Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Đổi mới tư duy phát triển để tạo bước bứt phá của đất nước trong giai đoạn mới

Ngày phát hành: 01/02/2021 Lượt xem 5693

               

 

Mọi công cuộc đổi mới đều bắt đầu từ đổi mới tư duy. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng năm 1986 cũng bắt đầu từ phải đổi mới tư duy. Bối cảnh đất nước rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế - xã hội lúc đó đặt ra tình huống “đổi mới hay là chết”; Đảng ta với bản lĩnh và quyết tâm chính trị rất cao, chỉ rõ phải “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, và rút ra phải mở đầu công cuộc đổi mới bằng “đổi mới tư duy”, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế. Trọng tâm của đổi mới tư duy lúc đó là phải thoát ra khỏi thể chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp; từng bước tiếp cận và đi vào kinh tế thị trường; tìm cách thoát khỏi bao vây, cấm vận, thực hiện mở cửa và hội nhập quốc tế. Tư duy đổi mới đó là nền tảng lý luận để xây dựng đường lối, chủ trương, chiến lược và cơ chế, chính sách phát triển đúng đắn, tạo nên động lực phát triển mạnh mẽ, đưa đất nước ta đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử qua 35 năm đổi mới.

Tuy nhiên, bối cảnh phát triển của đất nước hiện nay đã thay đổi một cách căn bản so với năm 1986; tình huống đặt ra không còn là “đổi mới hay là chết”. Mặc dù đất nước đã thoát khỏi nước kém phát triển, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp), thể và lực của đất nước đã được nâng lên đáng kể; tuy vậy tình thế của đất nước hiện nay đang đứng trước một sự lựa chọn không kém phần “khắc nghiệt” và đầy cam go khác, đó là liệu có đủ sáng suốt và bản lĩnh để vượt qua tư duy thành tích, tự hài lòng và “yên tâm” với những kết quả đã đạt được, vượt qua “bệnh kiêu ngạo cộng sản” (Lênin), để đưa đất nước vượt lên “thành quốc gia hùng cường, phồn vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu; hay để bị tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình”. Đó là xuất phát điểm tư duy bao trùm chi phối toàn bộ quá trình đổi mới và phát triển đất nước trong thập kỷ 2021-2030.

Câu hỏi bao trùm đặt ra là : Liệu có thể tạo được động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới - phát triển theo chiều sâu, trên nền tảng của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chỉ với chủ yếu bằng thể chế, cơ chế, và những giải pháp vẫn trong khuôn khổ của nhận thức lý luận và phương thức phát triển như trong hơn 30 năm qua không ? Đất nước vẫn sẽ tiếp tục phát triển theo những quan điểm và giải pháp định hướng chiến lược đã được định hình trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, hay đang đứng trước “một bước ngặt phát triển” cần có những cơ sở tư duy, lý luận phát triển mới ?

Hiện nay, bối cảnh trong nước đã có nhiều thay đổi, tiền đề và điều kiện phát triển đã khác; bối cảnh quốc tế cũng không còn như khi tồn tại “hai phe, bốn mâu thuẫn”, cũng không còn cơ bản như trong hơn 30 năm đã qua, nhất là trong 5 năm trở lại đây.  Lợi ích quốc gia - dân tộc đã trở thành động lực chủ đạo chi phối quan hệ quốc tế; quá trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa, tùy thuộc lẫn nhau, hợp tác với nhau song hành với cạnh tranh - đấu tranh với nhau, hình thành các liên kết mới, các khối mới, các cực tăng trưởng - ảnh hưởng mới …trong tương quan - quan hệ rất phức tạp giữa các nước (cả về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, xã hội…), nhất là giữa các nước lớn và các nước mới trỗi dậy. Chiến lược “xoay trục” của Mỹ, chiến lược hướng Đông của Nga, Chiến lược hướng đông của Ấn Độ… Trung Quốc thay đổi từ chiến lược “dấu mình chờ thời” sang chiến lược “trỗi dậy hòa bình” đến “giấc mơ Trung hoa”, từ “đứng dậy” đến “giàu lên” và nay là “mạnh lên”, với tham vọng vươn lên đóng vai trò chủ đạo ngày càng tăng trong việc kiến tạo các trật tự thế giới và quốc tế hóa theo kiểu “vành đai - con dường” của Trung Quốc, thể hiện qua cách đối sử với các nước lớn (quan hệ giữa các nước lớn kiểu Trung Quốc), các nước trong khu vực và các nước chậm phát triển trên các châu lục. Đồng thời đang có sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ, chống lại quá trình toàn cầu hoá, đòi cải tổ lại WTO và trật tự thương mại thế giới như kiểu của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump; rồi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang có những tác động sâu rộng trên toàn cầu. Cộng đồng EU cũng đang đứng trước thách thức mới về sự phát triển. Ngay trong cộng đồng ASEAN cũng đang đứng trước những thách thức mới trong sự phát triển và thực hiện vai trò trung tâm của mình (như mức độ đồng thuận trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN, trong giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc…). Đại dịch cúm Covid - 19 đang lan tỏa với tốc độ siêu tốc tới khoảng hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; gây ra chết chóc và “tàn phá” trong chốc lát biết bao nhiêu thành quả được tích lỹ qua nhiều thập kỷ của nhân loại. Nhưng nó cũng đang làm bộ lộ những yếu kém, bất cập về nhận thức và cấu trúc về thể chế phát triển kém bền vững của các quốc gia và các thể chế, thiết chế toàn cầu, khu vực; cho thấy rõ hơn mối quan hệ của các giá trị con người - giá trị công dân, giá trị cộng đồng, giá trị xã hội, giá trị quốc gia - dân tộc, giá trị chung của nhân loại và trách nhiệm xã hội; có những giá trị chung của nhân loại đã vượt qua sự khác biệt về chính thể chính trị - xã hội, về ý thức hệ, về tôn giáo; cho thấy rõ hơn sự “tùy thuộc lẫn nhau” giữa các quốc gia (dù là trình độ cao hay trình độ thấp) trong sự phát triển; cho thấy rõ hơn mối quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội - con người - tự nhiên trong sự phát triển, mà trước đây thường bị che lấp đi. Nhìn tổng thể, bản chất - cấu trúc - logic - trật tự phát triển của thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, đặt ra những vấn đề rất mới trong quan hệ quốc tế và khu vực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng... Điều đó đặt ra yêu cầu phải có những nhận thức mới trong tư duy phát triển; nhận thức rõ hơn bản chất của những cơ hội cùng các thách thức, khó khăn, bất cập trong nhận thức và các giải pháp ứng phó đối với tình hình thế giới và khu vực hiện nay về phát triển bền vững, trên bình diện toàn cầu cũng như trong từng nước.  

Trong bối cảnh chung đó, sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại trên thế giới đang tiếp tục tăng tốc mạnh mẽ gắn liền với sự phát triển của khoa học - công nghệ, của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cho thấy thế giới đang bước vào thời kỳ thay đổi toàn cầu sâu sắc dưới tác động của rất nhiều yếu tố, cùng với sự thay đổi địa - kinh tế, địa - chính trị. Nhiều chuyên gia và chính trị gia cho là thể giới đang bước vào giai đoạn đầu của “Toàn cầu hóa 4.0”. Sự chuyển động của thế giới kèm theo một loạt thay đổi cả về chính trị, kinh tế, xã hội diễn ra đồng thời được cho là sẽ định hình lại toàn cầu hóa: cân bằng quyền lực toàn cầu chuyển từ đơn cực sang đa cực; cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn liền với đổi mới sáng tạo mang lại các công nghệ nền tảng như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT)... với tốc độ và quy mô chưa từng có trong lịch sử; các thách thức sinh thái, trong đó có biến đổi khí hậu, đe dọa sự phát triển kinh tế xã hội…Sự phát triển của công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học, không chỉ thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế, mà nó còn tác động sâu sắc đến những biến đổi vấn đề xã hội và con người, đến việc biến đổi và hình thành các giá trị xã hội - giá trị con người (cả về phương diện tích cực và tiêu cực), mà hiện nay chưa ai có thể hình dung hết được.

Các thay đổi quan trọng đó thúc đẩy phát triển các hình thái mới quá trình xã hội hóa, quốc tế hóa lực lượng sản xuất, quốc tế hóa quan hệ sản xuất (trong đó có các quan hệ sở hữu, làm thay đổi bản chất và cấu trúc quan hệ sở hữu) không chỉ trong từng nước mà trên bình diện toàn cầu. Đó là cơ sở hình thành những mô hình, những “kiểu quan hệ sản xuất mới” không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ “biên giới cứng” của một quốc gia, và đã trở thành các kiểu quan hệ sản xuất quốc tế vượt qua khỏi biên giới cứng của từng nước, mà Nhà nước trong từng nước, kể các các nước phát triến nhất (với thể chế xác định riêng) không thể một mình “điều tiết” có hiệu quả các quan hệ sản xuất quốc tế này, đòi hỏi phải hình thành các chế định, các thể chế quốc tế để điều tiết trên cơ sở hình thành và bảo vệ các giá trị chung giữa các nước, trong khi vẫn tôn trọng các giá trị riêng của từng nước ở mức độ chấp nhận được. Sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của đại dịch Covid - 19 và ứng phó của từng nước vừa qua đã cho thấy rõ điều này. Việc thích ứng có hiệu quả với các quá trình này, đòi hỏi phải đổi mới tư duy đạt tới tầm toàn cầu, đây là thách thức rất lớn đối với các nước còn ở trình độ phát triển thấp khi tham gia sâu rộng vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Kể từ khi tham gia vào WTO năm 2007, cho đến nay, Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và định chế khu vực, trong đó có những FTA thế hệ mới (như Hiệp đinh CPTPP, Hiệp định Việt Nam - Liên minh Châu Âu EU - VFTA, Hiệp định RCEP) với những chuẩn mực và tiêu chuẩn rất cao cả về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, quan hệ lao động, xã hội...Điều đó đòi hỏi phải “định vị” rõ hơn vị thế của Việt nam trong sự vận động các mối quan hệ của Việt nam với các nước lớn và giữa các nước lớn, quan hệ của Việt nam với các nước ASEAN và các nước trong khu vực, các nước bạn truyền thống và các nước mới nổi khác; đòi hỏi phải có những nhận thức và tư duy mới về thế giới hiện nay và con đường Việt Nam phát triển - hội nhập với thể giới. Trên cơ sở nhất quán đường lối phát triển và ngoại giao độc lập - tự chủ, “Việt nam làm bạn với tất cả các nước” trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và cùng có lợi, “không liên minh quân sự với nước khác, không cho nước khác đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt nam, không liên kết với nước khác để chống nước thứ ba, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam không cần xây dựng quan hệ quốc tế trên cơ sở “lòng tin chiến lược” để có những người bạn thân - bạn chí cốt với quan hệ bình đẳng - cùng có lợi, sẵn sàng có thể hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, đó là một đạo lý rất bình thường ở trên đời và trong quan hệ quốc tế. Tư duy hội nhập quốc tế không còn chỉ là sự lựa chọn đơn thuần “cái gì có lợi thì tham gia, cái gì không có lợi thì không tham gia”, mà còn là sự tùy thuộc lẫn nhau, cùng chia sẻ về lợi ích, trách nhiệm, vừa hợp tác vừa đấu tranh, thậm chí có cả sự “đánh đổi” - dung hòa lợi ích giữa các bên, trên cơ sở giữ vững các vấn đề cốt lõi có tính nguyên tắc .

Xem xét khái quát tổng thể bối cảnh trong nước và quốc tế có thể nhận thấy rằng hiện nay nước ta đang ở một thời điểm có tính bước ngoặt trong sự phát triển, nếu không vượt lên sẽ bị tụt hậu xa hơn. Để tạo được động lực phát triển mạnh và bền vững đòi hỏi phải có sự thay đổi về chất trong thể chế phát triển đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực. Điều này đặt ra phải có sự đổi mới tư duy mang tính đột phá để nhận thức cho đúng thực trạng và bối cảnh phát triển, trên cơ sở đó định ra được đường lối, định hướng chiến lược, sách lược phù hợp và hiệu quả. Bởi vì nhiều nhận thức, cách tiếp cận hiện nay đã không còn đáp ứng yêu cầu phát triển; không thể “tịnh tiến” một cách cơ học các nhận thức này lên làm cơ sở lý luận cho giai đoạn phát triển mới. Để có nhận thức mới - phù hợp làm cơ sở lý luận cho giai đoạn phát triển mới, con đường duy nhất là phải có bước đột phá về đổi mới tư duy. Vì vậy, đổi mới tư duy phát triển mang tính đột phá (hay gọi là Tư duy đột phá) có thể được coi là khâu (hay nhiệm vụ) đột phá hàng đầu - đột phá của các đột phá, có tính mở đường cho quá trình đổi mới mang tính bước ngoặt trong giai đoạn mới. 

Nhìn lại lịch sử, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được Đại hội VI của Đảng đề ra năm 1986 cũng là hệ quả trực tiếp của đổi mới tư duy mang tính đột phá, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng đất nước, bối cảnh quốc tế, xu thế phát triển khách quan của đất nước trong thời điểm bước ngoặt đó. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử và trình độ phát triển, tư duy đổi mới mang tính đột phá trong gần 30 năm qua trọng tâm chủ yếu là đổi mới về kinh tế, thể chế kinh tế với nội dung chủ yếu là: chuyển từ thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang thể chế kinh tế thị trường; chuyển từ chế độ sở hữu với cấu trúc sở hữu quốc doanh và tập thể chiếm tỷ trọng tuyệt đối sang nền kinh tế đa sở hữu với nhiều thành phần kinh tế cùng phát triển. Nhưng sự tăng trưởng và phát triển trong hơn 30 năm qua lại chủ yếu nằm trong dòng tư duy và mô hình phát triển theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào thâm dụng tài nguyên, đất đai, vốn và trình độ lao động thấp, giá rẻ. Tư duy và mô hình phát triển đó là phù hợp với giai đoạn phát triển ở trình độ thấp, đã phát huy tác dụng chủ đạo trong gần 30 năm qua; nay đã bộc lộ những “mặt trái” cơ bản của nó, làm suy giảm mạnh động lực và hiệu quả tăng trưởng, phát triển; và không thể là cơ sở nền móng cho sự phát triển nhanh - bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Bước sang giai đoạn phát triển mới với trọng tâm là chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu; phát triển nhanh - bền vững đồng bộ cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường sinh thái trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới như đã nêu trên, đòi hỏi phải xây dựng một hệ sinh thái tư duy mới, mang tính đột phá. Vậy tư duy đột phá trong giai đoạn phát triển mới sẽ phải bao hàm những nội dung gì? Xin nêu lên khái quát định hướng tiếp cận những nội dung chủ yếu sau:

 

 

1 - Đổi mới tư duy về cách tiếp cận và tiêu chí đánh giá thực trạng trình độ phát triển và mục tiêu phát triển của Việt Nam theo tinh thần khách quan, khoa học, “nhìn thẳng vào sự thật”

Qua 35 năm đổi mới, đất nước ta đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, và đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Nhưng giờ đây, đứng trước giai đoạn phát triển mới, cần nhìn rõ Việt Nam đang ở vị thế như thế nào trong tương quan phát triển với các nước khu vực và thế giới (?). Ở đây, không thể chỉ đánh giá thực trạng trình độ phát triển của nước ta so với các giai đoạn đã qua (đương nhiên là thấy có nhiều thành tựu); mà còn phải đánh giá sâu hơn hiệu quả của sự tăng trưởng và phát triển trong tất cả các lĩnh vực, so với nguồn lực bỏ ra và so với tiềm năng thực tế; còn phải đánh giá khách quan hơn sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trong tương quan với sự phát triển của khu vực và thế giới. Cần đánh giá đúng những thành tựu to lớn, rất đáng tự hào đã đạt được; song lại càng cần nhìn sâu vào bản chất và thực trạng của những yếu kém, hạn chế, bất cập, những thách thức đang đặt ra, cả về phương diện khách quan và chủ quan. Cần phải thấy rõ rằng, tiềm lực mọi mặt của đất nước dù đã tăng lên đáng kể nhưng xét về giá trị tuyệt đối còn rất khiêm tốn, về nhiều chỉ số tăng trưởng và phát triến còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Nguy cơ tụt hậu vẫn hiện hiện hữu, thể hiện trên một số mặt chủ yếu sau[1] :

- Về GDP bình quân đầu người, theo Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn 1990 đến 2017, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đều tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực (theo cả về số tuyệt đối danh nghĩa và số so sánh tương đương)[2]. GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo giá hiện hành năm 2017 đạt 2.389 USD, gấp trên 24 lần năm 1990 (98 USD), nhưng chỉ tương đương mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1990 (2.441 USD); của Thái Lan năm 1993 (2.208 USD); của Indonesia năm 2008 (2.300 USD). Như vậy, Việt Nam đi sau sau Malaysia 27 năm; Thái Lan 23 năm; sau Indonesia và Philippines 9-10 năm… Rõ rằng khả năng đuổi kịp các nước trong khu vực về thu nhập bình quân đầu người là một thách thức lớn. Nếu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt bình quân 7%/năm trong 15 năm liên tục thì đến năm 2035 GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ bằng 98% của Malaysia hiện nay, trong khi các nước không “đứng chờ” Việt Nam. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000 USD (năm 2017 là khoảng 8.300 USD, năm 2018 là 8.400 USD), hơn gấp đôi, và khoảng cách này vẫn tăng qua các năm.

- Về chất lượng tăng trưởng và hiệu quả kinh tế : Mặc dù kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng khá cao, nhưng chất lượng tăng trưởng còn thấp và thiếu bền vững, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Theo Tổng cục Thống kê, chi phí đầu vào cho sản xuất của Việt Nam có xu hướng tăng dần qua các năm. Tỷ lệ chi phí trung gian[3] so với giá trị sản xuất của toàn bộ nền kinh tế năm 2000 là 56,5%, năm 2017 ước tính là 68%. Nguyên nhân chủ yếu do khu vực công nghiệp hiện nay vẫn chủ yếu là gia công chế biến với tỷ lệ chi phí trung gian cao, giá trị tăng thêm thấp. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất của Việt Nam luôn ở mức trên 70%, năm 2000 là 71,5%, năm 2017 ước tính là 79,4%. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức 56,11% của In-đô-nê-xi-a năm 2008. Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất năm 2000 là 33,3% nhưng đến năm 2017 ước tính là 55,1%; trong khi tỷ lệ này năm 2008 ở Thái Lan là 35,1%; In-đô-nê-xi-a là 28,3% và Ma-lai-xi-a là 32,4% (năm 2006).

Tiêu hao năng lượng cho sản xuất[4] vẫn ở mức cao: Mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất của Việt Nam có xu hướng tăng dần. Năm 2000, để sản xuất ra 1 đồng GDP cần 0,1 đồng năng lượng, đến năm 2017 cần 0,26 đồng. Như vậy, để sản xuất ra 1 đồng GDP thì mức tiêu hao năng lượng năm 2017 đã gấp tới 2,6 lần năm 2000, điều này cho thấy hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam đang giảm dần. Theo số liệu của Ngân hàng phát triển Châu Á về mức tiêu hao năng lượng, Việt Nam là nước có hiệu suất sử dụng năng lượng tương đối thấp trong khu vực[5]. Bình quân giai đoạn 2005-2014, Việt Nam sử dụng 1 đơn vị năng lượng tạo ra khoảng 7,0 đồng GDP, thấp hơn Xin-ga-po 2 lần; Phi-li-pin 1,79 lần; Ma-lai-xi-a 1,13 lần và Thái Lan 1,09 lần.

- Về năng suất lao động: Năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm[6], là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Tính chung giai đoạn 10 năm 2008-2017, NSLĐ theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm. Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực: Tính theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức năng suất lao động của Xin-ga-po; 18,4% của Ma-lai-xi-a; 36,2% của Thái Lan; 43% của In-đô-nê-xi-a và bằng 55% của Phi-li-pin. Đáng chú ý là chênh lệch về mức NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng[7]. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước.

- Hiệu quả đầu tư: Trong nhiều năm qua, nền kinh tế nước ta vận hành theo mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố vốn. Giai đoạn 2001-2010, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển bằng 41,6% GDP, đến giai đoạn 2011-2017, mặc dù tỷ lệ này giảm xuống còn 32,1% nhưng vẫn là mức cao so với nhiều nước trong khu vực. Việc sử dụng vốn hiện nay còn lãng phí, thất thoát nên hiệu quả đầu tư thấp, thể hiện qua hệ số ICOR[8]. Theo Tổng cục Thống kê, hệ số ICOR của Việt Nam đã tăng từ 4,04 những năm 2001-2005 lên 6,08 những năm 2006-2010 và 6,25 những năm 2011-2015, nói một cách khác để tạo ra 1 đồng GDP trong những năm vừa qua đã phải đầu tư 6,25 đồng. So với các nước trong khu vực, đây là hệ số ICOR cao (trong giai đoạn 2011-2015, hệ số ICOR của Phi-li-pin là 3,98; Ma-lai-xi-a là -5,05). Hiệu quả đầu tư là một trong những nhân tố hàng đầu đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển nhanh - bền vững đất nước, phản ánh chất lượng và hiệu quả tăng trưởng - phát triển. Nếu đầu tư lớn (nhất là đầu tư công) và ngày càng tăng mà hiệu quả đầu tư thấp sẽ dần làm mất động lực tăng trưởng trong dài hạn. Đây đang là vấn đề hệ trọng đặt ra đối với Việt Nam. Theo một số chuyên gia[9], nếu năm 2007 bỏ ra 100 đồng đầu tư thì có 93 đồng tạo ra tích lũy (tài sản cố định và thay tồn kho), thì đến năm 2019, bỏ ra 100 đồng đầu tư chỉ tạo ra 79 đồng tích lũy. Như vậy, khoản tiền bỏ ra đầu tư đã không quay lại đi vào tích lũy mà chạy đi đâu đó (?); tỷ lệ vốn đầu tư “chạy đi đâu đó” lên tới hơn 20% (21đ/100đ). Với tỷ lệ “hao hụt” như vậy, theo một tính toán[10], năm 2019 tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 2.047.776 tỷ đồng, thì số tiền đầu tư “chạy đi đâu đó” lên đến hơn 430.000 tỷ đồng (tương đương 18,5 tỷ USD). Một con số rất đáng lo ngại. Những đồng vốn đầu tư “chạy đi đâu đó” có thể nằm ở ba dạng chủ yếu sau : các dự án đầu tư kém hoặc không hiệu quả (ví như 12 đại dự án của Bộ Công thương…); quy hoạch đầu tư phát triển chất lượng kém, dẫn đến nguồn lực đầu tư bị lãng phí; và tham nhũng trong đầu tư phát triển.

Hiệu quả đầu tư còn được thể hiện qua chỉ số lan tỏa kinh tế[11], trong giai đoạn 2011-2017, vốn đầu tư vào khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 5%-6% tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế nhưng khu vực này tạo ra 15%-19% GDP của cả nước; trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tuy tạo ra 32%-33% GDP nhưng vốn đầu tư của khu vực này chiếm tới 43% - 48% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước; khu vực dịch vụ tạo ra 37% - 41% GDP nhưng vốn đầu tư chiếm tới 47%-51%. Điều này cho thấy, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đầu tư ít nhưng mang lại hiệu quả cao nhất, trong khi khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ tuy có đóng góp lớn đối với tăng trưởng kinh tế nhưng lượng vốn đầu tư vào hai khu vực này ở mức rất cao.

- Về cơ cấu kinh tế: Theo Tổng cục Thống kê, cơ cấu kinh tế của Việt Nam tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP đã giảm từ 19,57% năm 2011 xuống 15,34% năm 2017; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 32,24% lên 33,40%; khu vực dịch vụ tăng từ 36,73% lên 41,26%. Sự chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế những năm qua diễn ra đúng hướng, nhưng so với các nước trong khu vực, quá trình chuyển dịch còn chậm và khoảng cách khá xa so với yêu cầu của một nước công nghiệp: năm 2017 tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP của Việt Nam là 15,34%; trong khi tỷ trọng khu vực này trong GDP của Thái Lan năm 2017 là 8,7%; Ma-lai-xi-a 8,8%; Phi-li-pin 9,7%; In-đô-nê-xi-a 13,1%. Như vậy, với tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế như hiện nay, phải mất khoảng 10 năm nữa thì Việt Nam mới giảm được tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bằng với Thái Lan giai đoạn hiện nay.

Rõ ràng, việc đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, thúc đẩy mạnh phát triển lực lượng kinh tế dân tộc, giảm sự phụ thuộc quấ lớn vào doanh nghiệp FDI; đẩy mạnh nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực canh tranh, phải trở thành một dòng tư duy chủ đạo, đột phá trong chiến lược đầu tư và hoàn thiện thể chế đầu tư phát triển trong giai đoạn mới.

 

 

2 - Đổi mới tư duy về nhìn nhận thế giới hiện nay

Hiện nay, xu thế phát triển, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự đấu tranh và tùy thuộc lẫn nhau rất phức tạp và đa diện - đa tầng trong quan hệ quốc tế cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, văn hóa, khoa học - công nghệ…Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự cạnh tranh về thương mại, về đầu tư, về địa chính trị, địa quân sự, người ta đang nói tới “Địa công nghệ đối đầu với Địa chính trị” (Geotechnology meets Geopolitics)[12]. Đây là cuộc chạy đua - cạnh tranh nhằm chiếm vai trò chủ đạo về trí tuệ nhân tạo, chủ quyền về kinh tế số, đang tiềm tàng định hình cán cân quyền lực toàn cầu trong tương lai không xa. Người chiến thắng sẽ có khả năng đặt nền móng cho cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo và kỷ nguyên kinh tế số, xã hội số, chính phủ số sẽ đóng vai trò quyết định cấu trúc lại an ninh và địa vị chi phối toàn cầu. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiềm ẩn sâu bên trong chính là cuộc chiến tranh về sở hữu trí tuệ, nhân tố cốt lõi của các cuộc cách mạng công nghệ. Việt Nam cần nhận thức sâu toàn bộ các quá trình phát triển của thế giới hiện đại, nhận thức rõ mối quan hệ giữa các tính phổ quát của nhân loại và các đặc trưng dân tộc Việt Nam trong quá trình phát triển, “định vị” Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế và khu vực, trên cơ sở của tư duy đổi mới mang tính đột phá đó để xây dựng Chiến lược phát triển đất nước và các đối sách quan hệ - hội nhập quốc tế phù hợp, không để rơi vào tình thế bị động chiến lược, lệ thuộc hay “đơn thương độc mã, một mình một chợ, không bạn thân” trong điều kiện quốc tế mới…Cần nhận thức rõ rẳng, qua 35 năm đổi mới , tiềm lực mọi mặt của nước ta đã được nâng lên đáng kể, tuy nhiên xét về nhiều mặt vẫn còn rất khiên tốn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhưng nhờ đường lối phát triển và chính sách đối ngoại đúng đắn, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới đang ở tầm cao được quốc tế nghi nhận. Đây là một nhân tố rất quan trọng để thực hiện chủ có hiệu quả nhất trương “kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại”. Vấn đề đặt ra là phải hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển và đổi ngoại - hội nhập quốc tế để có thể “chuyển hóa” có hiệu quả thế (vị thế) đó thành lực để phát triển nhanh - bền vững đất nước. Như vậy phải từ tư duy tầm toàn cầu, tầm nhân loại về sự phát triển để “định vị” Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế và khu vực, trên cơ sở đó mà xác định định hướng chiến lược và thể chế phát triển đất nước, chứ không phải là chỉ lấy những giá trị riêng biệt của Việt Nam làm cơ sở tư duy về định hướng chiến lược phát triển và thể chế phát triển. Ví dụ, nếu tư duy rằng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam chứa đựng những giá trị về cơ bản khác biệt với thể chế kinh tế thị trường hiện đại của thế giới thì không thể bao giờ hội nhập quốc tế có hiệu quả được. Cần nhận thức rõ rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không thể nằm ngoài “dòng chảy” của nhân loại. Nhưng không phải là bị động xuôi theo dòng chảy của nhân loại, mà phải chủ động kiến tạo và phát triển những giá trị đặc trưng của Việt Nam có thể kết nối với những giá trị tốt đẹp chung của nhân loại trong quá trình phát triển.

Với sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thức tư, cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn; đặc biệt là sự tác động của đại dịch Covid - 19, cho thấy cấu trúc và thể chế kinh tế toàn cầu đang có bước thay đổi mạnh mẽ, chứa đụng cả những cơ hội lớn và những thách thức không nhỏ đổi với tất cả các nước, đặc biệt là các nước nhỏ, trình độ phát triển còn tương đối thấp. Nổi lên hàng đầu là vấn đề chất lượng và hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế; năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở các phân khúc giá trị gia tăng cao; xây dựng cơ cấu nền kinh tế dân tộc với lực lượng doanh nghiệp nội địa mạnh để nâng cao tính tự chủ và “khả năng chống chịu” trước những biến động lớn của thế giới. Đây đang là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Vấn đề đặt ra là phải đổi mới mạnh mẽ tư duy về hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới, nhằm xây dựng được định hướng chiến lược, cơ chế, chính sách mang tính vượt trội, nâng cao năng lực và trình độ hội nhập, để có thể đón nhận, tận dụng có hiệu quả cao các cơ hội phát triển, đồng thời có thể “hóa giải”, hạn chế các tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.

 

3 - Đổi mới tư duy về thể chế phát triển đất nước:

Cho đến trước Đại hội XIII của Đảng, trong các văn kiện chính thức mới nói về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chưa đề cập đến thể chế phát triển tổng thể đất nước. Yêu cầu khách quan của việc bảo đảm sự đồng bộ trong sự phát triển giữa đổi mới chính trị với đổi mới kinh tế và xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; giữa xây dựng nhà nước pháp quyền với xây dựng xã hội công dân, tự chủ, tự quản của cộng đồng dân cư, phát triển nền dân chủ và phát triển kinh tế thị trường trong quá trình phát triển định hướng XHCN. Thực tiễn đòi hỏi phải xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển đất nước đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường sinh thái. Bối cảnh quốc tế cũng như yêu cầu phát triển nhanh - bền vững của đất nước trong giai đoạn mới, đòi hỏi phải đổi mới tư duy về “sự đồng bộ” trong mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới chính trị với đổi mới kinh tế và đổi mới xã hội trong giai đoạn mới. Khác với những giai đoạn trước đổi mới kinh tế đi trước, rồi đổi mới chính trị tiếp theo phải phù hợp, đồng bộ với đổi mới kinh tế. Hiện nay do yêu cầu khách quan của sự phát triển đất nước trong một thế giới phát triển rất nhanh, mang tính đột phá và đầy biến động, đổi mới thể chế chính trị về một số phương diện đòi hỏi phải có “tính vượt trước”, đảm bảo tính định hướng - dẫn đường, thể hiện ở nắm bắt xu thể phát triển mọi mặt của thế giới, nhu cầu phát triển khách quan của đất nước, để định ra đường lối, chiến lược, mục tiêu, mô hình phát triển (chính trị - kinh tế - xã hội) có luận cứ khoa học - thực tiễn đúng đắn, đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh - bền vững, không bị tụt hậu. Như vậy cả về phương diện tư duy cũng như thực tiễn xây dựng thể chế, sự đồng bộ - phù hợp trong thể chế phát triển cần hướng tới mối quan hệ biện chứng như sau: Thể chế chính trị đóng vai trò định hướng “vượt trước” - Thể chế kinh tế đóng vai trò trung tâm - Thể chế xã hội đóng vai trò điều tiết hài hòa xã hội, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Thể chế phát triền nhanh - bền vững phải đặt phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo vào động lực then chốt, nhất là quá trình chuyển đổi số trong phát triển nền kinh tế số, xã hội số và Nhà nước số; phát triển bền vững đồng bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường sinh thái phải trở thành một giá trị cốt lõi trong tư duy phát triển ở mọi cấp, mọi chủ thể.

 

4 - Xây dựng tư duy phát triển theo chiều sâu đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…để làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện mô hình - thể chế phát triển đất nước theo chiều sâu, bền vững. Tư duy này khác về bản chất so với tư duy phát triển theo chiều rộng. Tư duy phát triển theo chiều sâu đặt trên nền tảng cốt lõi là phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy cao vai trò chủ thể của nhấn tố con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong tất cả các lĩnh vực và cấp độ. Tuy nhiên, về phương diện tư duy cũng như thực tiễn phát triển cần thấy rõ Việt Nam hiện nay, về nhiều mặt, vẫn đang trong quá trình quá độ - chuyển hóa: từ nền sản hàng hóa xuất nhỏ, manh mún (thậm chí có những nơi còn mang tính tự cung, tự cấp) sang nền sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại; từ thể chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang thể chế kinh tế thị trường; từ thể chế kinh tế thị trường còn ở trình độ thấp sang thể chế kinh tế thị trường trình độ cao hơn (từng bước hiện đại); từ nền kinh tế khép kín sang nền kinh tế mở cửa, hội nhập (tuy hiện nay độ mở của nền kinh tế rất rộng, nhưng trình độ hội nhập còn thấp, tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu còn rất hạn chế). Các quá trình này là khách quan, nó tạo ra sự khác biệt về trình độ phát triển khá lớn giữa các vùng, miền, lĩnh vực. Do đó, sự đổi mới tư duy phát triển theo chiều sâu dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo phải bám chắc tính hiện thực, không thể duy ý chí, không thể dựa vào tư duy lý luận xa rời thực tiễn, không thể áp dụng máy móc các kinh nghiệm quốc tế, xây dựng các thể chế “rất khoa học, rất hiện đại, rất đồng bộ” nhưng không hiện thực (ví dụ như đòi hỏi xây dựng thể chế thị trường đất đai hiện đại tại các tỉnh miền núi phía bắc hiện nay…). Mặt khác, lại phải đẩy nhanh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường tiên tiến, hiện đại tiếp cận với những chuẩn mực quốc tế đối với những lĩnh vực, sản phẩm hàng hóa đã và đang hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, kết nối có hiệu quả cao với nền kinh tế thế giới.

Tư duy phát triển theo chiều sâu, đòi hỏi phải nhận thức rõ thực trạng và trình độ phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của đất nước hiện nay. Phải thừa nhận rằng, dù đã có những bước tiến quan trọng, những đột phá rất đáng trân trọng trong những năm qua, nhưng trình độ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của nước ta về cơ bản vẫn chưa thoát khỏi “vùng trũng” của khu vực, chưa trở thành động lực then chốt, chủ đạo cho sự phát triển của đất nước. Điều này được thể hiện rõ ở sự tác động còn hạn chế của khoa học - công nghệ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể trên một số mặt sau:

Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP - trong đó chứa đựng vai trò chủ đạo của khoa học - công nghệ): thực tế trong nhiều năm qua tăng trưởng kinh tế của nước ta vẫn chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động. Tỷ lệ đóng góp của TFP cho tăng trưởng GDP của Việt Nam còn ở mức thấp, giai đoạn 2001-2010 chỉ đạt 4,3%[13]. Trong giai đoạn 2011-2015, đóng góp của TFP được nâng lên, nhưng vẫn ở mức thấp là 33,58% (trong khi đóng góp của vốn và lao động là 66,42%), thấp hơn tỷ lệ đóng góp TFP của Thái Lan giai đoạn này là 59% và Phi-li-pin là 46%. Tỷ lệ đóng góp của TFP trong tăng trưởng GDP cho thấy trình độ phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, tổ chức và quản lý sản xuất kinh doanh của Việt Nam còn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của nền sản xuất hiện đại.

Về năng lực đổi mới sáng tạo trong mấy năm gần đây có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn thấp. Theo công bố xếp hạng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (đánh giá về trình độ công nghệ của 126 quốc gia và vùng lãnh thổ) năm 2018, Việt Nam xếp thứ 45 thế giới, sau Xin-ga-po (xếp thứ 5 trong nhóm dẫn đầu), Ma-lai-xi-a (35) và Thái Lan (44). Tính sẵn có về công nghệ mới của Việt Nam đã tăng từ vị trí 133/142 trong năm 2011-2012 lên vị trí 112/144 năm 2017-2018 nhưng thấp hơn rất nhiều so với Ma-lai-xi-a (vị trí 35), Thái Lan (56), In-đô-nê-xi-a (67), Phi-li-pin (73) và thấp hơn cả Cam-pu-chia (93).

Khả năng tiếp nhận công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tụt dốc, từ xếp hạng 88 năm 2011-2012 xuống vị trí 93 trong năm 2017-2018, là quốc gia được xếp hạng có vị trí thấp nhất trong khu vực ASEAN, trong đó Ma-lai-xi-a xếp thứ 17, Phi-li-pin 51, In-đô-nê-xi-a 39, Thái Lan 42 và Cam-pu-chia 90.

Về hiệu quả và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI, năm 2017-2018 Việt Nam xếp thứ 89, giảm 27 bậc so với năm 2011-2012, trong khi Xin-ga-po xếp thứ 2, Ma-lai-xi-a 13, Thái Lan 40, In-đô-nê-xi-a 44, Cam-pu-chia 54, Hàn Quốc 55, Phi-li-pin 63. Về hiệu quả đổi mới, năm 2017-2018 Việt Nam xếp thứ 79 (tụt 21 bậc so với hạng 58 của năm 2011-2012), thấp hơn Ma-lai-xi-a (xếp thứ 14), Xin-ga-po (20), In-đô-nê-xi-a (31), Phi-li-pin (45), Thái Lan (69), chỉ cao hơn Cam-pu-chia (107).

Cần nhận thức rõ những mặt bất cập trên là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu còn nhiều khó khăn, bất cập, nguy cơ tụt hậu trên nhiều mặt về kinh tế vẫn còn hiện hữu. Điều đó đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh đổi mới tư duy, nhận thức về mô hình tăng trưởng - phát triển theo chiều sâu, gắn với hoàn thiện thể chế để xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tăng tốc, tạo động lực phát triển đất nước nhanh - bền vững trong giai đoạn mới.

Tư duy phát triển theo chiều sâu không thể chỉ về kinh tế, khoa học - công nghệ, mà còn gắn liền với năng cao năng lực và vai trò chủ thể của nhân tố con người trong phát triển xã hội; xây dựng các thể chế, thiết chế để hình thành và phát triển các giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội đáp ứng với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới; xây dựng và hoàn thiện các thể chế và thiết chế phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội để phát triển và kết nối đồng bộ các giá trị dân chủ - kỷ cương - trách nhiệm xã hội của tất cả các chủ thể, phát huy được cao nhất sức sáng tạo và sức mạnh của cả dân tộc. Đương nhiên, điều này gắn liền với việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền; nâng cao năng lực kiến tạo phát triển của Nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 còn đang tác động sâu rộng trên toàn thế giới, Việt Nam vẫn còn phải thực hiện chặt chẽ, kiên quyết các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, kịp thời dập tắt nếu dịch bùng phát trở lại và lây lan; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định xã hội; điều chỉnh cơ cấu kinh tế và hoàn thiện thể chế để thích ứng với trạng thái “bình thường mới” và đang thay đổi trên thế giới; bảo đảm sự phát triển ổn định và tăng tốc trong những năm tới.

 

5 - Đổi mới tư duy về vị trí, vai trò, nội dung, phương thức, cơ chế lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước

Trong thế giới phát triển nhanh, đột biến và đầy biến động hiện nay cho thấy, vai trò của đảng cầm quyền và vai trò của Nhà nước pháp quyền đóng vai trò quyết định ngày càng tăng đối với sự phát triển của một quốc gia, đắc biệt là trong việc định ra được đường lối, chiến lược phát triển đúng đắn và xây dựng được thể chế phát triển phù hợp, hiệu quả. Chính điều đó đặt ra, trong thể chế dân chủ, một đảng chính trị chỉ có thể trở thành đảng cầm quyền khi đưa ra được một cương lĩnh tranh cử thể hiện được xu thế và mục tiêu phát triển phản ảnh được ý chí, nguyện vọng và lợi ích của đa số nhân dân; đưa những đại biểu ưu tú của đảng, có tín nhiệm trong nhân dân tham gia tranh cử vào các cơ quan lập pháp và hành pháp. Khi được đa số nhân dân tín nhiệm trao cho sứ mạng “cầm quyền”, đảng cầm quyền (hay liên minh các đảng cấm quyền) thông qua nhà nước pháp quyền để cụ thể hóa, thể chế hóa cương lĩnh tranh cử thành cơ chế, chính sách phát triển đất nước. Nghĩa là đảng cầm quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội chủ yếu bằng con đường pháp quyền. Khi đa số nhân dân thấy rằng đảng cầm quyền không thực hiện được “lời hứa”, không đáp ứng được niềm tin, sự kỳ vọng về lợi ích của họ và sự phát triển của đất nước, họ sẽ “tước” vị thế cầm quyền của đảng thông qua lá phiếu bầu cử. Bài học có tính phổ quát là : Đảng phải có đường lối và chiến lược phát triển đất nước đúng đắn, phản ánh được lợi ích và mong muốn của đa số nhân dân, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; phải có được đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người đưa ra tranh cử vào các cơ quan nhà nước, thực sự là những gương mặt tiêu biểu, giành được sự tín nhiệm của nhân dân; Đảng phải sử dụng phù hợp và hiệu quả phương thức lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng con đường pháp quyền.

Đối với nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo - cầm quyền duy nhất. Trong 35 năm qua, Đảng đã khởi xướng và lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, Đảng ta cũng đã nhận ra những hạn chế, bất cập, thậm chí khuyết điểm cần phải khắc phục. Đặc biệt, bước sang giai đoạn mới, với những thay đổi lớn và nhanh cả trong nước và quốc tế, đặt ra yêu cầu khách quan đổi mới tư duy về vị trí, vai trò, nội dung, phương thức, cơ chế lãnh đạo và trách nhiệm xã hội (trách nhiệm đổi với nhân dân, đối với dân tộc và đất nước) của Đảng duy nhất cầm quyền và của Nhà nước, nhất là trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Việc nâng cao vai trò tiền phong, định hướng, dẫn đường sự phát triển nhanh - bền vững đất nước của Đảng được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Sứ mệnh lịch sử của Đảng trong giai đoạn mới không chỉ ở mức lãnh đạo đất nước phát triển “ngày hôm sau sẽ tốt hơn ngày hôm nay”, mà phải khơi dậy sức mạnh của toàn dân tộc, đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh - bền vững, để “bước lên đài quang vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu” (như Bác Hồ đã nói). Muốn vậy, phải thể chế hóa đồng bộ, để Đảng thực hiện tốt nhất vai trò, sứ mệnh đối với đất nước, dân tộc, nhân dân được nêu trong Cương Lĩnh và được hiến định trong Điều 4 của Hiến pháp 2013 là: Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc…, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Phải đẩy mạnh đổi mới tư duy và hoàn thiện các phương thức lãnh đạo của Đảng được nêu trong Cương lĩnh, trong đó đặc biệt chủ trong hoàn thiện phương thức lãnh đạo bằng con đường dân chủ pháp quyền - thông qua nhà nước pháp quyền (đây là vấn đề đang còn nhiều bất cập cả về nhận thức lý luận và thực tiễn). Đồng, thời gắn liền với đó là nhận thức cho đúng bản chất và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; nhất là trong bối cảnh phát triển nền kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Để đảm bảo quản lý - quản trị đất nước phát triển nhanh - bền vững phải nâng cao năng lực và thể chế kiến tạo phát triển của Nhà nước. Điều cốt lõi là phải chế định rõ quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích và trách nhiệm giải trình của Nhà nước (các cơ quan nhà nước, cán bộ và công chức nước) trước đất nước, nhân dân và mỗi chủ thể, con người trong xã hội; thực thi đầy đủ nguyên tắc pháp quyền, thượng tôn pháp luật, thực hiện đồng bộ dân chủ - kỷ cương - trách nhiệm xã hội. Mấu chốt là phải đổi mới tư duy và hoàn thiện thể chế công tác cán bộ, để xây dựng được đội ngũ cán bộ “thực đức - thực tài”, tiêu biểu về đức hy sinh, biết đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết; có tư duy đổi mới sáng tạo, dám nghĩ - dám làm - dám bứt phá - dám chịu trách nhiệm; lấy sự phát triển nhanh - bền vững đất nước làm “đạo lý” cứng, cao nhất của sự nghiệp.

Đổi mới tư duy mang tính đột phá như trên không có nghĩa là không kế thừa những nhân tố hợp lý của tư duy hiện tồn, những bước trung gian - quá độ do thực tiễn quy định, nhưng nhất thiết phải nhất quán với những nội dung và bản chất mới phù hợp với đòi hỏi của giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, đổi mới tư duy (kể cả tư duy đột phá) chưa thể là “công cụ” trực tiếp tác động làm thay đổi thực tiễn, vì đó mới chỉ là ở tầng nhận thức, nhưng đây là “khâu đột phá” có tầm quan trọng mang tính mở đường cho sự phát triển, nhất là trong những giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt của lịch sử. Về vai trò của đột phá đổi mới tư duy lý luận, trong phát biểu của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ công bố quyết định thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015 cũng đã nêu : “Đột phá về lý luận sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển thực tiễn”.  

 

PGS.TS Trần Quốc Toản

                                         Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

 



        [1] Thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam so với các nước trong khu vực. Tổng cục Thống kê, 2018.

        [2] Sự thay đổi GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước giai đoạn 1990 – 2017 (Số trước là tính theo GDP danh nghĩa, còn số sau là tính GDP theo sức mua tương đương PPP):

- Năm 1990 Indoensia hơn Việt Nam là 487 và 2.051 USD/người; năm 2017 tăng lên 1.458 và 5.315 USD/người. Gấp 2,99 và 2,59 lần.

- Năm 1990 Thái Lan hơn Việt Nam là 1.410 và 3.359 USD/người; năm 2017 tăng lên 4.205 và 11.095 USD/người. Gấp 2,98 và 3,30 lần.

- Năm 1990 Malaysia hơn Việt Nam là 2.343 và 5.881 USD/ người; năm 2017 tăng lên 7.556 và 22.655 USD/người. Gấp 3,22 và 3,85 lần.

- Năm 1990 Singapore hơn Việt Nam là 11.766 và 21.259 USD/ người; năm 2017 tăng lên 55.325 và 87.129 USD/người. Gấp 4,70 và 4,09 lần.

- Năm 1990 Hàn Quốc hơn Việt Nam là 6.418 và 7.337 USD/ người; năm 2017 tăng lên 27.354 và 31.484 USD/người. Gấp 4,26 và 4,29 lần.

- Năm 1960 GDP đầu người của Hàn Quốc là 100 USD/người, năm 1990 là 6.516 USD/người, tức tăng gấp hơn 65 lần trong 30 năm. Đến năm 2017 GDP đầu người của họ đã là 29.743 USD/người. Cũng trong khoảng gần 30 năm (1990 – 2017), GDP đầu người của nước ta chỉ tăng từ khoảng 100 USD năm 1990 lên 2.389 USD/người năm 2017, chỉ tăng gấp 24 lần.  

            [3] Chi phí trung gian là một thuật ngữ trong thống kê Tài khoản quốc gia, phản ánh giá trị hàng hóa và dịch vụ sử dụng hết trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm mới trong một thời kỳ nhất định. Chi phí trung gian tính theo ngành kinh tế và toàn bộ nền kinh tế. Chi phí trung gian không đồng nhất với chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Tỷ lệ chi phí trung gian tính toán từ bảng IO và SUT của Việt Nam và các nước.

             [4] Mức tiêu hao năng lượng cho biết để tạo ra một đồng GDP thì cần sử dụng bao nhiêu đồng năng lượng cho sản xuất. Tăng/giảm mức tiêu hao năng lượng so với GDP phản ánh kết quả việc đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất và áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật để giảm mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất kinh doanh. Tăng/giảm mức tiêu hao năng lượng cũng phản ánh sự thay đổi cấu trúc nền kinh tế.

             [5] Năm 2000, Việt Nam sử dụng 1 đơn vị năng lượng (tính theo dầu quy đổi) để tạo ra 7,2 đồng GDP (theo PPP), thì Ma-lai-xi-a tạo ra 7,7 đồng GDP; Thái Lan tạo ra 8,0 đồng GDP; Phi-li-pin là 8,2 đồng GDP; Xin-ga-po là 11,2 đồng GDP. Đến năm 2014, hiệu suất sử dụng năng lượng của Việt Nam đã được cải thiện một chút, đạt mức 7,3 đồng GDP trên một đơn vị năng lượng tiêu thụ, nhưng vẫn thuộc nhóm nước đạt mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.

            [6] NSLĐ xã hội của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2011-2017 lần lượt là: 55,2 triệu đồng/lao động; 63,1 triệu đồng/lao động; 68,7 triệu đồng/lao động; 74,7 triệu đồng/lao động; 79,4 triệu đồng/lao động; 84,5 triệu đồng/lao động; 93,2 triệu đồng/lao động.

            [7] Chênh lệch mức NSLĐ (tính theo PPP 2011) của Xin-ga-po tăng từ 119.117 USD năm 2008 lên 131.192 USD năm 2017; tương tự, của Ma-lai-xi-a từ 43.731 USD lên 45.295 USD; Thái Lan từ 14.930 USD lên 18.071 USD; In-đô-nê-xi-a từ 10.451 USD lên 13.555 USD; Phi-li-pin từ 6.609 USD lên 8.385 USD (Nguồn số liệu: Cơ sở dữ liệu các chỉ số phát triển thế giới, Ngân hàng Thế giới).

          [8] Hệ số ICOR là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư để tăng thêm 1 đồng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ICOR thường tính cho giai đoạn vì: (1) Hiệu quả đầu tư thường có độ trễ; (2) Nếu tính hệ số ICOR cho 1 năm riêng lẻ, đồng thời tăng trưởng của năm đó âm (-) thì kết quả không có ý nghĩa (Ví dụ trong trường hợp của Ma-lai-xi-a năm 2009 có tăng trưởng GDP là -1,51%, dẫn đến ICOR của năm này là -11,78%).

            [9] Nguyễn Quang Thái, Bùi Trinh: Mừng về tăng trưởng, lo nhiều chỉ tiêu khác; Thời báo Kinh tế Sài gòn, số 2-2021, ngày 7-1-2021, tr.52

            [10] Một con số rất đáng lo ngại; Thời báo Kinh tế Sài gòn, số 3-2021, ngày 14-1-2021, tr.1

           [11] Chỉ số lan tỏa về kinh tế của ngành lớn hơn 1 sẽ kích thích các ngành khác phát triển (Tốt); nhỏ hơn 1 là không tốt.

            [12] Bản tin A hàng ngày, Bộ ngoại giao, thứ tư, ngày 9/1/2019, tr. 7-8

           [13] Trong khi Hàn Quốc đạt 51,3%; Ma-lai-xi-a đạt 36,2%; Thái Lan đạt 36,1%, Trung Quốc đạt 35,2%; Ấn Độ đạt 31,1%

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết