Chủ Nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024

Việt Nam: Điều gì đổi thay và không thay đổi qua 75 năm?

Ngày phát hành: 03/09/2020 Lượt xem 2016

TTXVN (Sputnik) - Những năm tháng kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình Hà Nội đã trở thành thời kỳ nổi bật nhất trong lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Đó là quan điểm thống nhất của tất cả các chuyên gia Nga trong cuộc trao đổi với Sputnik trước thềm lễ kỷ niệm 75 năm nước Việt Nam độc lập.


Đất nước-nhà sản xuất an toàn
          GS-TSKH Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học tổng hợp quốc gia Saint-Peterburg nhận xét: “Việt Nam sau cách mạng đã đạt được những thành công rực rỡ. Đó là thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược và giải phóng dân tộc khỏi ách thuộc địa. Đó là thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thống nhất đất nước. Việt Nam đã đạt mục tiêu thống nhất lãnh thổ quốc gia và có nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng”.
          GS-TSKH Kolotov khái quát: “Tất cả những yếu tố đó đều có hệ quả tạo dựng uy tín quốc tế cao của Việt Nam. Năm nay, Việt Nam một lần nữa đảm nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN. Việt Nam cũng là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Việt Nam là quốc gia ổn định, không nêu yêu sách lãnh thổ với các nước khác, hoàn toàn có quyền được gọi là đất nước-nhà sản xuất an toàn, trái ngược với các đất nước-nhà tiêu thụ an toàn. Nghĩa là những nước không ngừng cố gắng tìm kiếm nhà bảo trợ bên ngoài và tự biến mình thành nạn nhân bị ràng buộc vào chính sách và lợi ích của các cường quốc ngoài khu vực, theo quy luật, do đó là hiện thân mối đe dọa an ninh và nguy cơ gây bất ổn trong khu vực của họ”.

 

Việt Nam sẽ vào nhóm 20 nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới
          GS-TSKH Vladimir Mazyrin, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) đưa ra những đánh giá cao nhất về thành quả kinh tế của Việt Nam: “Thành tựu chính của kinh tế Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường là sự bứt phá vượt lên để gia nhập nhóm các nước đang phát triển nhanh. Tôi muốn nói rằng Việt Nam là điển hình hiếm hoi về một đất nước phát triển đột phá thành công khi đuổi kịp các quốc gia phát triển hơn trong khu vực và trên thế giới nói chung. Theo thống kê của ASEAN, trong ba thập kỷ qua, thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở Việt Nam đã tăng gấp 27 lần. Đây là bước nhảy vọt tuyệt diệu. Đương nhiên, Việt Nam đang thuộc hàng những nước có nền kinh tế phát triển vững vàng nhất. Điều đó được xác nhận cả trong tình hình đại dịch COVID-19 hiện nay. Hầu hết các nước trong khu vực bộc lộ sự sụp đổ nhịp độ phát triển kinh tế trong 6 tháng. Chỉ riêng Việt Nam duy trì được nhịp độ tích cực, dù có giảm nhẹ so với những năm trước đây. Có chuyên gia cho rằng đến năm 2050, Việt Nam sẽ vào nhóm 20 nước phát triển nhất thế giới về tổng lượng GDP. Hiện giờ, về chỉ số này, Việt Nam đang ở vị trí thứ 32, nhưng cũng đã là thành công lớn, nếu nhớ rằng 35 năm trước, Việt Nam từng là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ trở thành đất nước phát triển về kinh tế trước cả năm 2050”.


Điều gì không thay đổi ở Việt Nam?
Một trong những chuyên gia Việt Nam học lão thành của Nga là ông Evgeny Kobelev, lần đầu tiên đến Việt Nam học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1958. Chuyến đi gần nhất của TS Kobelev đến Việt Nam diễn ra cách đây chưa đầy một năm. Ông cho rằng: “Tôi đã được thấy một đất nước hoàn toàn khác so với lần gặp đầu tiên. Nhờ chính sách Đổi Mới, Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh kỷ lục nổi bật trong khu vực. Thật vui mừng vì trong những thành tựu cả về quân sự và dân sự hòa bình của đất nước có phần đóng góp của Liên bang Xô Viết và Nga. Đó là hơn 300 xí nghiệp và chủ thể kinh tế quốc dân được xây dựng với sự tham gia của Liên Xô và Nga, đó là những liên doanh dầu khí Nga-Việt và Việt-Nga hoạt động thành công ở lãnh thổ cả hai nước, đó là Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga với nhiều chi nhánh mở tại Hà Nội, Nha Trang, Tp. Hồ Chí Minh và Moskva”.

 

Đội Việt Nam thi đấu xe tăng tại Nga


Ông Kobelev nhận xét: “Song hành với tất cả những thay đổi tổng thể và cốt lõi trong cuộc sống và diện mạo Việt Nam, vẫn có những điều không hề thay đổi, đó là tình cảm của người Việt Nam dành cho nước Nga, mối liên hệ tinh thần thiêng liêng và gắn bó của nhân dân các nước chúng ta. Minh chứng cho điều này là hoạt động tích cực của Hội Hữu nghị Việt-Nga và Nga-Việt, sự tồn tại ở Việt Nam các tổ chức quần chúng như Hội Cựu sinh viên các trường Đại học Liên Xô và Nga, dàn hợp xướng của các cựu sinh viên thường xuyên biểu diễn các bài hát Nga tại Tp. Hồ Chí Minh, rất nhiều hội đoàn của các công dân Việt Nam từng sống, làm việc, học tập ở Liên Xô và Nga…”.
TS Kobelev kết luận: “Chính trong những ngày này, các đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam đang thể hiện kỹ năng của mình tại Hội thao quân sự quốc tế ‘ARMY-2020’ lần thứ VI tổ chức theo sáng kiến của Bộ Quốc phòng Nga với sự tham gia của các đội tuyển từ 30 nước. Đội tuyển Việt Nam là một trong những đội lớn nhất tại Hội thao Quốc tế, với 180 người thi đấu ở 11 môn. Trong hầu hết các môn tranh tài, Việt Nam ở top 5 dẫn đầu. Đón chào ngày hội lớn của đất nước, các chiến sĩ xe tăng Việt Nam vững tin thi đấu trong vòng bán kết ở khu vực Moskva, đọ sức cùng đại diện 16 nước. Đặc sắc, gay cấn, ngoạn mục là cuộc thi ‘Xe tăng hành tiến - Tank Biathlon’. Nhìn cảnh các kíp xe tăng Việt Nam điều khiển cỗ chiến xa cồng kềnh một cách thuần thục, tôi nhớ lại rằng chính trên chiếc xe tăng Liên Xô vào ngày 30/4/1975, những đồng đội đàn anh của họ đã đột nhập Dinh Độc Lập ở Sài Gòn, hoàn thành thắng lợi cuộc hành quân thần tốc trong ‘Chiến dịch Hồ Chí Minh’ mang tên vị lãnh tụ Việt Nam từng công bố với toàn thế giới về nền độc lập của nước Việt Nam ngày 2/9/1945”./.

 

(Theo TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết