Thứ Bảy, ngày 07 tháng 12 năm 2024

Đồng chí Đào Duy Tùng - con người đổi mới của Đảng

Ngày phát hành: 24/05/2024 Lượt xem 903

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Ðào Duy Tùng.

 

“Đào Duy Tùng, nhà lãnh đạo liêm khiết, con người đổi mới của Đảng” là tên bài viết của của đồng chí Đỗ Mười dành cho đồng chí Đào Duy Tùng. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười giải thích rõ hơn, cụ thể hơn: “Đồng chí Đào Duy Tùng là một nhân vật có tư tưởng đổi mới, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo những nhân tố mới để vượt lên mình. Đồng chí cũng là một trong những người tham gia đổi mới từ những năm 1980, cùng với  các lần “khoán thử” ở Vĩnh Phú, Hải Phòng, “khoán 100” rồi “khoán 10”, đến Cương lĩnh đổi mới sau này”[1]. Trong bài viết này, chúng tôi mong muốn làm rõ hơn nhận định của đồng chí Đỗ Mười về tư tưởng đổi mới và đâu là cơ sở, điều kiện cho những tư tưởng đổi mới của đồng chí Đào Duy Tùng, để ông trở thành “con người đổi mới của Đảng”.

 

Nhà tư tưởng đổi mới Đào Duy Tùng

 

Bàn về tư tưởng đổi mới của đồng chí Đào Duy Tùng, chúng tôi muốn đề cập tư tưởng đổi mới của đồng chí ở hai thời kỳ: Thời kỳ trước Đổi mới; và thời kỳ Đổi mới bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng.

 

Trong thời kỳ trước Đổi mới, đồng chí Đào Duy Tùng là người ủng hộ những đổi mới trong quản lý kinh tế nông nghiệp ngay từ những manh nha ban đầu, từ những sáng kiến của nhân dân, những sáng kiến từ thực tiễn phát triển của nền nông nghiệp của đất nước trong những năm sau 1975. Theo đồng chí Hà Đăng, một người đã chứng kiến tận mắt quá trình trăn trở để đi đến hoạch định đường lối đổi mới của Đảng: “Anh  (tức là đồng chí Đào Duy Tùng – TNT)  là người ủng hộ ngay từ đầu những nhân tố đổi mới khi chúng còn đang manh nha; ủng hộ “khoán 100” trước đây và ủng hộ “khoán 10” sau này; ủng hộ quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật” khi chuẩn bị văn kiện Đại hội VI của Đảng”[2].

 

Cùng quan điểm như thế, đồng chí Hữu Thọ lại thể hiện nhận xét của mình một cách cụ thể, sinh động qua một câu chuyện nghề nghiệp rất “đời thường” giữa những người làm báo. Thời điểm cuối những năm 1970, nền nông nghiệp nước ta rơi vào tình trạng khó khăn, nhiều nơi nông dân bỏ ruộng hoang trong khi lương thực nuôi sống con người thiếu trầm trọng. Tình hình đó thôi thúc nhiều nhà báo, nhà lý luận vào cuộc, đi vào thực tế, tìm hiểu và phản ánh vấn đề khoán với mong muốn tìm lối ra cho nền sản xuất nông nghiệp của đất nước. Nhưng nhà báo dù hăng hái “xông trận” đến đâu mà không có sự ủng hộ của Tổng biên tập cũng khó có thể thể phản ánh được những sáng kiến mới, khó thể hiện được quan điểm của mình ủng hộ những sáng kiến đó. Với tâm lý “rất e ngại các nhà lý luận vì cho rằng họ hay “sách vở”, “cố chấp” và ít sát thực tiễn”, ông Hữu Thọ mới hỏi đồng nghiệp của mình là nhà báo Hồng Giao về “tình hình” ở Tạp chí Cộng sản thì được biết là: “Thủ trưởng Đào Duy Tùng lúc đó là Tổng biên tập đã cùng cán bộ tòa báo đi khảo sát nhiều nơi và “bật đèn xanh” cho cán bộ viết về vấn đề khoán[3].

 

Cần biết rằng, trong thời kỳ cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi phương thức khoán hộ với tên tuổi đồng chí Bí thư Kim Ngọc được áp dụng ở Vĩnh Phú, Tạp chí Cộng sản đã từng đăng một bài báo của một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, trong đó phê phán việc áp dụng phương thức khoán trong nông nghiệp như một sai lầm về định hướng xã hội chủ nghĩa, có thể trở thành mầm mống của sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở khu vực nông thôn. Đây cũng chính là thời kỳ đồng chí Đào Duy Tùng đang làm Tổng biên tập tạp chí[4]. Mặt khác, trước khi chỉ thị 10 của Ban Bí thư Trung ương năm 1981 về quản lý trong nông nghiệp (trong đó nội dung chủ yếu là về khoán), thì phương thức khoán trong nông nghiệp chưa được chính sách, pháp luật cho phép. Vì thế, việc ủng hộ khoán trong nông nghiệp, ủng hộ và khuyến khích các cán bộ của mình viết về khoán, công bố các bài viết ủng hộ khoán trên tạp chí lý luận của Đảng, chính là thể hiện cụ thể tư tưởng đổi mới của đồng chí Đào Duy Tùng, hay là sự đổi mới về nhận thức lý luận của đồng chí, sự đổi mới thể hiện bản lĩnh khoa học trên cơ sở chiều sâu nhận thức và sự lắng nghe tinh tường từ sự vận động của thực tiễn đất nước.

 

Đại hội VI của Đảng đã được khẳng định là mở đầu cho thời kỳ Đổi mới, nhưng những ý tưởng, quan điểm thể hiện tư tưởng đổi mới của Đại hội VI đã được thai nghén, trăn trở, được nghiên cứu, tổng kết từ trước đó, nhất là trong quá trình chuẩn bị văn kiện của Đại hội. Sau thời gian chữa bệnh ở Liên Xô trở về nước, đồng chí Đào Duy Tùng được giao trách nhiệm phụ trách Tổ Biên tập phục vụ Tiểu ban Văn kiện Đại hội VI của Đảng, là người trực tiếp tổ chức công tác nghiên cứu, thảo luận, tiếp thu và đề xuất những vấn đề đổi mới để phục vụ cho Tiểu ban Văn kiện trình Bộ Chính trị và Trung ương Đảng thảo luận, quyết định. Trong những nội dung đổi mới, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cũng là hai nội dung được tranh luận nhiều nhất và có nhiều ý kiến khác nhau nhất, đó là vấn đề đổi mới tư duy và quan điểm về phát triển nền kinh tế của đất nước.

 

Đồng chí Đào Duy Tùng thăm bà con nông dân tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Tư liệu)

 

Nói đến đổi mới tư duy tức là đổi từ cách tư duy có phần “sách vở”, dựa trên những nguyên lý lý luận chung về chủ nghĩa Mác – Lê nin và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội của các nước XHCN đã đi trước, thiếu cái nhìn sâu sắc điều kiện lịch sử cụ thể của thực tiễn đất nước, sang cách tư duy mới mà thực chất là trở về với bản chất của phương pháp luận Mác - Lê nin, đó là lý luận gắn bó hữu cơ với thực tiễn, đó là “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”. Đây chính là quan điểm chỉ đạo, có ý nghĩa chi phối về phương pháp luận, là nội hàm của khái niệm đổi mới tư duy, là cơ sở, điểm tựa chắc chắn cho Đảng ta đưa ra những quyết sách đổi mới, trong đó có đổi mới căn bản về đường lối phát triển nền kinh tế đất nước. Có thể nói ba vấn đề lớn về kinh tế được đưa ra thảo luận trước Đại hội VI là: Vấn đề cải tạo xã hội chủ nghĩa; vấn đề đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; và vấn đề phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Đồng chí Hà Đăng, một thành viên Tổ Biên tập làm việc cùng đồng chí Đào Duy Tùng khẳng định: “Anh có công không chỉ trong việc cùng Tổ Biên tập đề xuất Tiểu ban Văn kiện trình Bộ Chính trị thảo luận, mà còn có công đóng góp vào việc soạn thảo Kết luận (của Bộ Chính trị) về ba quan điểm kinh tế, thực sự mở ra một bước đột phá cho việc sửa chữa Báo cáo Chính trị trình Đại hội VI thông qua”[5]. Việc khẳng định quan điểm đổi mới tư duy “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật” cùng ba quan điểm lớn về kinh tế trong Báo cáo Chính trị của Đại hội VI của Đảng đã thực sự đánh dấu một bước đổi mới có tính cách mạng về nhận thức lý luận và đường lối xây dựng, phát triển đất nước của Đảng. Trong những nội dung về đường lối đổi mới của Đảng có phần công lao đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng, có một phần thể hiện tư tưởng đổi mới của đồng chí.

 

Sau này, khi đánh giá về thời kỳ trước Đổi mới, một số người hoặc là đánh giá thấp vai trò, ý nghĩa thời kỳ đó trong tiến trình phát triển của đất nước, hoặc coi đó là thời kỳ của những sai lầm, thiếu sót về đường lối, chính sách dẫn đến những khó khăn, thậm chí khủng hoảng xã hội. Riêng đồng chí Đào Duy Tùng đánh giá một cách bình tĩnh, công bằng. Đồng chí thẳng thắn chỉ ra rằng, đó là lúc “mô hình cũ về xây dựng CNXH” trở thành lực cản lớn đối với sự phát triển sản xuất, lạm phát  600 – 700%, “đời sống nhân dân điều đứng, các xí nghiệp quốc doanh thua lỗ, kinh tế nước ta lâm vào khủng hoảng. Xong theo đồng chí, đó cũng chính là thời kỳ mà tư duy mới đã từng bước hình thành, mô hình cũ từng bước bị xóa bỏ… “Tình hình này cắt nghĩa  vì sao sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI một thời gian ngắn, khoảng 3 năm (1987-1988-1989), công cuộc đổi mới của nước ta đã đạt được một số thành tựu rõ nét, tạo nên sự tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân. Đại hội VI là bước ngoặt trong công cuộc xây dựng CNXH. Đại hội quyết định đường lối đổi mới và đường lối đó đi vào cuộc sống nhanh, không những vì nó đúng mà nó còn được chuẩn bị trước đó không chỉ về mặt tư duy mà cả về điều kiện vật chất”[6].

 

Trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VII của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng được Bộ Chính trị giao làm Thường trực Tiểu ban văn kiện có trách nhiệm chuẩn bị Báo cáo Chính trị và xây dựng dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh 1991). Cương lĩnh 1991 là văn kiện  đặc biệt quan trọng của Đảng ta. Với Cương lĩnh 1991, Đảng ta khẳng định và cụ thể hóa một bước cơ bản đường lối đổi mới của Đảng ta đã vạch ra tại Đại VI. Đồng thời tại văn kiện này, Đảng ta lần đầu tiên xác định các đặc trưng của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản tức là mô hình CNXH Việt Nam thời kỳ Đổi mới với mục tiêu chung là “dân giầu nước mạnh theo con đường XHCN” và 6 đặc trưng là: “Do nhân dân lao động làm chủ; có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”[7].

 

Chúng ta biết rằng, thời điểm Đại hội lần thứ VII của Đảng thảo luận và thông qua Cương lĩnh 1991, cũng là thời điểm mà bức tường Berlin đã sụp đổ, Đảng Cộng sản và nhà nước XHCN đã thất bại ở một số nước khu vực Trung và Đông Âu. Tình hình ở Liên Xô, thành trì của CNXH thế giới cũng vô cùng phức tạp, nội bộ Đảng Cộng sản phân hóa nặng nề và mất sức chiến đấu, báo hiệu nguy cơ sụp đổ đã nhãn tiền và sẽ kéo theo sự tan rã của hệ thống CNXH hiện thực trên toàn thế giới. Trên thế giới, dư luận chính trị từ các nước phương Tây, nhất là các các phương tiện truyền thông đại chúng ầm ĩ tung hô lý sự về sự thất bại của CNXH hiện thực trên thế giới là minh chứng cho sự sai lầm của chủ nghĩa Mác – Lê nin, của học thuyết về CNXH. Ở trong nước ta, tình hình tư tưởng trong nhân dân rất phức tạp, niềm tin vào CNXH sụt giảm, nhiều cán bộ, đảng viên hoang mang, dao động. Trong bối cảnh đó, Đại hội VII của Đảng, nhất là việc Đại hội thảo luận và thông qua Cương lĩnh 1991 có ý nghĩa đặc biệt to lớn, như một dấu mốc lịch sử rất quan trọng của Đảng và của đất nước ta. Cùng với những ý nghĩa to lớn, quan trọng về mặt đường lối, Cương lĩnh 1991 còn là biểu hiện cụ thể, sinh động cho bản lĩnh chính trị và thái độ kiên quyết, kiên trì trung thành với chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với con đường đi lên CNXH mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

 

Trên cơ sở Cương lĩnh 1991, Đảng ta tiếp tục quan tâm nghiên cứu, tổng kết thực tiễn nhằm nâng cao nhận thức lý luận và không ngừng hoàn thiện đường lối đổi mới, hoàn thiện mô hình CNXH Việt Nam. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa VII ngày 06-11-1995 với mục đích chỉ đạo việc xem xét, thảo luận, cho ý kiến quyết định về các văn kiện trình Đại hội VIII của Đảng, Tổng Bí thư Đỗ Mười nhấn mạnh yêu cầu “tiếp tục bổ sung, phát triển quan niệm về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Cũng có thể nói đây là vấn đề tiếp tục cụ thể hóa mô hình xây dựng CNXH trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”[8].

 

Đồng chí Đào Duy Tùng không chỉ đóng góp vào việc chuẩn bị và xây dựng “mô hình xây dựng CNXH trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam”, mà cũng là người tiếp tục đi sâu nghiên cứu, đề xuất những tư tưởng mới trong việc tiếp tục bổ sung, phát triển, hoàn thiện mô hình đó.

 

Bàn về đặc trưng kinh tế của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng, đồng chí Đào Duy Tùng khẳng định, “không thể có bất cứ một sự mơ hồ nào” về việc xác định rằng đặc trưng nền kinh tế XHCN là: “Nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”. Nhưng đồng chí cũng giải thích rằng, “Cần hiểu câu ghi trong Cương lĩnh “chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” theo nghĩa chế độ công hữu phải chiếm ưu thế tuyệt đối, chứ không phải lúc đó chỉ có chế độ công hữu. Chúng ta dự đoán khi CNXH được xây dựng xong về cơ bản, vẫn có một phần tư liệu sản xuất thuộc sở hữu khác”[9]. Điều ấy cũng có nghĩa là, trong thời kỳ quá độ lên CNXH, chúng ta mới đang xây dựng CNXH, đang xây dựng nền kinh tế XHCN, do đó chúng ta chưa có một nền kinh tế XHCN.

 

Một khi chưa có nền kinh tế XHCN, sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế trong nền kinh tế là tất yếu. Từ đó, đồng chí cho rằng: “Quan điểm giản đơn, nóng vội muốn xóa bỏ nhanh các thành phần kinh tế không XHCN để xây dựng kinh tế XHCN thuần nhất với hai hình thức sở hữu toàn dân và tập thể khi lực lượng sản xuất còn kém phát triển và đang trong tình trạng có nhiều trình độ phát triển khác nhau là không phù hợp”. Và đồng chí nhận xét tiếp: “Từ cơ sở lý luận và thực tiễn đó, Đảng ta khẳng định chính sách xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần là chính sách lâu dài, có ý nghĩa chiến lược”[10]. Phải chăng, sự phân tích này không chỉ thể hiện tư tưởng đổi mới, bám sát thực tiễn đất nước, mà còn là gợi ý trực tiếp cho việc bổ sung, phát triển trong Cương lĩnh 2011 sau này với đặc trưng kinh tế: “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”.

 

Nói về vấn đề nhà nước, tức là phân tích, đánh giá về phương hướng cơ bản thứ nhất đặt ra trong Cương lĩnh 1991 về “xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do đảng cộng sản lãnh đạo”, đồng chí Đào Duy Tùng nhấn mạnh, vấn đề chính quyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng, luôn là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng. Đối với đất nước ta đi lên CNXH từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, việc phát huy ưu thế chính trị và vai trò nhà nước sẽ tạo ra sức mạnh để phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục những khó khăn, yếu kém. Cũng trong điều kiện ấy, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước không chỉ đảm bảo cho lợi ích của nhân dân, của dân tộc, đảm bảo cho quyền làm chủ cho nhân dân, đảm bảo cho mọi quyền lực trong xã hội thuộc về nhân dân, mà còn đảm bảo cho sự bền vững của chế độ với định hướng đi theo con đường XHCN. Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ rõ, việc Đảng bao biện làm thay là một khuyết điểm cần phải sớm khắc phục vì nó dẫn đến làm cho Nhà nước trở nên thụ động, hoạt động kém hiệu quả, làm cho bản thân Đảng cũng suy yếu do không tập trung làm tốt chức năng lãnh đạo của mình mà suy giảm uy tín trước nhân dân.

 

Đồng thời đồng chí cũng đánh giá nhà nước pháp quyền tư sản một cách khách quan, coi đó là “một bước tiến trong lịch sử phát triển xã hội”. Đó là một loại hình nhà nước “được xây dựng trên cơ sở hiến pháp và pháp luật, phải tuân thủ, bảo vệ hiến pháp và pháp luật, phải điều hành xã hội theo hiến pháp và pháp luật”. Do đó, đồng chí cho rằng, “Chúng ta có thể tham khảo và tiếp thu những nhân tố hợp lý của lý luận về nhà nước pháp quyền tư sản”. Nhưng phải thấy rõ Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam khác về căn bản với nhà nước pháp quyền tư sản. Vì nhà nước pháp quyền của ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo[11]. Có thể nói rằng, những tư tưởng đổi mới về nhà nước và xây dựng nhà nước pháp quyền trên đây là sự chuẩn bị góp phần bổ sung, phát triển đặc trưng về nhà nước trong Cương lĩnh 2011, trong đó khẳng định một đặc trưng không thể thiếu trong mô hình CNXH Việt Nam là “có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.

 

Như vậy có thể khẳng định rằng, tư tưởng đổi mới của đồng chí Đào Duy Tùng thể hiện trên hai phương diện: Thứ nhất, trên nền bản lĩnh chính trị kiên định có những đổi mới về nhận thức lý luận góp phần quan trọng vào việc xây dựng các văn kiện, hoạch định đường lối đổi mới của Đảng; thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, góp phần xây dựng những cơ sở khoa học phục vụ cho việc đổi mới, bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 của Đảng.

 

Cơ sở cho những tư tưởng đổi mới của đồng chí Đào Duy Tùng

 

Để trả lời câu hỏi đó, cần phải làm rõ: Thứ nhất, quan điểm phương pháp luận của đồng chí về nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; thứ hai, tác phong làm việc nói chung và trong nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận của đồng chí.

Nói đến quan điểm phương pháp luận về nghiên cứu lý luận của đồng chí Đào Duy Tùng, có thể thấy chúng được thể hiện rất sớm và rất rõ ràng trong các bài viết. Từ năm 1966, trong bài viết Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận của Đảng, đăng trên tạp chí Học tập, đồng chí đã nêu 4 phương châm chỉ đạo trong nghiên cứu lý luận là: 1) Lý luận liên hệ với thực tiễn; 2) Độc lập tự chủ trong công tác nghiên cứu, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu nghiên cứu của các đảng anh em; 3) Nghiên cứu có kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm; 4) Kết hợp nghiên cứu những vấn đề trước mắt với nghiên cứu những vấn đề lâu dài. Đồng thời, đồng chí cũng nhấn mạnh: “Điểm quan trọng bậc nhất của phương châm nói trên là phải nắm vững nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê nin, bám chắc lấy thực tiễn nước mình, gắn chặt lý luận với thực tiễn”.

 

Đồng chí còn nói rõ thêm: “Cần làm cho mọi người hiểu rõ phương hướng phát triển công tác lý luận của ta là phải bám chắc vào thực tế nước mình, phát huy cao độ tinh thần suy nghĩ, nghiên cứu độc lập theo quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lê nin. Và chỉ trên cơ sở đó việc học tập kinh nghiệm của các đảng anh em mới bổ ích”[12]. Quan điểm thực tiễn thể hiện một cách cụ thể là “Lý luận liên hệ với thực tiễn” và được nhấn mạnh “bám chắc lấy thực tiễn nước mình, gắn chặt lý luận với thực tiễn” thể hiện rất rõ sự quan tâm đặc biệt của đồng chí với yêu cầu thực tiễn. Một mặt, đó cũng chính là sự quán triệt sâu sắc quan điểm của Hồ Chí Minh về lý luận chân chính: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”[13]. Mặt khác, có thể coi đây là một chỉ dẫn rất quan trọng của công tác nghiên cứu lý luận, đối với việc tiếp thu các tri thức lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của của các đảng cộng sản và các nước XHCN trên thế giới. Ở một khía cạnh khác, đó cũng chính là cảnh báo về sai lầm, tác hại có thể khi chúng ta học tập, tiếp thu và vận dụng các hệ thống lý luận, các mô hình xã hội có sẵn từ bên ngoài mà không bám chắc vào thực tiễn đất nước, không có tinh thần độc lập và sáng tạo trong nghiên cứu.

 

Công tác lý luận là một hoạt động khoa học, đương nhiên đó là hoạt động sáng tạo. “Khoa học là phải sáng tạo và chỉ có sáng tạo. Không sáng tạo, không tìm ra cái mới được thực tiễn chứng minh thì không còn gì là khoa học. Đương nhiên sự sáng tạo đó phải dưới sự hướng dẫn của thế giới quan và phương pháp luận Mác – Lê nin”[14]. Nói như đồng chí Đào Duy Tùng, sáng tạo trong lý luận phải có nguyên tắc, đó là thế giới quan và phương pháp luận Mác – Lê nin, bởi lý luận của chúng ta không có mục đích gì khác ngoài việc phục vụ cho lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân.

 

Công tác lý luận là một bộ phận của công tác tư tưởng của Đảng, vì thế, công tác lý luận cũng phải chịu sự chi phối của những nguyên tắc của công tác tư tưởng. Khi bàn về các nguyên tắc quan trọng nhất trong công tác tư tưởng của Đảng, cùng với nguyên tắc tính đảng, nguyên tắc tính khoa học, đồng chí Đào Duy Tùng nhấn mạnh nguyên tắc tính thực tiễn, tức là “công tác tư tưởng gắn với cuộc sống”. Đồng chí giải thích, “Công tác tư tưởng gắn với cuộc sống thể hiện trước hết ở chỗ nó phải bám chắc vào thực tiễn cách mạng, vào quá trình đấu tranh của quần chúng cải tạo xã hội, cải tạo thiên nhiên, phải luôn luôn tính đến đặc điểm và tâm trạng của các tầng lớp nhân dân. Nói cách khác, mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp công tác tư tưởng phải xuất phát từ yêu cầu của đời sống”[15].

 

Khi bàn về phương pháp tư duy sáng tạo của Đảng, một điều kiện không thể thiếu để bảo đảm cho Đảng ta có thể lãnh đạo nhân dân ta trong quá trình cách mạng, đánh thắng những kẻ địch hùng mạnh nhất trên thế giới, có tiềm lực kinh tế, quân sự gấp chúng ta hàng nghìn lần, đồng chí Đào Duy Tùng viện dẫn một luận điểm phương pháp luận vô cùng quan trọng của V.I. Lê nin: “phân tích cụ thể một tình hình cụ thể”. Nhưng không phải là kiểu nghiên cứu, phân tích một cách kinh viện, mà là một phương pháp bám sát vào thực tiễn, vào tình hình lịch sử, cụ thể, vào các mối quan hệ thực tế giữa ta và địch, và cả thế giới quanh ta. Hơn thế nữa, đó phương pháp tư duy dựa trên chính hoạt động thực tiễn của Đảng, dựa trên những bài học thành công, thất bại trong chính quá trình đấu tranh cách mạng của mình, mà đồng chí gọi là “phương pháp tư duy khoa học của Đảng trong hành động”. Đó là: “cần nghiên cứu, tìm hiểu phương pháp tư duy khoa học của Đảng trong hành động, thể hiện ở sự phân tích tình hình, ở những giải pháp đã được cuộc sống khảo nghiệm”[16].

Như vậy có thể nói, điểm mấu chốt, thống nhất và quán xuyến trong toàn bộ tư duy lý luận của đồng chí Đào Duy Tùng – một “con người đổi mới của Đảng” là ở hai quan điểm phương pháp luận có tính nguyên tắc: Nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; lý luận gắn với thực tiễn, bám chắc lấy thực tiễn đất nước.

 

Một yếu tố không thể không nhắc đến là tác phong làm việc cẩn trọng, cầu thị và sâu sát với thực tiễn của đồng chí Đào Duy Tùng. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, một người cùng làm việc nhiều năm và rất thân thiết với đồng chí Đào Duy Tùng nhận xét: “Thường ngày, đồng chí ít nói nhưng suy tư nhiều, hầu như mọi tiềm năng tư duy đều dồn vào công việc của Trung ương. Đồng chí chăm chú lắng nghe ý kiến của người khác, không phân biệt tuổi tác, cương vị, hay khác chính kiến”[17].  

 

Nhiều người có thời gian làm việc cùng đồng chí Đào Duy Tùng đều có chung một nhận xét, đó là một người giản dị, dễ gần và đặc biệt là trong giao tiếp với cấp dưới hay với các tầng lớp nhân dân đều với một thái độ cởi mở,  tin tưởng  và trân trọng. Tại Đại hội toàn thể lần thứ tư Hội Nhà văn Việt Nam, đồng chí là người trực tiếp chỉ đạo. Trong bối cảnh hết sức phức tạp, nhiều tham luận phát sinh và không được bàn bạc trước, nhiều ý kiến phát biểu vượt qua sự điều hành của ban tổ chức Đại hội, nhiều ý kiến có nội dung đả kích, phê phán căng thẳng trong nội bộ. Song với những ý kiến phát biểu thẳng thắn, có lý, có tình, những cuộc làm việc, tiếp xúc, trao đổi một cách dân chủ, chân tình và tin cậy trực tiếp với các nhà văn, đồng chí đã chỉ đạo Đại hội thành công tốt đẹp. Nhà văn Hữu Thỉnh nhận xét rằng, bài học thành công ở Đại hội này chính là cách ứng xử thật sự dân chủ, tin cậy của đồng chí Đào Duy Tùng đã thuyết phục các nhà văn, làm cho họ không “cảm thấy bị áp đặt, bị mất dân chủ”. Là một người có nhiều năm cùng làm việc với đồng chí Đào Duy Tùng, đồng chí Hà Đăng nói rõ hơn về những đức tính và tác phong làm việc của ông: “Cùng làm việc với đồng chí Đào Duy Tùng, tôi thấy ở anh một con người trung thực, khiêm tốn, làm việc hết mình, sống bình dị, nghĩa tình, dễ gần, dễ bộc bạch với nhau những điều suy nghĩ riêng tư. Anh biết lắng nghe ý kiến của người khác, không phân biệt tuổi tác, thân sơ, cùng chính kiến hay khác chính kiến”[18].

 

  Những người đã có dịp tiếp xúc, được nghe những cuộc nói chuyện những cuộc giảng bài của đồng chí Đào Duy Tùng đều có chung một nhận xét, ông nói vo một cách chặt chẽ, khúc triết, rành mạch, không thừa, không thiếu một từ, kể cả những từ đệm hay phát ngôn từ. Phải chăng “cách nói như viết” là phản ánh một tác phong lao động khoa học rất nghiêm khắc, rất cẩn trọng của ông, tác phong giúp cho ông phân tích sâu sắc, chắt lọc thật kỹ càng những tri thức, kinh nghiệm và những thông tin mới tiếp nhận được để đưa ra những nhận thức lý luận mới và đúng đắn, một trong những yếu tố giúp ông không thỏa mãn với những điều xáo mòn, cũ kỹ để trở thành “một con người đổi mới của Đảng”.

*

*      *

Đồng chí Đào Duy Tùng là người con của vùng đất nổi tiếng nhiều hiền tài thuộc Hà Nội, tham gia cách mạng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, thuộc lớp người trung kiên của Đảng được thử thách qua hai cuộc kháng chiến ác liệt chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trong cuộc sống, ông là người sống giản dị, trong sáng, khiêm nhường, trung thực, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, thực sự là tấm gương sáng về lối sống cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư theo tấm gương của Bác Hồ. Trong hoạt động lý luận, ông là người có đóng góp to lớn cho công tác tư tưởng của Đảng, nhất là đóng góp vào quá trình xây dựng đường lối đổi mới của Đảng. Đúng như nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhận xét: “Đào Duy Tùng là con người như thế: Trong sáng, trung thực, đầy bản lĩnh chính trị và năng lực thực tiễn, đổi mới, có ý thức kỷ luật cao, dễ gần gũi mọi người”[19]./.

 

GS.TS. Tạ Ngọc Tấn

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương

 

 

 

 

 


[1]. Đào Duy Tùng: Công tác tư tưởng trong thời kỳ đổi mới, Nxb CTQG Sự thật, HN, 2015, tr. 272.

[2] Đào Duy Tùng: Công tác tư tưởng trong thời kỳ đổi mới, Sđd, tr. 285.

[3] Xem: Đào Duy Tùng: Công tác tư tưởng trong thời kỳ đổi mới, Sđd, tr. 290.

[4] Đồng chí Đào Duy Tùng làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản từ tháng 8-1965 đến tháng 4-1982.

[5] Đào Duy Tùng: Công tác tư tưởng trong thời kỳ đổi mới, Sđd, tr. 285.

[6] Đào Duy Tùng Tuyển tập, Nxb CTQG, HN, 2001, t.1, tr.274.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, HN, 1991, tr. 8-9.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2007, tập 54, tr.391.

[9] Đào Duy Tùng: Công tác tư tưởng trong thời kỳ đổi mới, Sđd, tr. 22.

[10] Đào Duy Tùng Tuyển tập, t.1, Sđd, tr.362-363.

[11] Xem: Đào Duy Tùng Tuyển tập, t.1, Sđd, tr.351-352.

[12] Xem: Đào Duy Tùng: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận của Đảng, tạp chí Học tập, số 9 - 1966.

[13] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG-Sự thật, HN, 2011, t.5, tr.273.

[14] Đào Duy Tùng Tuyển tập, t.1, Sđd, tr.82.

[15] Đào Duy Tùng: Một số vấn đề về công tác tư tưởng, Nxb Sách giáo khoa Mác – Lê nin, HN, 1985, 27).

[16] Đào Duy Tùng Tuyển tập, t.1, Sđd, tr.18.

[17]. Đào Duy Tùng: Công tác tư tưởng trong thời kỳ đổi mới, Sđd, tr.271.

[18] . Đào Duy Tùng: Công tác tư tưởng trong thời kỳ đổi mới, Sđd, tr.286-287.            

[19] Đào Duy Tùng: Công tác tư tưởng trong thời kỳ đổi mới, Sđd, tr.273.

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết