Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo và hợp nhất những tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng (phần 2)

Ngày phát hành: 02/12/2019 Lượt xem 8151

IV

Thực hiện mục tiêu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, chủ trương “nhất thể hóa” một số chức danh lãnh đạo đã được thực hiện ở nhiều địa phương dưới nhiều hình thức và cấp độ khác nhau. Thực tiễn cho thấy, hình thức khá phổ biến đang được thực hiện ở các địa phương là Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân (ở một số địa phương, Phó bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân).

Hình thức Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân được thực hiện phổ biến tại tất cả các cấp chính quyền địa phương: cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân tạo lập được mối liên hệ gắn bó hơn, sự tương tác tích cực giữa cấp ủy đảng trong vai trò là tổ chức lãnh đạo toàn diện, mọi mặt đối với sự phát triển của địa phương và Hội đồng nhân dân trong vị trí là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân đã và đang mang lại nhiều hiệu ứng tích cực đối với cả sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với các hoạt động của Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo Hiến pháp và pháp luật. Bí thư cấp ủy thông qua cơ chế, các hình thức hoạt động của Hội đồng nhân dân có cơ hội, điều kiện nắm bắt, lắng nghe sâu hơn ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân thông qua các phát biểu, các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu Hội đồng nhân dân khi tham gia thảo luận (tranh luận) các vấn đề thuộc chương trình nghị sự của kỳ họp. Thông qua các hoạt động giám sát tại kỳ họp và các giám sát ngoài kỳ họp do Hội đồng nhân dân, các cơ quan Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân, bí thư cấp ủy nắm bắt các vấn đề thực tiễn một cách cụ thể, sát thực hơn, về hoạt động của chính quyền, đặc biệt thực trạng hoạt động của Ủy ban nhân dân cùng cấp, của đội ngũ cán bộ, công chức; phát hiện kịp thời và chính xác hơn các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn. Thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Hội đồng nhân dân trên cương vị là người đứng đầu là những chất liệu thực tế phong phú sinh động để bí thư cấp ủy kịp thời cùng tập thể cấp ủy nghiên cứu, ban hành các chủ trương lãnh đạo, đúng đắn và phù hợp, xác định các giải pháp hiệu quả để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của sự lãnh đạo.

Đối với Hội đồng nhân dân, việc bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân đã góp phần nâng cao vị thế của Hội đồng nhân dân trên phương diện chính trị trong mối quan hệ với cấp ủy và Ủy ban nhân dân cùng cấp. Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân góp phần tạo mối quan hệ cân bằng hơn giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trong quá trình thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương. Trong các trường hợp này, việc thảo luận quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, việc ban hành các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân bám sát và thể chế hóa kịp thời hơn các nghị quyết và chủ trương của cấp ủy địa phương. Ngoài ra, việc bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Theo đó, các hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, các hoạt động giải trình, các giám sát chuyên đề được tổ chức bởi Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân có tác dụng lớn hơn, mạnh mẽ hơn đối với hoạt động của Ủy ban nhân dân, qua đó có thể đưa lại kết quả tích cực hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh các hiệu ứng tích cực, mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân cũng đang đặt ra không ít vấn đề cả về lý luận và thực tiễn.

- Có thể thấy rằng, cấp ủy địa phương là một cơ quan lãnh đạo tập thể với các sản phẩm là các nghị quyết và chủ trương, Hội đồng nhân dân cũng là một cơ quan hoạt động tập thể, sản phẩm cũng chủ yếu là các nghị quyết. Do vậy, khi bí thứ cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân về thực chất đều đứng đầu hai cơ quan có tính tương đồng về phương thức hoạt động: thảo luận ra nghị quyết; Hội đồng nhân dân thảo luận ra nghị quyết trên cơ sở nghị quyết của cấp ủy, dưới sự lãnh đạo của một người khó tạo ra sự sáng tạo trong hoạt động của Hội đồng nhân dân.

- Mặt khác, Hội đồng nhân dân là một tổ chức hoạt động theo kỳ họp, không hoạt động thường xuyên (ngoại trừ cơ quan thường trực, chuyên trách). Do vậy, trên thực tế dễ xuất hiện tình huống: công việc chính và công việc kiêm nhiệm, theo đó công việc chính là công việc của cáp ủy, công việc kiêm nhiệm là công việc của Hội đồng nhân dân, người bí thư cấp ủy dành nhiều thời gian cho công việc của cấp ủy và phần lớn công việc của Hội đồng nhân dân đều do bộ phận thường trực chuyên trách của Hội đồng nhân dân đảm nhận. Trong những tình huống như vậy, các lợi thế của việc bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân khó được phát huy như mong muốn. Mặt khác, sức mạnh của một đảng cầm quyền không chỉ được thể hiện trong việc định ra đường lối, chủ trương mà còn thể hiện trong việc trực tiếp lãnh đạo triển khai thực hiện đường lối thông qua bộ máy hành chính nhà nước các cấp. Mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân trong một ý nghĩa nào đó chưa thể hiện được hết ý nghĩa của sự cầm quyền như mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp.

- Mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp được thực hiện thí điểm theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa IX và tiếp tục được xác định tại Nghị quyết Trung ương 6 khóa X. Thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 6, Bộ Chính trị khóa X đã ra thông báo số 223/TB/TW ngày 24/4/2009 về thực hiện thí điểm chủ trương Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở cấp xã và địa phương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân; Ban Tổ chức trung ương ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW để triển khai. Theo đó ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường chỉ đạo thí điểm từ 10 đến 30% tổng số địa phương; ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại chỉ đạo thí điểm 2 - 3% tổng số xã, thị trấn. Thực hiện chủ trương thí điểm này đến tháng 5/2011, cả nước có 16 huyện, quyện, 638 phường, xã, thị trấn Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

- Sau khi kết thúc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quyện, phường, thị trấn tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo Nghị quyết 26 của Quốc hội, nhiều địa phương vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương thí điểm này. Đến cuối năm 2016, đã có 16 quận, huyện; 638 xã, phường, thị trấn thí điểm Bí thư cấp ủy là Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu thực hiện chủ trương Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân tại cấp xã, cấp huyện. Các địa phương khác như An Giang, Hà Giang, Bình Phước cũng đang tích cực tiếp tục triển khai chủ trương này. Thực tiễn thí điểm cho thấy, việc thực hiện linh hoạt và sáng tạo chủ trương này đã và đang đưa lại nhiều kết quả tích cực. Các kết quả này cho thấy rõ hơn các vấn đề:

+ Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân thể hiện cụ thể hơn mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền và Nhà nước. Đảng cầm quyền tuy không tự tổ chức mình thành Nhà nước mà cầm quyền chủ yếu bằng nhà nước, thông qua nhà nước, mà biểu hiện tập trung nhất là trực tiếp nắm quyền hành pháp thông qua bộ máy hành chính nhà nước. Một khi Bí thư cấp ủy trực tiếp nắm bộ máy hành chính nhà nước một cách thực chất hơn, khắc phục sự chồng chéo, tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc bao biện làm thay giữa tổ chức Đảng và bộ máy nhà nước.

+ Bí thư cấp ủy là Chủ tịch Ủy ban nhân dân vừa là người lãnh đạo cấp ủy vừa là người trực tiếp tiếp thu, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, vừa trực tiếp chỉ đạo việc triển khai tổ chức thực hiện. Do vậy, tạo được sự gắn bó nhất quán giữa chủ trương, chính sách và việc tổ chức thực hiện chủ trương chính sách trong hoạt động thực tiễn. Nghị quyết của cấp ủy được xây dựng sát thực tiễn hơn, các mục tiêu, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

+ Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân sẽ tạo điều kiện rút ngắn quy trình từ xây dựng chủ trương chính sách đến triển khai thực hiện chủ trương chính sách, giảm bớt khâu trung gian, tiết kiệm thời gian và chi phí đáp ứng kịp thời hơn các yêu cầu của thực tiễn. Trong trường hợp này, người đứng đầu cấp ủy, Ủy ban nhân dân có điều kiện tiếp nhận và xử lý thông tin nhanh và kịp thời, chủ động và linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành bộ máy, nâng cao được vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu.

+ Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa cơ quan tham mưu của cấp ủy và các cơ quan, bộ phận tham mưu, chuyên môn của Ủy ban nhân dân, tăng cường sự phối hợp, khắc phục sự chồng chéo giữa các cơ quan này, tạo tiền đề để thu gọn bộ máy tham mưu, giúp việc, tinh giản biên chế nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Đảng và bộ máy chính quyền.

Tuy nhiên, việc Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cũng đặt ra một số vấn đề cần được nghiên cứu phòng tránh. Đó là: Sự tập trung quyền lực vào một người có thể ảnh hưởng đến nguyên tắc tập trung dân chủ trong cơ chế lãnh đạo của Đảng và quản lý điều hành của chính quyền; có thể tạo ra sự độc đoán chuyên quyền, lộng quyền nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực thích hợp. Trong một số trường hợp, mô hình này có thể dẫn đến trì trệ, ách tắc trong công tác lãnh đạo và điều hành nếu người đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền yếu kém về năng lực, uy tín chính trị thấp, khó tập hợp, động viên được đội ngũ cán bộ dưới quyền tận tâm, tận lực phục vụ. Dĩ nhiên, những rủi ro này không thể là các vấn đề căn bản và không thuộc bản chất của mô hình này. Các rủi ro này sẽ được ngăn ngừa nếu thật sự làm tốt công tác cán bộ, chọn đúng người, giao đúng việc và thường xuyên được kiểm tra, giám sát là một cơ chế kiểm soát quyền lực phù hợp.

- Mô hình “nhất thể hóa” chức danh lãnh đạo dựa trên việc hợp nhất các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng tham mưu, giúp việc của cấp ủy và của chính quyền (Ủy ban nhân dân), đang được triển khai thực hiện thí điểm tại nhiều địa phương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VI khóa XII. Mô hình nhất thể hóa này hướng tới các mục tiêu tinh gọn bộ máy, khắc phục một bước sự song trung bộ máy tham mưu giúp việc của cấp ủy và của chính quyền, giảm bớt các vị trí, chức danh lãnh đạo quản lý, hợp lý hóa chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức theo nguyên tắc: một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính

Triển khai mô hình “nhất thể hóa” cả chức danh lãnh đạo, “nhất thể hóa” cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị thuộc các hệ thống tổ chức khác nhau: là một nội dung khá phức tạp đòi hỏi phải tiến hành nhiều công việc.

- Trước hết phải xác định đúng, hợp lý sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có khả năng, điều kiện để hợp nhất. Để làm được công việc này cần đánh giá toàn diện tính chất của từng cơ quan, tổ chức, mục tiêu, đối tượng phục vụ, các chức năng nhiệm vụ cụ thể trong sự so sánh, đối chiếu giữa các cơ quan tổ chức, đơn vị để xác định tính tương đồng, để khi hợp nhất, tiếp tục phát huy hiệu quả, sức mạnh của tổ chức đơn vị mới, đáp ứng các mục tiêu của “nhất thể hóa”.

- Trên cơ sở đánh giá vị trí, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến hợp nhất, tiến hành tái cấu trúc chức năng nhiệm vụ đã được quy định để một mặt loại bỏ những chức năng, nhiệm vụ không còn phù hợp, chuyển những chức năng, nhiệm vụ tuy còn cần thiết nhưng không tương thích với mô hình hợp nhất sang cho các cơ quan tổ chức khác. Mặt khác xác định các chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền mới được tái cấu trúc phù hợp với tính chất, vị trí, vai trò của cơ quan, tổ chức hợp nhất mới.

- Trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ mới, tái cấu trúc lại cơ cấu bộ máy với việc hợp nhất, sắp xếp lại các bộ phận cấu trúc bên trong của cơ quan, tổ chức mới, kiên quyết, triệt để khắc phục nguy cơ “hợp nhất” cơ học không tinh giản được các đầu mối bên trong.

- Rà soát, đánh giá lại các nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức trước hợp nhất, trên cơ sở đó tái cấu trúc lại nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của chức danh được nhất thể hóa để tạo lập một địa vị pháp lý mới của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được hợp nhất.

- Việc hợp nhất các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng đòi hỏi phải thay đổi phương thức, quy trình hoạt động của cơ quan, tổ chức được hợp nhất, theo hướng cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, hợp lý hóa quy trình hoạt động, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ phận, tạo sự liên thông, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức.

- Thực tiễn cho thấy, sau khi Nghị quyết Trung ương VI được ban hành, nhiều địa phương đã tích cực, chủ động thí điểm hợp nhất các cơ quan tham mưu của cấp ủy và các cơ quan tham mưu, chuyên môn của Ủy ban nhân dân ở cấp cơ sở và cấp huyện. Quảng Ninh là một trong những địa phương đi tiên phong. Năm 2018, Quảng Ninh triển khai hợp nhất Ban Tổ chức cấp ủy với Phòng Nội vụ cấp huyện thành cơ quan tổ chức Nội vụ; Ủy ban kiểm tra với thanh tra huyện thành cơ quan kiểm tra - thanh tra. Tính đến nay tất cả 14/14 huyện thị, thành phố của tỉnh Quảng Ninh đều đã hoàn thành việc hợp nhất cơ quan Ban Tổ chức và Phòng Nội vụ, Ủy ban kiểm tra với Thanh tra cấp huyện. Với đề án 25, tỉnh Quảng Ninh đã rất quyết liệt trong việc thí điểm thực hiện chủ trương “nhất thể hóa” chức danh người đứng đầu cùng với việc hợp nhất các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Theo số liệu của Ban Tổ chức tỉnh ủy Quảng Ninh, đến tháng 6/2017 toàn tỉnh đã thực hiện kiêm nhiệm, nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu cấp ủy và chính quyền ở cấp thôn, cấp xã, cấp huyện trên địa bàn. Trong đó, Bí thư đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện tại 7/14 địa phương; bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tại 2 địa phương (Cô Tô và Tiên Yên), Bí thư đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là 7/186…Quảng Ninh đặt mục tiêu đến hết 2018, 100% thôn, bản, khu phố thực hiện nhất thể hóa hai chức danh bí thứ chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố.

Đồng thời, Quảng Ninh cũng đã tiến hành nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp huyện. Theo đó, Trưởng ban dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở 10/14 địa phương (71,4%), Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra kiêm Chánh thanh tra ở 9/14 địa phương (64%). Trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ ở 10/14 địa phương (71,4%), Trưởng (Phó) ban tuyên giáo kiêm Giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị ở 13/14 địa phương (92,8%). Đặc biệt, Quảng Ninh cũng đã thí điểm thành lập cơ quan giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tại 13/14 đơn vị cấp huyện và ban hành quy chế làm việc[1].

Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện đề án 25 của Tỉnh ủy Quảng Ninh đang đưa lại những kết quả tích cực ban đầu. Về mặt tinh giản biên chế, tỉnh Quảng Ninh đến cuối năm 2016, giảm được 686 biên chế so với số được giao, giảm 1.921 người hoạt động không chuyên trách cấp xã (48,9%) so với quy định của Nghị định 92/2009/NĐ-CP; giảm 433 người (17,7%) so với số lượng của tỉnh quy định; giảm 825 người (17,5%) người hoạt động không chuyên trách ở thôn bản, khu phố; bố trí kế toán chung cho nhiều trường, giảm kế toán 44 trường, giảm nhân viên y tế 71 trường (chuyển hợp đồng cho trạm y tế xã; kiêm nhiệm 158 vị trí nhân viên phục vụ trường (văn thư, thư viện, phòng thí nghiệm, thủ quỹ…). Về mặt tài chính, tính đến 30/8/2016, tiết kiệm được 202 tỷ đồng (khối tỉnh 83,639 tỷ đồng, khối huyện 118,884 tỷ đồng); tăng chi đầu tư trên 30% năm 2014 lên trên 50% năm 2016; giảm phòng làm việc, phòng học tương đương đầu tư 52,375 tỷ đồng; tiết kiệm không phải đầu tư bổ sung khoảng 110 tỷ đồng[2].

- Một phương diện khác của chủ trương hợp nhất các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng là việc sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VI khóa XII.

- Sau khi có Nghị quyết Trung ương VI, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng các đề án sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cáp huyện theo định hướng: mô hình cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với nguyên tắc một tổ chức, một người có thể đảm nhận nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Với tinh thần này, một số địa phương trong năm 2017 đã tiến hành hợp nhất một số sở, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các phòng, ban thuộc Ủy ban nhân dân huyện. Tỉnh Lào Cai hợp nhất Sở Giao thông vận tải với Sở xây dựng thành Sở Giao thông vận tải - Xây dựng; Bạc Liêu xây dựng đề án hợp nhất SởThông tin, truyền thông và SởVăn hóa, thể thao, du lịch thành Sở Văn hóa, thông tin, thông tin thể thao và du lịch; SởKhoa học và công nghệ với SởGiáo dục, đào tạo thành Sở Giáo dục -Khoa học -Công nghệ; chuyển bộ phận tôn giáo thuộc Sở Nội vụ về Ban dân tộc thành Ban Dân tộc -Tôn giáo. Tỉnh Thái Bình có đề án hợp nhất SởThông tin và Truyền thông với SởVăn hóa -Thể thao và Du lịch; sáp nhập Ban dân tộc và Ban tôn giáo thành Ban Dân tộc - Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ, đảm bảo các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có 17 đơn vị.

- Tại cấp huyện, việc sáp nhập các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện cũng được đẩy mạnh. Tỉnh Thái Bình đã sáp nhập 22 trung tâm, giảm 13 trung tâm; Bắc Kạn giải thể 8 Phòng dân tộc và 8 Phòng y tế; Bắc Ninh hợp nhất 1 Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân với Văn phòng huyện ủy; Bình Phước giải thể 5 phòng y tế; sáp nhập 5 phòng nội vụ và phòng lao động - thương binh - xã hội,...[3]

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân “đến nay đã có 4 tỉnh thí điểm sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh gồm Bạc Liêu, Bắc Ninh, Hà Giang, Lào Cai giảm được 5 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Đối với cấp huyện đã có 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thí điểm sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp huyện, đã giảm được 185 phòng chuyên môn”.

- Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nhằm mục tiêu tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm biên chế, tăng cường hiệu quả hoạt động đang là một đòi hỏi cấp bách trong nỗ lực chung đổi mới, tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ cấp bách nhưng hệ trọng phải được thực hiện có lộ trình, bước đi thích hợp để vừa đảm bảo sự đồng bộ của bộ máy hành chính trong cả nước vừa phù hợp với đặc thù của địa phương. Do vậy, việc thực hiện chủ trương này cần có sự thống nhất trong phạm vi toàn quốc với các nguyên tắc và khung tổ chức được xác định chung định hướng cho việc triển khai của các địa phương. Do vậy, cho đến nay các địa phương đã tạm dừng thực hiện việc sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn, cho đến khi có nghị định mới của Chính phủ về nội dung này. Hiện tại dự thảo Nghị định đang được khẩn trương hoàn thiện để ban hành tạo định hướng thống nhất để triển khai trong phạm vi cả nước.

V

Chủ trương nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo, hợp nhất các cơ quan tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Chủ trương này đang được quán triệt và tích cực thực hiện tại nhiều địa phương. Dù mới được triển khai dưới hình thức “thí điểm”, nhưng kết quả ban đầu đã cho thấy hiệu quả tích cực đã và đang được thể hiện trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở các cấp địa phương. Chủ trương nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo và nhất thể hóa các cơ quan tổ chức có nhiệm vụ, chức năng tương đồng mặc dù vẫn mới được triển khai dưới hình thức thí điểm và chưa có những tổng kết để đánh giá, nhưng một số giải pháp về thực chất được triển khai nhiều năm trước đây như: một người lãnh đạo kiêm nhiều chức vụ chức vụ trong các cơ quan khác nhau; Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân đã và đang đưa lại nhiều kết quảtích cực dù ở những mức độ khác nhau của từng mô hình. Việc triển khai sáp nhập, hợp nhất các cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân) phù hợp với nguyên tắc quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn bộ máy hành chính, giảm các chức vụ lãnh đạo, giảm biên chế, tiết kiệm chi tiêu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động về cơ bản phù hợp với mục tiêu và định hướng cải cách bộ máy, có cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc. Do vậy, chủ trương này cơ bản được nhận thức thống nhất và quyết tâm thực hiện cao. Một số vấn đề liên quan đến nhất thể hóa (hợp nhất) các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thuộc các hệ thống tổ chức khác nhau, đặc biệt giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân các cấp địa phương vẫn còn khá nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cần đi sâu phân tích, đánh giá, làm rõ. Chẳng hạn, cần xác định rõ tính tương đồng về chức năng, nhiệm vụ giữa cơ quan của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền như thế nào; Căn cứ vào đâu để xác định về sự tương đồng?

Cần phân biệt các nhiệm vụ của công tác đảng và công vụ trong một cơ quan, tổ chức được nhất thể hóa để vừa đảm bảo tốt công tác xây dựng đảng vừa thực hiện tốt công vụ trong cùng một cơ quan. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến tư cách pháp nhân, đến con dấu, chữ ký, các quan hệ công tác của người đứng đầu, của cơ quan được hợp nhất với các cơ quan trong toàn bộ hệ thống tổ chức Đảng, hệ thống tổ chức nhà nước cũng đòi hỏi phải được lý giải thấu đáo, có cơ sở khoa học để thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận trong quá trình tổ chức thực hiện chủ trương nhất thể hóa tại các cấp địa phương.

Chủ trương “nhất thể hóa” các chức danh lãnh đạo “nhất thể hóa” các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng giữa các phần hệ thống của hệ thống chính trị là một trong những chủ trương lớn trong các chủ trương, giải pháp tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị nước ta. Đây là một công việc phức tạp, hệ trọng liên quan đên sự đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, hiệu lực của cả hệ thống cính trị nên được các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền quan tâm, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện với các bước đi, lộ trình và đề án cụ thể.

Tuy nhiên những vướng mắc, những băn khoăn vẫn còn trong quá trình triển khai chủ trương “nhất thể hóa” đòi hỏi phải đẩy mạnh các nghiên cứu lý luận, từng bước tổng kết thực tiễn, chuẩn bị chu đáo, các điều kiện cần thiết về cán bộ, về chính sách, về cơ chế kiểm tra, giám sát quyền lực để thực hiện thắng lợi chủ trương “nhất thể hóa” quan trọng này./.

(hết)

PGS. TS. Lê Minh Thông

Trợ lý Chủ tịch Quốc hội

 



[1] Dẫn theo: Trần Lưu/Quốc Khánh “Thí điểm nhất thể hóa và đổi mới hệ thống chính trị”. Tác phẩm đoạt giải A Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải búa liềm vàng) lần thứ II - 2017 của Báo Sài Gòn Giải phóng.

[2] Dẫn theo nguồn: PGS.TS Vũ Hoàng Công: “Thực trạng thí điểm nhất thể hóa chức danh lãnh đạo và hợp nhất các cơ quan Đảng; Nhà nước tương đồng chức năng, nhiệm vụ ở các địa phương hiện nay”. Tạp chí Tuyên giáo Copyright 2018/Acom (http:www.acom.com.vn).

[3] Số liệu của Vụ chính quyền địa phương tổng hợp tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến ngày 30/6/2017.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết