Chủ Nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024

Hà Nội sáng mãi tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”

Ngày phát hành: 19/12/2021 Lượt xem 4989

Chiến sĩ vệ quốc quân cảm tử ôm bom ba càng chặn xe tăng Pháp trên phố Hà Nội năm 1946. Ảnh tư liệu

 

Cách đây 75 năm, ngày 19/12/1946, hưởng ứng “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với quyết tâm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân dân Thủ đô Hà Nội đã nhất tề đứng lên đánh thực dân Pháp, viết nên khúc tráng ca hào hùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc; góp phần làm tỏa sáng giá trị văn hóa nghìn năm Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội.

 “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”
Chớp thời cơ nghìn năm có một, nhân dân Việt Nam đã vùng lên giành chính quyền trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Không lâu sau, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Cùng với “nạn ngoại xâm” là “nạn đói”, “nạn dốt” hoành hành, tình thế đất nước tựa như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Trung ương Đảng và Chính phủ đã thực hiện các biện pháp đấu tranh mềm dẻo: ký với Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước Việt-Pháp ngày 14/9/1946, nhằm giữ vững độc lập dân tộc và tranh thủ thời gian củng cố lực lượng kháng chiến. Nhưng “càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới”. “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”. Áng hùng văn được truyền đi, báo hiệu giờ cứu quốc đã điểm.
Đêm 19/12/1946, hưởng ứng “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Người, quân và dân Hà Nội đã cùng cả nước đứng lên, pháo đài Láng nổ những loạt đạn đầu tiên, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ. “Lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”, quân và dân Thủ đô đã viết nên bản hùng ca bất tử:
Hà Nội cháy, khói lửa ngợp trời.
Hà Nội hồng ầm ầm rung, sông Hồng reo!
Trong cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù, mặt trận Hà Nội đã trở thành điển hình cho đường lối chiến tranh nhân dân. Mỗi ngôi nhà, từng con phố đều trở thành trận địa, chiến hào. Mỗi người dân từ cậu bé 9 tuổi đến cụ già, từ anh nhạc sĩ đến chị nông dân, từ một trí thức tiểu tư sản đến anh công nhân áo xanh, giầy vải… Tất cả đã cùng chung vai gánh vác với đội quân anh dũng của Trung đoàn Thủ đô và các chiến sĩ tự vệ thành trong trọng trách giam chân địch, tạo điều kiện cho Trung ương Đảng, Chính phủ rút lên chiến khu an toàn. Tất cả những con người bình thường đó đã gắn kết với nhau trong cùng ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, làm nên khúc tráng ca của Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa.
Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Hà Nội đã đánh gần 200 trận, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực địch, giam chân chúng trong thành phố vượt thời gian dự kiến, góp phần bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, Mặt trận di chuyển về căn cứ an toàn. Đúng như lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giam chân địch ở Hà Nội được một tháng là thắng lợi, nay giữ được Hà Nội hai tháng là đại thắng lợi”. Qua đó, tạo ra khoảng thời gian chiến lược để cả nước tiếp tục chuyển vào thời chiến, xây dựng thế trận chiến tranh, niềm tin cho nhân dân chung sức, đồng lòng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi.
Thắng lợi đó còn chuẩn bị tâm thế, bản lĩnh và nhiều kinh nghiệm quý báu để hơn 20 năm sau quân và dân Thủ đô làm nên huyền thoại 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” - một kỳ tích khác của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX - để Hà Nội trở thành “Thủ đô lương tri và phẩm giá con người”, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bản hùng ca mãi vang vọng
Bước vào giai đoạn xây dựng và kiến thiết, tinh thần đi đầu hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày ấy lại được các thế hệ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phát huy, đoàn kết, sáng tạo đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng Hà Nội ngày càng phát triển. Thành phố vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”, ba lần được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, được các tổ chức quốc tế vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.
Kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng tốt. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật. Sự nghiệp văn hóa xã hội, y tế, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm.
Bình quân 5 năm 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,73%, gấp 1,12 lần mức tăng cả nước (5,99%). Trong đó, đóng góp nhiều nhất là ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng... Quy mô GRDP năm 2020 đạt 1,02 triệu tỷ đồng, khoảng 43,9 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người đạt 5.325 USD, gấp 1,29 lần so với năm 2015, gấp 92 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 85,77% lên 86,74%, khu vực nông nghiệp từ 2,54% giảm còn 2,24%.
Năm 2021 là một năm đầy thử thách với Hà Nội, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Song với sự lãnh đạo của Trung ương, Chính phủ, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, bức tranh tổng thể về kinh tế-xã hội của Thành phố năm 2021 vẫn có nhiều điểm sáng. Kinh tế Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng dương, cân đối thu-chi ngân sách được đảm bảo; GRDP ước tăng 2,92%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 108,3% dự toán Trung ương giao. Lạm phát được kiểm soát giữ ở mức 2,67%. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, thành phố đã hỗ trợ tiền mặt và cho vay cho trên 5,204 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí 6.275 tỷ đồng đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng…
75 năm đã qua, nhưng “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vang vọng, thúc giục quân và dân Hà Nội với tinh thần gương mẫu, đi đầu, “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế./.


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết