Thứ Năm, ngày 18 tháng 04 năm 2024

Dịch vụ công thứ 1.000 và dấu mốc mới cho một Chính phủ chuyên nghiệp, hiện đại

Ngày phát hành: 19/08/2020 Lượt xem 777

Sự kiện Văn phòng Chính phủ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia với sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ, đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế vào sáng 19/8 đã ghi một dấu mốc mới trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới một Chính phủ số, hình thành nền kinh tế số, xã hội số.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

 

Tại Lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

“Cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ rằng năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một Việt Nam số, trong đó Văn phòng Chính phủ là một trong những cơ quan đi đầu trong ứng dụng cổng thông tin điện tử quốc gia cũng như Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Khởi động tiến trình hướng tới một Việt Nam số

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Sau hơn 8 tháng khẩn trương triển khai xây dựng, với sự chung sức, đồng lòng phối hợp chặt chẽ của Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia trong nước và quốc tế, nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, đến thời điểm này, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành giai đoạn thứ nhất. Việc đánh giá bảo đảm an ninh, an toàn thông tin với các giải pháp bảo vệ, ứng phó đã sẵn sàng đưa vào khai thác, ứng dụng, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ công tác quản lý và điều hành của Chính phủ do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng, vận hành và phát triển. Hệ thống thông tin, báo cáo quốc gia được hình thành từ Hệ thống thông tin, báo cáo của Chính phủ kết nối với Hệ thống thông tin, báo cáo của bộ, ngành, địa phương phục vụ thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước, tổng hợp, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước và các cấp, hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định trên cơ sở thông tin, dữ liệu số được hiển thị trực quan; cho phép theo dõi, giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội giao, các chỉ tiêu Chính phủ giao bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, cơ quan hành chính nhà nước các cấp được khai thác cơ sở dữ liệu về thông tin báo cáo trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia theo phân cấp quản lý.

Đến nay, Hệ thống thông tin báo cáo của 30 bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn đã kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; đồng thời, đã có 101/200 chỉ tiêu báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được các bộ, cơ quan kết nối, cung cấp dữ liệu trên Hệ thống. Bước đầu, Hệ thống xây dựng 7 chuyên mục thông tin; 25 kết nối trực tuyến theo thời gian thực với nhiều thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc thành lập Trung tâm Thông tin chỉ đạo, điều hành với trang thiết bị, công nghệ tiên tiến được kết nối, tích hợp viễn thông và chia sẻ hệ thống thông tin, báo cáo quốc gia, trung tâm điều hành, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương được đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Dữ liệu phục vụ Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ làm việc với các bộ, ngành, địa phương trực tiếp chỉ đạo, điều hành thông tin qua dữ liệu số, hình ảnh trực quan, trực tuyến và tương tác thực hiện. Hệ thống dữ liệu thông tin được thu thập, chuẩn hóa, đã qua tổng hợp, xử lý từ Hệ thống thông tin, báo cáo và Trung tâm điều hành các bộ, ngành, địa phương sẽ được lựa chọn tích hợp, kết nối với hiển thị trực quan tại Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“Đây là nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu được cung cấp thường xuyên, liên tục, minh bạch, chính xác, bảo mật, làm căn cứ tin cậy để Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thông qua những “con số biết nói”, cho phép truy xuất được nguồn gốc, kiểm tra chéo lẫn nhau, cũng tạo một kênh đo lường giúp lãnh đạo bộ, ngành, địa phương kiểm soát hiệu quả hoạt động của các cơ quan mình, giúp lãnh đạo Chính phủ đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ của các cơ quan trong hệ thống”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành dựa trên thông tin, dữ liệu số là xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành sẽ góp phần làm thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành từ phương thức thủ công, giấy tờ, chuyển sang dựa trên thông tin, dữ liệu số, bảo đảm cập nhật, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu kịp thời, chính xác, tạo thành nguồn thông tin, dữ liệu thống nhất, an toàn, bảo mật và hiệu quả; thực hiện dễ dàng, nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian, tăng sự kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. Con số đáng chú ý được Văn phòng Chính phủ đưa ra là chi phí tiết kiệm khi vận hành Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ (chưa tính các chế độ báo cáo triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương và chỉ phục vụ mục tiêu chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành, địa phương) lên tới 460 tỷ đồng/năm.

Ba dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm chi phí xã hội 2.000 tỷ đồng/năm

Bên cạnh việc quan tâm thực hiện chuyển đổi số, trong công tác chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến việc giải quyết mối quan hệ với người dân, doanh nghiệp. Trong đó, Cổng Dịch vụ công quốc gia là một kênh giao tiếp điện tử giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, là điểm để người dân, doanh nghiệp tương tác với Chính phủ trên môi trường điện tử. Tính đến ngày 18/8, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có 227.000 tài khoản đăng ký, trên 58 triệu lượt người truy cập một lần, có 14,3 triệu hồ sơ đồng bộ trên Cổng và đã có hơn 281.000 hồ sơ được thực hiện trực tuyến.

Tính trung bình một ngày làm việc, Cổng Dịch vụ công quốc gia tiếp nhận trên 4.000 hồ sơ trực tuyến, xử lý hơn 23.000 cuộc gọi đến tổng đài và hơn 7.600 kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Hệ thống thanh toán trực tuyến mới đưa vào vận hành từ tháng 3/2020 nhưng đã xử lý gần 7.000 giao dịch, trong đó số lượng giao dịch từ tháng 7/2020 trở lại đây là hơn 4.000 giao dịch.

Đáng lưu ý, sau hơn 8 tháng vận hành, từ chỗ mới cung cấp 8 dịch vụ công vào thời điểm khai trương (9/12/2019), đến nay, đã đánh dấu mốc 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Dịch vụ công thứ 1.000 là kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 (thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) giúp người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể ngồi tại nhà để khai, nộp lệ phí trước bạ; đồng thời chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm biển số và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe. 
Theo số liệu tổng hợp của Cảnh sát Giao thông, khi triển khai toàn quốc, dịch vụ này sẽ phục vụ khoảng hơn 4 triệu trường hợp đăng ký xe trong một năm. Với việc áp dụng thí điểm tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính chi phí tiết kiệm được của xã hội tối thiểu hơn 327 tỷ đồng/năm.

Còn các dịch vụ công về liên thông, dịch vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ phục vụ hơn 780.000 đơn vị sử dụng lao động để đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 14,4 triệu lao động, 12,7 triệu bảo hiểm thất nghiệp của người lao động hàng tháng. Nếu thực hiện trực tuyến, hai dịch vụ này sẽ tiết kiệm chi phí xã hội 1.673 tỷ đồng/năm.

Những trải nghiệm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi kết nối chỉ đạo trực tuyến với Trung tâm Điều hành các tỉnh Bình Phước, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh, Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn, hay việc người dân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến vừa công bố tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia ngay trong thời điểm khai trương đã cho thấy những tiện ích có thể đong, đếm được từ phát triển Chính phủ điện tử.

 
Theo TTXVN

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết