Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Việt Nam tăng trưởng dương bất chấp suy thoái toàn cầu

Ngày phát hành: 01/10/2020 Lượt xem 668


Ngày 29/9, một số trang mạng đưa tin về những tín hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam, trong đó có chung nhận định Việt Nam là một trong những điểm sáng hiếm hoi của thế giới với mức tăng trưởng dương, bất chấp đà suy thoái của kinh tế toàn cầu.
Trang CNA của Singapore cho biết tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được cải thiện trong quý III, chủ yếu nhờ sự phục hồi của xuất khẩu khi đất nước dần thoát khỏi suy thoái do đại dịch COVID-19.
CNA nhận định Việt Nam từ lâu được biết đến là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á và phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt sau khi Hà Nội được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong 2 năm qua.
Trong bối cảnh phần lớn các nền kinh tế trên thế giới phải đóng cửa trong suốt quý I và quý II, GDP của Việt Nam dù chỉ tăng 0,36% so với thời điểm tháng 4 - tháng 5, song con số này tốt hơn so với hầu hết các quốc gia đã phải chịu những đau đớn do đại dịch.

 


Theo Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam tăng 2,62% trong quý III, chủ yếu nhờ xuất khẩu phục hồi, tăng 34% so với quý II. Dẫu vậy, đây vẫn là mức tăng GDP quý III thấp nhất trong vòng gần 1 thập kỷ qua.
CNA dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 7, trong đó dự đán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm 2020, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 6,8% mà chính phủ đặt ra trước đại dịch.
Trang Fortune của Mỹ cho biết xuất khẩu của Việt Nam tăng 11% trong quý III, chủ yếu nhờ xuất khẩu máy tính cá nhân tăng 20% để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng khi sinh viên trên toàn thế giới tham gia các lớp học trực tuyến và phần lớn lực lượng lao động toàn cầu tiếp tục làm việc tại nhà. Riêng trong tháng 9, xuất khẩu của Việt Nam tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019. Priyanka Kishore, phụ trách Ấn Độ và Đông Nam Á của Oxford Economics,  nói: "Cùng với Trung Quốc, (Việt Nam) là nền kinh tế lớn duy nhất ở châu Á dự kiến tăng trưởng dương trong năm 2020".
Theo Fortune, việc xử lý tốt đại dịch COVID-19 đã giúp Việt Nam mở cửa trở lại và tiếp tục các hoạt động kinh tế. Tờ báo Mỹ lưu ý, Việt Nam đã không ghi nhận ca COVID-19 lây nhiễm cộng đồng nào trong hơn 3 tháng kể từ khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng.
Chuyên gia Priyanka Kishore cho rằng, làn sóng COVID-19 thứ 2 ở Việt Nam đã "làm đình trệ phần nào sự phục hồi", nhưng "tình hình đã được kiểm soát trở lại". Mức tăng GDP 2,62% của Việt Nam trong quý III là sự cải thiện so với mức tăng 0,39% so với cùng kỳ năm trước trong quý II. Tuy nhiên, tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với tăng trưởng GDP của quý III/2019, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, vốn ở mức 7,31%. Việc sụt giảm sâu lượng du khách nước ngoài do các hạn chế đi lại ngăn ngừa COVID-19 đã tác động tới hồi phục kinh tế của Việt Nam. Theo WB, trước đại dịch, du lịch chiếm khoảng 8% GDP của Việt Nam.
Ở các quốc gia khác trong khu vực, thiệt hại do vắng bóng du khách nước ngoài còn tệ hơn so với Việt Nam - ví dụ ở Thái Lan, nơi du lịch chiếm 14% GDP. Thêm vào đó, Thái Lan không có vị thế là trung tâm sản xuất - đôi lúc được xem như là chuỗi cung ứng thay thế cho Trung Quốc -như Việt Nam./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết