quả bước đầu trong thực hiện "Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (khóa X) và "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (khóa XI) gắn với nhiệm vụ xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05/CT-TW ngày 15-2-2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên công tác tư tưởng còn thiếu sắc bén, sức thuyết phục chưa cao, tính chiến đấu còn hạn chế; công tác giáo dục chính trị tư tưởng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp là rất nghiêm trọng. Mặc dù việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là các bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI xác định là một trong ba vấn đề đang thực sự cấp bách, cần làm ngay để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Song, cho đến nay, như Nghị quyết Trung ương bốn khóa XII đánh giá là: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trogn bộ máy nhà nước... Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".... Những hàn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đói với Đảng, là một nguy cư trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ"[2].

Trước yêu cầu mới của cuộc đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong Đảng, cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện 10 nhiệm vụ về xây dựng Đảng do Đại hội XII đề ra; kiên quyết, kiên trì thực hiện các giải pháp đồng bộ mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã nêu ra và thực hiện có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, bài viết, chỉ đề cập sâu đến các giải pháp thuộc về công tác tư tưởng. Theo đó, để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công tác tư tưởng cần tập trung làm tốt những nội dung sau đây:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận về đạo đức và tổng kết thực tiễn việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, của cán bộ, đảng viên của Đảng. Hiện nay lý luận đạo đức của chúng ta còn lạc hậu, chưa theo kịp với sự phát triển của thực tiễn mới, của phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Do đó, nhiều quan niệm đạo đức đã trở thành lạc hậu, nhiều chuẩn mực đạo đức đã mất đi chân giá trị và không còn phù hợp trong điều kiện mới. Trong khi những quan niệm đạo đức mới, những chuẩn giá trị đạo đức mới đang hình thành và từng bước được định hình. Sự lạc hậu của lý luận đạo đức và sự yếu kém trong công tác nghiên cứu phát triển lý luận đạo đức, vô hình trung đã làm cho tình trạng trên kéo dài một cách tự phát: cái cũ, lạc hậu vẫn bền bỉ tồn tại một cách dai dẳng; cái mới chưa thể hiện được một cách rõ nét, chưa có chỗ đứng vững chắc trong cuộc sống. Bên cạnh đó, đạo đức, lối sống phương Tây đang có điều kiện thuận lợi cho việc xâm nhập và tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội ta, nhất là đối với lớp trẻ.

Nghiên cứu phát triển lý luận đạo đức cách mạng phải bắt đầu từ thực tiễn, tổng kết thực tiễn là cách tốt nhất để bổ sung, phát triển lý luận đạo đức cách mạng. Do đó, cần thường xuyên sơ kết, tổng kết việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống; tổng kết và truyền bá rộng rãi những giá trị mới của con người Việt Nam trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Thực tiễn mới cần phải có tư duy lý luận mới. Tuy nhiên, trên thực tế lý luận và thực tiễn còn khoảng cách quá lớn, nói và làm, học và hành về đạo đức còn có nhiều sự khác biệt. Những khuôn mẫu đạo đức giáo điều, cũ mòn, ít có giá trị thiết thực lại được nghiên cứu, rao giảng quá nhiều dẫn đến nhàm chán, phản tác dụng. Trong khi đó con người và xã hội đang rất cần những giá đỡ của đạo đức mới trên những bước đi còn chập chững trong lộ trình phát triển kinh tế trị trường và hội nhập quốc tế của dân tộc, thì lại đang thiếu hụt. Sự thiếu hụt những giá đỡ của đạo đức đã làm cho chúng ta lúng túng trong xử lý các quan hệ đạo đức mới, trong tổ chức các thiết chế đạo đức mới. Đôi khi muốn thoát ra khỏi lối mòn đó thì lại gặp phải những rào cản ngay trong tư duy, nếp nghĩ đã hằn sâu trong quan niệm, tư tưởng của chính chúng ta. Đảng kêu gọi mọi người rèn luyện đạo đức, nâng cao đạo đức, lối sống và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong Đảng, nhưng công tác lý luận của Đảng vẫn chưa lý giải một cách thuyết phục đối với toàn xã hội nhằm trả lời câu hỏi đạo đức ngày nay là gì? Hành vi đạo đức đúng đắn của cán bộ, đảng viên là những hành vi nào? Chống suy thoái đạo đức, lối sống là chống những gì? v.v.. Đó không chỉ là những vấn đề của đạo đức mà chính là vấn đề tư tưởng trong cán bộ, đảng viên của Đảng cần phải được giải đáp, tháo gỡ.

Nhiệm vụ của công tác tư tưởng là phải nắm bắt và giải quyết những vấn đề tư tưởng đó một cách thấu đáo. Đồng thời, công tác tư tưởng trong tình hình hiện nay phải phân tích, đánh giá, dự báo được tình hình trong nước, quốc tế có tác động để định hướng tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thứ hai, đổi mới công tác tuyên truyền, cổ động về đạo đức, lối sống.

Trong công tác xây dựng Đảng nói chung, xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng, công tác tuyên truyền, cổ động cần chú trọng làm tốt hơn việc nêu gương những người tốt, việc tốt; tuyên truyền, phổ biến những tấm gương tiêu biểu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì, người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo đúng tinh thần Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Kịp thời biểu dương và nhân rộng ra toàn xã hội những nhân tố, mô hình mới, cách làm hay, các gương tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến thực sự tiêu biểu, mang tính thuyết phục cao được đa số các tầng lớp nhân dân thừa nhận để tạo sức lan tỏa kịp thời. Qua đó lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống; chấn chỉnh, phê bình những cá nhân, tập thể yếu kém.

Phát huy vai trò của các công cụ, phương tiện tuyên truyền, phổ biến tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, đảng viên, các quy định, quan điểm, chủ trương và biện pháp của Đảng về ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng về phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống trong bản thân mỗi người và ở cả mọi người.

Trong tuyên truyền cần động viên, nêu gương nêu gương tốt, điển hình tiên tiến nhằm cổ vũ hành động của nhân dân, biến nhận thức tư tưởng thành niềm tin, hành động cách mạng cụ thể, thành phong trào quần chúng rộng rãi. Cần tuyên truyền mạnh mẽ phong trào "Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" gắn liền với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đòi hỏi phải tạo ra một hiệu ứng hành động tích cực, sôi nổi, rộng khắp và thiết thực của các tổ chức, ở mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội.

Thứ ba, phải thực sự coi trọng và tiến hành có hiệu quả các biện pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên.

Giáo dục đạo đức, lối sống không những là tiền đề của nâng cao trình độ lý luận mà còn là một biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Việc coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên là đòi hỏi không chỉ của công tác lý luận mà còn là đòi hỏi của nhiệm vụ xây dựng Đảng.

Để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay đòi hỏi phải phát huy được sức mạnh tổng hợp, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhưng trước hết phải thực sự coi trọng và đổi mới việc giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, tạo niềm tin trong Đảng và nhân dân. Những tài liệu phục vụ công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên cần phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bổ sung và hoàn thiện thang giá trị đạo đức các phẩm chất đạo đức cơ bản của cán bộ, đảng viên theo các tiêu chí về phẩm chất đạo đức, lối sống: cần, kiêm, liêm, chính, chí công vô tư; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; ham học hỏi, cầu tiến bộ, biết trọng dụng hiền tài; nói đi đôi với làm, gương mẫu trong công việc; có tinh thần tự phê bình và phê bình, dũng cảm đấu tranh chống lại cái sai, bảo vệ cái đúng.

Phương châm giáo dục cơ bản của chúng ta là: biến giáo dục thành tự giáo dục. Hoạt động tự giáo dục, tự rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên luôn mang tính chủ thể cao. Hiệu quả của nó phụ thuộc và nhiều yếu tố, song cần phải thường xuyên động viên, khích lệ được nhu cầu tự hoàn thiện ở mỗi người và thường xuyên bồi dưỡng năng lực tự giáo dục, tự rèn luyện ở họ. Vì vậy, để nâng cao chất lượng và hiệu quả  tự giáo dục, tự rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay, cần tạo ra các điều kiện và môi trường thuận lợi để họ phát huy tính chủ động, tự giác của cán bộ, đảng viên trong việc tự tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức, lối sống, tạo dựng môi trường tinh thần tích cực đấu tranh với cái xấu, bảo vệ cái tốt.

Đồng thời phải đưa vào nền nếp việc bồi dưỡng đạo đức, lối sống, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp trung ương. Tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.

Thứ tư, đặc biệt coi trọng công tác văn hoá, văn nghệ trong tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên.

Trong các phương tiện, biện pháp tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống thì văn hóa, văn nghệ vừa là công cụ tinh tế, hữu hiệu, vừa là vũ khí sắc bén nhất. Công tác văn hoá, văn nghệ mặt góp phần thoả mãn nhu cầu tinh thần của cán bộ, đảng viên, qua đó giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng đời sống văn hóa cho họ, góp phần xây dựng văn hoá trong Đảng và xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó văn hóa đạo đức, văn hóa ứng xử và văn hóa chính trị là những mục tiêu trực tiếp cần hướng đến trong công tác văn hóa, văn nghệ.

Văn hóa, văn nghệ phải biết trân trọng, biểu dương bằng nghệ thuật những tấm gương hi sinh vì xã hội, vì người khác, phê phán cái xấu, cái ác trong mỗi con người và cuộc sống xã hội. Đó là mục tiêu chân chính của cái chân, cái thiện, cái mỹ - những thuộc tính bản chất nhân văn của văn hóa, văn nghệ. Muốn làm được như thế, công tác tư tưởng cần động viên, khuyến khích người sáng tác, nhất là người sáng tác văn học, nghệ thuật, lựa chọn đề tài, đối tượng phản ánh… nhằm hướng tới đề cao, tôn vinh những giá trị nhân văn, nhân ái cao đẹp như: lòng vị tha, biết sống vì người khác, coi hạnh phúc của người khác là hạnh phúc của mình.

Các ngành, các địa phương cần tạo điều kiện quảng bá các sáng tác văn học, nghệ thuật về đạo đức Hồ Chí Minh và những tấm gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ năm, kiên quyết, kiên trì đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Sự suy thoái về đạo đức, lối sống làm cho cán bộ, đảng viên mất đi khả năng tự miễn dịch trước những độc tố mà kẻ thù tiêm nhiễm vào lĩnh vực tư tưởng, chính trị và tổ chức. Cán bộ, đảng viên là tế bào của tổ chức đảng; là "rường cột" của thể chế chính trị, của chế độ xã hội chủ nghĩa, nếu không kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống của đội ngũ này, tất yếu sẽ dẫn đến sự tha hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, khi đó sẽ xuất hiện nhân tố "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng và trong lòng chế độ xã hội chủ nghĩa từ những "tế bào gốc" của Đảng.

Do vậy, đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên cần nâng cao khả năng tự đề kháng, đủ sức chống lại "tự suy thoái", "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; không rơi vào bẫy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện "tự suy thoái", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng.

Đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất hiện nay. Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này hiện nay, các giải pháp về tư tưởng là hết sức quan trọng và cần thiết, nhưng chưa đủ. Do đó, để không rơi vào tình trạng "chỉ làm cách mạng trong tư tưởng", cần kết hợp đồng bộ giải pháp về giáo dục chính trị, tư tưởng với các giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương của cấp trên; với tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; với cơ chế, chính sách./.

 

PGS, TS Phan Trọng Hào[1]

 



[1] Hội đồng Lý luận Trung ương

 

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ tư Ban Chấp hành trung ương khóa XII, Văn phòng Trungn ương Đảng, Hà nội, 2016, tr. 22 - 23.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết