Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Biến đổi văn hóa đô thị Việt Nam giai đoạn 1975-2025

Ngày phát hành: 01/08/2024 Lượt xem 573

 

Lịch sử dựng nước và giữ nước đã ghi dấu sự hình thành đô thị tại Việt Nam từ rất sớm. Sau khi giải phóng, thống nhất đất nước, đô thị ở Việt Nam vẫn phát triển chậm. Từ sau năm 1990, nhiều đô thị đã hình thành và nhanh chóng khẳng định vai trò to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Gắn với sự phát triển đô thị là sự hình thành và phát triển văn hóa đô thị. Văn hóa đô thị là các hoạt động sáng tạo của cư dân đô thị hình thành trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, con người với con người, con người với xã hội trong môi trường đô thị nhằm giúp con người phát triển cân bằng, toàn diện. Cùng với sự phát triển của xã hội, văn hóa đô thị ở Việt Nam đã có nhiều sự biến đổi trên các khía cạnh.

 

1. Biến đổi về tính chất, quy mô đô thị

 

Từ năm 1975 đến 1990, nước ta có một số đô thị phát triển như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Sài Gòn, Đà Nẵng... những đô thị này tương đối tách biệt khỏi nông thôn. Bên cạnh đó, nhiều đô thị hành chính trên khắp cả nước, một số đô thị mang sắc thái đồn trú hình thành dọc biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai. Giai đoạn này, đô thị Việt Nam vẫn phát triển chậm và không thuần nhất. Cho đến năm 1989, dân số ở đô thị đạt 19,79% dân số cả nước[1].

 

Từ sau năm 1990 đến năm 2000, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đẩy mạnh, phân công lao động giữa các ngành nghề, các lĩnh vực rõ nét hơn. Sự chuyên môn hóa trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ diễn ra theo chiều sâu. Vì vậy, đô thị đã có sự phát triển nhanh chóng. Nhiều đô thị lớn đã khẳng định được vị trí trung tâm, có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Giai đoạn này đã hình thành các chuỗi đô thị trung tâm cấp quốc gia (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Huế), vùng (Thái Nguyên, Việt Trì, Hoà Bình, Hạ Long, Nam Định, Vinh, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Vũng Tàu, Biên Hoà và Cần Thơ) và tỉnh. Các đô thị trung tâm cấp tỉnh là các thành phố, thị xã có chức năng là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hoá, đầu mối giao thông. Ngoài ra còn có các đô thị trung tâm cấp huyện. Giai đoạn 2000-2010, tốc độ đô thị hóa được đẩy nhanh hơn (2,8% hằng năm) khiến Việt Nam thuộc các nước có tỷ lệ đô thị hóa nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

 

Đến tháng 12/2016, cả nước đã có 795 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 35,2%, dân số đô thị tại Việt Nam là trên 32 triệu người, chiếm 35,2% dân số cả nước[2]. Đến hết tháng 9/2023, nước ta có tổng số 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV, 703 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt khoảng 42,6%[3]. Dự kiến đến năm 2025, nước ta sẽ có khoảng 1.000 đô thị và tỷ lệ đô thị hóa chiếm khoảng 50%.

 

Trong những năm qua, hệ thống đô thị ở Việt Nam đã không ngừng chuyển mình để đảm nhiệm ngày càng tốt hơn vai trò là trung tâm phát triển công nghiệp, chuyển giao công nghệ, thương mại, dịch vụ cũng như đảm nhiệm tốt hơn vai trò là trung tâm phát triển văn hoá, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, giữ vững an ninh - quốc phòng và đóng góp vào ngân sách quốc gia. Những năm gần đây, tỷ lệ trung bình tăng trưởng kinh tế hằng năm tại các đô thị là 12-15%/năm, gấp 1,2 đến 1,5 lần tỷ lệ trung bình của cả nước. Các ngành kinh tế ở đô thị như công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu GDP cả nước. Tổng thu ngân sách của khu vực đô thị chiếm khoảng 70% tổng thu ngân sách toàn quốc.

 

Hướng tới xây dựng và phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh phát triển bền vững, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả, giúp khai thác, phát huy được mọi tiềm năng và lợi thế sẵn có, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của đô thị. Ngoài ra, các đô thị cũng hướng tới phát triển con người, nâng cao chất lượng cuộc sống của thị dân. Đô thị thông minh cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả hơn vào quá trình nghiên cứu, đầu tư, quản lý phát triển đô thị. Mô hình đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng các dịch vụ đô thị cũng như nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế đô thị, đáp ứng được những yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

 

 

2. Biến đổi về cảnh quan văn hóa đô thị

 

Cảnh quan văn hóa đô thị Hà Nội được hình thành dựa trên môi trường tự nhiên, các yếu tố về địa hình địa mạo, sông hồ, thảm thực vật... Trong những năm 1975-2000, quan điểm tôn trọng nét đặc trưng của cảnh quan tự nhiên đã giúp cho cảnh quan nhân tạo và cảnh quan tự nhiên ở đô thị hài hòa với nhau. Núi, sông, hồ, cây xanh… được giữ gìn trong bố cục, công năng, hình thái của đô thị.

 

Trong thời gian gần đây, trên cơ sở cảnh quan văn hóa vốn có, các đô thị tiếp tục cải tạo và xây dựng cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại song hành với bảo tồn những giá trị cảnh quan mà lịch sử đã để lại. Đối với cảnh quan có giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, các đô thị vẫn trân trọng gìn giữ, bảo tồn và khai thác một cách có ý thức. Điều đó khiến cho cảnh quan văn hóa đô thị vừa giữ được nét xưa, vừa mang dáng vẻ của thời đại mới.

 

Trong quá trình phát triển, nhiều đô thị đã phát triển các khu đô thị mới, các khối nhà cao tầng hiện đại theo kiến trúc phương Tây. Không thể phủ nhận, sự phát triển mạnh mẽ các yếu tố mới này đã đáp ứng nhu cầu của cư dân, góp phần thúc đẩy đô thị tích cực chuyển mình hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế. Những khu đô thị mới cũng tạo nên diện mạo cảnh quan văn minh, hiện đại hơn cho đô thị Việt Nam.

 

Cùng với sự phát triển của khu đô thị mới, hệ thống giao thông đô thị cũng có nhiều thay đổi với hệ thống đường trên cao. Các con đường trong nội đô cũng không ngừng được mở rộng. Những tuyến đê trong nội đô đều được bê tông hóa, thu hẹp mặt bằng hoặc phá bỏ để giành chỗ cho đường giao thông. Nhiều tuyến phố, tuyến đường, cây cầu mới được xây dựng. Đã có những công trình giao thông trở thành biểu tượng mới của các đô thị như Cầu Nhật Tân, Đại lộ Thăng Long (Hà Nội), cầu Rồng (Đà Nẵng)…

 

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, cải tạo cảnh quan văn hóa, nhiều ao, hồ ở đô thị đã bị san lấp. Đơn cử như ở Hà Nội, năm 1994, Hà Nội còn hơn 40 hồ. Đến năm 2009, khu vực này còn chưa đến 30 hồ. Quá trình đô thị hóa nhanh và mạnh trong khoảng hai thập kỷ qua đã san lấp đến quá nửa diện tích mặt nước còn lại. Điều đó tác động không nhỏ đến môi trường, chất lượng sống của người dân đô thị Hà Nội. Không chỉ suy giảm nhanh về diện tích mặt nước, cây xanh ở khu vực đô thị cũng đang suy giảm. Cây xanh có vai trò quan trọng trong việc hình thành không gian có chất lượng môi trường tốt, tạo ra cảnh quan văn hóa cho đô thị. Tuy nhiên, để phục vụ xây dựng những công trình đô thị, nhiều khu vực cây xanh bị xóa sổ, người ta đã chặt hạ, di chuyển nhiều cây xanh, trong đó có những rặng cây hàng trăm năm tuổi, gây luyến tiếc trong lòng người dân đô thị. Nhiều khu đô thị mới đã và đang được xây dựng cũng chưa chú ý đúng mức đến diện tích vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh, công viên…

 

Hiện nay, tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh, công viên đạt rất thấp so với tiêu chuẩn quy định. Hơn nữa, cây xanh ở đô thị chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Tại Hà Nội, con số này chỉ dừng lại ở mức 11,7%, thành phố Hồ Chí Minh là 26,3% và phân bố không đồng đều. Rõ ràng, diện tích công viên, cây xanh ở đô thị không đạt quy chuẩn, chưa bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

 

 

2.3. Biến đổi về thiết chế văn hóa đô thị

 

Đô thị vốn là nơi sinh sống, quần tụ của người dân từ nhiều nơi. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, hệ thống thiết chế văn hóa đã hình thành. Hệ thống thiết chế văn hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân đô thị mà còn tạo nên điểm nhấn trong cảnh quan văn hóa đô thị.

 

Trong giai đoạn từ 1975-2000, hệ thống thiết chế văn hóa đô thị Việt Nam ngoài trường học, thư viện, nhà hát, bảo tàng... còn có thể kể đến đình, chùa, đền, phủ… Có thể nói, chùa và đình là thiết chế văn hóa truyền thống điển hình, giàu sức sống trong sinh hoạt văn hóa ở đô thị. Từ kiến trúc đến những triết lý tôn giáo, các hoạt động tại ngôi đình, chùa đều thể hiện triết lý nhân sinh, tinh thần khoan dung, hòa hợp trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân đô thị. Bên cạnh ngôi chùa, đình là một thiết chế văn hoá quan trọng của cộng đồng cư dân đô thị. Đình vừa thực hiện các chức năng tôn giáo - tín ngưỡng (thờ cúng), hành chính (nơi họp bàn việc của cả cộng đồng), sinh hoạt văn hóa (tổ chức diễn xướng, nghệ thuật, các trò chơi…). Do đó, đình và chùa rất gần gũi, gắn bó với đời sống sinh hoạt của cư dân. Ngoài hệ thống thiết chế văn hóa truyền thống, các thiết chế văn hóa mới thư viện, nhà hát, bảo tàng, rạp chiếu phim cũng hình thành khá đa dạng, đặc biệt là ở những đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng..

 

Từ năm 2000 đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa ở đô thị đã được chú trọng đầu tư nâng cấp, xây dựng và phát triển trên nhiều phương diện. Cơ sở vật chất ngày càng đầy đủ, đồng bộ. Việc xây dựng, hoàn thiện dần các thiết chế văn hóa góp phần quan trọng thúc đẩy các hoạt động văn hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa thể thao ở cơ sở.

 

Bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo các thiết chế văn hóa truyền thống, các thiết chế văn hóa chuyên ngành hiện đại như thư viện, bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, nhà thi đấu thể thao, sân vận động… ngày càng thể hiện nét đặc thù về chuyên môn, đáp ứng nhu cầu văn hóa của công chúng trên nhiều phương diện và tầng nấc khác nhau. Nhà văn hóa, trung tâm văn hóa – thể thao đã phát triển rộng khắp từ cấp tỉnh/thành đến tổ dân phố. Một số loại hình thiết chế văn hóa mới hình thành và ngày càng phát triển, trong đó phải kể đến công viên văn hóa, rạp phim hiện đại. Công viên văn hóa là một loại hình thiết chế văn hóa mở, phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Nó chiếm lĩnh không gian cả trong nhà lẫn ngoài trời. Đặc biệt, công viên văn hóa có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với các mô hình trang trí, điêu khắc, kiến trúc… đậm tính nghệ thuật, vừa thể hiện tính dân tộc vừa mang tính hiện đại. Loại hình thiết chế văn hóa này có khả năng đáp ứng nhiều nhu cầu văn hóa đa dạng cho các nhóm thị dân khác nhau.

 

Hệ thống rạp chiếu phim tại đô thị phát triển rất nhanh. Trong hơn 10 năm gần đây, các đô thị phát triển hệ thống rạp chiếu phim chất lượng cao, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống rạp chiếu phim này nhanh chóng giành được sự quan tâm của cư dân đô thị. Đến nay, những rạp chiếu phim này mở rộng trên khắp vùng đô thị như: Galaxy, Lotte Cinema, Platinum, BHD Star Cineplex, Megastar, CGV… Đặc biệt, một công ty khởi nghiệp của Việt Nam đã mở hệ thống Beta Cineplex hướng đến cung cấp chuỗi rạp chiếu phim giá rẻ. Ngoài những rạp chiếu phim trên, đô thị còn hình thành các rạp chiếu phim nhỏ, quy mô mỗi phòng chiếu chỉ từ 5-30 ghế. Có thể nói, các rạp chiếu phim ở đô thị rất đa dạng, lượng phim lớn, tốc độ cập nhật nhanh, chất lượng cùng dịch vụ không ngừng được cải thiện, đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp cư dân.

Hệ thống thư viện tại đô thị cũng phát triển nhanh chóng. Không dừng lại ở hệ thống thư viện do Nhà nước quản lý, ở đô thị luôn được bổ sung những yếu tố mới. Những thư viện, phòng đọc sách miễn phí, thư viện gồm toàn bộ tài liệu bằng tiếng nước ngoài rất thu hút giới trẻ. Ngoài ra, đô thị còn phát triển mạnh các phòng đọc sách gắn với các dịch vụ ăn nhẹ, uống nước. Đây cũng trở thành điểm sinh hoạt văn hóa được giới trẻ yêu thích. Họ đến đây không chỉ đọc tài liệu mà còn trau dồi ngoại ngữ, trao đổi thông tin, giải trí....

 

Có thể nói, hiện nay, hệ thống thiết chế văn hóa ở đô thị đã mở rộng điều kiện để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các giá trị văn hóa của Hà Nội và dân tộc được giữ gìn, phát huy trong đời sống hiện thực.

 

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hệ thống thiết chế văn hóa ở đô thị vẫn còn nhiều bất cập. Hệ thống thiết chế văn hoá mới đáp ứng một phần nhu cầu của người dân, hiệu quả sử dụng còn thấp. Các công trình văn hoá, công trình thể thao, khu vui chơi giải trí phù hợp với mức sống của đông đảo thị dân chưa nhiều. Do khó khăn về quỹ đất, nhiều nơi trong đô thị gặp khó khăn trong việc quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà văn hóa. Hiện nay, nhiều tổ dân phố đang phải sử dụng chung một nhà văn hóa. Nhiều nơi thiếu trang thiết bị, không đảm bảo điều kiện hoạt động. Ở một số nơi, hệ thống thiết chế văn hóa đang trong tình trạng thiếu đồng bộ, xuống cấp, hiệu quả sử dụng thấp. Nhiều nhà văn hóa được xây dựng nhưng nội dung hoạt động nghèo nàn, tần suất sử dụng rất ít, sử dụng sai mục đích, thậm chí còn bị bỏ hoang.

 

4. Biến đổi về lối sống, nếp sống văn hóa đô thị

 

Từ sau năm 1975, đô thị cả nước tiến hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa đô thị mới. Từ thời điểm này, đô thị không chỉ tăng về số lượng mà xu hướng liên kết giữa các đô thị để mở rộng phạm vi hoạt động, có điều kiện tiếp xúc với trình độ văn minh bên ngoài thuận lợi hơn.

 

Cư dân ở đô thị vẫn còn giữ nhiều tập quán, thói quen của văn hóa làng, xã. Lối sống, nếp sống đô thị vẫn mang tính cộng đồng làng xã, các thành viên trong cộng đồng, các gia đình đều quan tâm lẫn nhau, thường xuyên thăm hỏi, chuyện trò, mời nhau đồ ăn, thức uống, một nhà có việc lớn thường được cả khu phố giúp đỡ. Điều đó cho thấy tinh thần cộng đồng, lòng nhân ái, trọng đạo lý được phát huy. Bên cạnh đó, lối sống, nếp sống đô thị có tính bao dung, cởi mở, dễ tiếp biến, chuyển hóa tinh hoa văn hóa ngoại sinh. Cư dân đô thị về cơ bản đã khắc phục được tác phong sản xuất nhỏ, trì trệ, luộm thuộm, manh mún để hình thành nên tác phong công nghiệp, hiện đại, bước đầu xây dựng tư duy duy lý, ý thức công dân và thực hiện nếp sống văn hóa đô thị.

 

Từ năm 2000 đến nay, lối sống, nếp sống văn hóa đô thị có nhiều biến đổi. Lối sống, nếp sống trật tự, kỷ cương ngày càng được thể hiện rõ nét. Người dân bỏ dần những thói quen không còn phù hợp với điều kiện sống mới… Ngoài việc thực hiện các quy định của Nhà nước, chính quyền địa phương, các cộng đồng thị dân thường xây dựng các nội quy vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật của Nhà nước, vừa phù hợp với điều kiện, môi trường sống mới, vừa thể hiện nguyện vọng của cộng đồng được sống trong môi trường trong lành, an toàn.

 

Cùng với quá trình hình thành lối sống, nếp sống trật tự, kỷ cương, lối sống, nếp sống văn minh, hiện đại đã được khẳng định. Lối sống hiện đại không chỉ thể hiện ở việc sử dụng những thiết bị hiện đại mà còn được thể hiện ở phong cách sống của cư dân. Người dân sử dụng các dịch vụ xã hội trong nhiều hoạt động sống. Thậm chí, dịch vụ cũng đã được cư dân đô thị lựa chọn để tổ chức các sự kiện trọng đại trong đời người như việc cưới, việc tang, sinh nở… Có thể nói, việc sử dụng các dịch vụ xã hội ngày càng phổ biến trong cuộc sống của cư dân. Ngoài ra, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại cũng là một xu hướng ở đô thị. Người dân không chỉ sử dụng thành tựu của khoa học công nghệ trong công việc mà còn sử dụng trong đời sống hàng ngày. Họ áp dụng tri thức khoa học vào việc chăm sóc con cái, bố trí trang thiết bị trong nhà, sinh hoạt thường nhật để có sức khỏe tốt. Họ bố trí thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để có nhiều thời gian quan tâm chăm sóc con cái, tham gia các hoạt động xã hội. Do đó, người dân đô thị ngày càng chú trọng đến chất lượng các loại hình dịch vụ văn hóa, có điều kiện để chọn lựa các phương thức hưởng thụ giá trị văn hóa khác nhau.

 

Có thể thấy, lối sống, nếp sống mới đô thị đã được hình thành dựa trên cơ sở hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, mở rộng giao lưu văn hóa. Điều đó phù hợp với nhu cầu của người dân và xu hướng phát triển tất yếu của đô thị. Tuy nhiên, lối sống, nếp sống đô thị đang bị phân hóa. Đa số cư dân đô thị có lối sống lành mạnh, có điều kiện tiếp thu các ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, luôn cập nhật thông tin, có điều kiện nâng cao mức hưởng thụ các giá trị văn hóa. Một bộ phận khác, nhất là giới trẻ đang bị ảnh hưởng lối sống ngoại lai, chưa coi trọng các giá trị văn hóa dân tộc. Mặt khác, lối sống, nếp sống hiện nay cũng cho thấy nguy cơ đánh mất tính cộng đồng, thay vào đó là những quan hệ ẩn danh, là sự thờ ơ, lãnh đạm, vô cảm, thực dụng.

 

2.5. Những vấn đề đặt ra qua sự biến đổi văn hóa đô thị từ 1975 đến nay

 

Một là, văn hóa nông thôn thâm nhập ngày càng sâu vào văn hóa đô thị. Khi các đô thị ngày càng phát triển mở rộng, thì dân số càng tăng, dòng di dân từ nông thôn vào đô thị càng lớn. Cùng với quá trình đô thị hóa mạnh như hiện nay, văn hoá nông thôn càng có điều kiện để tồn tại và phát triển trong lòng xã hội đô thị. Càng ngày, chúng ta càng thấy những yếu tố văn hóa nông thôn hiển hiện ở khắp nơi trong đô thị, ảnh hưởng đến tư duy và hành động của thị dân, làm cho văn hóa đô thị khó định hình và phát triển toàn diện.

 

Thứ hai, sự mất cân bằng của văn hóa đô thị diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Sự phát triển kinh tế thị trường đã góp phần phân hóa cư dân đô thị ngày càng sâu sắc. Sự chênh lệch về mức sống sẽ dẫn tới sự chênh lệch về sáng tạo và định hình các yếu tố văn hóa đô thị. Ngoài ra, dòng di cư từ nông thôn ra đô thị ngày càng tăng tạo nên sức ép về mọi mặt (giao thông, y tế, giáo dục, nhà ở, môi trường, năng lượng...) đối với đô thị. Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của đô thị Việt Nam còn yếu, lạc hậu, thiếu đồng bộ, không đảm bảo các tiêu chuẩn đô thị hiện đại thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đây là yếu tố làm làm cho văn hóa đô thị chậm phát triển theo đúng định hướng và mục tiêu đã đặt ra. Và một nghịch lý đang diễn ra ở đô thị hiện nay là đô thị đang ngày càng mở rộng nhưng con người đô thị thì ngày càng thu nhỏ và khép kín lại.

 

Thứ ba, mâu thuẫn giữa sáng tạo, tiếp biến những giá trị mới với việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa, văn hóa truyền thống đô thị. Đô thị là nơi tiếp xúc, tiếp biến, tiếp nhận các giá trị văn hóa khu vực và nhân loại rất nhanh chóng. Con người đô thị luôn có tính năng động và sáng tạo. Do đó, văn hóa đô thị luôn được bổ sung các giá trị văn hóa mới, tiếp cận với giá trị văn hóa của nhân loại. Tuy nhiên, các giá trị văn hóa ở đô thị ngày càng có nguy cơ bị biến mất trong đời sống xã hội. Hệ thống di sản văn hóa đô thị hiện nay đang bị đe dọa. Trước sự tàn phá của thiên nhiên, thiên tai và nhận thức không đúng của con người, hệ thống di sản văn hóa vật thể ở các đô thị Việt Nam đã và đang bị xâm chiếm, biến dạng và mất mát. Mặt khác, quy luật vận động của văn hóa là biến đổi ở trung tâm và đóng băng ở vùng biên. Điều đó khiến cho vấn đề về giữ gìn đặc trưng văn hóa đô thị gặp nhiều khó khăn.

 

Thứ tư, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa đô thị chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu biểu hiện, thưởng thức văn hóa của thị dân. Ở nhiều đô thị, một số thiết chế văn hóa có nguy cơ trở thành “ký ức đô thị” của thị dân như bảo tàng, thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim... Ra đời từ thời Pháp thuộc, những thiết chế này đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhiều tầng lớp thị dân. Tuy nhiên, trước sự thay đổi nhanh của đô thị, mặc dù các thiết chế này đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn không theo kịp sự phát triển các loại hình thiết chế văn hóa hiện đại nên dần đi vào quên lãng. Trong khi đó, có những thiết chế văn hóa được xây dựng quy mô và đầu tư cơ sở vật chất hiện đại nhưng khai thác chưa hiệu quả. Vì vậy, hệ thống thiết chế văn hóa tại đô thị vẫn chưa phát huy hiệu quả trong phát triển văn hóa đô thị.

 

Nhìn chung, từ năm 1975 đến nay, những thay đổi về kinh tế - xã hội đã tác động mạnh mẽ đến sự biến đổi của văn hóa đô thị nước ta. Càng ngày, văn hóa đô thị càng định hình và khẳng định đặc trưng riêng so với văn hóa nông thôn. Tuy nhiên, những biến đổi văn hóa đô thị hiện nay cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu và cần tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước và chính quyền đô thị.

 

TS. Bùi Thị Kim Chi

Viện Văn hóa và Phát triển



[1] Trần Minh Tơn: Đô thị hóa và xây dựng văn hóa đô thị Việt Nam hiện đại, Tạp chí Cộng sản, tháng 4 năm 2008.

[2] Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016, tr.3.

[3] Trần Quốc Thái: Phát triển đô thị Việt Nam: thành tựu, thách thức và định hướng giai đoạn tới, https://baoxaydung.com.vn/phat-trien-do-thi-viet-nam-thanh-tuu-thach-thuc-va-dinh-huong-giai-doan-toi-364151.html, đăng ngày 08/11/2023

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết