Phát triển bền vững (PTBV) theo hướng tăng trưởng xanh (TTX) là xu thế tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Để duy trì phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) một cách bền vững trong bối cảnh BĐKH đòi hỏi phải thích ứng với BĐKH và giảm thiểu BĐKH, trong đó giảm thiểu BĐKH là giải pháp triệt để, toàn diện, có quy mô toàn cầu. Bởi thích ứng với BĐKH chỉ là quá trình đối phó một cách chủ động với BĐKH (mà chỉ có con người mới làm được, còn các sinh vật khác chỉ cố gắng chống chịu và thích nghi dần), trong khi giảm thiểu BĐKH là giải quyết căn nguyên của BĐKH do con người gây ra.
Để giảm thiểu BĐKH cần thiết phải giảm lượng phát thải khí nhà kính (KNK). Tuy nhiên, muốn cắt giảm lượng phát thải KNK trong khi vẫn phải duy trì phát triển KTXH thì không còn con đường nào khác ngoài việc tìm giải pháp thay thế các hoạt động gây phát thải, như thay đổi công nghệ sản xuất, thay thế nguồn năng lượng hoá thạch bằng năng lượng tái tạo … Đó chính là PTBV theo hướng TTX.
Đối với Việt Nam, vấn đề PTBV theo hướng TTX có thể được nhìn nhận từ một số góc độ sau: 1) BĐKH gây ra những thách thức nhưng cũng mang lại các cơ hội trong chiến lược TTX; 2) Tiềm năng biển - đảo và vấn đề khai thác, phát triển lãnh hải trong chiến lược TTX; và 3) Bối cảnh khu vực và Đông Nam Á (ĐNA) có thể tạo thuận lợi nhưng cũng đưa đến khó khăn cho chiến lược PTBV.
1. Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu
1.1 Thách thức BĐKH đối với PTBV và TTX
Ở đây sẽ không bàn đến khí hậu đã, đang và sẽ biến đổi như thế nào, vì những thông tin này đã được trình bày trong các báo cáo “Kịch bản BĐKH” do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phát hành. Thay vào đó sẽ nêu những tác động tiềm tàng của BĐKH có thể ảnh hưởng đến chiến lược TTX.
BĐKH có thể được nhìn nhận từ hai góc độ: Biến đổi từ từ (hay biến đổi chậm) và biến đổi của các hiện tượng cực đoan. Những quá trình biến đổi từ từ bao gồm sự dâng mực nước biển, sự tăng nhiệt độ, sự biến đổi của lượng mưa và một số quá trình khác. Biến đổi của các hiện tượng cực đoan bao gồm các hiện tượng liên quan đến thiên tai như nắng nóng, mưa lớn, bão/áp thấp nhiệt đới, rét đậm rét hại …
1) Nước biển dâng (NBD): Sự nóng lên toàn cầu dẫn đến băng tan và giãn nở vì nhiệt của nước biển. Hệ quả là mực nước biển sẽ dâng lên. Quá trình này diễn ra một cách chậm chạp, trung bình mỗi năm mực nước biển chỉ dâng khoảng 2-3mm. Tuy nhiên, về lâu dài, sự dâng mực nước biển này có thể dẫn đến mất đất do xâm thực, gia tăng hiện tượng xâm nhập mặn, nhiễm mặn nước ngầm. Quá trình này sẽ ảnh hưởng đến các vùng có địa hình thấp ở các dải ven biển, nhất là ở những nơi đồng thời xảy ra hiện tượng sụt lún như vùng đồng bằng sông Cửu Long. Về lâu dài, hiện tượng này sẽ tác động đến sinh kế người dân, thậm chí có thể liên quan đến việc di dời nơi sinh sống (di cư).
2) Sự tăng nhiệt độ, sự biến đổi của độ ẩm không khí: Nhiệt độ tăng sẽ tác động đến sức chống chịu của các loài sinh vật nói chung bao gồm cả các hệ động thực vật và con người. Nếu nhiệt độ tăng vượt quá ngưỡng chịu đựng một số loài đặc hữu sẽ biến mất hoặc di cư đến các vùng mát mẻ hơn. Hệ quả là sẽ làm thay đổi dẫn đến mất mát đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái. Ngoài ra, sự thay đổi môi trường sống có thể tạo cơ hội xuất hiện mới các chủng vi rút, côn trùng có hại liên quan đến bệnh tật cho người, gia súc, gia cầm. Nhiệt độ tăng cao cũng sẽ dẫn đến gia tăng nhu cầu sử dụng nước, sử dụng năng lượng nói chung, điện nói riêng.
3) Sự dịch chuyển mùa: Mặc dù chưa có đủ cơ sở khoa học chứng minh về sự dịch chuyển mùa ở Việt Nam, nhưng biểu hiện trong số liệu quan trắc và cảm nhận từ điều kiện thời tiết của người dân cho thấy mùa đông dường như đến muộn hơn và kết thúc chậm hơn so với trung bình nhiều năm các thập kỷ trước đây. Sự dịch chuyển này có thể dẫn đến sự dịch chuyển mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp cũng như các hoạt động KTXH khác.
4) Sự gia tăng các hiện tượng cực đoan: Hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ làm gia tăng biên độ dao động của các yếu tố khí tượng thuỷ văn (KTTV) mà hệ quả là làm gia tăng các hiện tượng KTTV cực đoan. Sự gia tăng của các hiện tượng cực đoan là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng và diễn biến phức tạp của các hiện tượng thiên tai có nguồn gốc KTTV. Các loại thiên tai có nguồn gốc KTTV nổi cộm trong những năm qua gồm: 1) Bão, mưa lớn gây sạt lở; 2) Ngập lụt diện rộng, dài ngày, lũ quét, lũ ống; 3) Mưa đá, lốc, tố, vòi rồng; 4) Dông, sét; 5) Rét đậm, rét hại; 6) Nắng nóng; 7) Hạn hán; 8) Sạt lở bờ sông, bờ biển. Đặc điểm quan trọng là tính khốc liệt của những hiện tượng này dường như ngày càng gia tăng. Tính chất nguy hiểm của các hiện tượng cực đoan là sự tàn phá tức thời, khó hoặc không dự báo được, dẫn đến những thiệt hại khó lường, thậm chí “xoá sổ” mọi nỗ lực xoá đói giảm nghèo.
Việc đáp ứng được mục tiêu chung của chiến lược TTX (góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu) đang phải đối mặt với những thách thức sau:
1) Đối với định hướng phát triển nông nghiệp xanh, bền vững: NBD, sự gia tăng nhiệt độ, thay đổi lượng mưa, tính chất mưa có thể làm mất đất, giảm diện tích sản xuất nông nghiệp dựa vào hệ sinh thái nước ngọt (giảm diện tích trồng lúa, cây ăn trái,…), gia tăng diện tích nhiễm mặn, ngập mặn, thay đổi môi trường sống của các loài, mất mát đa dạng sinh học dẫn đến phải thay đổi cơ cấu sản xuất, điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản. Sự gia tăng tần suất, cường độ và tính bất thường của các hiện tượng cực đoan và thiên tai luôn đe dọa nghiêm trọng quá trình hoạt động sản xuất, gây thiệt hại hoặc giảm năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nhất là các vùng miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Những thách thức này sẽ cản trở việc phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp.
2) Đối với định hướng nền kinh tế xanh, các-bon thấp: BĐKH và NBD đi kèm với sự gia tăng tính khốc liệt của thiên tai do các hiện tượng cực đoan đòi hỏi nguồn lực tài chính, khoa học và công nghệ (KHCN) để ứng phó, khắc phục hậu quả thiệt hại cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, con người. Điều đó sẽ tạo ra thách thức lớn cho việc đầu tư để giảm thiểu phát thải KNK cho các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường cũng như cản trở việc tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới.
Phát triển nền kinh tế xanh, các-bon thấp đòi hỏi phải đầu tư lớn về nguồn lực tài chính và KHCN cho việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo để dần dần thay thế các nguồn năng lượng sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Việc cân đối giữa nguồn lực đầu tư này với việc đầu tư cho ứng phó với BĐKH là vấn đề không dễ, nhất là đối với Việt Nam, một nước đang phát triển với tiềm lực kinh tế hết sức hạn chế.
3) Đối với định hướng cơ sở hạ tầng xanh, thông minh: TTX cũng đòi hỏi một kết cấu hạ tầng xanh, thông minh, bao gồm mạng lưới giao thông, thủy lợi, mạng lưới truyền tải điện,… đảm bảo tiết kiệm nhiên liệu, giảm tổn thất, an ninh nguồn nước, an sinh xã hội. Tuy nhiên, BĐKH và NBD có thể dẫn đến những thách thức lớn cho vấn đề này. Chẳng hạn, sự gia tăng các sự kiện mưa lớn, mưa dài ngày có thể làm giảm tuổi thọ đường, gây sạt lở, đứt gãy các hệ thống giao thông. Tính bất thường trong chế độ mưa gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn hồ đập, an ninh nguồn nước. Bão, gió mạnh, dông lốc có thể dẫn đến sự đổ vỡ, đứt gãy hệ thống đường dây tải điện. Sự gia tăng nhiệt độ, biến đổi của chế độ ẩm có thể làm giảm tuổi thọ hoặc hư hỏng các thiết bị truyền tải điện, thiết bị quan trắc, giám sát, v.v. Tất cả những cái đó đều đòi hỏi nguồn lực đầu tư về tài chính và KHCN cho việc phòng tránh, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với BĐKH.
4) Đối với những vấn đề khác trong chiến lược tăng trưởng xanh: TTX còn gắn liền với việc thúc đẩy đô thị hóa theo hướng thông minh, bền vững, có năng lực chống chịu với BĐKH, với việc xây dựng nông thôn mới có lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên theo các tiêu chuẩn sống tốt, bảo vệ và phát triển cảnh quan và môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh cũng như quản lý, xử lý chất thải và bảo đảm tốt chất lượng môi trường đất, nước, không khí. Tất cả những vấn đề này đều đối diện với rủi ro do BĐKH. Các sự kiện mưa lớn gây ngập lụt thành phố dường như xuất hiện với tần suất lớn hơn. Nhiệt độ tăng cao làm gia tăng hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, gây sốc nhiệt. Lũ lụt với thời gian kéo dài hơn, diện ngập lớn hơn, sâu hơn ở các vùng nông thôn kéo theo thiệt hại về tài sản và con người cũng như hệ quả ô nhiễm môi trường, bệnh tật. Sau các đợt thiên tai môi trường bị huỷ hoại, khó phục hồi, thậm chí huỷ hoại nơi sinh sống của người dân.
5) Tính không chắc của các kịch bản biến đổi khí hậu khi xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh: Các kịch bản BĐKH được xây dựng dựa trên kết quả dự tính khí hậu tương lai từ các mô hình khác nhau trên cơ sở các kịch bản phát thải KNK. Do bản chất của các mô hình luôn hàm chứa sai số cũng như tính không chắc chắn của các kịch bản phát thải KNK nên các kịch bản BĐKH cũng luôn tiềm ẩn tính bất định. Nói cách khác, không có gì đảm bảo chắc chắn rằng kịch bản nào đúng, kịch bản nào sai, kịch bản nào chính xác hơn. Vì vậy, việc sử dụng thông tin từ các kịch bản BĐKH cho mục đích xây dựng chiến lược phát triển dài hạn luôn tiềm ẩn rủi ro.
1.2 Cơ hội cho PTBV và TTX trong bối cảnh BĐKH
Đại dịch Covid-19 là một bài học sâu sắc về vấn đề đối phó, giải quyết khó khăn, vươn lên để phát triển. BĐKH tạo ra những thách thức không hề nhỏ nhưng có thể cũng là cơ hội để chúng ta vượt lên theo tinh thần “cái khó ló cái khôn”.
Trước hết, những khó khăn, thách thức do BĐKH chính là động lực thúc đẩy sự đổi mới chính sách, cơ chế, phương thức quản trị xã hội. Một chính sách, cơ chế đúng với phương thức quản trị hợp lý sẽ giúp sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên đất, nước, khí hậu, khoáng sản, đầu tư hiệu quả, tiết kiệm, tạo điều kiện cho PTBV và TTX. Định hướng phát triển xã hội các-bon thấp, phát thải ròng bằng không là cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện phát triển KHCN, gia tăng năng lực khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ nguyên, nhiên liệu hoá thạch.
Đối với sản xuất nông nghiệp, BĐKH có thể là cơ hội để thay đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, định hướng lại phương thức sử dụng đất theo hướng hiệu quả hơn, bền vững hơn, góp phần giảm phát thải KNK, không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, BĐKH cũng là cơ hội để thúc đẩy phát triển KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp như hệ thống tưới tiêu thông minh, tiết kiệm nước, phục hồi đất nhanh, lai tạo được các giống vật nuôi, cây trồng cho năng suất cao … xây dựng nền nông nghiệp thông minh, xanh, có sức chống chịu cao với BĐKH.
BĐKH cũng tạo cơ hội để xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng có sức chống chịu cao trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa lớn, nắng nóng, gió mạnh, sóng lớn, xây dựng phát triển các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng.
Ứng phó với BĐKH buộc phải phát triển lĩnh vực giao thông theo hướng TTX, tạo cơ hội phát triển thị trường xe điện, xe không sử dụng hoặc sử dụng ít nhiên liệu hoá thạch, phát triển phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí.
BĐKH dẫn đến nhiệt độ tăng, lượng bốc thoát hơi tăng, chế độ mưa và do đó lũ lụt, hạn hán biến đổi bất thường, tạo áp lực lớn cho công tác quản lý tài nguyên nước nói chung, nhưng cũng là cơ hội để thay đổi nhận thức, thay đổi chính sách, phương thức sử dụng nước hợp lý hơn, hiệu quả hơn. Áp lực đó cũng sẽ tạo cơ hội cho KHCN phát triển, xây dựng các hệ thống cấp nước, lọc nước hiệu quả, chất lượng, xây dựng các giải pháp khử mặn, lọc nước thải để tái sử dụng trong sản xuất.
Tóm lại, những thách thức của BĐKH là động lực để thúc đẩy phát triển một nền kinh tế xanh, tuần toàn, bền vững.
1.3 Một số giải pháp thích ứng với BĐKH phục vụ PTBV và TTX
Để PTBV vấn đề thích ứng với BĐKH là yêu cầu cấp thiết trong khi chiến lược TTX là một quá trình dài hạn. Trong thích ứng với BĐKH lại có hai quá trình: Thích ứng với tác động từ từ và thích ứng với các hiện tượng cực đoan.
1) Thích ứng với tác động từ từ của BĐKH: Trong trường hợp này, cái quan trọng nhất là phải có thông tin đáng tin cậy về BĐKH trong tương lai xa, hàng chục thậm chí hàng trăm năm. Muốn vậy, cần chỉ ra được những gì (tức các đặc trưng khí hậu) có thể xảy ra và mức độ tin cậy đến đâu. Nếu sự kiện xảy ra có độ tin cậy cao, nghĩa là “hầu như chắc chắn” thì cần có giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, những sự kiện có xác suất (khả năng) xảy ra thấp không có nghĩa là nó không xảy ra, vì vậy cần phải có giải pháp quản lý rủi ro thích hợp. Để có thông tin về BĐKH trong tương lai cần phải có các kịch bản BĐKH. Kịch bản BĐKH chỉ là các phương án dự kiến, nó có thể đúng (ở mức độ nào đó) cũng có thể sai. Do đó việc sử dụng thông tin từ các kịch bản này cũng cần phải được cân nhắc một cách thận trọng, tránh áp đặt.
Trong thích ứng với tác động từ từ của BĐKH, hai nhóm giải pháp thường được sử dụng là giải pháp công trình và giải pháp phi công trình. Giải pháp phi công trình được cho là hữu hiệu, rẻ tiền, dễ làm vì nó đơn giản, nhưng khó triển khai vì liên quan đến nhận thức của cộng đồng, kể cả các nhà quản lý. Tuy nhiên, cũng có những cái cần có giải pháp công trình. Đối với giải pháp công trình, đòi hỏi phải đầu tư tốn kém. Vì vậy, tầm nhìn của các nhà quản lý là cực kỳ quan trọng đối với nhóm giải pháp này. Họ cần có sự hiểu biết, cần phải dựa vào “tuổi thọ” của các công trình và khả năng nâng cấp nó để đưa ra phán quyết về việc có nên hay không nên sử dụng giải pháp này, và nếu có thì ở mức độ nào, và hệ quả tác động của nó ra sao, cũng như cần phải biết “chọn mặt gửi vàng”.
2) Thích ứng với tác động của các hiện tượng cực đoan và thiên tai trong bối cảnh BĐKH: Vấn đề này gắn chặt với bài toán dự báo, cảnh báo. Một cách tương đối có thể chia thành 3 nhóm bài toán: a) Dự báo ở quy mô thời tiết; b) Dự báo hạn mùa và nội mùa; và c) Dự báo khí hậu hạn ngắn.
a) Ở quy mô thời tiết: Thường được hiểu là các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, bao gồm các hiện tượng KTTV cả trên đất liền và trên biển. Hạn dự báo của bài toán này thường chỉ đáp ứng được độ chính xác nhất định trong phạm vi 1-3-5 ngày hoặc dài hơn là 7-10 ngày. Thông tin thời tiết rất quan trọng trong trường hợp có các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, lũ, lốc, xoáy, rét đậm, rét hại, nắng nóng,...
b) Quy mô mùa và nội mùa: Thời hạn dự báo khoảng từ 10-45-60 ngày (nội mùa) hoặc 3-6 tháng, có thể tới 12 tháng (mùa). Trong đó, dự báo nội mùa cho biết tình hình thời tiết cho từng khoảng 5-7 ngày (hàng tuần) hoặc từng khoảng 10 ngày. Còn dự báo hạn mùa thường cung cấp thông tin về tình hình thời tiết trong từng tháng hoặc từng mùa (3 tháng) của 3-6 tháng tới, cho đến tối đa 12 tháng.
c) Dự báo khí hậu hạn ngắn: Cung cấp thông tin về tình hình thời tiết nói chung trong vòng một vài năm tới và thường chỉ đề cập đến những hiện tượng có tính kéo dài như hạn hán, tổng lượng mưa năm, nhiệt độ trung bình,...
Nói tóm lại, trong bối cảnh BĐKH hiện nay, các hiện tượng cực đoan có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn, thiên tai vì thế có thể khốc liệt hơn. Để ứng phó với tình hình đó cần thiết và cấp thiết phải tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, nâng cao chất lượng các bản tin dự báo cả về độ chính xác cũng như độ chi tiết theo không gian và thời gian.
2. Tiềm năng biển - đảo và vấn đề khai thác, phát triển lãnh hải trong chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, biển Việt Nam có diện tích khoảng 1 triệu km², chiếm gần 30% diện tích Biển Đông. Trên vùng biển Việt Nam có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở ngoài khơi và khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ chạy dọc theo chiều dài hơn 3.200 km bờ biển.
Tiềm năng tài nguyên biển Việt Nam rất lớn và đa dạng, bao gồm thuỷ hải sản, dầu mỏ, khí đốt, băng cháy và các loại khoáng sản khác. Ngoài ra, với một không gian biển rộng, có đường bờ biển dài, tài nguyên khí hậu biển Việt Nam chứa đựng một tiềm năng vô cùng lớn nhưng dường như chưa được nhìn nhận và khai thác đúng mức, hiệu quả. Phát triển kinh tế biển ngoài việc phát triển các ngành hiện tại như khai thác khoáng sản (dầu mỏ, khí đốt, cát,…), đánh bắt hải sản … cần thiết phải nghiên cứu khai thác các nguồn tài nguyên khí hậu biển, như các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sóng, dòng chảy, thuỷ triều,…), tiềm năng du lịch biển, giao thông đường thuỷ, cảng biển và dịch vụ logistic, năng lực về an ninh quốc phòng (môi trường biển sâu phục vụ hoạt động của tàu ngầm, các thiết bị trôi, thiết bị tự hành,…).
Đối với vấn đề khai thác nguồn năng lượng tái tạo, mà trước hết là năng lượng gió và năng lượng mặt trời, Việt Nam có thể khai thác ở cả các vùng không gian mặt nước biển và trên các đảo gần bờ. Dĩ nhiên, để có thể khai thác được các nguồn tài nguyên này và sử dụng chúng một cách hiệu quả, ổn định, bền vững cần thiết phải đầu tư nghiên cứu đầy đủ, toàn diện, bao gồm cả vị trí các nơi có thể khai thác như độ sâu biển, địa hình vị trí các đảo, chế độ gió, bức xạ mặt trời (tần suất, tốc độ gió, cường độ bức xạ, tính ổn định ngày đêm và các mùa trong năm) và khoảng cách xa bờ. Điều đó cũng liên quan mật thiết với thông tin từ các kịch bản BĐKH. Với nền KHCN ngày càng phát triển, giá thành của các nguồn năng lượng này càng ngày càng có tính cạnh tranh với các nguồn năng lượng truyền thống. Ngoài ra, có thể hướng tới hình thành và phát triển mô hình tổ hợp sản xuất điện tái tạo và nuôi trồng hải sản trên các không gian biển.
Phát triển du lịch biển - đảo thiết nghĩ cũng là một trong những tiềm năng lớn của Việt Nam. Ngoài các bãi biển đẹp, nổi tiếng ven bờ, các đảo xa bờ, nơi có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, và đặc biệt là các rạn san hô, các quần thể sinh vật dưới biển, có thể là những nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Biển Đông là một trong những trung tâm của các tuyến đường biển quốc tế vận chuyển hàng hóa giữa các quốc gia và khu vực. Đây được cho là một trong những con đường biển nhộn nhịp, quan trọng nhất đối với thương mại thế giới. Do đó Việt Nam cần có chiến lược đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cải thiện cảng biển để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giao thông thương mại biển, trong đó có dịch vụ logistic. Hiện nay chúng ta đã có một số cảng biển quốc tế, trong đó có những cảng nước sâu. Các cảng biển này đóng vai trò quan trọng trong việc nối kết Việt Nam với thị trường quốc tế, là cửa ngõ nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế. Mặc dù vậy, dịch vụ logistic, vận chuyển hàng hoá của hệ thống cảng này vẫn tồn tại nhiều hạn chế, như hệ thống giao thông kết nối, cơ sở hạ tầng bến bãi, công tác quản lý và khả năng cạnh tranh, thiên tai ... Vì vậy, để phát triển ổn định và bền vững cần thiết phải có chiến lược đầu tư hợp lý, khoa học.
Trong bối cảnh tranh chấp, chồng lấn phức tạp về chủ quyền của Biển Đông, ngoài việc đàm phán, đấu tranh để ký kết phân định ranh giới với các quốc gia có liên quan trên cơ sở luật pháp quốc tế, làm cơ sở cho việc quản lý, khai thác không gian mặt nước biển, tài nguyên khoáng sản dưới biển, thì việc khám phá, hiểu biết đầy đủ đặc điểm khí hậu biển sâu để làm chủ nó, phục vụ cho các hoạt động giám sát, bảo vệ chủ quyển biển đảo là một trong những yêu cầu không thể thiếu. Việc thiết kế, chế tạo các thiết bị trôi, thiết bị tự hành quan trắc, khảo sát biển, giám sát các hoạt động dưới biển đòi hỏi phải phù hợp với môi trường biển sâu nơi chúng hoạt động, như nhiệt độ, độ muối, dòng chảy, địa hình đáy …. Hoạt động của tàu ngầm cũng không thể thiếu các thông tin khí hậu biển sâu.
Một vấn đề khác là việc mở rộng lãnh thổ. Cha ông ta trước đây đã từng chủ động lấn biển, mở mang bờ cõi chỉ với kinh nghiệm và sức lao động thủ công. Ngày nay, một số nơi trên thế giới cũng đã và đang mở mang lãnh thổ bằng lấn biển như Singapore. Một số nơi ở nước ta cũng đã có các dự án lấn biển như ở Rạch Giá. Chúng ta cũng đã có các dự án tôn tạo một số đảo ngoài khơi cho mục đích quốc phòng. Trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, chúng ta hoàn toàn có quyền tôn tạo, mở rộng lãnh thổ thông qua các dự án lấn biển, đặc biệt đối với các đảo xa bờ cũng như một số nơi dọc bờ biển. Dĩ nhiên, việc lấn biển, mở rộng lãnh thổ cần phải được nghiên cứu kỹ tác động lâu dài của dự án trong mối quan hệ với các vùng bờ biển khác.
3. Phát triển bền vững và chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam trong bối cảnh khu vực và Đông Nam Á
Bàn về vấn đề này quả thực là quá khó đối với chúng tôi. Tuy nhiên, từ những gì nhận được qua hệ thống truyền thông của Nhà nước cộng với những hiểu biết hạn hẹp, chúng tôi cũng mạnh dạn nêu ra đây một số vấn đề.
“Khu vực” ở đây được hiểu là Châu Á – Thái Bình dương, còn “Đông Nam Á” là khối ASEAN. Việt Nam có dân số xếp thứ 15 trên thế giới, xếp thứ 8 ở châu Á và xếp thứ 3 ở Đông Nam Á. Như vậy, có thể nói Việt Nam là một trong những nước đông dân. Cơ cấu dân số vàng của Việt Nam đã trôi qua hơn một nửa giai đoạn, chỉ còn khoảng 15 năm nữa, trong khi nền kinh tế vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Mặc dù tình hình chính trị xã hội trong khu vực chưa có gì bất thường nhưng vẫn luôn tiềm ẩn xung đột giữa các bên liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, lợi ích kinh tế. Việc hình thành một số liên minh khu vực với các quan điểm khác nhau gây xung đột về quyền lợi giữa các nền kinh tế lớn. Xung đột vũ trang đang bùng phát ở một số nơi trên thế giới có thể xem là sự đối đầu của các xu thế về phân chia thị trường. Trong bối cảnh đó, sự ổn định chính trị xã hội của Việt Nam là cơ hội để thu hút đầu tư phát triển kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Mặc dù chúng ta đã chấp nhận (tuy chưa đầy đủ) cơ chế kinh tế thị trường, đã hội nhập ASEAN và các liên minh kinh tế khác, giữ được mối quan hệ bình thường với các nước lớn, các nền kinh tế lớn cũng như các nước trong khu vực để phát triển kinh tế xã hội trong nước, nhưng vẫn tiềm ẩn một số bất cập. Đó là:
1) Nền kinh tế vẫn chưa đủ động lực và cơ sở hạ tầng cho phát triển bền vững do: (a) Chưa có hoặc chưa xây dựng và phát triển đầy đủ lý luận, luận cứ khoa học hiện đại về các lộ trình điều hành nền kinh tế thị trường sau sự kiện Liên Xô và Đông Âu sụp đổ còn Trung Quốc thì tiến hành hiện đại hóa; (b) Việc điều hành quản lý kinh tế - xã hội dù đã có những cải thiện nhưng vẫn mang tính áp đặt chủ quan dẫn đến kinh tế phát triển ở mức thấp, thiếu bền vững.
2) Mặc dù chúng ta đã nhận được sự ủng hộ của các nền kinh tế lớn, sự hứa hẹn và đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn, công nghệ hiện đại, tạo cơ hội cho sự phát triển, tăng trưởng ổn định, nhưng việc phát triển nguồn nhân lực tinh hoa để tiếp thu và từng bước làm chủ, cả khoa học xã hội và khoa học tự nhiên - công nghệ, vẫn đang rất manh mún, chưa có chiến lược rõ ràng, dài hạn.
3) Mặc dù vẫn biết KHCN là động lực cốt yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như tăng năng suất lao động, góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng lớn,… nhưng phát triển KHCN của chúng ta vẫn rất hạn chế cả về đầu tư tài chính, đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tư duy quản lý và định hướng ưu tiên so với các nước trong ASEAN cũng như trong khu vực.
4. Kết luận
Tăng trưởng xanh để phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu là xu thế chung trên toàn cầu mà Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Việt Nam là một trong những nước chịu tổn thương lớn nhất do BĐKH, do đó chiến lược TTX sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng mang lại một số cơ hội thuận lợi. Thách thức do BĐKH là tác động của quá trình biến đổi từ từ và biến đổi trong các hiện tượng cực đoan, đòi hỏi phải đầu tư nghiên cứu tìm các giải pháp giảm thiểu các tác động đó, dẫn đến sự thâm hụt nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức đó cũng là động lực thúc đẩy phát triển KHCN, thu hút đầu tư.
TTX có thể làm thay đổi mô hình phát triển, tạo tiền đề cho tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài. TTX có thể là động lực để cải thiện thể chế, chính sách và mô hình quản trị theo hướng hiện đại, nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, bổ sung tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, chyển đổi số và kết cấu hạ tầng thông minh bền vững. TTX giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải KNK, ứng phó thông minh với BĐKH.
Việt Nam là một quốc gia biển với diện tích không gian biển rộng, đường bờ biển dài, tiềm năng tài nguyên lớn, trong đó có tài nguyên khí hậu, có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Một trong những hướng thực hiện chiến lược TTX nhìn từ góc độ kinh tế biển là khai thác sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, mà trước hết là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, trong bối cảnh phức tạp về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, ngoài vấn đề đàm phán, đấu tranh, phân định ranh giới, chúng ta cũng cần chủ động nghiên cứu, khảo sát để hiểu và làm chủ được môi trường Biển Đông, cả không gian mặt nước biển cũng như nước dưới sâu, phục vụ khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, thuỷ hải sản, cũng như bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội.
So với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các nước đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp, chiến lược TTX mặc dù là xu thế tất yếu, là định hướng đúng đắn cho PTBV, tuy nhiên chúng ta cần có lộ trình thực hiện thích hợp, không nóng vội. Bởi một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam không thể đầu tư cho giảm phát thải KNK như một quốc gia phát triển. Năng lượng xanh hay năng lượng tái tạo có lẽ vẫn là mặt hàng xa xỉ đổi với Việt Nam, vì nó đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn ngoài nguồn lực đầu tư cho thích ứng với BĐKH trong khi công nghệ lõi đang thuộc các nước phát triển. Đây có thể xem như là thách thức lớn nhất đối với chiến lược TTX của Việt Nam./.
GS.TS. Phan Văn Tân, GS.TS. Mai Trọng Nhuận
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN