Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Định hướng phát triển kinh tế nhanh và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Ngày phát hành: 18/02/2024 Lượt xem 989


 

1. Khái quát chung về phát triển kinh tế nhanh và bền vững ở Việt Nam

 

Cùng với xu thế phát triển kinh tế nhanh nhân loại ngày càng phải đối diện với đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề xã hội, môi trường vô cùng bức xúc nảy sinh, nhất là từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, từ đó đã hình thành nhận thức chung của nhân loại về yêu cầu phát triển bền vững nói chung và phát triển bền vững về kinh tế nói riêng. Nắm bắt xu hướng đó cùng với thực hiện mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội với tư cách là xã hội vì con người, hướng tới xã hội mà trong đó, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[1] Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm nhận thức về yêu cầu phát triển bền vững, đưa thành chủ trương lớn và nỗ lực lãnh đạo tổ chức thực hiện, đặc biệt trong quá trình đổi mới.

 

Để đẩy nhanh phát triển kinh tế ngay từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, số 07-NQ/HNTW, ngày 30 tháng 7 năm 1994, phát triển công nghiệp, công nghệ đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn mới,  Đảng ta đã chủ trương thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) với tư cách là “ quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao”[2], đồng thời nhấn mạnh quan điểm “Tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hoá, giáo dục, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”[3].

 

Quan điểm phát triển nhanh và bền vững nói chung và phát triển kinh tế nhanh và . bền vững nói riêng không ngừng được bổ sung, phát triển, cụ thể hóa qua các kỳ Đại hội Đảng, thể chế hóa bằng hệ thóng pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật và triển khai thực hiện rộng rãi. Ngay từ năm 2004, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg về việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam)[4], trong đó xác định phát triển bền vững là con đường tất yếu của Việt Nam, đề ra mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc chính, các hoạt động ưu tiên, trong đó có lĩnh vực kinh tế với các nhiệm vụ Duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; Thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường; Thực hiện quá trình "công nghiệp hóa sạch"; Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; Phát triển bền vững các vùng và địa phương.

 

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh chủ trương phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011- 2020[5]; Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững giai đoạn 2013- 2015[6]; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững[7]; Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030[8], v.v.

 

Triển khai thực hiện quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong thực tiễn đã mang lại nhiều kết quả tích cực: tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong nhiều năm, bình quân hàng năm giai đoạn 1991-2000 đạt 7,56%, giai đoạn 2001-2010 đạt 7,26% và giai đoạn 2011-2020 đạt 5,9%. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, Việt Nam đã bước vào nhóm các nước có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thế giới. GDP bình quân đầu người đã tăng từ hơn 790 USD (năm 2006) lên 1.684 USD (năm 2010), 3.586 (năm 2020) và 4.163 USD (năm 2021). Không chỉ số lượng, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Công tác xóa đói giảm nghèo, dân số, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân, giáo dục - đào tạo và tạo việc làm cho người lao động đều đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Nhiều nội dung về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và bảo tồn đa dạng sinh học đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc lồng ghép các vấn đề về môi trường từ giai đoạn lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và giai đoạn chuẩn bị đầu tư các dự án đã góp phần hạn chế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

 Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2030 đánh giá đến năm 2021 nhưng thành tựu phát triển kinh tế nói chung và theo hướng nhanh, bền vững nói riêng: “Thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện; tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn. Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Chính trị, xã hội ổn định, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được quan tâm và có sự chuyển biến tích cực; tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh; tiếp tục tận dụng cơ hội cơ cấu dân số vàng; thành quả xây dựng nông thôn mới được củng cố, đời sống mọi mặt của người dân không ngừng được cải thiện. Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường là sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới”[9].

 

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nửa nhiệm kỳ đầu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Đến nay, dịch Covid 19 và các loại dịch bệnh khác đã cơ bản được kiểm soát; đời sống xã hội và các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại tương đối bình thường. Trong bối cảnh tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, có nhiều rủi ro, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng khá. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định: Việt Nam là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu”[10]

Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nhanh và bền vững vẫn còn nhiều hạn chế. Nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chất lượng tăng trưởng không cao; trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao; khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế với những tác động bên ngoài còn yếu… đòi hỏi phải tiếp tục có những định hướng, giải pháp hiệu quả thời gian tới

 

2. Một số định hướng phát triển kinh tế nhanh và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

 

Trên cơ sở đánh giá tình hình xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc nhiệm kỳ 2016-2020, nhìn lại 35 năm đổi mới với dự báo về bối cảnh mới, Đại hội XIII của Đảng quán triệt quan điểm: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước…Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”[11], đưa ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”[12].

 

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2030 tiếp tục khẳng định quan điểm: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số”[13].

 

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ bẩy (Hội nghị giữa nhiệm kỳ) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ: “Một là, về phát triển kinh tế: Cần tiếp tục quán triệt thật sâu sắc, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước về phát triển nhanh và bền vững. Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài, của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,... gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

 

Hai là, về phát triển văn hoá, xã hội: Cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội, hài hoà và ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá nông thôn, đô thị, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hoá, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hoá tốt đẹp. Xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội”[14]. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội 9 tháng đầu năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ những nhiệm vụ cần tập trung trong năm 2024 và thời gian tới: “Tập trung ưu tiên thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”[15]. Từ những kết quả đạt được và những quan điểm có tính chỉ đạo nêu trên có thể đề xuất mội số định hướng phát triển kinh tế nhanh và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như sau:

 

Thứ nhất, Phát triển kinh tế nhanh và bền vững giai đoạn tới phải dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là quan điểm phát triển đầu tiên được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030. Để có thể đạt được khát vọng trở thành nền kinh tế đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao năm 2045, Việt Nam cần những động lực mới cho tăng trưởng và khoa học – công nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số sẽ là những nền tảng cơ bản để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và nâng cao thu nhập.

 

Thứ hai, Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, bao gồm cả nội lực và ngoại lực. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cũng như việc tạo ra và duy trì được cao nhất, liên tục động lực để phát triển là những vấn đề then chốt trong các chính sách phát triển kinh tế nhanh và bền vững của mọi quốc gia, mọi thời đại. Các nguồn lực thường hữu hạn và trong tình trạng khan hiếm. Trong bối cảnh mới với những xu hướng phát triển chủ yếu toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước là vấn đề quan trọng để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế.

 

Thứ ba, Phát triển nhanh và bền vững phải hướng đến con người, vì con người.Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển, xác định một trong những mối quan hệ lớn cần tiếp tục quán triệt và xử lý tốt là quan hệ giữa “tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”.

 

Thứ tư, Phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế phải được thấm nhuần sâu sắc trong mọi lĩnh vực đổi mới, phải được quán triệt một cách nhất quán và xuyên suốt toàn bộ tư duy chính sách phát triển kinh tế Việt Nam đến năm
2030, tầm nhìn 2045.

PGS.TS Đoàn Xuân Thủy,

Thư ký KH HĐLLTW

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. ĐCSVN: Văn kiện Đảng TT, Nxb CTQGST, H., 2007, t.53
  2. C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb CTQGST, H., 1995, t.4
  3. ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H., 2021, tập 1
  4. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quyet-dinh-153-2004-QD-TTg-Dinh-huong-chien-luoc-phat-trien-ben-vung-Viet-Nam-Chuong-trinh-nghi-su-21-Viet-Nam-52318.aspx
  5. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Quyet-dinh-432-QD-TTg-phe-duyet-Chien-luoc-Phat-trien-ben-vung-Viet-Nam-138132.aspx
  6. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Quyet-dinh-160-QD-TTg-nam-2013-phe-duyet-Ke-hoach-hanh-dong-quoc-gia-164739.aspx
  7. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Quyet-dinh-622-QD-TTg-2017-Ke-hoach-hanh-dong-quoc-gia-thuc-hien-Chuong-trinh-nghi-su-2030-348831.aspx
  8. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Quyet-dinh-681-QD-TTg-2019-Lo-trinh-thuc-hien-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-Viet-Nam-den-nam-2030-415793.aspx; https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quyet-dinh-841-QD-TTg-2023-Lo-trinh-thuc-hien-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-Viet-Nam-den-2030-572610.aspx
  9. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xiii/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-be-mac-hoi-nghi-lan-thu-tam-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-3982
  10. Nguyễn Phú Trọng, Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nxb CTQGST, H., 2023
  11. Nguyễn Phú Trọng, Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nxb CTQGST, H., 2023


[1] C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb CTQGST, H., 1995, t.4, tr.628

[2] ĐCSVN: Văn kiện Đảng TT, Nxb CTQGST, H., 2007, t.53, tr.554

[3] ĐCSVN: Văn kiện Đảng TT, Nxb CTQGST, H., 2007, t.53, tr.559

[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quyet-dinh-153-2004-QD-TTg-Dinh-huong-chien-luoc-phat-trien-ben-vung-Viet-Nam-Chuong-trinh-nghi-su-21-Viet-Nam-52318.aspx

[5] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Quyet-dinh-432-QD-TTg-phe-duyet-Chien-luoc-Phat-trien-ben-vung-Viet-Nam-138132.aspx

[6] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Quyet-dinh-160-QD-TTg-nam-2013-phe-duyet-Ke-hoach-hanh-dong-quoc-gia-164739.aspx

[7] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Quyet-dinh-622-QD-TTg-2017-Ke-hoach-hanh-dong-quoc-gia-thuc-hien-Chuong-trinh-nghi-su-2030-348831.aspx

[8] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Quyet-dinh-681-QD-TTg-2019-Lo-trinh-thuc-hien-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-Viet-Nam-den-nam-2030-415793.aspx; https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quyet-dinh-841-QD-TTg-2023-Lo-trinh-thuc-hien-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-Viet-Nam-den-2030-572610.aspx

[9] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H., 2021, tập 1, tr.209-210

[10] Nguyễn Phú Trọng, Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nxb CTQGST, H., 2023, tr.125

[11] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H., 2021, tập 1, tr.110

[12] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H., 2021, tập 1, tr.114.

[13] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H., 2021, tập 1, tr.214-215

[14] Nguyễn Phú Trọng, Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nxb CTQGST, H., 2023, tr.139-140

[15] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xiii/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-be-mac-hoi-nghi-lan-thu-tam-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-3982

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết