Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính tích tụ trong khí quyển tăng cao kỷ lục

Ngày phát hành: 10/09/2020 Lượt xem 1735


Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển đã tăng lên mức cao kỷ lục mới trong năm 2020 khi mà tình trạng gián đoạn các hoạt động kinh tế trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không mang lại những tác động giảm khí thải lâu dài.
Hồi đầu năm 2020, có thời điểm lượng khí thải đã giảm mạnh nhưng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và cũng không tác động lâu dài tới quá trình tích tụ khí thải CO2 trong bầu khí quyển gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu. Theo lãnh đạo Tổ chức Khí tượng học thế giới thuộc LHQ, Petteri Taalas thì nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển thời gian qua vẫn tiếp tục tăng, hiện đã ở những mức cao nhất trong 3 triệu năm. Dù trong tháng 4, lượng khí thải ra khí quyển hằng ngày giảm 17% so với năm ngoái, nhưng vẫn tương đương với mức khí thải mỗi ngày ghi nhận vào năm 2006. Thực tế này càng chỉ rõ hơn trong 15 năm qua, lượng khí thải toàn cầu đã tăng nhiều tới mức nào.
Theo báo cáo mới công bố trên, tính đến đầu tháng 6 khi các nhà máy và văn phòng mở cửa trở lại, lượng khí thải đã tăng trở lại trong khoảng 5% các mức ghi nhận năm 2019. Kể cả khi lượng khí thải năm 2020 dự tính thấp hơn năm 2019 tối đa 7% thì những khí thải ra vẫn góp phần làm gia tăng nồng độ khí thải tích tụ trong bầu khí quyển tính từ khi thời đại công nghiệp bắt đầu.
Với những số liệu cập nhất về khí thải, nhiệt độ toàn cầu và những tác động của khí hậu với các đại đương và những vùng băng trên Trái Đất, báo cáo chỉ ra nồng độ CO2 tích tụ trong bầu khí quyển hiện đã lên mức 414,38 ppm trong tháng 7, cao hơn đáng kể so với mức 411,74 ppm ghi nhận một năm trước đó. Giới khoa học coi mức 350 ppm, ghi nhận năm 1988, là mức an toàn.
Khi khí thải CO2 tăng, nhiệt độ toàn cầu cũng tăng khoảng 1,1 độ C so với các mức ghi nhận thời kỳ trước cách mạng công nghiệp. Giới khoa học cảnh báo nhiệt độ toàn cầu tăng vượt mức 1,5 độ C hoặc 2 độ C sẽ dẫn tới tình trạng biến đổi khí hậu với những tác động khắc nghiệt hơn nhiều trên toàn thế giới, bao gồm các đợt hạn hán, các cơn bão mạnh hơn và nước biển dâng nhanh hơn. Theo chuyên gia khí hậu Friederike Otto, thuộc Đại học Oxford, con người thực tế chỉ có thể thích ứng và ứng phó với sự thay đổi nhỏ về thời tiết và hiện nay chúng ta đang tiến rất nhanh tới những giới hạn có thể chịu đựng được.
Báo cáo nêu chi tiết tác động của biến đổi khí hậu đẩy hàng trăm triệu người tới nguy cơ rơi vào cảnh ngập lụt, khả năng tiếp cận nguồn nước ngọt cũng sẽ thu hẹp dần. Ước tính, số người dân ở những vùng có thể bị ngập úng nước tính tới năm 2050 cũng tăng lên tối đa 3,2 tỷ người, cao hơn nhiều so với mức 1,9 tỷ người được đưa ra trước đó./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết