Thứ Năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024

Nỗ lực tiếp cận và triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em

Ngày phát hành: 28/02/2022 Lượt xem 847

 

Việt Nam hiện đã xong giai đoạn chuẩn bị và đã có những căn cứ, điều kiện để có thể tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trong thời gian tới. Việc tiêm chủng có ý nghĩa rất lớn, không chỉ bảo vệ trẻ mà còn giúp hạn chế lây nhiễm và giảm lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng.

 Nhiều quốc gia triển khai tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi
Tính đến thời điểm này, tỷ lệ bao phủ vaccine cho nhóm trẻ từ 12-17 tuổi tại Việt Nam đã đạt khoảng 99% mũi 1 và 94% tiêm đủ liều 2 mũi. Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực tiếp cận và triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ em, tạo lớp bảo vệ miễn dịch để trẻ có thể trở lại trường học an toàn.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, khi mắc COVID-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Qua theo dõi, trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng. Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng. Do đó, cần thiết phải tiêm vaccine phòng COVID-19. Trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu tiêm vaccine thì khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn.
Ngoài ra, theo GS Phan Trọng Lân, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm. Hiện nay qua theo dõi với biến thể Omicron, việc lây nhiễm nhiều hơn ở trẻ em đặc biệt chưa tiêm chủng. Vì vậy, việc tiêm chủng có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, làn sóng dịch Omicron có thể khiến số trẻ nhập viện tăng gấp 4 lần so với biến thể Delta. Trong những tuần đầu tháng 2/2022, số trẻ em nhập viện do mắc COVID-19 tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã tăng cao so với tháng trước, đơn cử như Thái Lan tăng 30%; Malaysia cũng ghi nhận số bệnh nhi tăng cao với gần 17.000 ca mắc dưới 12 tuổi…
Vì vậy, bảo vệ trẻ bằng chiến lược tiêm vaccine phòng COVID-19 đang được nhiều quốc gia đẩy mạnh. Ngày 26/2, Nhật Bản bắt đầu triển khai tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ở Tokyo và sau đó mở rộng ra cả nước trong tháng tới. Malaysia đã tiến hành tiêm cho nhóm 5-11 tuổi từ đầu tháng 2/2022, với hơn 500.000 trẻ được đăng ký tiêm. Thái Lan mở đợt tiêm đầu tiên cho lứa tuổi này từ ngày 31/1 trên cơ sở tự nguyện.
Trước đó, vaccine COVID-19 đã được đưa vào sử dụng cho trẻ em 5-11 tuổi từ quý IV/2021 tại các quốc gia như Mỹ và Pháp. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, các quốc gia như Australia, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Philippines cũng đã đưa vaccine COVID -19 vào tiêm cho nhóm tuổi này.
Theo cập nhật của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đến nay đã có hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.

 Việt Nam đã có căn cứ, điều kiện để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi
Thực hiện kế hoạch tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, Chính phủ đã có nghị quyết về việc mua 21,9 triệu liều vaccine của Pfizer cho trẻ em 5-11 tuổi.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, là nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 cao, Việt Nam đã dần thích ứng được với cuộc sống bình thường mới, khống chế dịch bệnh và phản ứng linh hoạt hơn trước các biến chủng mới, tình hình mới của dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn một mảnh ghép nữa để hoàn thành bức tranh tiêm chủng, đó là tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi (khoảng trên dưới 10 triệu em). Và việc Chính phủ quyết định mua hơn 20 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi là một phản ứng chính sách rất sáng suốt và kịp thời.
Chiều ngày 26/2, trả lời phỏng vấn báo chí về sự chuẩn bị của Chính phủ trong việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ 5-11 tuổi, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, Việt Nam hiện đã xong giai đoạn chuẩn bị và đã có những căn cứ, điều kiện để có thể tổ chức tiêm vaccine phòng COVID -19 cho trẻ em trong thời gian tới.
Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ chỉ ra có ba căn cứ quan trọng, thứ nhất là thực tiễn quốc tế - trên thế giới đã có khoảng hơn 60 nước tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, trong đó có nhiều nước tiên tiến với nền y tế phát triển. Thứ hai, dựa vào kết quả thăm dò dư luận của các cơ quan chức năng, đại đa số các bậc phụ huynh đã nhất trí với việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, đảm bảo cho các cháu có đủ điều kiện đối phó với dịch tễ để bắt đầu đi học. Thứ ba, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác tiếp cận vaccine, ngoại giao vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, ngày 15/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp điện đàm với Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Pfizer để thúc đẩy tập đoàn này giao vaccine dành cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi nhanh nhất và sớm nhất có thể. Và ngay ngày 16/2, một ngày sau cuộc điện đàm của Thủ tướng, Chủ tịch Pfizer đã có thư gửi Thủ tướng khẳng định, trên cơ sở cố gắng hết sức để điều phối, Pfizer sẽ chuyển ngay vaccine dành cho trẻ em từ 5-11 tuổi cho Việt Nam và đẩy nhanh tiến độ giao vaccine, cung ứng thêm 6 triệu liều vaccine so với dự kiến trong tháng 5/2022 và hoàn thành chuyển giao toàn bộ 21,9 triệu liều vaccine cho Việt Nam trong cuối tháng 6/2022.
Thứ trưởng khẳng định, với sự nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã có những tín hiệu rất tích cực, sẽ có sớm nguồn vaccine cho trẻ em. Chúng ta đã có đủ điểu kiện để có thể tiến hành tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

 Thận trọng từng bước, bảo đảm an toàn, hiệu quả
Theo Bộ Y tế, để triển khai tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi, Bộ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã trao đổi chặt chẽ, thường xuyên tham khảo ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nhà khoa học; học hỏi kinh nghiệm triển khai của các nước về việc tiêm chủng cho nhóm đối tượng này. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, khi có vaccine, chúng ta sẽ triển khai tiêm từng bước thận trọng, chắc chắn, bảo đảm vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu.
PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, Phó trưởng Ban Điều hành Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho biết, trước khi triển khai, cán bộ y tế tham gia công tác tiêm chủng một lần nữa được tập huấn về sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi, thực hành tiêm chủng cũng như hướng dẫn xử trí các phản ứng bất thường có thể xảy ra sau tiêm.
Bên cạnh đó, cán bộ y tế sẽ được tập huấn những nội dung tư vấn hướng dẫn cho phụ huynh, giáo viên, học sinh… về việc theo dõi sức khỏe đúng cách sau tiêm để họ cùng tham gia bảo đảm an toàn tiêm chủng; phát hiện sớm nhất biểu hiện bất thường sau tiêm.
Việc tổ chức tiêm chủng được thực hiện tại trường học cho nhóm trẻ tới trường. Trẻ không đi học sẽ tiêm tại các trạm y tế xã, phường. Nhóm trẻ có bệnh lý mạn tính, bệnh nền, thể trạng béo phì… thì tiêm chủng tại các bệnh viện để bảo đảm an toàn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện tại, thủ tục mua vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi cơ bản đã thực hiện xong và Bộ Y tế đề nghị cấp chậm nhất là đến 30/4/2022 để đẩy nhanh việc bao phủ tiêm vaccine cho trẻ em. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn y tế cơ sở về việc đảm bảo an toàn khi tiêm vaccine cho trẻ em ở lứa tuổi này./.

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết