Thứ Tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024

Việt Nam đạt nhiều thành tựu về quyền con người

Ngày phát hành: 12/12/2020 Lượt xem 1778

 

Chưa bao giờ, quyền được sống, quyền có ăn, có mặc, có nhà ở và quyền tham gia về chính trị, văn hóa, quyền về giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, quyền tự do kinh doanh hay những quyền tự do ứng cử, thể hiện quan điểm trong xã hội, được cởi mở như bây giờ. Đó là thành quả to lớn trong nỗ lực vì quyền con người của Việt Nam. Đến nay, không chỉ là một trong những quốc gia thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc, mà Việt Nam còn là quốc gia đạt được nhiều thành quả ấn tượng trong phát triển bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau.

* Việt Nam luôn nhất quán mục tiêu, chính sách tất cả vì con người
Trong mọi giai đoạn lịch sử, Việt Nam luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của mọi chính sách, hành động. Ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nêu đậm các quyền cơ bản của con người và gắn quyền con người với quyền của dân tộc: "Các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Và những nỗ lực đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc trong nhiều thập kỷ của Việt Nam không nằm ngoài mục đích bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quyền được quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình. Chính vì vậy, thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam đã truyền cảm hứng, khích lệ cho cuộc đấu tranh của hàng chục quốc gia ở châu Phi, Mỹ La tinh trong những năm 1960, 1970.
Vươn lên từ các cuộc chiến tranh, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, mà trước hết là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải thiện, nâng cao hệ thống pháp luật về quyền con người. Việc thông qua Hiến pháp 2013 với một chương riêng về "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân" và sau đó là hơn 90 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền con người được thông qua, như: Luật Báo chí; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng... tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân.
Cùng với việc nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác quốc tế để bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người, như: “Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc” (1981); “Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” (1981); “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội” (1982); “Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị” (1982); “Công ước về quyền trẻ em” (1990); “Công ước chống tra tấn (CAT) và “Công ước về quyền của người khuyết tật” (2014)… Những công ước này đều được nội luật hóa trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Việt Nam cũng không ngừng tạo dựng cơ sở vật chất để bảo đảm tốt hơn quyền con người. Mọi chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội đều được xây dựng trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, hướng về người dân và phục vụ người dân. Những nỗ lực đó đã mang lại những kết quả tích cực trong việc bảo đảm quyền con người, từ quyền dân sự, chính trị, quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, đến quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

 

 

* Bảo đảm cho mọi người dân được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người
- Quyền về dân sự, chính trị
Trong quá trình xây dựng và trước khi thông qua Hiến pháp và các đạo luật quan trọng, dự thảo các văn bản đều được công bố rộng rãi để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và được chỉnh lý trên cơ sở các ý kiến đóng góp. Bằng việc tham gia vào quá trình xây dựng luật pháp, nhân dân đã thực hiện các quyền tự do, dân chủ của mình và các văn bản pháp luật quan trọng đều thể hiện được ý chí, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân. Quyền làm chủ của người dân Việt Nam còn được thể hiện rõ ở quyền bầu cử và ứng cử. Theo thống kê, trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021), cả nước có 67.485.482 cử tri, trong đó số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 67.049.091 người, đạt tỷ lệ 99,35%.
Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm; quyền tiếp cận thông tin không chỉ được bảo đảm đầy đủ cho người dân Việt Nam mà cả đối với người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Sự tăng nhanh của các tổ chức, hiệp hội, câu lạc bộ, chứng tỏ quyền tự do hội họp và lập hội của người dân được tôn trọng và bảo đảm. Các tôn giáo được Nhà nước tạo điều kiện mở trường, cơ sở đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, tham gia các hoạt động xã hội...
Nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Nhà nước ta đã thành lập Ủy ban quốc gia, đẩy nhanh tiến độ xây dựng “Chính phủ điện tử”; Cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước, nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến để cán bộ, cơ quan, tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân, nâng cao hiệu quả tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
- Quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội
Phát triển kinh tế là một trong những tiền đề quan trọng nhất cho việc thực thi dân chủ và quyền con người. Trong những năm qua Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thắng lợi nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người trong các lĩnh vực này.
Trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã chuyển từ khu vực các nước kém phát triển sang khu vực các nước đang phát triển. GDP bình quân của Việt Nam tăng hàng năm, năm 2019 tăng 6,8%; năm 2020, dù nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia có mức tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn được đánh giá cao với những biện pháp phòng dịch hiệu quả và tăng trưởng DGP dương.
Một trong những thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam bảo đảm quyền con người là đạt được những tiến bộ vượt bậc về xoá đói giảm nghèo, phát triển con người và chất lượng cuộc sống. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Nhà nước đã huy động nguồn lực xã hội vào các hoạt động giảm nghèo, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp điều kiện khó khăn. Tính đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4%. Việt Nam là quốc gia đạt được kết quả ấn tượng trong việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Trên lĩnh vực giáo dục, quy mô giáo dục tiếp tục tăng ở tất cả các bậc học, ngành học, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng lớn của nhân dân. Trên lĩnh vực văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh; Chính phủ đã ban hành Nghị định mới về công nhận các danh hiệu văn hóa. Việt Nam có nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được nâng cao, ngoài sự phát triển các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khoẻ trực tiếp, Việt Nam còn thi hành nhiều biện pháp nhằm nâng cao sức khoẻ của người dân, ngăn ngừa bệnh tật từ xa. Đặc biệt, trải qua các giai đoạn của dịch bệnh COVID-19 đã thấy rõ sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao, chính xác của Đảng và Nhà nước và các bộ, ngành; sự nỗ lực, hy sinh của quân đội, của cả  hệ thống y tế để bảo vệ mọi người dân. Việc đón hàng trăm nghìn công dân Việt Nam ở nước ngoài về trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp cho thấy mục tiêu tất cả vì con người, không ai bị bỏ lại phía sau; đồng thời thể hiện rõ truyền thống nhân nghĩa, yêu nước thương nòi của dân tộc Việt Nam.
- Quyền con người cho những người yếu thế
Nói đến thành tựu bảo đảm quyền con người không thể không nói tới những nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong chăm sóc, bảo đảm quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực và thứ hai trên thế giới tham gia ký “Công ước quốc tế về quyền trẻ em”, năm 1989. Hằng năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức liên quan và các địa phương thực hiện “Tháng hành động vì trẻ em” nhằm vận động toàn xã hội chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần. Chương trình “Trái tim cho em” do Đài Truyền hình Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức đã quyên góp được 90 tỷ đồng, hỗ trợ phẫu thuật thành công cho hàng nghìn em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn...
Bình đẳng giới là một trong những chỉ số về quyền con người quan trọng. Trong những năm qua, tỷ lệ nữ giới được giáo dục ở mọi cấp tăng cao. Các chính sách đổi mới của Việt Nam đã tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021), tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội đạt 26,71%, cao hơn mức trung bình thế giới là 22,3%; phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh đạt hơn 27,8%.
Sau nhiều thập kỷ chiến tranh khốc liệt, Việt Nam hiện nay là một quốc gia có tỷ lệ người tàn tật cao. Chính phủ rất quan tâm giúp đỡ, chăm sóc và tạo mọi cơ hội bình đẳng cho họ. Người khuyết tật được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các câu lạc bộ, được học văn hoá, được ưu tiên bố trí việc làm, chăm sóc y tế. Bản thân người tàn tật cũng không ngừng vươn lên để thật sự hoà nhập cộng đồng.

* Đóng góp tích cực vào những giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại về quyền con người
Cùng với những thành tựu nêu trên, Việt Nam cũng luôn nỗ lực đóng góp tích cực vào những giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại về quyền con người. Việt Nam tham gia tích cực vào các diễn đàn liên quan đến quyền con người của Liên Hợp Quốc, ASEAN và các cơ chế khác. Tại các diễn đàn này, Việt Nam đã chủ động đưa ra và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh các sáng kiến về quyền con người, đặc biệt về nội dung liên quan đến bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, những người chịu tác động của biến đổi khí hậu…
Việt Nam cũng luôn nghiêm túc trong thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có việc thực thi 7/9 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, từ năm 2008, Việt Nam tích cực tham gia Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) do Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc đưa ra, nhằm rà soát định kỳ tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở các nước thành viên Liên hợp quốc. Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR.
Năm 2019, Việt Nam đã hoàn thành Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III trước Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc với những kết quả hết sức tích cực. Báo cáo của Việt Nam đã được các nước và tổ chức quốc tế ghi nhận. Phát biểu trong cuộc họp công bố Báo cáo phát triển con người năm 2019, tổ chức tại Hà Nội tháng 12/2019, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá: Việt Nam đã kiên định chọn hướng phát triển lấy con người làm trọng tâm và sự bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất  nước. Đây chính là lý do giúp Việt Nam đạt nhiều thành tựu về nhân quyền./.


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết