Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới

Ngày phát hành: 17/02/2021 Lượt xem 2654

 

Năm 2021, Chính phủ xác định phương châm hành động là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, trong đó, "đổi mới, sáng tạo”, “khát vọng phát triển” là những điểm nhấn khác biệt so với phương châm hành động của Chính phủ các năm trước và là tinh thần xuyên suốt Nghị quyết 01, 02 - kim chỉ nam cho hành động của Chính phủ trong năm mở đầu giai đoạn phát triển mới của đất nước.

          * Đổi mới sáng tạo là nền tảng của phát triển quốc gia hiện đại
          Từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX, mô hình đổi mới sáng tạo thay thế cho mô hình khoa học-công nghệ đã giúp tri thức hoá thị trường và thị trường hoá tri thức. Đổi mới sáng tạo khắc phục được các hạn chế của mô hình cũ và tạo ra môi trường, công cụ, cơ chế mới cho phát triển xã hội trên toàn thế giới.
        Hiện nay, các nền kinh tế lớn đang dựa vào các tài sản vô hình như trí tuệ hay công nghệ. Một số ngành như công nghệ tài chính, chế tạo và kết cấu hạ tầng đang tận dụng các thành quả của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn nhằm thay đổi mô thức kinh doanh. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh triển khai các sáng kiến về đổi mới sáng tạo là cách nhanh nhất để bắt nhịp với cuộc cách mạng này.
          Trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng ta đã nhận thức ngày càng rõ hơn vai trò của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển toàn diện đất nước. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội, trong đó khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc.
          Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị “về một số chủ trương, chính sách, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” đã đề ra chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, coi đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế.
          Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta là chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hợp tác quốc tế sâu rộng.
          Ngay ngày đầu tiên của năm mới 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết 02 về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
          Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, trong đó,  “đổi mới, sáng tạo”, “khát vọng phát triển” là những điểm nhấn khác biệt so với phương châm hành động của Chính phủ các năm trước và là tinh thần xuyên suốt Nghị quyết 01, 02 - kim chỉ nam cho hành động của Chính phủ trong năm mở đầu giai đoạn phát triển mới của đất nước.
          Đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chuyển đổi số… là những “từ khóa” rất quan trọng trong văn kiện Đại hội XIII. Trên cơ sở bám sát thực tiễn, xu hướng phát triển của đất nước và thế giới, Báo cáo chính trị đề ra và các báo cáo chuyên đề đã cụ thể hoá 12 định hướng chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ 2021-2030. Các định hướng lớn bao quát những vấn đề phát triển quan trọng của đất nước trong giai đoạn 10 năm tới, trong đó có nhiều vấn đề mới, nổi bật. Theo đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một trọng tâm.
          Để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến việc tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại. Những cụm từ như "đổi mới sáng tạo", "chuyển đổi số", "kinh tế số", "xã hội số"… đã xuất hiện ngày một nhiều trên các diễn đàn trong nước, quốc tế và trong thực tế, đã và đang tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của Việt Nam.
          Năm 2020 được Chính phủ xác định và đã diễn ra như năm chuyển đổi số của Việt Nam, với một tốc độ nhanh chưa từng thấy theo quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và dưới tác động của đại dịch COVID.
          Trong khó khăn do dịch bệnh COVID-19, chúng ta đã nhìn thấy cơ hội mang lại từ làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là rất lớn. Vì vậy, nếu như tại các văn kiện Đại hội XI, XII, khái niệm kinh tế số chưa được nhắc đến, thì trong văn kiện trình Đại hội XIII, đổi mới sáng tạo đi cùng với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đây được coi là chìa khóa để tận dụng được các cơ hội trong những năm tới.

          * Năm 2020 gần 40 nền tảng công nghệ số quốc gia ra đời
          Thực tế phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây đã từng bước tiếp cận theo định hướng dựa trên đổi mới sáng tạo. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII) liên tục được cải thiện trong vài năm qua. GII là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Trường Kinh doanh INSEAD và Trường Đại học Cornell (Mỹ) xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007 và liên tục hoàn thiện. Bộ chỉ số này mang tính toàn diện, phản ánh được tất cả các khía cạnh của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, bao gồm cả các yếu tố về thể chế, cơ sở hạ tầng, thị trường…
          Theo chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2019, Việt Nam xếp hạng thứ 42 trong tổng số 129 quốc gia được quan sát (năm 2018 Việt Nam được xếp thứ 45/126). Kết quả xếp hạng năm 2019 đưa Việt Nam đứng thứ ba trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia), vươn lên đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. So với năm 2018, hai chỉ số liên quan là khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo tăng mạnh, trong đó tổng chi cho nghiên cứu và phát triển tăng 5 bậc (đầu vào); sản phẩm dựa trên tri thức và công nghệ tăng 8 bậc (đầu ra). Các chỉ số về trình độ phát triển của thị trường tăng 3 bậc; tín dụng tăng 4 bậc; năng suất lao động tăng 3 bậc. Đây là thành tựu tiến bộ, phản ánh tác động tích cực của thể chế tới các chủ thể trong nền kinh tế.
          Năm 2020 tiếp tục được ghi nhận là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đứng đầu trong nhóm các quốc gia có cùng mức thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 ở Đông Nam Á. Việt Nam tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển trong việ thiết lập đổi mới sáng tạo như là một ưu tiên quốc gia. Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2020 hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những cải thiện rõ rệt về Trình độ phát triển của thị trường và Cơ sở hạ tầng chung. Chỉ số năng lực hấp thụ tri thức tăng cao nhờ dẫn đầu về nhập khẩu công nghệ cao và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Số lượng sản phẩm sáng tạo, công bố khoa học cũng tăng cao.
          Đặc biệt, trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19, tuy đại dịch đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế nhưng xét ở một góc độ tích cực, COVID-19 cũng tạo một cú huých cho nền kinh tế số của Việt Nam với làn sóng chuyển dịch số và đổi mới sáng tạo, từ các cơ quan nhà nước tới các doanh nghiệp, người dân. Năm vừa qua đã có gần 40 nền tảng chuyển đổi số quốc gia ra đời, đưa Việt Nam là nhóm quốc gia dẫn đầu trong chuyển đổi số thời COVID-19. Với việc đạt được “mục tiêu kép” trong năm vừa qua, đó là vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, được thế giới ca ngợi là hình mẫu trong cuộc chiến chống COVID-19, các chuyên gia kinh tế đã chỉ rõ, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn “hậu COVID-19” dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
          Và “bệ phóng" cho động lực tăng trưởng mới chính là việc Trung tâm Ðổi mới sáng tạo đầu tiên của Việt Nam vừa được khởi công xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) vào ngày 9/1/2021. Ðây là bước đi mạnh mẽ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo đã đặt "viên gạch" nền móng đầu tiên cho tương lai mới, khởi đầu kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo mà Việt Nam đang nhanh chóng nắm bắt để bứt phá vươn lên.
          Trước đó, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam trên thế giới để cùng góp sức với các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các chuyên gia trong nước thúc đẩy nghiên cứu khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ðến nay, mạng lưới đã có hơn 1.000 thành viên và thiết lập 5 văn phòng tại Mỹ, Ðức, Nhật Bản, Australia. Cuối năm 2020, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu trước mắt nhằm thay đổi quy trình công nghệ, sản xuất, quản lý vận hành doanh nghiệp trên nền tảng số, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp ít nhất 100 nghìn doanh nghiệp được hỗ trợ về chuyển đổi số đến năm 2025.
          Để đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, cần có một cơ chế đặc thù tập trung thúc đẩy mạnh mẽ năng lực sáng tạo, khoa học công nghệ; cần đặt nhân tố con người - nguồn nhân lực chất lượng cao vào trung tâm của sự phát triển, tạo thành “tam giác vàng: Con người - Thể chế - Công nghệ”, bảo đảm đồng bộ tính khả thi về khoa học công nghệ, về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực nền tảng, quan trọng nhất của quá trình phát triển đất nước. Từ đó đưa tâm thế đổi mới sáng tạo lan tỏa đến tất cả mọi chủ thể, trở thành niềm cảm hứng, sự hứng khởi cho mọi người dân, biến sáng tạo trở thành tài nguyên vô hạn, đưa đất nước phát triển bền vững./.

 

 Trọng Đức (tổng hợp)

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết