Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Từ báo chí truyền thông đến kinh tế truyền thông số

Ngày phát hành: 19/06/2023 Lượt xem 803

 

Trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, gần ba thập kỷ qua, ngành báo chí truyền thông đã và đang trải qua những chuyển đổi lớn, mà phần lớn là từ ảnh hưởng của công nghệ. Công nghệ số đang tạo ra những cơ hội phát triển đột phá nhưng cũng đầy thách thức cho báo chí toàn cầu nói chung và báo chí Việt Nam nói riêng, trên hành trình phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số.

 

 Cơ hội và thách thức

 
Xu hướng độc giả xa rời các nền tảng truyền thống, chuyển sang các nền tảng số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Vì thế nếu muốn tồn tại, báo chí phải thực hiện chuyển đổi số và xa hơn là phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số.


Chuyển đổi số trong báo chí là hoạt động mới và khó, thậm chí rất khó, do truyền thông là lĩnh vực luôn biến động không ngừng. Nó không chỉ đơn giản số hoá nội dung đưa lên nền tảng số, hay nâng cao mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, mà còn là đưa công nghệ số vào vận hành, thay đổi mô hình kinh doanh cũng như cách thức tổ chức hoạt động của một tờ báo. Quá trình này thậm chí sẽ đảo ngược những mô hình truyền thống. Chính độc giả sẽ viết, tòa soạn chọn lọc và xuất bản. Như vậy, nội dung tờ báo sẽ do người đọc xây dựng nên.


Trong số hơn 800 đơn vị báo chí tại Việt Nam, có tới 90% đơn vị được tính là có quy mô vừa và nhỏ. Các báo có quá trình hình thành, phát triển với những đặc thù nhất định về cơ sở vật chất, như tổ chức bộ máy nhân sự đan xen giữa cũ và mới, giữa tư duy làm báo cũ và cách thức làm báo theo công nghệ mới, giữa đội ngũ nhà báo kỳ cựu, có tuổi và những phóng viên trẻ... Dung hòa giữa phương thức tác nghiệp cũ và mới trước nhu cầu chuyển đổi số là thách thức lớn mà hầu hết cơ quan báo chí đang phải đối mặt.


Hiện nay các công nghệ chính đang được ứng dụng mạnh mẽ trong truyền thông số là trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing), hay dữ liệu lớn (Bigdata)... Những công nghệ này đã và đang tạo ra một thời đại thông tin tăng tốc, một môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng: Cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí, đáp ứng nhu cầu thông tin liên tục và có chọn lọc của công chúng. Việt Nam đã có một số cơ quan báo chí đi tiên phong trong chuyển đổi số và ứng dụng khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, VTV, VOV, Vietnamplus, VnExpress... Uy tín, vị thế cũng như độ lan tỏa của các đơn vị này ngày càng được nâng cao. Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi, tuy nhiên, số lượng những đơn vị thực sự ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, phát hành trên cả nước vẫn còn khá khiêm tốn.


Đây cũng là một lý do khiến doanh thu của báo chí trong những năm gần đây liên tục đi xuống. Nguồn thu chủ yếu của báo chí vốn là từ quảng cáo, nhưng trước sự “chậm chân” của báo chí truyền thống so với tốc độ phát triển của các nền tảng truyền thông mới, dịch vụ quảng cáo đang dịch chuyển sang các nền tảng mới này. Báo chí trong nước cũng có sức cạnh tranh kém, ngay cả trong mảng cốt lõi của mình là “tin tức” và phải chịu nhiều thiệt hại khi chưa được các nền tảng xuyên biên giới, như Facebook, Google… chia sẻ thỏa đáng doanh thu từ khai thác thông tin mà mình sản xuất.

 

Khởi đầu của ngành kinh tế truyền thông số

 
Thực hiện chủ trương chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, dự thảo Chiến lược về chuyển đổi số Báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, xác định Việt Nam sẽ có nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội. Độc giả được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý...


Theo đó tới năm 2025, Việt Nam có khoảng 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có; 80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Cũng tới thời điểm trên, 30% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân. Những mục tiêu này không chỉ là kỳ vọng của nhà quản lý, cũng là con đường không thể tránh khỏi của các cơ quan báo chí truyền thống.


Theo nhiều chuyên gia, với sự phát triển của công nghệ, các loại hình báo chí sẽ không còn có sự ngăn cách, nhưng để tiếp tục tồn tại và phát triển, ngoài bắt kịp xu thế công nghệ, các phương tiện truyền thông truyền thống phải phát huy được thế mạnh đặc biệt của mình so với các nền tảng xã hội, đó là chất lượng nội dung thông tin và trải nghiệm người dùng. Những người tiêu dùng mới am hiểu công nghệ và có kiến thức đang đòi hỏi ngày càng cao với nội dung thông tin. Trong khi các nền tảng xã hội liên tục xuất hiện các tin tức giả mạo, “tin xào” chất lượng thấp làm mất giá trị của báo chí, thì vẫn có phần đông độc giả lựa chọn tin tưởng vào các phương tiện truyền thông truyền thống. Bằng cách kết hợp các mô hình kinh doanh cốt lõi với làn sóng mới của công nghệ số, phát triển cao độ tính chất “hội tụ truyền thông”, tạo ra các bản tin hấp dẫn, uy tín, có mức độ tương tác cao, báo chí truyền thống có thể kỳ vọng việc áp dụng mô hình thu phí người đọc, phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số và giành lại vị thế trên thị trường.


Hoạt động chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhờ quyết tâm chính trị và chủ trương thúc đẩy quá trình chuyển đổi số được nâng lên cấp chiến lược. Với mô hình mới, báo chí và người làm báo càng phải phát huy khả năng thích ứng và sáng tạo vô tận, bắt kịp những thay đổi của xu thế chung. Báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ nhưng vẫn phải đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội, phản ánh trung thực dòng chảy chính để tạo niềm tin và đồng thuận xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy khát vọng, tạo sức mạnh tinh thần phát triển đất nước./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết