Thứ Năm, ngày 01 tháng 05 năm 2025

50 năm thống nhất đất nước: Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!

Ngày phát hành: 30/04/2025 Lượt xem 239

 

Ngày 30/4/1975, non sông liền một dải, Bắc Nam sum họp một nhà. Ước nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc Việt Nam đã thành hiện thực sau bao năm trường kỳ kháng chiến gian khổ. Chiến thắng ấy không chỉ khép lại một thời kỳ đau thương mà còn mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Hôm nay, trong hành trình phát triển mới, đất nước tiếp tục vững bước đi lên bằng bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng hùng cường, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Dân tộc Việt Nam - với tất cả những bài học từ quá khứ, với tất cả sự đoàn kết hôm nay - nhất định sẽ viết tiếp những chương mới rực rỡ trong hành trình phát triển của mình”.(1)



 

Khúc tráng ca thống nhất: hoàn thành ước nguyện ngàn đời của dân tộc

 
Trong suốt chiều dài lịch sử, từ khi Vua Hùng dựng nước cho tới ngày nay, thống nhất đất nước luôn là khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam. Và Nhân dân Việt Nam đã làm mọi thứ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì khát vọng đó.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “Nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, vì nước ta là một khối, không ai chia cắt được”, “Nam Bắc là một nhà, là anh em ruột thịt, quyết không thể chia cắt được”, “Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất”, “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”...


Lời của Bác không chỉ là tuyên ngôn thiêng liêng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, mà còn là ngọn đuốc soi đường, là nguồn cảm hứng, truyền sức mạnh cho mọi thế hệ người Việt Nam trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ và khốc liệt.


Với quyết tâm sắt đá "Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ. cứu nước đầy gian khổ nhưng vô cùng anh dũng. Hàng triệu người con ưu tú đã hy sinh trên khắp chiến trường, từ núi rừng Trường Sơn hùng vĩ đến đồng bằng sông Cửu Long trù phú, từ lòng đất Củ Chi dày đặc địa đạo đến Thành cổ Quảng Trị đỏ lửa 81 ngày đêm.


Và Bộ đội Cụ Hồ - biểu tượng cao đẹp nhất của lòng quả cảm, của ý chí kiên cường, với sự đồng lòng của toàn thể Nhân dân, đã vượt qua muôn vàn gian khổ để viết nên bản anh hùng ca bất diệt cho dân tộc. Hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh; biết bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã ngã xuống trên dải đất hình chữ S của Tổ quốc... tất cả đều mang trong mình một niềm tin mãnh liệt: Dân tộc Việt Nam sẽ giành lại quyền làm chủ đất nước, Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà.


Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, lá cờ cách mạng kiêu hãnh tung bay trên nóc Dinh Độc lập. Cả nước vỡ òa trong niềm vui sướng tột bậc - niềm vui của gia đình đoàn tụ, của non sông nối liền một dải. Những giọt nước mắt hạnh phúc rơi trên khuôn mặt của những người mẹ chờ con, những người vợ ngóng chồng, những mái đầu bạc thầm thì lời cầu nguyện suốt những năm dài chiến tranh. Đó không chỉ là nước mắt của riêng từng gia đình, mà còn là nước mắt của một dân tộc đã kiên cường bước qua những đêm dài lịch sử để chạm tới ánh sáng của bình minh độc lập.


Trong bài viết mới đây có tiêu đề “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Chiến thắng ngày 30/4/1975 không chỉ có ý nghĩa kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài và khốc liệt nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam, mà còn là mốc son chói lọi trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đó là chiến thắng của niềm tin, của ước nguyện độc lập, tự do và thống nhất đất nước; chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; chiến thắng của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và của tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu, bất khuất ngàn đời của Nhân dân Việt Nam, của các lực lượng tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới”. (2)


Sau thống nhất, hành trình khôi phục lại đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thử thách: nền kinh tế kiệt quệ vì bom đạn chiến tranh; cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng; đời sống Nhân dân đói nghèo, lạc hậu; cùng với sự bao vây, cấm vận, sự chống phá của các thế lực thù địch. Ở miền Nam, hậu quả để lại của chế độ cũ cùng với sự chia rẽ tâm lý xã hội càng làm cho công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh thêm phần gian nan.


Tuy nhiên, với ý chí quật cường được hun đúc từ hàng nghìn năm lịch sử, với niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Việt Nam đã kiên trì vượt qua thử thách. Thống nhất đất nước không chỉ là thống nhất lãnh thổ, mà còn là thống nhất lòng người, thống nhất ý chí, thống nhất hành động để cùng nhau dựng xây cuộc sống mới. Và Đại hội VI của Đảng (1986), với quyết sách lịch sử về "đổi mới toàn diện đất nước" đã đưa Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới: đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và tiến lên mạnh mẽ, chủ động, sáng tạo, hội nhập sâu rộng với thế giới.

Từ mùa xuân đại thắng đến hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

 
Nửa thế kỷ sau mùa Xuân đại thắng, Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành quốc gia có nền kinh tế năng động, một hình mẫu thành công về phát triển và hội nhập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Việt Nam đã kiên trì, sáng tạo đưa đất nước vượt qua bao thách thức, giành được những thành tựu chưa từng có trong lịch sử.


Từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành một trong 32 nền kinh tế lớn nhất thế giới, quy mô kinh tế tăng gần 100 lần so với năm 1986; nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút vốn đầu tư nước ngoài; thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 100 USD lên 4.700 USD năm 2024; các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghệ cao, du lịch, giáo dục, y tế… đều đạt những bước tiến vượt bậc. Việt Nam hiện nằm trong nhóm những quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới về gạo, cà phê, thủy sản, dệt may, linh kiện điện tử... Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn 1,93% (theo chuẩn đa chiều) so với mức hơn 60% năm 1986.


Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 34 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế là quốc gia yêu chuộng hòa bình, tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng. Uy tín của Việt Nam được nâng cao qua việc tham gia nhiều tổ chức quốc tế, trúng cử vào nhiều vị trí quan trọng, như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc…


Những thành tựu đạt được trong 50 năm qua là sự tiếp nối sinh động, rực rỡ của tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự lực, tự cường; là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.


Tuy nhiên, đất nước cũng đứng trước nhiều thách thức mới: nguy cơ tụt hậu, nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình”, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, những biến động phức tạp của tình hình thế giới... Trong bối cảnh đó, việc giữ vững độc lập tự chủ, chủ động hội nhập sâu rộng, phát huy nội lực, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng vươn lên trong toàn xã hội trở thành nhiệm vụ sống còn.


Ý thức sâu sắc yêu cầu lịch sử đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang dốc sức nỗ lực, quyết tâm đổi mới mạnh mẽ hơn, sáng tạo không ngừng, đoàn kết và chung sức đồng lòng, với mục tiêu cao nhất là xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, thịnh vượng. Công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới không chỉ đòi hỏi khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường vốn đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, mà còn cần phát huy cao độ trí tuệ, bản lĩnh, sức sáng tạo của con người Việt Nam trong thời đại mới.


Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đó không chỉ là khát vọng chính đáng mà còn là lời hứa danh dự của thế hệ hôm nay đối với thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước.


Như vậy, trải qua 50 năm, nước Việt Nam đã “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Và khát vọng thống nhất đất nước đã chuyển thành khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.


Người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Tô đã khẳng định: “Chúng ta không thể viết lại lịch sử, nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai. Quá khứ là để ghi nhớ, để tri ân và để rút ra bài học. Tương lai là để cùng nhau xây dựng kiến tạo và phát triển. Đó là lời hứa danh dự của thế hệ hôm nay với những người đã ngã xuống, là tâm nguyện chung của một dân tộc từng trải qua nhiều đau thương nhưng chưa bao giờ khuất phục.


Cách đây 50 năm, dân tộc Việt Nam đã viết nên một bản anh hùng ca chói lọi bằng ý chí sắt đá và bản lĩnh kiên cường - đó là bản hòa ca của ý chí, quyết tâm, thống nhất và hòa bình. Nửa thế kỷ sau, chính dân tộc ấy đang tiếp tục viết nên một bản hùng ca mới - bản hòa ca của đổi mới, hội nhập, phát triển và ý chí vươn lên mạnh mẽ trong thế kỷ XXI”. (3)
Với bản lĩnh quật cường, với niềm tin son sắt vào Đảng và tương lai dân tộc, Việt Nam nhất định sẽ hiện thực hóa khát vọng hùng cường, đưa đất nước bước vào những mùa xuân mới, mùa xuân của phồn vinh, hạnh phúc./.

 

Theo TTXVN


(1), (2), (3) Trích bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” của Tổng Bí thư Tô Lâm

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết