1. Giới thiệu
Dân chủ là mục tiêu, giá trị phổ quát của nhân loại cũng như các hình thức chính thể tiến bộ ngày nay. Nhân loại đã và đang nỗ lực, từ đó đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện về dân chủ ở các cấp độ khác nhau, trong đó có cấp cơ sở. Nhiều mô hình, giải pháp nhằm củng cố, thúc đẩy và mở rộng dân chủ cơ sở (DCCS) ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đã thành công bước đầu. Cuộc thử nghiệm thành công về bầu cử làng, xã và xây dựng nông thôn tự quản ở Trung Quốc. Các giải pháp nhằm tái cơ cấu và phân định quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương tại Nam Phi hay sáng kiến quản trị địa phương ở Ấn Độ nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ và các nhóm thiểu số. Tuy vậy, mục tiêu “mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền”[1] vẫn là hành trình gian nan. Các cuộc khủng hoảng, rủi ro có tính khu vực, toàn cầu như COVID-19, xung đột vũ trang, khủng hoảng di cư, nghèo đói, phân cực xã hội, sự phát triển công nghệ hiện đại, v.v. khiến việc đảm bảo DCCS cho người dân, nhất là các nhóm chịu nhiều thiệt thòi (nữ giới, người cao tuổi, người nghèo, các dân tộc thiểu số, v.v.) càng trở nên thách thức.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định, nhất quán và nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Nhà nước dân chủ, của dân, do dân và vì dân. Với phương châm luôn tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân[2], trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực”[3]. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (2021) đã xác định kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đồng thời nhấn mạnh “thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở”[4].
Năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thay cho Nghị định số 79/2003/NĐ-CP trước đó. Năm 2022, sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, trên cơ sở tổng kết thực tiễn và để đáp ứng yêu cầu, tình hình mới, Quốc hội đã chính thức ban hành Luật Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, đầu tiên và hoàn thiện nhất quy định thực hiện DCCS của Việt Nam. Luật này cũng minh chứng nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong đảm bảo, phát huy dân chủ, DCCS và thực hiện nghiêm túc, tích cực các cam kết quốc tế về vấn đề này.
Quá trình thực thi những chủ trương, chính sách trên, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên. Qua đó huy động và phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo, ý kiến của Nhân dân vào quá trình hoạch định, thực thi, giám sát và đánh giá các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Bầu không khí dân chủ trong Đảng và trong xã hội được mở rộng hơn[5]. Tuy nhiên, việc thực hiện DCCS ở Việt Nam vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Chính sách về DCCS tuy ngày càng được hoàn thiện, cập nhật sát hơn với giá trị phổ quát của quốc tế, thực tiễn quốc gia nhưng triển khai chưa tốt, còn hình thức và máy móc. Quyền làm chủ của người dân ở một số nơi chưa được tôn trọng, hoặc bị vi phạm. Nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng” ở cơ sở khi triển khai còn lúng túng. Thực tế nêu trên cùng với bối cảnh Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/7/2023), thực thi Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số đến năm 2030, v.v. khiến quá trình thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, huy động sự tham gia của người dân vào quá trình quản trị xã hội ngày càng trở nên cần thiết.
Bài viết này tập trung phân tích mức độ tham gia của người dân trong thực hiện dân chủ cơ sở, đặc biệt theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 tại 4 xã, phường ở các quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh. Nội dung này được đánh giá qua 2 chiều cạnh (1). Nhận thức, sự quan tâm và kỳ vọng của người dân về DCCS và (2). Mức độ thực hành DCCS của người dân thông qua một số nội dung, công việc cụ thể.
2. Cách thức thu thập dữ liệu nghiên cứu
- Định lượng: Khảo sát trực tiếp bằng bản hỏi cấu trúc đối với 200 cán bộ, công chức (CBCC) trong hệ thống chính trị cấp cơ sở, thành viên ban điều hành tổ dân phố, thôn của 4 xã, phường thuộc TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh. Tại TP. Hà Nội gồm phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm) và xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) và ở tỉnh Bắc Ninh là phường Vũ Ninh (thành phố Bắc Ninh) và xã Mộ Đạo (thị xã Quế Võ).
- Định tính: Phỏng vấn sâu 40 CBCC trong hệ thống chính trị cấp cơ sở, thành viên ban điều hành tổ dân phố, thôn tại 4 xã, phường của TP. Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh và 25 người dân ở các địa bàn này.
- Thu thập dữ liệu qua các tài liệu, báo cáo và ấn phẩm khoa học: Một số dữ liệu gốc của Chỉ số Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 qua khảo sát 1,120 người dân ở TP. Hà Nội (chiếm 5.91% mẫu toàn quốc) và 349 người dân ở tỉnh Bắc Ninh (chiếm 1.84% mẫu toàn quốc) liên quan trực tiếp về dân chủ cơ sở được chúng tôi tiếp cận và sử dụng. Ngoài ra, các báo cáo do các địa phương cung cấp cũng được phân tích trong bài viết này.
3. Kết quả và bàn luận
3.1. Mức độ hiểu biết, kỳ vọng và sự quan tâm của người dân đối với thực hiện dân chủ cơ sở
Mức độ hiểu biết, sự kỳ vọng và quan tâm của người dân tại 2 địa phương về một số nội dung liên quan đến DCCS là đa chiều, phức tạp và không hoàn toàn giống nhau. Trong số 200 CBCC được khảo sát, chỉ 2.5% cho rằng người dân hiểu biết không tốt về DCCS (xem Biểu đồ 1A) và 1.0% không quan tâm về vấn đề này tại địa phương (xem Biểu đồ 1B). Tổng hợp dữ liệu phỏng vấn sâu của người dân cho thấy phần đa họ đã từng nghe và tìm hiểu qua (dù chưa chuyên sâu) về DCCS, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Đặc biệt, qua các cuộc trả lời phỏng vấn sâu, người dân cho thấy sự am tường khá tốt nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát và dân thụ hưởng” được cấp ủy, chính quyền truyền thông và tổ chức thực hiện suốt thời gian qua.
Biểu đồ 1: Mức độ hiểu biết, quan tâm về DCCS của người dân theo ý kiến CBCC (%)
Nguồn: Khảo sát VLEAP
Phân tích ý kiến 1469 người dân tại TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh trong bộ Chỉ số PAPI năm 2023 cho thấy, họ có hiểu biết tốt về hình thức bầu chọn trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tại nơi họ cư trú (xem Bảng 1). Có 81.28% người dân tại 2 địa phương biết chính xác hình thức để lựa chọn người đứng đầu thôn, tổ dân phố nơi họ đang sinh sống. Qua phỏng vấn sâu, đa số người dân ở 2 địa phương khi được hỏi đều biết rõ tên của bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, phường hoặc của tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn hiện tại. Họ cũng quan tâm ai sẽ là người đứng đầu trong chính quyền cấp xã và ban điều hành tổ chức tự quản nơi họ đang sinh sống.
Bảng 1: Người dân cho biết hình thức chọn trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố (%)
Nguồn: Xử lý từ dữ liệu gốc PAPI 2023
Ngoài ra, người dân cũng quan tâm nhiều vấn đề cộng đồng khác, điển hình là đóng góp, sử dụng các quỹ tự nguyện. Một người dân chia sẻ: “[Tôi] thường xuyên tham gia [đóng góp] các quỹ vì biển đảo, bảo trợ trẻ em, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, quỹ vì người nghèo, chăm sóc người cao tuổi. Các quỹ này đều công khai minh bạch và dùng đúng mục đích.” (Nam, 61 tuổi, TP. Hà Nội, bộ đội nghỉ hưu, xã HM). Đây là một trong số khá nhiều chia sẻ của người dân ở 2 địa phương được phỏng vấn. Cùng với các phân tích ở trên, kết quả này phần nào gián tiếp phản ánh sự quan tâm đáng kể của người dân vào thực hiện các phần việc khác nhau liên quan đến DCCS, lợi ích chung của cộng đồng nơi họ đang sinh sống.
Tuy nhiên, vài chỉ báo nêu trên chưa thể phản ánh chuẩn xác, toàn diện sự hiểu biết, mức độ quan tâm và kỳ vọng của người dân về thực hiện DCCS. Ở một số chiều cạnh khác, người dân tại TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh hiểu biết chưa tốt hoặc chưa quan tâm, kỳ vọng (niềm tin) chưa cao đối với một số nội dung, công việc liên quan đến thực hiện DCCS. Theo dữ liệu gốc PAPI năm 2023, chỉ 52.20% người dân nhớ chính xác thời gian tổ chức kỳ bầu cử gần nhất (mới diễn ra năm 2022 và 2023) để lựa chọn trưởng thôn hoặc tổ trường tổ dân phố (tại TP. Hà Nội: 55.22% và tỉnh Bắc Ninh: 45.58%). Đáng chú ý có tới 71.15% không biết rõ nhiệm kỳ của lãnh đạo thôn, tổ dân phố kéo dài trong là bao lâu. Tỷ lệ này ở tỉnh Bắc Ninh là 82,59%, cao hơn TP. Hà Nội (62.50%).
Nhận thức sâu sắc, đầy đủ, đúng đắn về quyền lợi, trách nhiệm của người dân làm thay đổi mức độ quan tâm, sự kỳ vọng và sự tham gia của họ vào tiến trình hiện thực hóa mục tiêu DCCS. Viện Quốc tế về dân chủ và hỗ trợ bầu cử (IDEA) từng nhấn mạnh: “Công dân ủng hộ dân chủ không chỉ bởi bản thân nó là một mục đích đáng mơ ước, mà còn bởi vì đi cùng với nền dân chủ là sự mong đợi về một chất lượng tốt hơn của đời sống kinh tế - xã hội và chính trị. Công dân mong đợi chính quyền địa phương nơi họ sống cung cấp các dịch vụ công một cách hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của họ”[6]. Kết quả nghiên cứu cho thấy diễn biến của chuỗi vấn đề này là phức tạp và cần được xem xét, đánh giá thận trọng, ở từng nội dung, tình huống cụ thể. Điều này hoàn toàn có lý bởi theo thống kê từ dữ liệu gốc PAPI năm 2023, chỉ 39.35% người dân tại TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh quan tâm (nghe, đọc, xem) tin tức về tình hình đất nước và hoạt động của chính quyền các cấp, thậm chí tỷ lệ này ở tỉnh Bắc Ninh còn thấp hơn - chỉ 35.82% trong khi TP. Hà Nội là 40.45%. Ngoài ra, chỉ 44.4% người dân tin vào tính minh bạch của báo cáo thu - chi tài chính dù đã được chính quyền cấp xã công khai trong 12 tháng qua. Đáng băn khoăn hơn, chỉ 1.09% có niềm tin rằng các góp ý của họ đối với báo cáo thu - chi tài chính sẽ được chính quyền cấp xã tiếp thu, chỉnh sửa nghiêm túc vào bản cuối cùng.
Báo cáo này cũng chú ý phân tích nguyên nhân khiến người dân hiểu biết chưa sâu sắc cũng như chưa thực sự quan tâm đến DCCS (xem Bảng 2). Có 5 nguyên nhân quan trọng, trong đó 3 nguyên nhân thuộc về phía người dân gồm trình độ học vấn, khó khăn kinh tế và cảm nhận về sự cần thiết của DCCS (80.0%). Các nguyên nhân còn lại thuộc về năng lực tổ chức thực thi chính sách DCCS của hệ thống chính trị cơ sở và tính phức tạp của vấn đề đảm bảo và mở rộng DCCS trong bối cảnh xã hội Việt Nam (80.0%). Sự ảnh hưởng của các nguyên nhân này đến tham gia thực hành DCCS của người dân sẽ tiếp tục được phân tích sâu, lý giải thấu đáo hơn ở Mục 2.3.
Bảng 2: Lý do người dân chưa hiểu tốt và quan tâm về DCCS xét theo địa phương (%)
Nguồn: Khảo sát VLEAP
Xét theo địa phương, thống kê tại Bảng 2 cũng hàm ý rằng, TP. Hà Nội cần chú ý hơn việc cải thiện đời sống kinh tế, nhận thức về sự cần thiết, ý nghĩa thực sự của DCCS cho người dân. Lý giải thêm về vấn đề này, một công chức chia sẻ: “Một bộ phận người dân coi việc công khai, lấy ý kiến không phải việc của mình, ý kiến của mình không có giá trị. Một bộ phận khác đồng ý với các nội dung được lấy ý kiến dù không liên quan trực tiếp đến bản thân họ.” (Nam, 35 tuổi, TP. Hà Nội, công chức văn phòng, UBND phường). Trong khi đó, tỉnh Bắc Ninh cần chú cải thiện trình độ nhận thức, tổ chức thực thi chính sách về DCCS của hệ thống chính trị cơ sở.
Như vậy, các phát hiện trên hàm ý rằng cần tiếp tục nâng cao nhận thức, củng cố, cải thiện niềm tin và thu hút sự quan tâm của người dân đối với thực thi DCCS.
3.2. Mức độ thực hành dân chủ cơ sở của người dân đối với một số nội dung, công việc chung của cộng đồng tại địa phương
Ở phần này, báo cáo phân tích mức độ tham gia, thực hiện DCCS của người dân đối với một số công việc, nội dung theo luật định, từ việc bầu chọn trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã cho đến đóng góp, giám sát, theo dõi các hoạt động dân chủ quan trọng khác tại nơi cư trú (các khoản đóng góp tự nguyện, xây dựng công trình công cộng, thông tin hộ nghèo, thu - chi tài chính của chính quyền, v.v.).
3.2.1. Bầu tổ trưởng tổ dân phố (trưởng thôn) và đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã
Phân tích dữ liệu gốc PAPI năm 2023 của 2 địa phương cho thấy, 47.79% người dân cho rằng bản thân họ hoặc người đại diện gia đình đã đi bầu trưởng thôn (tổ trưởng tổ dân phố) vào kỳ bầu cử gần nhất (xem Biểu đồ 2). Đáng chú ý, người dân TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh hiếm khi khi nhờ người khác, đặc biệt người không đại diện cho ý chí, nguyện vọng của họ (hoặc gia đình họ) đi bầu các chức danh này (0.07%). Một người dân chia sẻ: “Tôi đã nghiên cứu rõ lý lịch tiểu sử của các ứng viên. Tôi thấy họ có đủ đức, đủ tài, trình độ học vấn theo tiêu chí, phù hợp với chức vụ được giao. Sau khi trúng cử tôi theo dõi họ thực hiện nhiệm vụ thì thấy tốt.” (Nữ, 60 tuổi, TP. Hà Nội, làm nông, xã HM). Rõ ràng, người dân có ý thức và coi trọng thực hiện quyền bầu cử của mình, nhất là đối với các chức danh gắn chặt, gần gũi với cuộc sống của họ. Tuy nhiên có đến 50.99% người dân được khảo sát “không biết” hoặc “không nhớ” ai đã đi bầu cử các chức danh này vào kỳ bầu cử gần nhất mặc dù thời gian diễn ra sự kiện này không cách quá xa thời điểm cuộc khảo sát PAPI năm 2023[7].
Biểu đồ 2: Thành viên đi bầu tổ trưởng tổ dân phố (trưởng thôn) (%)
Nguồn: Khảo sát VLEAP
Kế đến, tỷ lệ người dân tham gia bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở nhiệm kỳ gần nhất tại TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh không giống nhau (xem Biểu đồ 3). Tỷ lệ này chỉ đạt 47.17%. Phát hiện này đáng quan tâm bởi:
- Thứ nhất, đại biểu HĐND là người đại diện cho tiếng nói và ý chí của chính người dân (cử tri), được họ tín thác để tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, thay mặt người dân quyết định các vấn đề hệ trọng tại địa phương. Tuy nhiên, việc tham gia bầu cử đại biểu HĐND cấp xã lại ít được người dân chú ý, quan tâm. Điều này được phản ánh thông qua tỷ lệ đi bầu cử tương đối thấp.
- Thứ hai, phải chăng tỷ lệ khá thấp người dân (cử tri) tham gia bầu cử đại biểu HĐND cấp xã phản ánh phần nào sự sụt giảm niềm tin về những giá trị, lợi ích chính đáng mà họ cảm nhận sẽ nhận được từ hoạt động của đại biểu HĐND và của chính cơ quan này? Thực tế cho thấy, hoạt động của HĐND từ lâu vẫn ít hiện diện trực tiếp, chưa thường xuyên tác động đến quyền lợi của người dân so các cơ quan hành chính nhà nước khác.
Từ các phát hiện này, chúng tôi cho rằng, cần chú ý truyền thông về địa vị pháp lý, sứ mệnh của HĐND cấp xã, vai trò của đại biểu HĐND trong đông đảo người dân. Tuy nhiên, giải quyết từ gốc vấn đề cần này nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trên thực tế của HĐND, vai trò đại diện của đại biểu HĐND một cách thực chất. Chỉ khi nào cơ quan này hoạt động thực sự hiệu quả và thể hiện rõ tính đại diện, thường trực hơn cho lợi ích, ý chí và nguyện vọng của người dân địa phương thì sự quan tâm, hưởng ứng và động lực tham gia của người dân vào tiến trình hiện thực hóa mục tiêu DCCS sẽ tăng cao, tích cực và thực chất hơn.
Biểu đồ 3: Người dân bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã xét theo địa phương (%)
Nguồn: Xử lý từ dữ liệu gốc PAPI 2023
- Thứ ba, một phát hiện đáng chú ý khác, tỷ lệ người dân ở TP. Hà Nội (43.57%) đi bầu đại biểu HĐND cấp xã thấp hơn hẳn so với tỉnh Bắc Ninh (58.74%). Điều này khá đặc biệt bởi Hà Nội là thủ đô, trung tâm chính trị quốc gia nên mức độ nhận thức, quan tâm của người dân ở đô thị này đối với các vấn đề chính trị, trong đó có quá trình thực hành DCCS được kỳ vọng sẽ tốt hơn so với các địa phương khác. Tuy vậy, kết quả nghiên cứu phản ánh thực tế không hoàn toàn theo kỳ vọng. Báo cáo PAPI năm 2023 hoàn toàn thống nhất với phát hiện này. Theo đó, tổng điểm Chỉ số nội dung 1 “sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở” (với 3 chỉ báo thành phần: tri thức công dân, cơ hội tham gia, chất lượng bầu cử và đóng góp tự nguyện) của tỉnh Bắc Ninh là 5.5334, trong khi TP. Hà Nội là 5.4275[8]. Thông qua ý kiến của một công chức, “nghịch lý” này được lý giải khá thấu đáo: “Địa phương càng có tốc độ đô thị hóa cao, nhanh, người ngụ cư nhiều thì họ chủ yếu quan tâm đến hoạt động kinh doanh, thương mại. Vì vậy những vấn đề của địa phương [bao gồm thực hiện DCCS][9] không được [họ] chú trọng tham gia” (Nam, 43 tuổi, TP. Hà Nội, công chức văn phòng - thống kê, UBND phường).
3.2.2. Tham gia một số hoạt động quan trọng khác góp phần thực hiện dân chủ cơ sở
Biểu đồ 4 mô tả tổng thể sự tham gia của người dân TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh đối với việc sửa chữa, xây dựng các công trình công cộng tại nơi họ cư trú. Theo dữ liệu gốc PAPI năm 2023, chỉ 13.27% người dân tham gia đóng góp xây dựng mới hoặc sửa chữa các công trình công cộng. Tỷ lệ này ở TP. Hà Nội chỉ 9.38%, trong khi tỉnh Bắc Ninh là 25.79% (xem Biểu đồ 4A). Lý giải cho thực tế này, Báo cáo của Đảng ủy xã Mộ Đạo (thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) đã đề cập một phần nguyên nhân: “Tâm lý của người dân còn bị ỉ lại, trông chờ nhiều vào chế độ, chính sách của nhà nước, nhất là việc đóng góp tài chính để kiến thiết xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương”[10].
Ở Biều đồ 4B và 4C cho thấy những loại công trình và nguồn lực cụ thể mà người dân đã đóng góp. Đáng chú ý, 1.97% người dân đóng góp nguồn lực của họ để tu sửa, xây dựng cầu, đường xá; 1.84% là sân chơi, công viên và nhà văn hóa thôn, phường (1.09%) (xem Biểu đồ 4B). Đây là các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng thiết thực, phục vụ trực tiếp nhu cầu hằng ngày của người dân. Nghiên cứu này cũng cho thấy, đóng góp tiền của được người dân ưa chuộng nhất khi ủng hộ tu sửa, xây mới các công trình công cộng tại nơi họ cư trú (10.42%). Các hình thức khác như ngày công lao động (0.88%), các nguồn lực khác (1.84%) có tỷ lệ ít hơn (xem Biểu đồ 4C). Ngoài ra, phân tích dữ liệu gốc PAPI 2023 cho thấy, tỷ lệ người dân tự nguyện tham gia đóng góp tiền của, công sức và nhiều nguồn lực khác để thực hiện các công trình công cộng cao gấp 4.61 lần so với các hình thức không tự nguyện (có yêu cầu từ chính quyền hoặc từ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố). Đây là tính hiệu tích cực, cho thấy người dân ở 2 địa phương không hoàn toàn “đứng ngoài cuộc” đối với các hoạt động cộng đồng vốn gắn liền với quyền, trách nhiệm cũng như lợi ích chung và của bản thân họ.
Biểu đồ 4: Người dân đóng góp sửa chữa, xây dựng công trình công cộng (%)
Nguồn: Xử lý từ dữ liệu gốc PAPI 2023
Cũng về vấn đề này nhưng ở một chiều cạnh khác, thống kê ở Bảng 3 cho thấy người dân tại TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh rất ít tham gia bàn bạc, quyết định về kết cấu, thiết kế (5.17%) hoặc cung cấp các ý tưởng ban đầu (2.45%) để tu sửa hoặc xây mới các công trình công cộng. Các công việc này có tính chuyên môn, đòi hỏi năng lực mang tính kỹ thuật cao với nhiều người. Do đó không phải mọi người dân đều có thể tham gia góp ý, bàn thảo, quyết định chính xác dù là những công việc chung, vì lợi ích cộng đồng. Tuy vậy, phát hiện này nhấn mạnh các chủ thể có liên quan, đặc biệt hệ thống chính trị cấp cơ sở cần thiết kế lại quy trình, cách thức để vẫn có thể huy động tối đa trí tuệ, nguồn lực từ trong dân dù đó là các khâu, phần việc chung có độ khó, phức tạp cao trong quá trìn thực hiện DCCS.
Bảng 3: Người dân tham gia một số công việc khác để xây dựng công trình công cộng (%)
Nguồn: Xử lý từ dữ liệu gốc PAPI 2023
Kế đến, 54.3% người dân tại TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh biết rõ danh sách hộ nghèo 12 tháng qua đã được chính quyền công khai. Tỷ lệ này ở TP. Hà Nội là 47.9% và tại tỉnh Bắc Ninh đến 74.8% (xem Biểu đồ 5). Đặc biệt, tại Bảng 4, một tỷ lệ khá cao người dân nắm rõ thông tin hộ nghèo bị bỏ sót (66.5%) hoặc hộ không xứng đáng nhưng lại có tên trong danh sách chính thức hộ nghèo trong 12 tháng qua (69.8%).
Biểu đồ 5: Người dân nắm bắt danh sách bình xét hộ nghèo tại địa phương (%)
Nguồn: Xử lý từ dữ liệu gốc PAPI 2023
Bảng 4: Người dân theo dõi kết quả bình xét danh sách hộ nghèo 12 tháng qua (%)
Nguồn: Xử lý từ dữ liệu gốc PAPI 2023
Như vậy, qua phân tích ở Biểu đồ 5 và Bảng 4 cho thấy sự tích cực và tham gia chặt chẽ của người dân đối với việc theo dõi, bình xét và đánh giá kết quả bình xét hộ nghèo từ chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, kết quả này lại tương phản với mức độ tham gia của người dân đối với việc tham gia sửa chữa, xây dựng các công trình công cộng đã được phân tích ở trên. Từ đấy cho thấy việc xem xét, đánh giá mức độ tham gia, thực hành DCCS của người dân là công việc phức tạp, thận trọng và cần đánh giá ở từng trường hợp cụ thể để có kết luận chuẩn xác và khả tín.
Biểu đồ 6 và Bảng 5 cho thấy mức độ nắm bắt, theo dõi và góp ý của người dân TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh đối với báo cáo thu - chi tài chính của chính quyền cấp xã trong 12 tháng qua. Đáng chú ý, theo Biểu đồ 6, 46.2% biết thông tin về việc chính quyền nơi họ cư trú đã công bố công khai thu - chi tài chính (TP. Hà Nội: 42.8%, tỉnh Bắc Ninh: 57.0%). Tuy nhiên mức độ tham gia góp ý sâu thêm vào báo cáo này lại ở mức khiêm tốn. Theo đó, chỉ có 12.9% người dân đọc qua các báo cáo thu - chi tài chính và 1.1% bình luận, góp ý vào các báo cáo này (xem Bảng 5).
Biểu đồ 6: Người dân nắm tình hình công bố thu - chi tài chính tại địa phương (%)
Nguồn: Xử lý từ dữ liệu gốc PAPI 2023
Bảng 5: Người dân tham gia ý kiến vào báo cáo thu - chi tài chính tại địa phương (%)
Nguồn: Xử lý từ dữ liệu gốc PAPI 2023
Trong thực hiện DCCS, mức độ tham gia của người dân là không giống nhau ở cùng một nội dung. Đối với nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát và thụ hưởng”, trên thực tế người dân dường như chỉ mới tham gia ở mức ban đầu (nghe, biết, đọc, nắm thông, theo dõi, v.v.). Việc tham gia sâu hơn thông qua góp ý, bình luận hay giám sát giải quyết, thực thi, v.v. tuy có nhưng còn ở mức hạn chế, chưa phổ biến và gặp nhiều khó khăn. Nhận định trên là có cơ sở đối với các trường hợp người dân nắm bắt, theo dõi, góp ý vào các báo cáo tài chính, hoặc công việc chung nhưng có tính chuyên môn, kỹ thuật chuyên sâu (lên ý tưởng, thiết kế công trình công cộng, v.v.). Do vậy, tìm cách “cởi trói”, tháo gỡ các rào cản (nếu có) để người dân có thêm nhiều điều kiện thuận lợi, cơ hội, phương thức dễ dàng hơn để thực hành DCCS, đồng tham gia sâu hơn cùng hệ thống chính trị để giải quyết tốt đối với các việc khó, phức tạp.
4. Một số giải pháp và khuyến nghị chính sách
Một là, đổi mới hình thức, phương tiện và nội dung truyền thông đối với người dân cũng như vận động họ hưởng ứng tích cực việc thực hiện DCCS. Cụ thể:
- Đối tượng tuyên truyền cần chú ý nhiều đến nhóm thanh thiếu niên, nhóm trong độ tuổi lao động và nhóm chịu nhiều thiệt thòi.
- Hình thức và phương tiện truyền thống như tờ rơi, áp phích, qua cuộc họp cộng đồng, đối thoại, tiếp xúc cử tri, phát thanh và hiện đại với các ứng dụng số, truyền thông số, qua mạng xã hội (Youtube, Facebook, Zalo, Instagram) của các thôn, tổ dân phố, hội đoàn, v.v. Ngoài ra, ở cơ sở, cần kết hợp truyền thông qua hội thi, sân khấu hóa, sáng tác thơ ca, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ văn nghệ, hội người cao tuổi, nhóm hưu trí, v.v. Một cụ ông gợi ý một vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức thực hiện DCCS (trong đó có truyền thông): “dân chủ cơ sở thời kỳ kinh tế thị trường thì hình thức, phương pháp phải khác.” (Nam, 63 tuổi, tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo ban điều hành khu phố).
Ngoài ra, các địa phương nghiên cứu, thí điểm xây dựng “kho học liệu số trực tuyến về DCCS”. Kho học liệu số (sách, báo, video, infographic) này tập hợp bài giảng, mô hình hay, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, v.v. về lãnh đạo, thực hiện DCCS được tích hợp, cập nhật hằng kỳ trên trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh, hoặc đề xuất mở thêm tính năng trên ứng dụng VNeID, nền tảng học trực tuyến mở đại trà tại Website: https://onetouch.mic.gov.vn/. CBCC, đảng viên có thể đăng ký tìm hiểu, học tập bất kỳ thời điểm nào và có xác nhận kết quả cụ thể, tự động trên hệ thống.
Mặt khác, việc tuyên truyền, cổ động cần tích hợp, lồng ghép linh hoạt vào các sự kiện, chương trình quan trọng của chung địa bàn dân cư[11] như xây dựng “tuyến đường kiểu mẫu”, phong trào “dân vận khéo”, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia[12].
- Nội dung truyền thông, cần chú ý làm rõ, sâu sắc (i) bản chất dân chủ, dân chủ xã hội chủ nghĩa; (ii). chủ trương, chính sách, pháp luật DCCS; (iii) quyền, nghĩa vụ, lợi ích trong tham gia thực hiện DCCS; (iv) ngộ nhận và hành vi sai trái, vi phạm trong thực hiện DCCS; (v) cách thức, nội dung, phương thức thực hiện DCCS. Đặc biệt, làm rõ hiện tượng, bản chất về nhận thức, hành vi lệch lạc, sai trái của 1 bộ phận người dân về thực hiện DCCS cũng như âm mưu, thủ đoạn của các thế lực chống phá lợi dụng thực hiện quyền dân chủ, chủ trương mở rộng và phát huy DCCS ở Việt Nam để xuyên tạc, kích động, nhất là trên không gian mạng.
Hai là, nghiên cứu, thí điểm thành lập mô hình “Tổ cộng đồng tự quản thực hiện DCCS” bên cạnh Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Mô hình này góp phần khắc phục dần một số hạn chế, vướng mắc do thiếu hụt chuyên môn, kinh phí, tính linh động, v.v. mà một số thiết chế tự quản quần chúng đang gặp phải. Mô hình “Tổ cộng đồng tự quản thực hiện DCCS” được đề xuất với những ý tưởng ban đầu như sau:
- Đề xướng thành lập và nhiệm vụ: Cá nhân (nhóm), tổ chức tại địa bàn dân cư (cấp xã, thôn, tổ dân phố) quan tâm giải quyết các vấn đề chung của cộng động đều có thể đề xuất thành lập. Tổ này được lập ra để giải quyết nhiều vấn đề bức thiết, đa dạng, phức tạp nhưng gần gũi, có tính thời vụ, theo từng vụ việc cụ thể phát sinh tại cộng đồng. Chẳng hạn như giám sát thu chi ngân sách, xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng, thực hiện chính sách xã hội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường học, điều tiết giao thông, tiêm chủng và y tế, cải tạo cảnh quang môi trường, phòng chống trộm cướp, bài trừ tệ nạn xã hội, quản trị đời sống ở khu chung cư, v.v. Các vấn đề này phong phú, bức thiết nhưng không phải vấn đề nào Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cũng đủ thẩm quyền, năng lực, nguồn lực để giải quyết.
- Tư cách (pháp lý): Ban đầu mô hình này nên được “bảo trợ” (quản lý, theo dõi, hỗ trợ) bởi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc một tổ chức chính trị - xã hội có chức năng liên quan đến vấn đề mà tổ giải quyết; không cần được bầu cử từ cộng đồng dân cư như các tổ chức tự quản hiện nay; ưu tiên thủ tục thành lập gọn, linh hoạt. Ví dụ: “Tổ cộng đồng tự quản” giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành gia đình có thể được Hội Liên hiệp phụ nữ cấp xã “bảo trợ” về tư cách khi thành lập và vận hành.
- Thành viên: Người đề xướng, sáng lập; cá nhân (nhóm); người có uy tín tham gia tự nguyện, ủng hộ mục tiêu, cách thức giải quyết vấn đề mà Tổ đặt ra khi thành lập và có thể có thêm đại diện cơ quan “bảo trợ”. Số lượng thành viên không cố định và không quy định nhiệm kỳ. Tổ tự giải thể khi vấn đề mà tổ theo đuổi được giải quyết.
- Kinh phí hoạt động: Có thể được cấp hoặc tài trợ hoặc không có.
- Hoạt động chủ yếu: Giám sát, hỗ trợ thực hiện hoặc kêu gọi, huy động cộng đồng tham gia cùng giải quyết các vấn đề xã hội tại nơi cư trú, vì lợi ích chung.
- Nguyên tắc vận hành Mô hình: theo 5 nguyên tắc chính: 1- Khả năng tiếp cận (thông tin, tài liệu, v.v.); 2- Tính bản địa (địa bàn hóa); 3- Đơn giản, linh hoạt và không hành chính hóa; 4- Nhân tố hỗ trợ (về địa vị pháp lý, quyền hạn, tài chính, v.v.) và 5- Tự nguyện vì lợi ích cộng đồng.
- Sự khác biệt: Mỗi Tổ khi thực hiện nhiệm vụ được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết về vấn đề cần giải quyết. Nhiệm vụ này có thể do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hoặc tổ chức “bảo trợ”, đơn vị có chuyên môn hỗ trợ tập huấn. Như vậy, mỗi “Tổ cộng đồng tự quản thực hiện DCCS” sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để giám sát, hỗ trợ giải quyết 1 vấn đề cụ thể của cộng đồng. Từ đây năng lực thực hành DCCS (kỹ năng giám sát, thực hiện nhiệm vụ, v.v.) được trang bị theo từng nhóm vấn đề mà Tổ theo đuổi sẽ giúp cải thiện tính kết nối giữa họ cùng cộng đồng và với chính quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đây là một trong những điểm khác căn bản với các tổ chức tự quản quần chúng hiện nay.
- Căn cứ đề xuất thí điểm mô hình “Tổ cộng đồng tự quản thực hiện DCCS”: (1). Từ kết quả nghiên cứu thực tế về DCCS tại TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh; (2). Báo cáo: “Nghiên cứu trường hợp điển hình về thực hiện dân chủ ở cơ sở, và góp ý cho việc xây dựng và thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” do Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân và UNDP tại Việt Nam thực hiện vào tháng 12/2022. Dự án này đã nghiên cứu 7 mô hình điển hình về thúc đẩy thực hiện DCCS ở nhiều lĩnh vực khác nhau tại TP. Hà Nội và tỉnh Quảng Trị. Hàm ý thiết lập mô hình “Tổ cộng đồng” được mô tả trong báo cáo của Dự án là một phần ý tưởng, củng cố thêm cơ sở thực tiễn để chúng tôi thiết kế chi tiết và đề xuất thí điểm mô hình “Tổ cộng đồng tự quản thực hiện DCCS” tại TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh sắp tới.
Ba là, kiến nghị Chính phủ cần xem xét, điều chỉnh và hướng dẫn thống nhất toàn quốc để khắc phục một số bất cập tại Nghị định số 59/2023/NĐ-CP:
- Đối với Tiểu mục 2, Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở năm 2022 được cụ thể hóa tại Điều 13, Nghị định số 59/2023/NĐ-CP khi đề cập về số lượng Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn: Chúng tôi đề xuất, nếu vẫn giữ nguyên số lượng Ban này ở cấp xã như quy định thì cho phép thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở thôn, tổ dân phố đông dân, địa bàn rộng, phân tán và chia cắt nhau về mặt đia lý để tăng cường giám sát và mở rộng dân chủ đại diện; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân địa phương giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ngay trên địa bàn thôn, tổ dân phố. Điều này rất quan trọng vì qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, người dân tham gia hiệu quả nhất vào các vấn đề gần với họ cả về lợi ích lẫn địa lý. Ngoài ra, khi tham gia giám sát các hoạt động ở cấp thôn, họ sẽ dễ dàng và tự tin hơn khi phản ánh vấn đề lên chính quyền cấp xã.
- Đối với tiểu mục 3, Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở năm 2022 được cụ thể hóa tại Khoản 1, Điều 17, Nghị định số 59/2023/NĐ-CP khi đề cập về bầu, bầu bổ sung thành viên Ban Giám sát đầu tư ở cộng đồng hiện chưa hợp lý và có thể gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Nghị định này nên điều chỉnh theo hướng không nhất thiết phải tổ chức cuộc họp cộng đồng dân cư để bầu, bầu bổ sung các nhân sự của Ban này.
Bốn là, Chính phủ và chính quyền địa phương cần:
- Nghiên cứu, thí điểm và tiến tới áp dụng Bộ Chỉ số dân chủ ở cơ sở[13] tiến tới triển khai trên toàn quốc. Nhiều quốc gia, chẳng hạn các nước Khối Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã áp dụng chỉ số này (9 tiêu chí, tối đa 25 điểm/tiêu chí) để tự đo lường, xếp hạng dân chủ xã hội cho mình. Tại Việt Nam, 15 năm qua, trong các trục đo lường của PAPI đều có nhiều chỉ báo cụ thể, phản ánh sát sườn hiện trạng thực thi chính sách và sự tham gia của người dân vào tiến trình dân chủ tại cơ sở.
- Đối với TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh cần sớm ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của tổ dân phố, thôn gắn với triển khai các nội dung mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và Nghị định số 59/2023/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn một số điều của Luật này. Trong đó, quy chế cần xem xét thể chế các vấn đề được quan tâm trong thực hiện DCCS như hỗ trợ kinh phí cho các thiết chế tự quản, hướng dẫn biểu quyết trực tuyến, ứng dụng biểu quyết trực tuyến, v.v. Trên cơ sở này, chính quyền cấp huyện ở các nơi được chọn nghiên cứu (quận Bắc Từ Liêm, huyện Phúc Thọ, thành phố Bắc Ninh và thị xã Quế Võ) sớm ban hành, triển khai hướng dẫn chi tiết về biểu quyết trực tuyến, ứng dụng biểu quyết trực tuyến trên Trang thông tin điện tử các địa phương, giới thiệu công khai để chính quyền cấp huyện, các tổ dân phố, thôn dễ tiếp cận, thực hiện.
Năm là, đổi mới cơ cấu nhân sự của ban điều hành tổ dân phố, thôn theo hướng có đại diện người trẻ tham gia. Đề xuất này xuất phát từ thực tiễn nhiều tổ chức tự quản quần chúng hiện có ban điều hành chủ yếu là cán bộ hưu trí, người cao tuổi. Nhiều người trẻ tâm huyết, chẳng hạn từ đoàn viên, thanh niên tại địa bàn dân cư, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên ở thôn, tổ dân phố, v.v. nếu có cơ chế động viên, khuyến khích và thu hút có thể giúp trẻ hóa dần ban điều hành các tổ chức tự quản. Từ đó, các thiết chế này sẽ kết hợp được uy tín, kinh nghiệm vốn là ưu thế của nhóm cao niên cùng sự trẻ trung, sáng tạo, giỏi chuyên môn, công nghệ từ nhóm trẻ tuổi.
Sáu là, về lâu dài, cần nghiên cứu để có cơ sở kiến nghị với Trung ương về điều chỉnh cách thức, cơ chế phân bổ, phân cấp và tiếp nhận kinh phí hỗ trợ hoạt động từ ngân sách nhà nước đối với các thiết chế tự quản (thôn, tổ dân phố, Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng), thậm chí là của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã so với phương thức tiếp nhận từ chính quyền cùng cấp hiện nay. Điều này góp phần thúc đẩy, phát huy tốt hơn dân chủ nhân dân, vị thế và năng lực giám sát cũng như phản biện xã hội của các tổ chức này đối với các công việc, nhiệm vụ chung.
PGS. TS. Đặng Thị Ánh Tuyết,
(Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) &
ThS. Nguyễn Hữu Hoàng,
(Học viện Chính trị khu vực II)
(Lời cảm ơn: Cảm ơn Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và Friedrich-Ebert-Stiftung Việt Nam cho phép chúng tôi tiếp cận dữ liệu thực địa, tài liệu cần thết để thành bài viết này.
Cảm ơn Cơ quan Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã cho phép chúng tôi tiếp cận, sử dụng bộ dữ liệu gốc Chỉ số Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 để phân tích một số vấn đề liên quan trực tiếp cho bài viết này.)
[1] Gudmundur Alfredsson & Asbjørn Eide (2011).Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, 1948: Mục tiêu chung của nhân loại (Hoàng Hồng Trang,Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Thị Xuân Sơn dịch). NXB. Lao động - Xã hội. HN. tr.44.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tập 1). NXB. Chính trị quốc gia - Sự thật. HN. tr.27.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật. HN. tr.84 - 85.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tập 1). NXB Chính trị quốc gia - Sự thật. HN. tr.173.
[5] Ngô Văn Sỹ (2021). Nhìn lại 20 năm thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở. Tạp chí Cộng sản điện tử, đường dẫn truy cập: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/821526/nhin-lai-hon-20-nam-thuc-hien-quy-che-dan-chu-o-co-so.aspx
[6] IDEA quốc tế (2013). Khung đánh giá thực trạng dân chủ địa phương. Dịch bởi: Viện Chính trị học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Hà Nội. tr.53.
[7] Nhiệm kỳ gần nhất của trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố tại TP. Hà Nội là 2023-2026, tại tỉnh Bắc Ninh là 2022-2025. Thời điểm khảo sát dữ liệu PAPI được tiến hành trong toàn quốc vào năm 2023.
[8] CECODES, RTA & UNDP (2024). Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam: Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, năm 2023. Báo cáo nghiên cứu chính sách chung của Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Công ty Phân tích Thời gian thực và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc. Hà Nội, Việt Nam, tr.52.
[9] Phần nội dung trong “[...]” được nhóm nghiên cứu bổ sung để làm rõ ý nghĩa biểu đạt nhưng không làm thay đổi bản chất ý kiến của người được phỏng vấn sâu.
[10] Đảng ủy xã Mộ Đạo (2024). Báo cáo tình hình thực hiện Luật Dân chủ ở cơ sở tại xã Mộ Đạo. Bắc Ninh. tr.7.
[11] Ví dụ tại Hội Cựu chiến binh phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) có mô hình: “Cựu chiến binh tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông cổng trường học” phối hợp cùng các lực lượng chức năng khác như công an, trật tự, v.v. tham gia phân luồng giao thông tại các cổng trường học vào giờ cao điểm, giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn.
[12] Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
[13] Thomas Meyer & Nicole Breyer (2007). Tương lai của nền dân chủ xã hội. NXB. Lý luận chính trị. HN. Tr. 387-389.