Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Những điểm mới trong chủ đề Đại hội XIII của Đảng

Ngày phát hành: 15/02/2021 Lượt xem 21007

 

1. Các luận điệu sai trái, thù địch

Các đại hội của Đảng từ Đại hội IX (2001) đến Đại hội XIII (2021) đều xác định chủ đề. Vào thời điểm trước, trong và sau các đại hội các thế lực thù địch đưa ra những quan điểm sai trái, chống phá đại hội của Đảng. Trước, trong và sau Đại hội XIII của Đảng các thế lực thù địch đưa ra các quan điểm sai trái, thù địch cho rằng văn kiện Đại hội XIII, trong đó có chủ đề Đại hội rất dài dòng, không có gì mới, vẫn “bình cũ, rượu cũng cũ” v.v...

Những quan điểm trên hoàn toàn sai trái.

 

2. Những luận cứ phê phán các quan điểm trên

Một là, chủ đề của Đại hội IX đến Đại hội XII là những định hướng lớn, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong nhiệm kỳ tới

Đại hội IX của Đảng (2001) diễn ra vào thời điểm thế kỷ XX đã kết thúc, thế kỷ XXI vừa bắt đầu. Đất nước đã trải qua 15 năm đổi mới, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII đạt được những thành tựu quan trọng, 10 năm thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội (1991-2000) và 15 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, làm cho thế và lực của nước ta mạnh lên rất nhiều. Đại hội IX diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến đổi. Đất nước ta phải đối mặt với nhiều thách thức. Từ đó, Đại hội đã xác định chủ đề: “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[1].

Đại hội X của Đảng (2006) họp vào lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kết thúc 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX và đã trải qua 20 năm đổi mới. Năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX đạt được những thành tựu rất quan trọng, 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, nhưng công cuộc đổi mới chưa được triển khai đồng bộ và đất nước vẫn trong tình trạng nước kém phát triển. Đại hội X đã xác định chủ đề: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”[2].

Đại hội XI của Đảng (2011) họp vào lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kết thúc 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, đất nước trải qua 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010. Năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục; 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 là giai đoạn đất nước ta thực sự đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng. Những thành tựu đạt được trong 20 năm thực hiện Cương lĩnh là to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đại hội xác định chủ đề: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[3].

Đại hội XII của Đảng (2016) họp vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kết thúc 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, 5 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, 2 năm thực hiện Hiến pháp năm 2013, 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, đổi mới chưa toàn diện và đồng bộ. Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đại hội xác định chủ đề là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[4].

Những thành tố cấu thành chủ đề Đại hội IX đến Đại hội XII phản ánh những định hướng chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu phấn đấu của Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong từng nhiệm kỳ của Đại hội Đảng. Có thể thấy về cơ bản chủ đề các kỳ đại hội gần đây gồm các thành tố: (1) Về Đảng; (2) Về dân tộc; (3) Về đổi mới; (4) Về bảo vệ Tổ quốc; (5) Về mục tiêu phấn đấu. Nội dung các thành tố trong chủ đề của mỗi đại hội đều có sự phát triển tùy theo nhiệm vụ của từng đại hội và chủ đề các đại hội không dài dòng, kể nể.

Hai là, chủ đề Đại hội XIII có nhiều điểm mới

Đại hội XIII của Đảng họp vào thời điểm khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Mười năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã tạo ra những bước tiến quan trọng cả về nhận thức lý luận và tổ chức thực hiện. Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Bên cạnh đó, cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm.

Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Việc phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường; việc phát triển đồng bộ các vùng, miền, địa phương trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thé của từng vùng vẫn còn nhiều hạn chế. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Xu hướng già hóa dân số, đô thị hóa tăng nhanh; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng ngày càng lớn đến sự phát triển đất nước. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của đất nước.

Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều khó khăn, trở ngại. Tình hình chính trị, an ninh, kinh tế thế giới có những biến động lớn, nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra phức tạp, quyết liệt; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy, cường quyền nước lớn trong quan hệ quốc tế gia tăng. Toàn cầu hóa tiếp tục tiến triển nhưng gặp nhiều trở ngại, luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại giữa các nước, các nền kinh tế ngày càng quyết liệt. Nhiều vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, an ninh mới như an ninh mạng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh... trở thành những thách thức lớn trên quy mô toàn cầu. Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch Covid-19. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo căng thẳng, phức tạp. ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác trong khu vực, nhưng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, đất nước đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới đặt ra đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải giải quyết, có những quyết định đúng đắn, mạnh mẽ để phát triển đất nước ta nhanh và bền vững.

Chủ đề Đại hội XIII là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (Đại hội đã biểu quyết, có 95,7% đại biểu đồng ý).

So với chủ đề Đại hội XII, chủ đề Đại hội XIII có nhiều điểm mới ở tất cả các thành tố.

Thứ nhất, thành tố về Đảng: Bổ sung “chỉnh đốn” và “hệ thống chính trị” vào nội dung “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” để thành “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

Thực tế đã khẳng định, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta trong 35 năm đổi mới vừa qua và cũng sẽ là yếu tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của đất nước ta, nhân ta trong những năm tới. Tới đây, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta đứng trước nhiều thời cơ và khó khăn, thách thức to lớn, đặt ra nhiều vấn đề mới đòi hỏi Đảng phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Bởi vậy, chủ đề Đại hội X và Đại hội XI của Đảng đều có nội dung “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”. Nhưng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng lại phụ thuộc vào chất lượng các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; trong đó, đặc biệt là phụ thuộc vào sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, trong những năm gần đây, có một bộ phận cán bộ, đảng viên bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân... làm ảnh hưởng xấu đến sự ổn định, phát triển đất nước, uy tín của Đảng, Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Do đó, công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh được Đảng hết sức quan tâm trong những năm gần đây, đặc biệt được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.

Thực tiễn công tác xây dựng Đảng cho thấy trong bối cảnh có sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay, để xây dựng Đảng phải chỉnh đốn thì mới xây dựng được Đảng trong sạch, vững mạnh. Hội nghị Trung ương bốn khóa XII đã ra Nghị quyết chuyên đề “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Do đó, cần phải bổ sung “chỉnh đốn” vào nội dung “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” trong chủ đề Đại hội XIII,                                                  

Trong bối cảnh Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo tổ chức và hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của cả hệ thống chính trị. Sự trong sạch, vững mạnh của Đảng gắn liền với sự trong sạch, vững mạnh của cả hệ thống chính trị. Vì thế, bổ sung “hệ thống chính trị vào “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh” để thành “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” là đúng đắn và cần thiết.

Thứ hai, thành tố về dân tộc: Bổ sung “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí”, và “kết hợp với sức mạnh của thời đại ” vào nội dung “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” thành “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”.

Thực tiễn mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đất nước ta đã cho thấy tinh thần, ý chí, khát vọng của một dân tộc là một sức mạnh to lớn. Chính ý chí, khát vọng cháy bỏng phải giành, bảo vệ cho được độc lập, tự do, thống nhất đất nước đã tạo nên sức mạnh thần kỳ để nước ta, một nước nghèo, kinh tế kém phát triển đã đánh thắng những kẻ thù hùng mạnh của thời đại. Ngày nay, bên cạnh những khó khăn, thách thức, đất nước ta có những thuận lợi, cơ hội to lớn để phát triển, chúng ta rất cần phải phát huy mạnh mẽ ý chí, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để tạo nên động lực mạnh mẽ, sức mạnh to lớn đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nắm bắt, tận dụng tốt mọi thuận lợi, thời cơ, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đây là yêu cầu, là lời hiệu triệu của Đảng, của đất nước đối với mỗi người Việt Nam yêu nước

Cùng với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trong mọi giai đoạn cách mạng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn luôn là vấn đề chiến lược của cách mạng nước ta, là nguồn sức mạnh to lớn để đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được những thắng lợi vẻ vang. Bởi vậy, “phát huy sức mạnh toàn dân tộc” luôn là một nội dung quan trọng trong đường lối của Đảng, được nêu trong chủ đề của nhiều đại hội Đảng (trong chủ đề Đại hội IX, X, XI và XII đều có nội dung này). Chủ đề Đại hội XIII của Đảng tiếp tục có nội dung “phát huy sức mạnh toàn dân tộc”.

Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia; nước ta đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, toàn diện, ảnh hưởng và tác động quốc tế đối với nước ta ngày càng lớn, nhanh chóng và trực tiếp. Xu thế của thời đại, luật pháp, các quan hệ quốc tế, sự hợp tác, ủng hộ của các nước, cộng đồng quốc tế là nguồn sức mạnh to lớn để đất nước ta vượt qua khó khăn, thách thức giữ vững độc lập, chủ quyền, môi trường hòa bình, ổn định, phát triển nhanh, bền vững. Do đó, việc đưa nội dung “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc két hợp với sức mạnh của thời đại” vào chủ đề Đại hội XIII là cần thiết, đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng.

Thứ ba, thành tố về đổi mới: Bổ sung cụm từ “tiếp tục” thành “tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”.

Chủ đề Đại hội IX xác định “tiếp tục đổi mới”. Đến Đại hội X, Đảng ta xác định “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”. Công cuộc đổi mới đã được tiến hành toàn diện, nhưng chưa đồng bộ, nhất là chưa đồng bộ giữa chính trị và kinh tế. Đến Đại hội XII, Đảng ta xác định “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”. Thực tế đến nay công cuộc đổi mới chưa thật toàn diện, chưa thật đồng bộ. Vì thế, chủ đề Đại hội XIII xác định “tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”.

Thứ tư, thành tố về bảo vệ Tổ quốc: Đại hội XII xác định “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”. Đại hội XIII đã phát triển thành “xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”. Đảng ta nhận thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ hữu cơ với nhau. Đại hội XIII xác định rõ trong chủ đề Đại hội, là một nhận thức mới.

Thứ năm, thành tố về mục tiêu: Xác định mục tiêu “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa ”.

Chủ đề Đại hội XI của Đảng xác định mục tiêu “tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đại hội XII xác định “phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đề ra mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI “phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Kế thừa và phát triển Cương lĩnh và các đại hội gần đây, Đại hội XIII xác định mục tiêu “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; trong đó nội dung “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đã được khẳng định trong nhiều văn kiện của Đảng; điểm mới là “nước ta trở thành nước phát triển”.

Ba là, đại hội của một số đảng cũng xác định chủ đề

Đại hội của một số đảng, nhất là của các đảng cộng sản cầm quyền cũng xác định chủ đề. Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định chủ đề của các kỳ đại hội. Chủ đề Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (2012): “Giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của lý luận Đặng Tiểu Bình, thuyết Ba đại diện và Quan điểm phát triển khoa học, giải phóng tư tưởng, thực hiện chính sách cải cách mở cửa, tăng cường sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn, kiên định con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả”. Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (2017) xác định chủ đề: “Không quên tâm nguyện ban đầu, khắc ghi sứ mệnh, giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, quyết tâm xây dựng thành công toàn diện xã hội khá giả, giành thắng lợi vĩ đại cho chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, phấn đấu không ngừng nhằm thực hiện giấc mơ Trung Quốc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”[5].

Chủ đề Đại hội X Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (năm 2016) là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và tính tiên phong của Đảng, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, kiên định đường lối đổi mới toàn diện có nguyên tắc, bảo vệ và phát triển đất nước bền vững theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa”. Đại hội XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (năm 2021) xác định chủ đề: “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện đường lối đổi mới theo chiều sâu, đảm bảo ổn định về chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tiếp tục mục tiêu đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển và tiến tới chủ nghĩa xã hội”, v.v...

Nếu so sánh chủ đề các đại hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, có thể thấy chủ đề Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam không dài.

 

PGS. TS Nguyễn Viết Thông

Tổng thư ký HĐLLTW



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 60, Nxb. CTQG, HN, 2016, tr.160.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb.CTQG, HN, 2006, tr.54.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.CTQG, HN, 2011, tr.148.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.CTQG, HN, 2016, tr.55.

[5] Tuyển tập văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb.CTQG, HN, 2018, tr.9-10.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết