Chủ Nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024

Xây dựng thể chế tạo động lực phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (phần 1) ​

Ngày phát hành: 17/12/2024 Lượt xem 84

                                     

I. Nhận thức về tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc xây dựng thể chế phát triển đất nước nhanh-bền vững

 

1. Hiện nay, trên thế giới, cả về lý luận và thực tiễn, đều có sự thống nhất cao rằng: Thể chế là một trong số ít yếu tố giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển của một quốc gia nói chung hay trong từng lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội nói riêng. Thể chế phù hợp sẽ tạo động lực phát triển; thể chế không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển, thậm chí làm biến dạng sự phát triển, có thể đưa đến sự khủng hoảng. Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2024 được trao cho ba nhà khoa học[1] với các công trình nghiên cứu đã cho thấy: Nguồn gốc sự giàu nghèo giữa các quốc gia là do thể chế. Trong 70 năm qua, gần 100 nước đang phát triển, nhưng chỉ có không đến 20 nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình vương lên ra nhập nhóm nước phát triển. Vấn đề đặt ra là phải nhận thức đúng và xây dựng được một thể chế phát triển phù hợp, hiệu quả đối với đất nước mình.

 

 

Thể chế phát triển được hiểu khái quát là phương thức kết nối các chủ thể, các yếu tố của một cấu trúc xã hội, hình thành một kiểu cơ chế vận hành của cấu trúc xã hội đó, hướng tới mục tiêu đặt ra. Thể chế phát triển mang dấu ấn quyết định chủ quan của chủ thể xây dựng và vận hành thể chế. Nếu thể chế phù hợp với điều kiện và yêu cầu khách quan sẽ tạo động lực cho phát triển; ngược lại nếu không phù hợp với điều kiện và yêu cầu khách quan sẽ kìm hãm sự phát triển. Các ông Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson (những người được trao Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2024) đã khái quát các thể chế làm hai loại: Thể chế phát triển là thể chế “dung hợp” (hay nuôi dưỡng), trong đó quyền lực nhà nước, luật pháp, cơ chế, chính sách hướng tới “nuôi dưỡng”, thúc đẩy phát triển các động lực phát triển, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể trong quá trình phát triển. Thể chế kìm hãm sự phát triển, được gọi là thể chế “tước đoạt”; trong đó quyền lực nhà nước, luật pháp, cơ chế, chính sách chủ yếu hướng tới bảo vệ quyền lực và lợi ích của nhóm cầm quyền, không chú trọng và đảm bảo thỏa đáng quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể khác trong xã hội, làm suy yếu và triệt tiêu động lực đổi mới sáng tạo trong xã hội, và do đó kìm hãm sự phát triển của đất nước. Trên thực tế, tại các nước, trong một thể chế cụ thể, có thể chứa đựng cả những yếu tố “nuôi dưỡng” thúc đẩy phát triển, cả những yếu tố “tước đoạt” kìm hãm phát triển. Vấn đề là tương quan, tương tác giữa các nhân tố đó tạo nên hợp lực tổng hợp như thế nào cho sự phát triển.

 

Thể chế phát triển của một quốc gia (hay một lĩnh vực cụ thể) bao hàm trong đó sự đồng bộ, phù hợp giữa ba thành tố chủ yếu: Các chủ thể tham gia với vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lợi ích được quy định tương ứng, trong đó đặc biệt là vai trò của nhà nước (các chủ thể tham gia thường được gọi là “người chơi”); khung khổ pháp luật cho sự vận hành của thể chế, hoạt động của các chủ thể tham gia (thường được gọi là “luật chơi”); và lĩnh vực, nội dung hoạt động của các chủ thể (thường được gọi là “sân chơi”). Để tạo động lực phát triển, thể chế phát triển phải được xây dựng đồng bộ, phù hợp giữa ba thành tố đó trong mỗi giai đoạn phát triển.

 

2. Ở Việt Nam, khi bước vào công cuộc đổi mới (1986), Đảng ta chưa đưa ra khái niệm “thể chế phát triển”; nhưng đã xác định phải đổi mới toàn diện đất nước, trong đó đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị; kết hợp ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị và thực hiện các chính sách xã hội; đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp. Trong đổi mới kinh tế, đặt trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; trong đổi mới chính trị đặt trọng tâm vào đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương xã hội. Đặc biệt, bắt đầu từ Đại hội XI, Đảng đã xác định mối quan hệ “giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị” là một trong các quan hệ lớn cần giải quyết tốt trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH.

 

3. Do điều kiện lịch sử cụ thể, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong giai đoạn cho đến trước Đại hội XIII, Đảng và Nhà nước mới chính thức xác định và tập trung cao về xây dựng và hoàn thiện “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Từ Đại hội lần thứ VI (1986) đến nay, nhận thức của Đảng về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa liên tục được bổ sung và hoàn thiện. Tuy nhiên, cho đến trước Đại hội XI của Đảng (2011), việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế chủ yếu phát triển theo chiều rộng (dựa chủ yếu vào nguồn lực đất đai, tài nguyên, nguồn nhân lực trình độ thấp; công nghệ thấp…). Mặc dù vậy, sự phù hợp của trình độ thể chế kinh tế thị trường trong giai đoạn này đã tạo động lực rất quan trọng để đưa đất nước phát triển, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được quốc tế ghi nhận. Mặt khác, Đại hội XI của Đảng cũng đã chỉ rõ những hạn chế cơ bản của thể chế phát triển theo chiều rộng, làm cho động lực phát triển đất nước bị suy giảm đáng kể. Từ đó, Đại hội XI xác định yêu cầu tất yếu khách quan và cấp thiết của việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng - phát triển theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào nguồn lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Văn kiện đại hội XI của Đảng (2011) đã xác định “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính là một đột phá chiến lược. Đối với các lĩnh vực khác (như chính trị, văn hóa, xã hội…), vẫn được Đảng rất quan tâm lãnh đạo đổi mới, xây dựng và hoàn thiện khung khổ phát luật, cơ chế, chính sách phát triển[2].Tuy nhiên, về mặt nhận thức và quy định pháp lý, vẫn chưa xác định rõ, đầy đủ, đồng bộ nội dung và cơ chế về xây dựng thể chế phát triển đối với các lĩnh vực này (như đối với xây dựng thể chế kinh tế).

 

4. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Đại hội XII (2016) đã rút ra kết luận: Việc chuyển đổi thể chế kinh tế thị trường sang phát triển theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo còn nhiều bất cập, chưa có hiệu quả cao; đồng thời “đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế, năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ”. Điều này cho thấy yêu cầu lớn và cấp thiết đặt ra là phải xây dựng thể chế phát triển đồng bộ theo chiều sâu, đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh - bền vững.

 

 

5. Từ tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Đại hội XIII của Đảng (2021) đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm, trong đó bài học thứ tư nhấn mạnh phải “tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hoà giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hoá, xã hội; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế; thực sự coi trọng, phát huy hiệu quả vai trò động lực của con người, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước”. Đồng thời, Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra “Tầm nhìn và định hướng phát triển” đất nước trong giai đoạn mới, trong đó đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh đổi mới tư duy phát triển, đưa công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ lên một tầm cao mới, phát triển nhanh và bền vững, đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường, để thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Và Đại hội XIII chính thức xác định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ trung tâm trong sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong giai đoạn mới. Đột phá về xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ theo chiều sâu có tầm quan trọng trực tiếp tạo nên động lực đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh - bền vững.

 

6. Tại cuộc họp lần thứ nhất của Tiểu ban văn kiện Đại hội XIV (ngày 23 tháng 2 năm 2024), trên cơ sở chỉ rõ những yêu cầu, nhiệm vụ và trọng tâm trong xây dựng các dự thảo văn kiện, đặc biệt là Báo cáo chính trị, trình Đại hội XIV của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng đã chỉ rõ phải “hình thành đồng bộ thể chế phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa trên những trụ cột là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

 

Việc Đại hội XIII của Đảng xác định rõ tầm quan trọng và tính cấp thiết của nhiệm vụ “tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển”, và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ phải “hình thành đồng bộ thể chế phát triển nhanh và bền vững đất nước” trong giai đoạn mới, cho thấy, nhận thức lý luận - thực tiễn của Đảng về công cuộc đổi mới đã có bước phát triển rất quan trọng, trong đó có nhiệm vụ phải xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển nhanh - bền vững đất nước, đồng bộ về kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường sinh thái.

 

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 21/10/2024 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải tập trung xây dựng đồng bộ thể chế phát triển đất nước; trong đó chỉ rõ trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Điều đó cho thấy phải đẩy mạnh đổi mới, xây dựng, hoàn thiện, cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả thể chế phát triển nhanh - bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

 

II. Những vấn đề đặt ra về xây dựng và thực thi thể chế phát triển nhanh, bền vững

 

Để xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh - bền vững đất nước, cần tiếp tục làm rõ hơn cơ sở lý luận - thực tiễn, nội dung, cấu trúc, cơ chế vận hành của thể chế này.

 

1. Cần nhận thức rõ hơn yêu cầu, đặc trưng và cấu trúc của thể chế phát triển

(1). Hiện nay, trên thế giới, quan niệm chung cho rằng thể chế phát triển nhanh - bền vững của một đất nước phải đáp ứng các yêu cầu sau:  

 

- Đảm bảo sự tăng trưởng- phát triển với tốc độ tương đối cao, thể hiện cả ở tăng trưởng về số lượng, quy mô và sự tăng lên không ngừng về chất lượng, hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế.

 

- Sự tăng trưởng- phát triển với tốc độ tương đối cao được duy trì trong một thời gian tương đối dài[3].

 

- Sự tăng trưởng - phát triển đảm bảo sự đồng bộ giữa các lĩnh vực, không ngừng làm tăng nội lực và năng lực đọc lập tự chủ của quốc gia.

 

- Đảm bảo tính bền vững[4] trong quá trình phát triển cả về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái.

 

Để đạt được mục tiêu phát triển nhanh - bền vững, Thể chế phát triển cần được xây dựng phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển; các yêu cầu và mục tiêu phát triển nhanh - bền vững cũng phải được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn, từng bước tiếp cận với các giá trị chung của nhân loại.

 

(2). Những đặc trưng cơ bản của Thể chế phát triển nhanh - bền vững

 

Thể chế phát triển nhanh - bền vững, xét về bản chất phải là thể chếdung hợp[5], đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp giữa thể chế chính trị với thể chế kinh tế và thể chế xã hội để tạo động lực phát triển. Nhưng trình độ (mức độ) “dung hợp” của thể chế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Năng lực lãnh đạo của đảng cầm quyền gắn với năng lực quản lý của nhà nước, điều kiện cụ thể của một quốc gia, bối cảnh và quan hệ quốc tế…Từ thực tiễn phát triển của các nước, nhất là các nước có trình độ còn tương đối thấp nhưng đạt được sự phát triển nhanh, có thể khái quát các đặc trưng cơ bản của thể chế phát triển nhanh - bền vững như sau:

 

(i). Đó phải là một thể chế vượt trội, có khả năng đón nhận được các cơ hội, những xu hướng phát triển mới, thay đổi với tốc độ nhanh, mang tính đột phá, như cuộc CMCN 4.0; “hóa giải” được các thách thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động được tất cả các nguồn lực và sử dụng có hiệu quả để tạo nên động lực phát triển mạnh mẽ. Thể chế phát triển nhanh - bền vững phải đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp giữa thể chế chính trị, thể chế kinh tế, thể chế xã hội và thể chế môi trường sinh thái trong những điều kiện và trình độ phát triển cụ thể của đất nước. 

 

 (ii). Thể chế chính trị thể hiện tập trung ở Đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước pháp quyền, đưa ra định hướng đường lối, chiến lược, mục tiêu phát triển đúng đắn; Đề cao nguyên tắc pháp quyền với hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp; nền hành chính minh bạch, đơn giản, thúc đẩy phát triển nhanh - bề vững (khái niệm bền vững được hiểu theo quan niệm động). Quyền lực của nhà nước được sử dụng, kiểm soát hiệu lực, hiệu quả; thúc đẩy phát triển.

 

(iii). Thể chế lãnh đạo - quản lý - quản trị phát triển sáng suốt, năng động, hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ, sáng tạo; chỉ đạo triển khai tập trung, thống nhất; tập trung nguồn lực phát triển cho những lĩnh vực chủ lực, mũi nhọn. Có năng lực thích ứng cao.

 

(iv). Hệ thống tổ chức, bộ máy của nhà nước (hệ thống chính trị) tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trách nhiệm giải trình cao; đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, liêm chính, kỷ cương, dấn thân, sáng tạo.

 

(v). Đề cao vai trò chủ thể của nhân dân, các thành phần kinh tế, các tổ chức trong xã hội trong sự phát triển; coi trọng đổi mới, sáng tạo; phát huy cao nhân tố con người.

 

(vi). Phân phối thành quả và lợi ích phát triển hài hòa, tương đối công bằng giữa các tầng lớp, thành viên xã hội; quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, đối tượng yếu thế.

 

(vii). Quy tụ được nhân tâm của nhân dân, gắn kết được các lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, lợi ích dân tộc, tạo được niềm tin và ý chí chấn hưng quốc gia của dân tộc - đó là động lực cốt lõi của thể chế phát triển nhanh - bền vững.

 

(viii). Trong Thể chế phát triển có những chế định mang tính nguyên tắc chi phối chung, lâu dài; có những chế định mang tính thời đoạn, thích ứng với những điều kiện cụ thể, lĩnh vực cụ thể.

Những đặc trưng đó được thể hiện trong thể chế phát triển của mỗi quốc gia có khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện và trình độ phát triển cụ thể của mỗi nước.

 

(3). Vấn đề trung tâm của Thể chế - tạo động lực phát triển

 

Vấn đề trung tâm - cốt lõi của thể chế là phải tạo được động lực phát triển trong mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng, kết nối thành động lực phát triển của cả dân tộc. Xét một cách tổng quát, động lực đó phải được tạo lập đồng bộ cả về mặt lợi ích kinh tế, lợi ích tinh thần - giá trị xã hội, giá trị dân chủ và pháp quyền, giá trị đạo đức, của tất cả các chủ thể trong xã hội. Trong đó mỗi thể chế thành phần cần hướng tới tạo lập các giá trị đặc trưng cơ bản của mình, đồng thời tương tác với các thể chế khác để tạo động lực tổng hợp cho sự phát triển, cụ thể là:

 

- Thể chế chính trị cần xây dựng và thực thi các giá trị chủ yếu sau: giá trị quyền lực chính trị chân chính, thúc đẩy phát triển, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, chống tha hóa quyền lực, tham nhũng; giá trị pháp quyền và dân chủ; giá trị quyền con người và quyền công dân; giá trị lý tưởng, giá trị dân tộc - chấn hưng dân tộc.

 

- Thể chế kinh tế cần xây dựng và thực thi các giá trị chủ yếu sau: tôn trọng và bảo vệ quyền tài sản chính đáng; quyền tự do, tự chủ trong sản xuất kinh doanh theo pháp luật; đón nhận và phát triển các mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh mới, hiện đại trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; bảo vệ lợi ích kinh tế chính đáng gắn với trách nhiệm xã hội; tạo lập môi trường sản xuất kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh; xác lập và bảo vệ lợi ích liên kết, hợp tác, chia sẻ; thúc đẩy đổi mới - sáng tạo.

 

- Thể chế xã hội cần xây dựng và thực thi các giá trị chủ yếu sau: Phát triển các lĩnh vực xã hội, giá trị xã hội, phát triển các giá trị con người, giá trị công dân; đảm bảo công bằng và bình đẳng xã hội; cố kết cộng đồng và đồng thuận xã hội; trật tự và an toàn xã hội, không để xảy ra xung đột xã hội; chia sẻ hài hòa thành quả phát triển giữa các tầng lớp, chủ thể.

 

- Thể chế môi trường sinh thái tập trung xây dựng và hiện thực hóa các giá trị chủ yếu sau: tạo môi trường sống hài hòa giữa con người, xã hội với tự nhiên; bảo vệ môi trường sinh thái gắn với phát triển nền sản xuất xã hội và đời sống xã hội xanh; ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu…

 

- Thể chế hội nhập quốc tế tập trung xác định và thực thi những giá trị cốt lõi trong hội nhập quốc tế, cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, như: bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; giá trị hợp tác, liên kết, cộng đồng trách nhiệm, cùng có lợi; đấu tranh vì những giá trị chung của nhân loại…Đây là những giá trị ngày càng đóng vai trò rất quan trọng trong thể chế phát triển của một quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế.

 

Trong xây dựng thể chế phát triển, để tạo được động lực phát triển mạnh mẽ, cần lưu ý đặc biệt tới vai trò của thể chế, cơ chế liên kết giữa các chủ thể, các yếu tố (vật chất và phi vật chất) theo một cấu trúc, mô hình nào đó, nếu phù hợp với yêu cầu và điều kiện khách quan, quy luật khách quan sẽ tạo nên động lực lớn theo “cấp số nhân” thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển; còn nếu tạo sự liên kết - cấu trúc không phù hợp sẽ làm suy yếu, kiềm chế, triệt tiêu động lực phát triển. Điều này thường diễn ra khá phổ biến trong việc xây dựng luật pháp, cơ chế chính sách đối với những lĩnh vực, vấn đề liên ngành, liên chủ thể, liên cấp.

 

Trên đây chỉ nêu khái quát các giá trị chủ yếu của các thể chế thành phần cơ bản, mang tính bao trùm nhất; còn trong thực tế do nhu cầu cụ thể, có thể và cần thiết phải xây dựng và thực thi các thể chế trong từ lĩnh vực (như trong thể chế chính trị phải xây dựng thể chế về Đảng, về Nhà nước pháp quyền, về các tổ chức chính trị - xã hội, về quốc phòng, an ninh…; còn trong thể chế kinh tế thị trường, phải xây dựng thể chế kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, thể chế kinh tế và doanh nghiệp tư nhân, thể chế về đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp FDI…; trong thể chế xã hội, cần thiết phải xây dựng thể chế phát triển xã hội và quản lý xã hội, thể chế văn hóa, thế chế giáo dục - đào tạo, thể chế khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thể chế về chăm sóc sức khỏe xã hội…).

 

(4). Cấu trúc tổng thể của thể chế phát triển:

 

Hiện hay, cả về lý luận và thực tiễn, đã có sự thống nhất khá cao rằng: Thể chế phát triển là một cấu trúc xã hội đồng bộ bởi ba thành tố chính: i) - Các chủ thể tham gia (các tổ chức, đơn vị và các nhân; ii) - Khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách, quy định để các chủ thể hoạt động (gồm cả các quy định chính thức và phi chính thức); iii) - Nội dung và môi trường lĩnh vực mà các chủ thể hoạt động (các lĩnh vực). Trong ngôn ngữ truyền thông, người ta còn gọi 3 thành tố trên là “Người chơi”, “Luật chơi” và “Sân chơi”. Thể chế phù hợp đòi hỏi sự động bộ giữa ba thành tố trên bình diện chung, và phải cụ thể hóa phù hợp trong từng lĩnh vực. Trong thể chế phát triển đòi hỏi trước hết là tính khoa học, hợp lý và phù hợp với trình độ thực tế, điều kiện cụ thể của từng thành tố; đồng thời đảm bảo sự đồng bộ, hài hòa giữa ba thành tố trên. Các chủ thể tham gia (người chơi) bao gồm: các chủ thể xây dựng và quyết định khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách; các chủ thể thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách; các chủ thể giám sát, kiểm tra việc thực thi thể chế. “Luật chơi” cũng phải bao gồm: “Luật chơi” đối với những người xây dựng và ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách; “luật chơi” cho các đối tượng thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách; “luận chơi” đối với các chủ thể giám sát, kiểm tra việc thực thi thể chế. Cả các chủ thể tham gia và “luật chơi” phải phù hợp với bản chất, tính chất và trình độ phát triển của “sân chơi” (chung và trong từng lĩnh vực cụ thể).

 

Theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể chế phát triển nhanh - bền vững là một tổng thể hữu cơ các thể chế phát triển thành phần, gồm các thể chế chủ yếu sau: thể chế chính trị, thể chế kinh tế, thể chế xã hội, thể chế môi trường sinh thái, trong đó, thể chế chính trị giữ vai trò quyết định về định hướng phát triển của tất cả các thể chế thành phần (tùy theo yêu cầu có thể nêu chi tiết hơn về các lĩnh vực cụ thể). Trong số các chủ thể tham gia, chủ thể Nhà nước có vị trí đặc biệt về tư cách đa diện: Nhà nước đồng thời là người quyết định luật chơi, người tổ chức thực thi luật chơi, người kiểm soát quá trình thực thi luật chơi, đồng thời cũng là người chơi khi thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với các chủ thể khác và toàn xã hội trong thực thi thể chế. Tuy nhiên, trong chế độ xã hội phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các chủ thể khác trong xã hội không đơn thuần chỉ đóng vai trò thực thi “luật chơi”, mà đồng thời cũng là chủ nhân của xã hội, tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện “luật chơi”, giám sát việc thực thi “luật chơi”. Đương nhiên, trong thế giới hiện nay, ở hầu như tất cả các nước xây dựng thể chế dân chủ pháp quyền, còn có một “chủ thể đặc biệt” là các đảng cầm quyền (lãnh đạo Nhà nước), có vai trò định hướng chính trị đối với sự phát triển của tất các các lĩnh vực trong xã hội.

(Còn tiếp)

 PGS.TS Trần Quốc Toản

                                           Chuyên gia cao cấp

 



[1] Giải thưởng Nobel cho ngành Khoa học kinh tế (Nobel Kinh tế) năm 2024 được trao cho ba nhà kinh tế học là: Daron Acemoglu (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ), Simon Johnson (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ) và James Robinson (Đại học Chicago, Hoa Kỳ). Tên tuổi của AJR (Acemoglu, Johnson và Robinson) đã được biết đến rộng rãi trong khoảng hai thập kỷ qua, đặc biệt là với Acemoglu, về các công trình nghiên cứu liên quan đến thể chế phát triển.

[2]Như: đẩy mạnh đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trong đó gắn chặt chẽ chỉnh đốn xây dựng đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, với phát huy vai trò chủ thể của nhân dân; xác định rõ hơn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội được coi trọng. Con người được xác định vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển, vì thế con người là trung tâm của mọi chiến lược, mọi chính sách phát triển. Xác định phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội; coi trọng quản lý phát triển xã hội…

[3] Theo thực tiễn của những nước đã thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trong khoảng 70 năm qua, thì phải đảm bảo được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10%/năm trở lên liên tục trong khoảng 20 năm.

[4] Quan niệm về phát triển bền vững được Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc lấn thức 21 năm 2015 (tại New York) đưa ra theo phương châm “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng phát triển của các thế hệ tương lai”, với Chương trình nghị sự đến năm 2030, tập trung vào gắn kết và cân bằng ba vấn đề lớn của sự bền vững, đó là kinh tế, xã hội và môi trường, trong một khung hành động với 5 yếu tố “P” gồm: Con người (People), Hành tinh (Planet), Thịnh vượng (Prosperity), Hòa bình (Peace) và Đối tác (Partnership); được cụ thể hóa thành 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững.

Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/05/2017 vềKế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững, với mục tiêu tổng quát là“Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đối với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững”.Trong Kế hoạch nêu rõ 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 bao gồm 115 mục tiêu cụ thể, tương ứng với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

[5] Daron Acemoglu - Jemes Robinson, Why Nations fail, Crown Publishers, N.Y. 2012. 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết