Thứ Tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024

Phát triển bền vững: Nhận thức, kết quả và vấn đề đặt ra

Ngày phát hành: 12/04/2023 Lượt xem 9223

 

Phát triển bền vững đã và đang trở thành nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội. Quá trình phát triển bền vững cần có sự điều tiết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an ninh xã hội và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh cuộc Cánh mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo, các tiến bộ của khoa học công nghệ có nhiều thay đổi, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt cũng như ảnh hưởng của Đại dịch Covid 19 đã tác động tới mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030.

 

1. Phát triển bền vững: Nhận thức của thế giới và Việt Nam

 

Bản “Chiến lược bảo tồn thế giới” (1980) do Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN-International Union for Conservation of Nature and Natural Resources) đã đưa ra mục tiêu của phát triển bền vững là “đạt được sự phát triển bền vững bằng cách bảo vệ các tài nguyên sinh vật”. Thuật ngữ phát triển bền vững được đề cập với nội dung hẹp, nhấn mạnh tính bền vững của sự phát triển về mặt sinh thái, nhằm kêu gọi việc bảo tồn các tài nguyên sinh vật.

 

Năm 1987, trong Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”, Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED-World Commission on Environment and Development) của Liên hợp quốc đưa ra khái niệm "phát triển bền vững"là “Sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương khả năng cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.

 

Khái niệm phát triển bền vững của WCED chủ yếu nhấn mạnh khía cạnh sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo đảm môi trường sống cho con người. Phát triển bền vững là mô hình chuyển đổi tối ưu các lợi ích kinh tế và xã hội trong hiện tại nhưng không gây hại cho tiềm năng của những lợi ích tương tự trong tương lai (Godian và Hecdue, 1988, GS. Grima Lino).

 

Năm 1992, nội hàm về phát triển bền vững được tái khẳng định ở Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển của Liên hợp quốc tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002: "Phát triển bền vững" là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).

 

Quan niệm về phát triển bền vững dần được hình thành từ thực tiễn đời sống xã hội và có tính tất yếu. Tư duy về phát triển bền vững bắt đầu từ việc nhìn nhận tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và tiếp đó là nhận ra sự cần thiết phải giải quyết những bất ổn trong xã hội. Hội nghị thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc đề ra Chương trình nghị sự toàn cầu cho thế kỷ XXI. Theo đó, phát triển bền vững được xác định là: “Một sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai”.

 

Về nguyên tắc, phát triển bền vững là quá trình vận hành đồng thời ba bình diện phát triển: kinh tế tăng trưởng bền vững, xã hội thịnh vượng, công bằng, ổn định, văn hoá đa dạng và môi trường được trong lành, tài nguyên được duy trì bền vững. Do vậy, hệ thống hoàn chỉnh các nguyên tắc đạo đức cho phát triển bền vững bao gồm các nguyên tắc phát triển bền vững trong cả “ba thế chân kiềng” kinh tế, xã hội, môi trường.

 

Ở Việt Nam, Đại hội VI (1986) đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nhận thức của Đảng về phát triển bền vững, hoàn toàn phù hợp với quan niệm của thế giới. Tại Đại hội VI, lần đầu tiên Đảng yêu cầu phải có sự thống nhất giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng và các tài nguyên thiên nhiên. Trong Đại hội VII (1991), phát triển bền vững được trình bày rõ ràng, cụ thể và đầy đủ hơn, nhất là về vấn đề bảo vệ môi trường. Nhiều cụm từ đã được sử dụng để thể hiện nội dung thực chất của phát triển bền vững, như “bảo đảm sự hài hoà giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội”, “kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội”. Tuy nhiên, khái niệm “phát triển bền vững” vẫn chưa được sử dụng chính thức trong Văn kiện Đại hội và “bảo vệ môi trường” chưa được gắn chặt vào cụm từ “kết hợp phát triển kinh tế với phát triển xã hội”. 

 

Đại hội VIII (1996) đã đề cập vấn đề phát triển bền vững một cách toàn diện hơn, đầy đủ hơn và các giải pháp đưa ra cũng cụ thể và rõ ràng hơn. Những điểm mới trong quan điểm của Đại hội VIII về phát triển bền vững thể hiện ở chỗ: lần đầu tiên Đảng đề cập đến việc “ứng dụng công nghệ sạch”; sử dụng khái niệm “phát triển bền vững” đối với cả đất nước chứ không chỉ đối với lĩnh vực kinh tế; gắn bảo vệ môi trường với tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và phát triển văn hóa: “Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái”[2]. Quan điểm của Đảng về phát triển bền vững trong Đại hội VIII đã được bổ sung bằng nhiều nội dung mới, vừa thể hiện được đặc điểm phát triển của Việt Nam, vừa phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới đương đại. Nội dung khái niệm “phát triển bền vững” được hoàn thiện đáng kể. Trọng tâm của phát triển bền vững là kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa và củng cố an ninh - quốc phòng.

 

Tại Đại hội IX (2001), Đảng tiếp tục nhấn mạnh việc gắn kết giữa năm thành tố của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa và an ninh - quốc phòng: “Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng và an ninh”[3] (lần đầu tiên sử dụng cụm từ “cải thiện môi trường”) - điểm mới trong tư tưởng của Đại hội IX về bảo vệ môi trường.

 

Điểm nổi bật trong Đại hội X (2006) là gắn tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội với phát triển con người: “Phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh, chất lượng cao và bền vững hơn, gắn với phát triển con người”[4]; “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người”[5]. Việc gắn phát triển kinh tế - xã hội với phát triển con người có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, vì con người vừa là mục tiêu, động lực vừa là bảo đảm quan trọng nhất của phát triển bền vững.

 

Đại hội XI (2011) tiếp tục khẳng định: “phát triển kinh tế thị trường gắn với giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội, môi trường; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần cho xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia”[6]. Quan điểm của Đảng về phát triển bền vững đã được hoàn thiện và cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 (thông qua tại Đại hội XI), trong đó nổi bật nhất là quan điểm về mối quan hệ tác động qua lại giữa “phát triển nhanh” với “phát triển bền vững”: “Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội”[7].

 

Đại hội XII (2016) tiếp tục khẳng định: “Bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở bền vững kinh tế vĩ mô và không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Phát triển kinh tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...”.

 

Đại hội XIII (2021) chỉ rõ, Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; Xây dựng Đảng là then chốt; Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; Bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Nhận thức, quan điểm về phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam vừa có sự kế thừa nhận thức và xu hướng phát triển chung của thế giới vừa có sự vận dụng, bổ sung, phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

 

Tóm lại, nhận thức, quan niệm về phát triển bền vững trên bình diện quốc tế và Việt Nam đã có được sự thống nhất chung. Mục tiêu để thực hiện phát triển bền vững trở thành mục tiêu thiên niên kỷ. Phát triển bền vững cần đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc sau:

 

Thứ nhất, phát triển bền vững về kinh tế là quá trình đạt tăng trưởng kinh tế ổn định, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cán cân thương mại thông qua việc nâng cao chất lượng khoa học và công nghệ trong sản xuất và không làm hại đến xã hội, môi trường.

 

Thứ hai, hát triển bền vững về xã hội là quá trình phát triển nhằm đảm bảo sự công bằng trong xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo mọi người đều được tiếp cận đầu đủ các dịch vụ cơ bản mà không gây hại đến kinh tế và môi trường.

 

Thứ ba, phát triển bền vững về môi trường là việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tránh khai thác quá mức các hệ thống nguồn lực tái sinh, duy trì đa dạng sinh học, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai.

 

2. Kết quả phát triển bền vững trong giai đoạn 2011-2020 và mục tiêu phát triển bền vững của giai đoạn 2021- 2030, hướng đến tầm nhìn 2045

 

Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2020 với mục tiêu tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

 

Là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trên hành trình phát triển bền vững, Việt Nam đã ban hành chương trình quốc gia về phát triển bền vững, thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Năm 2018, Việt Nam xếp thứ 69/190  quốc gia về môi trường kinh doanh, xếp thứ 77/140 quốc gia về năng lực cạnh tranh, xếp thứ 54/162 quốc gia lọt vào Top 30% quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững (chỉ thua Thái Lan trong ASEAN).

 

Các chỉ tiêu giám sát và đánh giá phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 gồm: các chỉ tiêu tổng hợp (GDP xanh, chỉ số phát triển con người, chỉ số bền vững môi trường); Chỉ tiêu về kinh tế (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, năng suất lao động xã hội, mức giảm tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP, chỉ số giá tiêu dùng, cán cân vãng lai…); Chỉ tiêu về xã hội (tỷ lệ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo, tỷ số giới tính khi sinh, hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập…); Chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường (tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ đất được bảo vệ, diện tích đất bị thoái hoá…).

 

Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2020 được cụ thể hóa với những mục tiêu cơ bản:

 

Về kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; phát triển bền vững các vùng và địa phương. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 đạt trung bình 7%/năm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người hằng năm tính theo GDP tăng lên 3.200 – 3.500 USD (so với mức 2.100 USD năm 2015). Lạm phát giữ ở mức dưới 5%.

 

Về xã hội, tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững; tạo việc làm bền vững; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, riêng các huyện nghèo giảm trên 4%/năm. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Chỉ trong 9 tháng/2019, số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng 14,85 triệu người; Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13 triệu người; BHYT khoảng 85,2 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 89,8% dân số. Đời sống nhân dân được cải thiện. Tuổi thọ trung bình đạt 73,5 tuổi (2018), cao hơn mức trung bình của thế giới (69 tuổi). Chỉ số phát triển con người đạt 0,694 (2017) thuộc nhóm trung bình cao trong tổng số 189 quốc gia. Theo Báo cáo đánh giá về tiến độ thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, Việt Nam xếp thứ 54 (2019) tăng 3 bậc so với năm 2018 và chỉ số phát triển bền vững đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Hoàn thành nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ. Ổn định quy mô, cải thiện và nâng cao chất lượng dân số; phát triển văn hoá hài hoà với phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam; phát triển bền vững các đô thị, xây dựng nông thôn mới, phân bố hợp lý dân cư và lao động theo vùng; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để nâng cao dân trí và trình độ nghề nghiệp thích hợp với yêu cầu của sự phát triển đất nước, vùng và địa phương.

 

Về tài nguyên và môi trường: chống thoái hoá, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất; bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển; bảo vệ và phát triển rừng; giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn ở các đô thị lớn và khu công nghiệp

 

Việt Nam được đánh giá khá tốt về tiến độ chung trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, có những bước phát triển ấn tượng kể từ năm 2015. Xếp hạng thực hiện SDGs của Việt Nam đứng thứ 49 (2020), tăng từ vị trí 68 (2017). Xét trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập tương đương, Việt Nam có sự thể hiện tương đối ấn tượng, đứng thứ 3/54 quốc gia có thu nhập trung bình thấp (sau Ukraina và Kyrgyzstan) và đứng thứ 12/88 quốc gia có thu nhập trung bình (cả thấp và cao) theo chỉ số xếp hạng năm 2021.

 

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội XIII (2021) của Đảng nêu rõ: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”[8]. Đồng thời, kiên định con đường phát triển toàn diện, phát triển bền vững.

 

Mục tiêu phát triển bền vững là sự tiếp nối của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals). Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam được xây dựng trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều khó khăn, biến động. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cụ thể:

 

Thứ nhất, phát triển bền vững về kinh tế. Việt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 – 2030. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm.  Năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP. Tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt trên 50% GDP, khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40% GDP, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 - 35% GDP; nợ công không quá 60% GDP. Quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 105 triệu người.

 

Mục tiêu tăng gấp 1,5 lần năng suất lao động trong nông nghiệp (2030). Thu nhập của lao động nông nghiệp với lộ trình đặt ra là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 60 triệu/người (2025) và 90 triệu/người (2030). Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% GDP. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm.

Năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 6,5 - 7,5% GDP/năm giai đoạn 2031-2050, thu nhập bình quân đầu người đạt 27.000 - 32.000 USD, tỷ lệ đô thị hóa đạt 70 - 75%, người dân sống hạnh phúc.

 

Thứ hai, phát triển bền vững về xã hội. Duy trì chỉ số phát triển con người (HDI) trên 0,7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Mục tiêu có 10 bác sĩ và trên 26 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,3 - 1,5%/năm. Năm 2025 sẽ không còn tình trạng đói nghèo, chấm dứt nghèo đói ở mọi nơi.

 

Năm 2030, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại đô thị đạt tối thiểu 32 m2; giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả.  Trong Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững năm 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ được công nhận là một phương tiện quan trọng giúp thúc đẩy phát triển bền vững của Việt Nam.

 

Thứ ba, phát triển bền vững về môi trường. Xây dựng nền kinh tế phi phát thải; Mục tiêu giảm 25% lượng phát thải khí nhà kính năm 2030 và giảm 45% năm 2050. Năm 2030 đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chống sa mạc hóa, phục hồi các vùng đất bị thoái hóa, các vùng đất bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa, hạn hán và lũ lụt, phấn đấu đạt thế giới không thoái hóa đất.  Mục tiêu 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 80 - 85% chất thải nguy hại, 95 - 100% chất thải y tế được xử lý. Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%. Phấn đấu 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 44 - 45%. Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 - 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.

 

Năm 2030, kết cấu hạ tầng quốc gia giao thông, năng lượng, đô thị, hạ tầng số, bảo vệ môi trường, thủy lợi, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và hạ tầng văn hóa, xã hội sẽ được hình thành. Các yếu tố năng suất, chất lượng, hiệu quả sẽ được ưu tiên phát triển để làm động lực cho tăng trưởng kinh tế.

 

Để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Việt Nam còn nhiều việc phải làm, trong đó thúc đẩy hình thức đầu tư đối tác công tư, thu hút các nhà đầu tư mới để hướng tới phát triển bền vững. Các dự án giao thông, cơ sở hạ tầng, các dịch vụ công... đều cần có sự hợp tác công tư để phát triển bền vững. Nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam cần ít nhất 20 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030. Trong điều kiện nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, trợ giúp phát triển chính thức (ODA) hạn chế, thì hình thức đầu tư đối tác công tư và huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng.

 

Năm 2020, mặc dù chịu tác động ảnh hưởng xấu của dịch Covid 19, Việt Nam vẫn được xếp thứ 46/166 quốc gia về chỉ số phát triển bền vững. Tuy nhiên, Đại dịch Covid-19 đã và đang gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, làm giảm tốc độ, tiến độ và tăng các thách thức trên lộ trình chinh phục các mục tiêu. Dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục gây ra những tác động nặng nề đối với phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến làm đảo lộn các thành quả đã đạt được và thay đổi dự báo.

 

Xếp hạng vị trí thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc (UNESCAP) tăng từ vị trí 88/149 nước (2016) lên vị trí 51/165 nước (2021). Tuy nhiên, Việt Nam bị tụt hạng xuống vị trí 55 (2022) do việc thay đổi về mặt phương pháp tính[9],  với các chỉ số bổ sung thêm làm giảm điểm so với các nước. Việt Nam đạt được điểm số tốt nhất cho SGD 4 (97,83 điểm), theo sau lần lượt là SDG 1 (95,62 điểm) và SDG 12 (93,88 điểm). Ba mục tiêu kém nhất lần lượt là SDG 9 (51,31 điểm), SDG 14 (48,79 điểm) và SDG 15 (46,49 điểm)[10]. Về cơ bản, Việt Nam đã đạt được SDG 4, còn một số thách thức trong việc thực hiện SDG 1, SDG 7, SDG 12 và SDG 13. Nhiều mục tiêu khác khó có khả năng đạt được năm 2030 do phải đối diện với thách thức lớn.

 

Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao và trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại năm 2030 và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

 

 

3. Những vấn đề đặt ra.

 

Bối cảnh thế giới đã có nhiều thay đổi sau đại dịch Covid-19, xung đột chính trị leo thang và biến đổi khí hậu đặt ra những khó khăn, thách thức chưa từng có đối với kỳ vọng hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) năm 2030. Vì vậy, một số mục tiêu sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Việt Nam đã xây dựng bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững, dựa trên các mục tiêu được công bố bởi Liên Hợp Quốc với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, đó là:

  1. Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi;
  2. Bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững;
  3. Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi;
  4. Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người;
  5. Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái;
  6. Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người;
  7. Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người;
  8. Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người;
  9. Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới
  10.  Giảm bất bình đẳng trong xã hội;
  11.  Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn; phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng;
  12.  Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững;
  13.  Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai;
  14.  Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững;
  15.  Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất;
  16.  Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp;
  17.  Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.

Với 17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs toàn cầu đã được Việt Nam quốc gia hóa trong Chương trình nghị sự 2030 (NAP- National Agenda Program) gồm 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của đất nước. Việt Nam có khả năng đạt được 5/17 mục tiêu phát triển bền vững, gồm:

 

Mục tiêu về xóa đói giảm nghèo. Việt Nam cơ bản giải quyết tình trạng xoá đói. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 9,2% (2016) xuống dưới 3% (2020) nhờ có sự tham gia của Cộng đồng cùng với nỗ lực của Chính phủ giúp đỡ các đối tượng khó khăn, người yếu thế. Chỉ số bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu cao hơn mức chung toàn cầu. Năm 2021, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,01% dân số[11].

 

Mục tiêu về nền giáo dục có chất lượng.  Chỉ số giáo dục của Việt Nam đạt được những tiến bộ rất chắc chắn. Giáo dục phổ thông đã tương đương với nhóm các nước phát triển (OECD), trong tốp 40. Giáo dục đại học nằm trong tốp 70.  Đào tạo nghề ở vị trí khoảng 90. Tỷ lệ học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt ở mức cao, tương ứng 97,2% và 98% năm 2021. So với các nước có cùng trình độ phát triển thì chỉ số phát triển nhân lực của Việt Nam, theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới, đứng thứ 69 năm 2021[12].

 

Mục tiêu về các hành động trong bảo vệ khí hậu. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai nhưng Việt Nam đã có những chiến lược ứng phó rất hiệu quả như tăng cường bảo vệ rừng, phát triển năng lượng sạch, đặc biệt là năng lực ứng phó thảm họa. Việt Nam tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cam kết về biến đổi khí hậu thông qua xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26.

 

 Mục tiêu về quan hệ đối tác toàn cầu. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng nhất trong 2 năm 2019 – 2020 với việc ký kết và triển khai hiệu quả 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các hiệp định tiêu chuẩn cao, thị trường rộng lớn là CPTPP (2019) và EVFTA (2020); RCEP (2022)đảm nhiệm thành công nhiều cương vị quan trọng tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực, nhất là vai trò nước chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020, AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; Tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.

 

Tuy nhiên, nhiều mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam khó có khả năng đạt được vào năm 2030, nhất là trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường, xung đột chính trị diễn ra gay gắt. Cùng với đó, dịch Covid-19 để lại những hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường còn lớn, phát triển kinh tế - xã hội trong nước còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.  Có mục tiêu Việt Nam đạt tỷ lệ thấp như mục tiêu số 15 về Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, hiện tỷ lệ hoàn thành mới đạt 46,49%. Chênh lệch giàu nghèo và trình độ phát triển giữa một số vùng, miền và địa phương đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Hệ thống pháp luật chính sách chồng chéo, thiếu đồng bộ, hiệu lực thực thi chính sách chưa cao. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia, đối tác trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn ra gay gắt. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng và thực thi khung khổ chính sách phát triển bền vững còn gặp nhiều vướng mắc, sự tham gia của một số bên liên quan còn hạn chế. Nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững chưa tương xứng với nhu cầu đặt ra.

 

Tóm lại, Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được 5/17 mục tiêu, những mục tiêu khác sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là mục tiêu về đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững (SDG12); Mục tiêu về bảo tồn và sử dụng đại dương, biển và nguồn lợi biển bền vững (SDG14). Nỗ lực của Việt Nam trong 10 năm tới (2021-2030) sẽ phải tăng lên gấp bội để đạt các mục tiêu đặt ra. Việt Nam sẽ vẫn kiên định theo đuổi và thực hiện các mục tiêu SDG là con đường duy nhất để Việt Nam cũng như các quốc gia toàn cầu có thể chống chịu và phục hồi trước các thách thức phi truyền thống; thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng và hướng tới một xã hội phát triển bền vững, thịnh vượng cho tất cả mọi người. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%. Chỉ số phát triển con người ở mức cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

 

PGS. TS. Phạm Thị Thanh Bình[1]

 

Tài liệu tham khảo chính:

Chính phủ, 2019, Quyết định số 681/QĐ-TTg “Về việc ban hành lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt nam đến năm 2030”.

Bảo Yến (2022), Vai trò chủ động của quốc hội để biến mục tiêu phá triển bền vững thành hiện thức,  Cổng thông tin điện tử Quốc hội (quochoi.vn)

Trần Văn (2022), Quy hoạch tổng thể quốc gia bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước (dangcongsan.vn)

Đinh Hữu Công (2022), Thực hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững đến năm 2045 ở Việt Nam (tcnn.vn)

Đình Nam (2021), Không điều chỉnh mục tiêu về phát triển bền vững; Chi tiết tin (mof.gov.vn).

Thiện Trần (2019), Hướng đến một thập niên phát triển bền vững hơn, Thời báo Tài chính Việt Nam, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2019-09-12/huong-den-mot-thap-nien-phat-trien-ben-vung-hon-76256.aspx.

 Debra Lam (2014), Vietnam’s Sustainable Development Policies: Vision VS Implementation, World Scienctific Book, 2014.

 Maho Mina d’s Ercole (2008), Statistics for Sustainable Development, OECD, 2008.

 Nguyễn Quang Thái và Ngô Thắng Lợi (2007), Phát triển bền vững ở Việt Nam: Thành tựu, cơ hội, thách thức và triển vọng, NXB Lao động - xã hội, Hà Nội, 2007.

 Trần Ngọc Ngoạn (2007), “Một số vấn đề lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế trong phát triển bền vững nông thôn”, Tạp chí Nghiên cứu Phát triển bền vững, N2-2007, Tr.3 – 15.

 Vũ Văn Hiển (2014), Phát triển bền vững ở Việt Nam, Tạp chí cộng sản (Communist Review), số tháng 1-2014.



[1] Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Email:phamthanhbinh297@yahoo.com.vn; Mobile: 0909929761

[2] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.14.

[3]  ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.89.

[4]  ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.76.

[5] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.78.

[6] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.187.

[7] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 99.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.214, tr.206, tr.218-220.

[9] Những thay đổi về phương pháp tính, như mục tiêu 7 giảm 15,31 điểm so với năm 2021 xuống 67,9 điểm năm 2022 do bổ sung thêm chỉ tiêu tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp.

[11] Bảo Yến (2022), Vai trò chủ động của quốc hội để biến mục tiêu phá triển bền vững thành hiện thức,  Cổng thông tin điện tử Quốc hội (quochoi.vn)

[12] Đình Nam (2021), Không điều chỉnh mục tiêu về phát triển bền vững; Chi tiết tin (mof.gov.vn)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết