Thứ Năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024

THẾ GIỚI 2019: Thổi bùng phong trào toàn cầu chống biến đổi khí hậu

Ngày phát hành: 05/12/2019 Lượt xem 1293

 

 

Thức tỉnh bởi những lời cảnh báo đanh thép từ giới khoa học và tận mắt chứng kiến những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng, năm 2019, người dân trên toàn thế giới, ở mọi độ tuổi và tầng lớp, đã thổi bùng nhiều chiến dịch tuần hành, biểu tình chống biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức toàn cầu về cuộc khủng hoảng khí hậu đang ngày một nghiêm trọng mà chưa có những biện pháp toàn diện.
Các công dân tương lai của thế giới, những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, đã có một chiến dịch riêng mang tên "Thứ Sáu vì tương lai". Chiến dịch này do nữ sinh trẻ tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg khởi xướng, với kế hoạch nghỉ học mỗi thứ Sáu hàng tuần để đến ngồi trước Quốc hội nước này, kêu gọi các nhà lập pháp chú trọng hơn tới cuộc khủng hoảng đang ngày càng hiện hữu. Từ bước khởi đầu là những ngày nghỉ học một mình, giờ đây Thunberg có sự đồng hành của hàng triệu người bạn trên toàn thế giới, với hàng trăm cuộc tuần hành hàng tuần ở khắp nơi, yêu cầu chính phủ các nước có hành động và kế hoạch khí hậu cụ thể. 

 

 

Không chỉ một chiến dịch đơn lẻ, năm 2019 còn chứng kiến làn sóng tuần hành của phong trào "Extinction Rebellion" khởi phát từ Anh và sau đó lan rộng trên toàn thế giới. Với khẩu hiệu "Khi hy vọng tan biến là lúc hành động trỗi dậy", phong trào như lời dự báo về một ngày không xa mà người dân sẽ tự đứng lên hành động để bảo vệ môi sinh của chính mình khi không còn hy vọng.
Từ nhiều thập kỷ qua, giới khoa học liên tục cảnh báo về những nguy cơ từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch một cách không kiểm soát với loài người và Trái Đất. Nhưng phải đến năm 2019, năm được coi là nóng thứ 2 trong lịch sử nhân loại, các thông điệp của giới khoa học mới được những chủ nhân của hành tinh này đón nhận một cách nghiêm túc.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký kết năm 2015 là bản cam kết của các quốc gia nhằm kiềm chế tình trạng ấm lên toàn cầu ở mức cao hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp để tránh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Các quốc gia cũng hướng tới ngưỡng tham vọng hơn là kiềm chế mức nhiệt tăng ở 1,5 độ C. Tới cuối năm 2018, Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) công bố báo cáo khẳng định những nỗ lực hiện tại nhằm kiềm chế mức nhiệt tăng trên toàn thế giới còn quá nhỏ để đạt mục tiêu 1,5 độ C. Báo cáo nhấn mạnh khi mức nhiệt tăng dù chỉ chênh nhau có 0,5 độ C cũng có thể gây ra thảm họa với loài người. Chính bản báo cáo này đã đánh động các phong trào toàn cầu lên tiếng bảo vệ hệ thống khí hậu.
Chuyên gia Amy Dahan (A-mi Đa-ăng) đến từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp, nhận định chính mức chênh lệch 0,5 độ C nêu trong báo cáo của IPCC là thông điệp mà các các nhà khoa học đã cố gắng truyền tải trong nhiều năm qua nhưng phải đến năm 2019, người dân trên toàn cầu mới đón nhận thông điệp này.
Báo cáo của IPCC cũng kết luận rằng tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu phải giảm 45% tính tới năm 2030 và đạt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn CO2 do con người thải ra bầu khí quyển vào năm 2050 mới có thể kiềm chế nhiệt tăng ở mức 1,5 độ C. Nhà hoạt động vì môi trường trẻ tuổi người Canada Caroline Merner (Ca-rô-lin Mơ-nơ) thành viên phong trào Youth4Climate khẳng định báo cáo đó đã chỉ ra một dấu mốc cụ thể, con người chỉ còn 12 năm để hành động. Đáng tiếc, trong khi báo cáo của LHQ chỉ ra khí thải carbon phải giảm 7,6% mỗi năm từ 2019 tới 2030 mới mong đạt mục tiêu nhiệt tăng toàn cầu 1,5 độ C thì các nhà khoa học cho biết ngay trong năm đầu tiên là năm 2019, tổng lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng 0,6%.

 


Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này chính là sự tương phản giữa một bên là sự sục sôi của thế hệ trẻ và một bên là sự thờ ơ trong ngành công nghiệp, lĩnh vực xả thải chính ra môi trường. Các nhà máy trên toàn cầu gần như vẫn hoạt động bình thường ngay cả khi các báo cáo chỉ ra rằng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ tiếp tục tăng trong năm 2019, sau khi ghi nhận mức kỷ lục vào năm 2018 và các ống khói vẫn không ngừng phả khí ngay cả khi các hình thái thời tiết khắc nghiệt, chủ yếu vì hành tinh đang ngày một nóng hơn, xảy ra ở khắp mọi nơi. Bão Idai tàn phá Mozambique, bão Hagibis quần thảo ở Nhật Bản, còn châu Âu "bốc hỏa" trong đợt nắng nóng lịch sử, cháy rừng khó kiểm soát ở California (Mỹ), Australia hay lũ lụt chưa từng thấy ở Venice và danh sách này vẫn chưa dừng lại. Indonesia thậm chí đã phải công bố kế hoạch chuyển thủ đô tới một vùng khác để tránh nguy cơ "trái tim" của đất nước bị chìm dưới nước biển. Thực tế đang buộc loài người phải hành động khi họ đang chứng kiến tận mắt những hậu quả của biến đổi khí hậu.
Trước những bằng chứng không thể chối cãi và áp lực từ các phong trào, nhiều chính phủ trên thế giới cũng đã bắt đầu điều chỉnh chính sách dù còn chậm. Tổng cộng 66 quốc gia trên thế giới đã lên kế hoạch đạt mục tiêu triệt tiêu carbon trước năm 2050. Các thành phố London và Paris cũng đã ban bố các cơ chế khẩn cấp khí hậu và sinh thái chính thức. Tuy nhiên, vẫn không ít quan ngại rằng các tiến triển trên có thể suy yếu khi các nền kinh tế đang phát triển vẫn cần tới nhiên liệu hóa thạch để thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng trong khi Mỹ, quốc gia từng phát thải CO2 nhiều nhất trong lịch sử, lại đang trong tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu./.



Lê Ánh TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết