Cách đây tròn nửa thế kỷ, khoảnh khắc lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 đã đánh dấu thời khắc lịch sử - miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Từ cột mốc thiêng liêng ấy, TP Hồ Chí Minh - thành phố mang tên Bác - bước vào hành trình mới: khôi phục, dựng xây và phát triển, trở thành trung tâm kinh tế-văn hóa-khoa học kỹ thuật lớn của cả nước, là đầu tàu phát triển và cầu nối giao thương của Việt Nam với thế giới. Từ một thành phố bị tàn phá bởi chiến tranh, TP Hồ Chí Minh hôm nay là một đô thị năng động, hiện đại và đầy khát vọng, góp phần tạo nên vị thế mới cho đất nước trên trường quốc tế.

Trung tâm kinh tế-tài chính hàng đầu cả nước
Trong những năm đầu sau giải phóng, TP Hồ Chí Minh phải đối mặt với muôn vàn khó khăn: cơ sở hạ tầng bị tàn phá, sản xuất đình trệ, đời sống Nhân dân thiếu thốn. Do đó, nhiệm vụ của Thành phố lúc này là khôi phục sản xuất và ổn định dân sinh. Từ thực tiễn của nền kinh tế, Thành phố đã mạnh dạn áp dụng những mô hình mới như “xé rào”, “cơ chế hai giá”, “khoán sản phẩm”, không chỉ góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt mà còn gợi mở tư duy cải cách, đổi mới trong quản lý kinh tế, đặt nền móng cho công cuộc đổi mới sau này. Giai đoạn 1975-1985, GRDP của Thành phố đạt trung bình 2,7%/năm.
Khi công cuộc đổi mới được khởi xướng trên phạm vi toàn quốc năm 1986, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong cải cách quản lý kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng các loại hình dịch vụ mới. Từ nền kinh tế nhà nước và tập thể là chủ đạo, TP Hồ Chí Minh từng bước hình thành cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, năng động và cạnh tranh.
Hàng loạt khu công nghiệp, khu chế xuất như Tân Thuận, Linh Trung, Hiệp Phước… được thành lập, thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất. Hệ thống tài chính-ngân hàng được khôi phục và phát triển, góp phần tạo dòng vốn phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đặc biệt, việc thành lập Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh năm 2002 đánh dấu bước chuyển mình của Thành phố sang hướng phát triển công nghệ cao, đón đầu làn sóng đầu tư mới, thể hiện năng lực hội nhập của Thành phố với chuỗi sản xuất toàn cầu.
GRDP của Thành phố liên tục tăng trưởng, thường xuyên vượt mức tăng trưởng chung của cả vùng và cả nước. Theo đó, tăng trưởng bình quân trong 5 năm 1986-1990 đạt 7,82%/năm; 5 năm tiếp theo 1991-1995 đạt 12,62%/năm. Đặc biệt, giai đoạn 1996-2010, tốc độ phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh, đạt bình quân 2 con số (1996-2000: 10,11%; 2001-2005: 11% và 2006-2010: 11,18%/năm). Giai đoạn 2011-2020, đạt bình quân 6,86%/năm.
Sau gần 3 năm chịu sự tác động to lớn của dịch COVID-19, chính quyền và người dân TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực khôi phục và phát triển kinh tế. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Năm 2024 GRDP của Thành phố ước đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 7,17% so với năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 11%. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 502.000 tỷ đồng, tiếp tục giữ vị trí đầu tàu tài chính quốc gia, chiếm khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước. Tổng vốn FDI lũy kế đạt trên 56 tỷ USD, với hơn 11.000 dự án còn hiệu lực. Thương mại điện tử tăng trưởng 52%, cao hơn mức bình quân toàn quốc (42%), giữ vững vai trò trung tâm thương mại-dịch vụ lớn nhất cả nước.
Cơ cấu kinh tế Thành phố chuyển dịch theo hướng chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh kinh tế số, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh. Thành phố đã quy hoạch và xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông (TP Thủ Đức), tích hợp ba trụ cột: Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là mô hình thử nghiệm “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước - nơi kỳ vọng trở thành trung tâm công nghệ, tài chính, giáo dục bậc cao trong tương lai gần.
Thành phố cũng triển khai hàng loạt mô hình thí điểm mang tính đột phá như: chính quyền đô thị không có HĐND cấp quận-phường, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm, thí điểm ngân sách đặc thù, phát triển dịch vụ công trên nền tảng số...
Từ một đô thị sau chiến tranh, TP Hồ Chí Minh hôm nay đã vươn mình trở thành trung tâm kinh tế-tài chính hàng đầu cả nước, là “đầu tàu kéo cả nước tiến lên”, như lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhấn mạnh. Những thành quả to lớn ấy là kết tinh của ý chí tự lực, khát vọng vươn lên, sự năng động và bản lĩnh của chính quyền và Nhân dân thành phố mang tên Bác trong suốt nửa thế kỷ qua.
Hạ tầng giao thông phát triển, diện mạo đô thị đổi mới
Như kinh tế-tài chính, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có một tầm nhìn xa, đột phá về phát triển đô thị. Nếu như năm 1975, thời điểm Thành phố bước ra khỏi chiến tranh với diện mạo của một đô thị bị tàn phá, hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng. Các tuyến đường chính như Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt, Trường Chinh… đều là đường đất đá, trải nhựa sơ sài, xuống cấp. Cầu khỉ, cầu gỗ còn phổ biến ở các quận ven; giao thông công cộng chưa phát triển. Hệ thống cấp thoát nước rời rạc, điện yếu; không gian đô thị phát triển tự phát, thiếu quy hoạch. Cảng biển, sân bay, nhà ga cũ, công nghệ lạc hậu, thì bước vào thời kỳ đổi mới, hàng loạt dự án hạ tầng quy mô lớn được đầu tư: đại lộ Đông Tây (Võ Văn Kiệt), hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2, cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây… đánh dấu giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ về kết nối giao thông liên vùng. Cùng với đó, các khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, Vạn Phúc, Nam Sài Gòn… ra đời, tạo điểm nhấn cho một không gian đô thị hiện đại và có quy hoạch bài bản. Từ những khu vực từng ngập nước, hoang hóa, đã hình thành các trung tâm mới với hệ thống đường sá, trường học, bệnh viện, công viên đồng bộ. “Bộ mặt” Thành phố đã hoàn toàn thay đổi.

Tính đến năm 2024, TP Hồ Chí Minh có hơn 4.000 km đường bộ, hàng trăm cây cầu lớn, nhỏ cùng hàng chục công trình giao thông trọng điểm đang triển khai như: vành đai 3, nút giao An Phú, cầu Thủ Thiêm 4… Hạ tầng giao thông công cộng bắt đầu có bước chuyển quan trọng với tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên). Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên cả nước, mở đầu cho hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn, giúp giảm ùn tắc và cải thiện chất lượng sống người dân. Cùng với metro, thành phố cũng đẩy mạnh đầu tư vào xe buýt thông minh, xe buýt điện, ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông.
Không dừng lại ở mở rộng hạ tầng vật lý, TP Hồ Chí Minh đang chuyển hướng rõ rệt sang phát triển hạ tầng đô thị thông minh. Từ năm 2017, thành phố chính thức triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh với 4 trụ cột chiến lược: trung tâm dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; trung tâm điều hành đô thị thông minh; trung tâm mô phỏng, dự báo phát triển kinh tế-xã hội và trung tâm an toàn thông tin mạng. Đến nay, nhiều ứng dụng công nghệ đã đi vào đời sống: từ hệ thống giám sát giao thông, chiếu sáng, quản lý rác thải đến nền tảng số phục vụ người dân trong thủ tục hành chính, y tế, giáo dục, an ninh trật tự.
Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, thành phố sẽ phát triển theo mô hình đa trung tâm với 5 phân vùng đô thị lớn: Vùng đô thị trung tâm; Đô thị phía Đông; Đô thị phía Bắc-Tây Bắc; Đô thị phía Tây và đô thị phía Nam. Việc tổ chức không gian đô thị được định hướng dựa trên các trục giao thông công cộng chủ đạo, nhằm kết nối hiệu quả giữa các khu vực trung tâm hiện hữu, các đô thị mới, khu công nghiệp-công nghệ cao, khu dân cư vệ tinh, cùng các không gian xanh và sáng tạo.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh sẽ khởi công, khánh thành 6 công trình lớn: Dự án Nhà ga hành khách T3-Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án xây dựng đoạn nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình; Dự án xây dựng cao tốc Bến Lức-Long Thành; dự án xây dựng mới Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn… .
Văn hóa-xã hội phát triển toàn diện
Sau ngày thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh có nhiều thay đổi lớn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển văn hóa-xã hội.
Thành phố đã nhanh chóng phục hồi và phát triển hệ thống giáo dục, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Hệ thống trường học từ mầm non đến đại học được xây dựng và cải thiện. Tính đến năm 2024, Thành phố có hơn 2.300 trường học các cấp, trong đó hơn 1.000 trường đạt chuẩn quốc gia. Các trường đại học lớn, như: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh… đóng vai trò trung tâm trong hệ sinh thái giáo dục đại học, với hơn 600.000 sinh viên đang theo học. Ngoài ra, các chương trình đào tạo quốc tế cũng được triển khai rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố.
Cùng với sự phát triển của giáo dục, công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng được chú trọng. TP Hồ Chí Minh hiện có gần 130 bệnh viện công và tư, với khoảng 40.000 giường bệnh. Các bệnh viện tuyến đầu, như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115, Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Ung bướu... không chỉ phục vụ cho người dân Thành phố mà còn điều trị hàng triệu lượt bệnh nhân từ các tỉnh thành phía Nam. Thành phố cũng triển khai hiệu quả nhiều chương trình y tế cộng đồng như tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống sốt xuất huyết và cúm mùa, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
TP Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò trung tâm văn hóa nghệ thuật của miền Nam và cả nước. Mỗi năm, trên địa bàn Thành phố tổ chức trung bình hàng trăm sự kiện văn hóa, lễ hội, trong đó có nhiều chương trình mang tầm quốc gia và quốc tế, như: Lễ hội Áo dài, Đường hoa Nguyễn Huệ, Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc, Lễ hội Tết Việt... Các di tích lịch sử, như: Dinh Độc Lập, Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Năm 2024, Thành phố đón khoảng 44 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 6 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt 190.000 tỷ đồng.
Thành phố cũng chú trọng phát triển thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Tại SEA Games 32 (2023), các vận động viên TP Hồ Chí Minh đóng góp hơn 30% tổng số huy chương vàng của đoàn thể thao Việt Nam.
Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh luôn chú trọng phát triển an sinh xã hội, bảo đảm đời sống cho người dân, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Thành phố đã triển khai nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ người nghèo, người có công, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật. Các chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp, đặc biệt là dự án nhà ở xã hội, đã giúp cải thiện đáng kể chất lượng sống của các tầng lớp dân cư.
Ngoài ra, Thành phố cũng chú trọng đến việc cải thiện môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, góp phần tạo ra một môi trường sống an toàn, văn minh.
Nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày non sông liền một dải, TP Hồ Chí Minh đã viết nên một hành trình phát triển phi thường. Những con số tăng trưởng ấn tượng, những công trình tầm vóc, những bước đột phá trong giáo dục, y tế, đô thị và công nghệ… không chỉ phản ánh năng lực tự cường của một Thành phố, mà còn là minh chứng sống động cho khát vọng vươn lên của một dân tộc. Hành trình ấy sẽ còn tiếp tục và với những thành tựu mới./.
Theo TTXVN