“Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế” là một trong 10 nhiệm vụ chủ yếu mà Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết số 50/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đối với mỗi quốc gia, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng chi phối các nguồn lực khác; đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay càng trở nên cấp thiết.
Nhân lực là nền tảng phát triển bền vững và gia tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập
Ông cha ta thường nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. C. Mác cho rằng, con người là yếu tố số một của lực lượng sản xuất. Nhà tương lai học người Mỹ, Alvin Toffler thì nhấn mạnh vai trò của lao động trí thức: “Tiền bạc tiêu mãi cũng hết, quyền lực rồi sẽ mất; chỉ có trí tuệ của con người thì khi sử dụng không những không mất đi mà còn lớn lên”. Những quan điểm trên đều cho thấy, nguồn nhân lực có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia
Ngày nay, khi nền kinh tế ngày càng dựa trên tri thức thì nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao càng có vai trò quyết định. Các lý thuyết tăng trưởng gần đây chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao đều phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản: áp dụng công nghệ mới, phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, động lực quan trọng nhất chính là nguồn nhân lực chất lượng cao - tức là những người được đầu tư phát triển, có kỹ năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo...
Việt Nam hiện có đội ngũ nhân lực khá dồi dào, với số lao động trong độ tuổi lao động chiếm hơn 76% dân số, đứng thứ 3 trong ASEAN. Việt Nam cũng đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, sức trẻ là đặc điểm nổi trội, là tiềm năng nguồn nhân lực. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Việt Nam có trên 55 triệu lao động, đa số là lao động trẻ. Nếu biết khai thác và tận dụng cơ hội này, Việt Nam sẽ thuận lợi trong việc bứt phá phát triển nguồn nhân lực.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đánh giá, nhìn chung, công nhân lao động nước ta có tuổi đời trẻ, trình độ học vấn, nghề nghiệp từng bước được cải thiện, có khả năng tiếp cận với khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại. Lao động một số ngành nghề như dầu khí, hàng không, điện tử-tin học, bưu chính-viễn thông, xây dựng cầu, hầm, thủy điện, lắp máy... có chất lượng cao, một số lĩnh vực đạt trình độ khu vực, quốc tế...
Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, Việt Nam khẳng định phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá của quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đồng thời là nền tảng phát triển bền vững và gia tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập.
Thời gian qua, thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam hiện có những tín hiệu khả quan trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chỉ số đào tạo nghề năm 2019 đã tăng 13 bậc trên bảng xếp hạng trong Báo cáo cạnh tranh năng lực toàn cầu và là một trong các quốc gia có chỉ số tăng chất lượng đào tạo nghề tốt, từ đó góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của quốc gia. Hiện nay, Chính phủ đang tiếp tục rà soát các hệ thống cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đang tìm kiếm nguồn lực lớn để đầu tư cho lĩnh vực này.
Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, nhất là tay nghề cho người lao động. Một trong những hoạt động hiệu quả là thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 231/QĐ-TTg ngày 13/2/2015. Sau 5 năm, tỷ lệ công nhân lao động đã qua đào tạo đã tăng từ 75% lên 80%; tỷ lệ chưa qua đào tạo giảm xuống còn 20%; tỷ lệ công nhân lao động có trình độ học vấn trung học phổ thông đạt 66,7%, tăng 2,3%...
Mặc dù vậy, hiện nay, trình độ của phần nhiều công nhân lao động trực tiếp sản xuất của Việt Nam hiện nay vẫn còn thấp, không đồng đều, một bộ phận còn thiếu kỹ năng, kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp còn yếu...
Phát triển nguồn nhân lực định hướng “công dân toàn cầu”
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ cùng với tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tạo ra cơ hội việc làm nhiều hơn cho người lao động, nhưng cũng đòi hỏi người lao động phải có tri thức, tay nghề cao hơn. Nguồn lao động dồi dào giá rẻ sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư của Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh việc “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” - là vấn đề then chốt để đưa đất nước phát triển trong thời gian tới. Theo đó, phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nhân lực thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Cần phát huy tối đa các nguồn lực, chú trọng phát triển năng lực sáng tạo trong nhà trường, phát triển trường học ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng.
Song song đó, để thu hút, trọng dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao, việc đãi ngộ là một nội dung cần được chú trọng bởi việc sắp xếp cán bộ đúng chuyên môn, phát huy được khả năng của cá nhân, có chế độ lương thưởng thỏa đáng sẽ giúp họ có thể yên tâm, có điều kiện toàn tâm, toàn ý cho công việc.
Để Nghị quyết XIII của Đảng được triển khai vào thực tế cuộc sống, theo các chuyên gia, cần có các chính sách, quy định phù hợp nhằm dẫn dắt nguồn lực xã hội vượt qua các thách thức, khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực định hướng “công dân toàn cầu” (là những người có khả năng thích ứng sống và làm việc tại nhiều quốc gia) trong nền kinh tế số. Bên cạnh đó, cần bảo đảm nguồn tài chính cho phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nguồn nhân lực từ tất cả các thành viên xã hội.
Đồng thời, cần đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo theo hướng thực hiện cơ chế tự chủ cho các cơ sở giáo dục và đào tạo. Tập trung nâng cao trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng sống cũng như thái độ của người công dân toàn cầu. Xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục và đào tạo phù hợp chuẩn quốc tế...
Theo PGS.TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, điều kiện để lao động Việt Nam có thể làm việc được ở mọi nơi trên thế giới gồm 4 yếu tố, đó là: ngoại ngữ; kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc; hiểu biết văn hóa nước sở tại; sức khỏe tốt. Tuy nhiên, theo khảo sát, trình độ tiếng Anh của lao động Việt Nam còn rất hạn chế. Cùng với đó, kỹ năng thực hành của lao động Việt Nam còn yếu (mặc dù lý thuyết rất giỏi), lại chưa thực sự có tác phong công nghiệp.
Do đó, phải đào tạo người lao động theo hướng có khả năng làm việc ở môi trường quốc tế, các tập đoàn xuyên quốc gia… Lao động Việt Nam phải có năng lực thích ứng cao; có thể tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Các trường đại học cần xây dựng chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, tăng cường đào tạo ngoại ngữ; chú trọng đào tạo các kỹ năng cho người học… Để công dân toàn cầu cần gì, thì lao động Việt Nam đáp ứng được cái đó.
Đối với mỗi người lao động, cần phải thích nghi với những yêu cầu của thời kỳ mới bằng cách chủ động học tập, rèn luyện để có đủ năng lực chuyên môn và kỹ năng mềm cần thiết để đón đầu các kỹ thuật, công nghệ mới áp dụng vào nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa./.
Theo TTXVN