Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Kinh tế tuần hoàn

Ngày phát hành: 26/03/2021 Lượt xem 2254

 

Bấy lâu nay cả thế giới bàn nhiều đến các dạng kinh tế như: kinh tế hậu công nghiệp, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế số và hiện đang nổi lên một dạng thức nữa là kinh tế tuần hoàn. Điểm chung của các loại hình kinh tế này chính là các nền kinh tế trong đó sự sản sinh, truyền bá sử dụng tri thức và công nghệ hiện đại là động lực chủ yếu nhất của sự tăng trưởng, tạo ra của cải, việc làm trong tất cả các ngành kinh tế. Trong các nền kinh tế này, tri thức và công nghệ mới tham gia vào các quá trình quản lý, điều hành sản xuất đồng thời trực tiếp là thành tố trong sản phẩm sản xuất, có giá trị gia tăng và được ứng dụng rộng rãi trong đời sống và hoạt động kinh tế - xã hội.

Cũng là một loại hình kinh tế dựa vào trí tuệ sáng tạo, kinh tế tuần hoàn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách hợp lý, khoa học, trong đó mỗi hoạt động kinh tế này tạo thành tiền đề cho hoạt động kinh tế khác và thành một vòng tuần hoàn kinh tế. Kinh tế tuần hoàn cần được hiểu không phải là sự khép kín, cứng nhắc, đồng thời kinh tế tuần hoàn có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa rộng là trong phạm vi toàn quốc hay một vùng rộng lớn. Với sự sáng tạo, tính toán khoa học và sự hỗ trợ đặc biệt của những thành tựu công nghệ, một số ngành sản xuất lớn được bố trí hợp lý như một vòng tuần hoàn, hỗ trợ nhau cùng phát triển và tạo ra những sản phẩm chất lượng. Nghĩa hẹp là cách làm kinh tế tuần hoàn, sản phẩm này là nhân tố đầu vào cho việc sản xuất ra sản phẩm khác, bao gồm cả việc tái sử dụng các chất thải làm nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất tiếp theo.

Sự chuyển biến sang loại hình kinh tế tuần hoàn có yếu tố khách quan do nhu cầu của việc tiết kiệm nguyên liệu hoặc hợp lý hóa và góp phần bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Mô hình sản xuất nhỏ như vườn-ao-chuồng trong một hộ gia đình đã cho thấy những yếu tố tuần hoàn trong việc tận dụng những sản phẩm trong vườn để phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm và những sản phẩm chăn nuôi lại cung cấp cho ao cá. Rộng hơn nữa là việc kết hợp hỗ trợ lẫn nhau giữa một số ngành nông nghiệp với công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Nông nghiệp cung ứng một số nguyên vật liệu cho công nghiệp, đến lượt mình, các sản phẩm công nghiệp lại phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp. Chúng ta còn nhớ, ngay từ những năm của thập kỷ 60, thế kỷ XX, trong văn kiện Đại hội III, đã xác định ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở ra sức phát triển công nghiệp nhẹ và nông nghiệp. Thực tiễn của quá trình sản xuất kinh doanh, khi áp dụng vận trù học để kết nối giữa sản xuất – phân phối – trao đổi – tiêu dùng để có những khâu, những công đoạn có sự tương tác phối hợp với nhau một cách tuần hoàn.

Từ thực tiễn khách quan, với tư duy sáng tạo được chắp cánh bằng khoa học công nghệ, nhất là thành tựu tuyệt vời của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, kinh tế tuần hoàn được định hình với nhiều mô hình độc đáo có hiệu quả cao. Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Hà Lan, Canada, Ixraen, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo đang ứng dụng mạnh mẽ kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam có đủ điều kiện và có nhiều yếu tố thuận lợi để ứng dụng kinh tế tuần hoàn. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập. Quy mô nguồn nhân lực tăng lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực đột phá. Các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại đang được ứng dụng nhanh chóng, rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Chuyển đổi số nền kinh tế đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đang được hình thành. Đặc biệt, một số mô hình theo dạng kinh tế tuần hoàn đã hoạt động có hiệu quả rõ rệt. Tất cả các biểu hiện trên đều là cơ sở vững chắc và là môi trường lý tưởng cho việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức, khuyến khích tư duy sáng tạo đến xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách và tổ chức thực hiện một cách bài bản, khoa học. Trước hết, Trung ương Đảng có nghị quyết về phát triển kinh tế tuần hoàn. Tiếp đó Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa bằng việc ban hành chiến lược, pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Để thực hiện một cách bài bản, hiệu quả, có thể lựa chọn một số ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn từ nhỏ đến lớn, tiến tới hình thành các tập đoàn sản xuất và các vùng sản xuất lớn ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở quá trình chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển các độ thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Đó cũng chính là những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững.

 

GS.TS Vũ Văn Hiền

Phó Chủ tịch HĐLTLW

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết