1. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, các bậc minh quân đều đặt mối quan tâm hàng đầu vào việc mở mang kinh tế, phát triển văn hóa, phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, bồi đắp cho nguyên khí quốc gia ngày càng thịnh vượng.
Ví dụ, dưới triều Lê, sau khi chiến thắng giặc Minh, Lê Thái Tổ đã nhanh chóng áp dụng nhiều phương sách xây dựng lại đất nước bị nhiều năm chiến tranh tàn phá. Để phục hồi và phát triển nông nghiệp, Nhà vua cho 25 vạn trong tổng số 35 vạn lính về quê làm ruộng. Còn lại 10 vạn người được chia làm 5 phiên thay nhau về quê sản xuất. Nhà Lê kêu gọi dân phiêu tán về quê làm ruộng, đặt ra một số chức quan chuyên lo về nông nghiệp như Khuyến nông sứ, Hà đê sứ, Đồn điền sứ và định lại chính sách chia ruộng đất công làng xã gọi là phép quân điền; cấm giết trâu bò bừa bãi, cấm điều động dân phu trong mùa cấy gặt. Nhà Lê còn đẩy mạnh việc lập đồn điền và khẩn hoang nhằm khai thác những vùng đất mới. Nhờ những chính sách tích cực, nông nghiệp đã đảm bảo đời sống nhân dân trong nước.
Dưới thời Vua Lê Thánh Tông, không chỉ nông nghiệp mà các ngành nghề thủ công nghiệp và xây dựng cũng phát triển khá mạnh. Kinh đô Thăng Long 36 phố phường sầm uất, nhộn nhịp, mỗi phường một nghề. Nhiều làng thủ công chuyên nghiệp nổi tiếng ra đời. Các công xưởng do triều đình quản lý gọi là Cục Bách tác sản xuất đồ dùng cho nhà vua, làm vũ khí, đóng thuyền, đúc tiền đồng...; các nghề khai mỏ đồng, mỏ sắt, mỏ vàng phát triển. Về thương mại, triều đình khuyến khích lập chợ, họp chợ. Đáng tiếc, do lo ngại về an ninh, nhà Lê phải áp dụng chính sách kiểm tra nghiêm ngặt ngoại thương, không khỏi dẫn đến tình trạng bế quan tỏa cảng. [1]
Về quản lý nhà nước, sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ đã lo ban hành các điều luật. Thái Tông và Nhân Tông ban hành thêm một số điều về xét xử kiện tụng, sở hữu tài sản. Năm 1483, Thánh Tông giao cho các đại thần biên soạn bộ luật chính thức của triều đại mình, thường được gọi là “Luật Hồng Đức”. Bộ luật có nhiều điểm tiến bộ như thể hiện tính dân tộc, ý thức bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và người dân tự do. [2]
Về phát triển giáo dục, bồi dưỡng nhân tài, ngay sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ cho dựng lại Quốc Tử Giám ở kinh đô, mở trường ở các lộ, ban chiếu cầu hiền. Triều Lê tổ chức được 104 khoa thi tiến sĩ, lấy đỗ 1780 tiến sĩ, trong đó có 27 trạng nguyên. Riêng trong 37 năm cầm quyền của Vua Lê Thánh Tông (1460-1497), triều đình tổ chức được 12 khoa thi tiến sĩ, lấy đỗ 501 tiến sĩ, trong đó có 9 trạng nguyên.[3]
Để khuyến khích nhân tài, nhà Lê có những chính sách tôn vinh, ban thưởng rất trọng hậu. Bia đề danh tiến sĩ khoa thi Nhâm Tuất (1442) đã ghi lại những cách ưu đãi trọng hậu này của triều đình đối với nhân tài: “Kẻ sĩ đối với nước nhà quan trọng như vậy, cho nên cái ý tôn sùng không biết thế nào là cùng. Không những yêu chuộng ban cấp khoa danh lại tôn sùng trao cho tước trật, ơn ban rất nhiều vẫn có thể là chưa đủ. Không những đề tên ở Tháp Nhạn, còn ban danh hiệu trên bảng vàng. Yến tiệc linh đình hoan hỷ, triều đình mừng được người tài. Mọi nghi lễ đều làm tới mức cao nhất.”[4]
Vua Lê Thánh Tông chủ trương chọn người có tài và đức qua thi cử, bãi bỏ tập tục cha truyền con nối cho các gia đình công thần. Nhiều người xuất thân áo vải qua thử thách đã trở thành rường cột của triều đình.[5]
Chính vì có chính sách đào tạo, kén chọn người tài và đối đãi với người tài rất trọng hậu mà thời Lê đã sản sinh ra rất nhiều bậc hiền tài cho đất nước, góp phần đưa quốc gia Đại Việt phát triển cường thịnh trên nhiều mặt. Chỉ nói riêng về trước tác, thời Lê đã để lại cho kho tàng văn hóa dân tộc một số lượng lớn tác phẩm nổi tiếng. Văn học có: Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi; Hồng Đức quốc âm thi tập, Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, Xuân văn thi tập của Lê Thánh Tông; Quỳnh uyển cửu ca của hội Tao Đàn v.v... Chính trị - ngoại giao có Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi. Sử học có Đại Việt sử ký (10 quyển) của Phan Phu Tiên, Đại Việt sử ký toàn thư (15 quyển) của Ngô Sĩ Liên, Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi, Việt giám thông khảo của Vũ Quỳnh, Việt giám thông khảo tổng luận của Lê Tung, Đại Việt lịch đại sử ký của Đặng Minh Khiêm v.v.. Địa lý học có Hồng Đức bản đồ, có Dư địa chí của Nguyễn Trãi, An Nam hình thăng dồ của Đàm Văn Lễ v.v… Y học có Bản thảo thực vật toát yếu của Phan Phu Tiên và Bảo anh lương phương của Nguyễn Trực. Toán học có Đại thành toán pháp của Lương Thế Vinh, Lập thành toán pháp của Vũ Hữu. Nghiên cứu nghệ thuật có Hí phường phả lục của Lương Thế Vinh. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện loại sách tổng hợp thành tựu của nhiều ngành, mà nổi bật là bộ Thiên Nam dư hạ tập gồm 100 quyển của Lê Thánh Tông ghi lại toàn bộ chế độ, luật lệ, văn thư, điển lễ của nhà Lê.[6]
Tuy nhiên, nhà Lê cũng như tất cả các triều đại phong kiến Việt Nam sau thời kỳ thăng hoa ban đầu nhờ chính sách đúng đắn của một số minh quân đưa đất nước phát triển đến chỗ phồn thịnh, đều sớm chựng lại rồi rơi vào khủng hoảng, suy vong. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lặp đi lặp lại trong lịch sử này là:
(1) Tư tưởng bảo thủ, không thức thời, thiếu tầm nhìn xa.
Ngót 1000 năm tồn tại của chế độ phong kiến, vua quan nước ta chỉ tiếp xúc với Trung Hoa ở phương Bắc và một số nước láng giềng phía Tây, phía Nam. Các triều đại ta tiếp thu từ tư tưởng đến cách tổ chức triều đình, tổ chức xã hội, làm ăn, học hành, thi cử, trước tác v.v… của người Trung Hoa và tự trói mình vào khuôn khổ của những tư tưởng, phương thức hoạt động ấy; ngay cả khi Trung Hoa đã có những cải cách thì ảnh hưởng của cải cách ấy dội vào nước ta cũng phải sau nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, mà không mấy khi mạnh bằng. Chứng cớ là nước láng giềng phương Bắc cũng xuất phát từ một xã hội thuần nông, một nền văn hóa nông nghiệp nhưng họ đã phát triển thương nghiệp, kể cả ngoại thương, từ rất sớm, và vào những năm 30 của thế kỷ trước đã có một nền công nghiệp phát triển; nhưng ở nước ta, tâm lý trọng nông khinh thương còn kéo dài cho đến tận khi người Pháp sang khai thác thuộc địa, đồng thời do ảnh hưởng thâm căn cố đế của một số tính cách như “giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lý”, “thích văn chương phù hoa hơn là thực học”, “não sáng tác thì ít, nhưng bắt chước, thích ứng và dung hòa thì rất tài”,... mà công nghiệp chậm hình thành – thậm chí đến thế kỷ XXI này nền công nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ là gia công, lắp ráp theo công nghệ, máy móc nhập từ nước ngoài về.
Sự hạn chế tiếp xúc với thế giới cộng với tâm lý nô lệ tư tưởng Trung Hoa và tâm lý tiểu nông khiến vua chúa nước ta bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển. Thậm chí, vào đời Nguyễn, lần lượt các triều vua đã bỏ ngoài tai những đề nghị cải cách rất thiết thực của một số trí thức có điều kiện học hành, tiếp xúc với văn minh phương Tây như Nguyễn Trường Tộ hay có hiểu biết về nền văn minh đó như Nguyễn Lộ Trạch. Chính vì vậy mà đất nước từng ba lần đại thắng Nguyên Mông đến lúc này đã không đứng vững nổi trước đạo quân viễn chinh Pháp tuy ít người hơn quân Nguyên Mông hàng nghìn lần nhưng được trang bị vũ khí hiện đại.
(2) Vua chúa thiếu đức tài, triều đình và xã hội thiếu dân chủ.
Trong chế độ quân chủ chuyên chế, vua là người đứng đầu và toàn quyền quyết định các công việc nội trị, ngoại giao, quân sự,… Sự phát triển của đất nước, vì vậy, phụ thuộc rất nhiều, nếu như không nói phụ thuộc hoàn toàn vào vua. Các vị vua lập quốc thường là người có chí hướng, từng trải, thậm chí nhiều người phải trải qua trận mạc một sống hai chết mới giành được thiên hạ, nên có đủ bản lĩnh để trị quốc an dân nên những năm cầm quyền của họ là những năm thịnh trị, thái bình. Nhưng chế độ cha truyền con nối thường đưa lên ngôi báu những vị vua kế nghiệp thiếu từng trải, hiểu biết, bản lĩnh, thậm chí thiếu cả tấm lòng với nước với dân. Xem trong lịch sử thì đó là một quy luật tất yếu, chỉ diễn ra sớm hay muộn mà thôi.
Nếu xã hội có dân chủ thì người dân có nhiều cách để thay đổi chính sách, thậm chí thay đổi người cầm quyền không đủ đức đủ tài. Nhưng dưới chế độ phong kiến phương Đông, phản ứng của người bị trị chỉ có thể là lời can gián của một số vị quan chính trực; mức cao hơn là hoàng tộc hoặc quyền thần làm đảo chính cung đình, đưa con cháu khác của vua lên thay; mức cao nhất là dân nổi lên khởi nghĩa, lật đổ triều đại này, lập nên triều đại khác. Tất cả ba con đường này đều không phải là giải pháp để phát triển, bởi vì nếu không có cơ chế chọn người kế nghiệp đúng và không có dân chủ để điều chỉnh thì lời can gián đúng không được vua nghe, thậm chí người can gián còn có nguy cơ mất mạng; thay vua này bằng vua khác, nếu vua có anh minh thì cũng chỉ được một thời; lập ra triều đại mới mà triều chính, xã hội vẫn vận hành theo cách cũ thì trước sau cũng đi vào vết xe đổ của tiền triều. Thời Trần, Chu Văn An là thầy của vua dâng sớ xin chém bảy nịnh thần, không được vua nghe, phải cáo quan về ở ẩn. Thời Lê, Uy Mục sa đọa, độc ác, bị người trong hoàng tộc giết đi và thay bằng Tương Dực. Nhưng ông vua mới này không chỉ sa đọa mà còn vét ngân khố và sức dân để xây Cửu Trùng Đài, phá đi xây lại mấy lần, khiến cho ngân khố kiệt quệ, lòng dân oán thán. Nếu xã hội có dân chủ thì vua nào có thể mở mang, phát triển theo cách đó?
(3) Cơ chế tuyển lựa, trọng dụng nhân sự sai lầm.
Từ sai lầm gốc của chế độ trong việc dùng người là chọn người đứng đầu theo kiểu cha truyền con nối, chỉ sau một thời gian, phần lớn các triều đại phong kiến Việt Nam đã đi chệch khỏi nguyện vọng cầu hiền, phát triển đất nước lúc ban đầu. Nhiều hiền thần, thậm chí công thần lập quốc, bị gạt bỏ, bức hại; gian thần lộng hành; nạn mua quan bán tước tràn lan. Có thể lấy dẫn chứng trong sử sách về tình trạng này ở bất cứ triều đại nào. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nguyên khí quốc gia bị suy kiệt, khiến các triều đại rơi vào khủng hoảng rồi tiêu vong.
2. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám nổ ra, chấm dứt ngót 80 năm chế độ thực dân và gần 1000 năm tồn tại của phong kiến.
Chỉ đúng một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập công bố sự ra đời của nước Việt Nam mới, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu trước đại diện các tầng lớp nhân dân, chỉ ra “những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đó là 6 nhiệm vụ cấp bách sau đây [7]:
- Diệt giặc đói bằng cách phát động chiến dịch tăng gia sản xuất; trong khi chờ đợi thu hoạch, phát động lạc quyên để giúp những đồng bào đang gặp khó khăn.
- Diệt giặc dốt bằng cách mở chiến dịch xóa nạn mù chữ.
- Tổ chức Tổng tuyển cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu và xây dựng Hiến pháp dân chủ.
- Thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính nhằm “giáo dục lại tinh thần nhân dân” vốn bị chế độ thực dân đầu độc bằng rượu, thuốc phiện và những thói hư tật xấu.
- Bãi bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò – “một lối bóc lột vô nhân đạo” của thực dân.
- Thi hành chính sách tự do tôn giáo, chống chia rẽ.
Trong 6 nhiệm vụ cấp bách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra, có tới 4 nhiệm vụ về văn hóa.
Về phát hiện, trọng dụng nhân tài, chỉ sau hai tháng lập nước, ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài Nhân tài và kiến quốc trên Báo Cứu quốc. Bài báo súc tích mà sâu sắc, thể hiện tha thiết nguyện vọng cầu hiền của người đứng đầu chính quyền cách mạng:
“Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều. Chúng ta cần nhất bây giờ là:
Kiến thiết ngoại giao
Kiến thiết kinh tế
Kiến thiết quân sự
Kiến thiết giáo dục
Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay.”[8]
Ngày 20/11/1946, trước ngày Toàn quốc kháng chiến đúng một tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đưa lên báo Cứu quốc bài Tìm ngươì tài đức. Trong bài báo, người đứng đầu Chính phủ không chỉ nhắc lại nguyện vọng cầu hiền mà còn tự nhận lỗi chưa cầu được nhiều hiền tài là khuyết điểm của mình và yêu cầu lãnh đạo các địa phương phát hiện, tiến cử. Bài báo viết:
“Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.”[9]
Thực tế cho thấy trong những ngày đầu lập nước, chính quyền mới đã tập hợp được rất nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu ở trong nước và từ nước ngoài về, trong đó có nhiều người không đảng phái, nhiều người từng giữ những chức vụ cao trong chính quyền cũ, thậm chí cả một số người chưa phải đã có cùng chính kiến với Việt Minh. Tuyệt đại đa số các nhân sĩ, trí thức này đã đi suốt hành trình kháng chiến, kiến quốc và trở thành những rường cột của quốc gia, có những cống hiến xuất sắc trên mọi lĩnh vực.
Về đường lối phát triển kinh tế - xã hội, có lẽ chỉ cần nhắc lại ý kiến tự phê bình nghiêm khắc của Tổng Bí thư Trường Chinh trong bài phát biểu tại Đại hội lần thứ X Đảng bộ Hà Nội ngày 19/10/1986 là đủ. Tổng Bí thư nói: “Trong những năm qua, chúng ta đã mắc sai lầm ấu trĩ tả khuynh, duy ý chí, làm trái quy luật khách quan. Sai lầm đó thể hiện trong việc bố trí cơ cấu kinh tế theo hướng ham phát triển công nghiệp nặng với quy mô lớn, vượt quá khả năng thực tế; trong việc duy trì quá lâu cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp với kiến trúc thượng tầng đồ sộ, vượt quá sức chịu đựng của cơ sở hạ tầng, nên phải sống nhờ một phần quan trọng bằng viện trợ; trong việc muốn sớm hoàn thành cải tạo bằng cách nhanh chóng xoá bỏ các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa. Một mặt, chúng ta đã chủ quan, nóng vội, đốt cháy giai đoạn, ham làm nhiều, làm nhanh, làm lớn quá sức mình; mặt khác, khi đã mắc sai lầm thì lại bảo thủ, trì trệ, muốn kéo dài hiện trạng, không dũng cảm, quyết tâm sửa chữa.”[10]
Về chính sách cán bộ, do hoàn cảnh phải tiến hành cuộc đấu tranh một mất một còn với thực dân, đế quốc và các thế lực thù địch trong hàng chục năm trời, nhưng chủ yếu là do ảnh hưởng của tư tưởng đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản thô sơ, giáo điều mà Đảng đã bỏ phí nhiều người có khả năng cống hiến cho đất nước chỉ vì họ xuất thân từ những gia đình quan chức, viên chức chế độ cũ, gia đình trí thức, gia đình thuộc loại giàu có hoặc chỉ đơn giản là gia đình không thuộc thành phần công - nông; trong khi đó, lại trọng dụng những người không được học hành và cũng chưa hề thành công trong lao động sản xuất, kinh doanh hay chỉ huy, chỉ đạo. Cùng với chủ nghĩa lý lịch, những sai lầm trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc, trong cải tạo công thương nghiệp ở cả hai miền (sau năm 1954 ở miền Bắc, sau năm 1975 ở miền Nam) và trong chính sách hòa hợp dân tộc đã làm mất cơ hội cống hiến của nhiều người, đặc biệt đáng tiếc là những điền chủ, những nhà công thương, những trí thức có kinh nghiệm. Những sai lầm đó cũng khoét sâu hận thù, khoét sâu sự chia rẽ dân tộc, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nước nhà cho đến tạn bây giờ.
Tới những năm gần đây, “chủ nghĩa lý lịch” lại được bổ sung bằng “chủ nghĩa bằng cấp”. Trong tình hình giáo dục còn nhiều yếu kém, bệnh thành tích và tệ nạn tham nhũng trong xã hội lan tràn, nhiều biện pháp tuyển chọn, bồi dưỡng, trọng dụng cán bộ đúng đắn đã bị bóp méo khi thực hiện, trở nên phản tác dụng nhưng chưa được khắc phục kịp thời.
Những vấn đề đang đặt ra và giải pháp
Trước hết, cần tiếp tục làm rõ hơn, sâu sắc hơn mối quan hệ giữa giữa tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội với phát triển văn hoá, từ đó đề ra giải pháp đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa ba mặt này.
Tăng trưởng kinh tế là tiền đề cho con người có cuộc sống ngày càng đầy đủ, xã hội ngày càng phồn vinh, do đó luôn là mục tiêu phấn đấu của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, giữa tăng trưởng kinh tế với chất lượng cuộc sống vẫn có một khoảng cách nhất định mà độ lớn của nó tuỳ thuộc vào đường lối chính trị của mỗi nước. Tăng trưởng kinh tế không gắn liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân thì sự tăng trưởng ấy ít ý nghĩa xã hội và không bền vững. Ngược lại, việc thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân sẽ tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải quyết tốt quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, vì vậy, đã trở thành mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, nhà cầm quyền ở nhiều quốc gia.
Trong những năm tới, về mặt nhận thức, cần đánh giá cho đúng thành công, hạn chế và mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội với phát triển văn hoá ở nước ta. Trên quan điểm nhìn nhận văn hóa là nguyên khí quốc gia, tức là “nhân tố đầu tiên và cơ bản để quốc gia tồn tại và phát triển”, chắc hẳn chúng ta phải đánh giá lại xem vì sao các mặt chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại vẫn đạt được những thành tựu lớn trong khi văn hóa chưa phát triển tương xứng. Phải chăng các lĩnh vực hoạt động khác vẫn có thể phát triển độc lập với phát triển văn hóa đến mức độ nhất định? Vậy giới hạn của mức độ ấy ở đâu? Khi nào thì sự phát triển không tương xứng về văn hóa sẽ làm chững lại hoặc kéo lùi các tiến bộ trong các lĩnh vực khác? Hay thực sự những thành tựu trong các lĩnh vực hoạt động được liệt kê chỉ là bề nổi, không thực sự bền vững?
Thứ hai, cần nghiên cứu sâu hơn về những bài học thất bại trong lịch sử của cha ông ta và của chính chúng ta để tránh đi vào những vết xe đổ. Giải pháp không có gì quá phức tạp, chỉ cần thực hiện nghiêm. Cụ thể là:
- Lấy thực tiễn làm thước đo chân lý, thật sự đổi mới tư duy, đánh giá đúng, kịp thời và không bỏ lỡ thời cơ để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, hội nhập đầy đủ, sâu sắc với thế giới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, lợi ích của dân tộc, của muôn đời con cháu mai sau. Một trong những dẫn chứng về đổi mới tư duy là tại phiên thảo luận Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), sau khi trao đổi rất thẳng thắn, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã biểu quyết với đa số tán thành quan điểm xây dựng nền kinh tế trên cơ sở lực lượng sản xuất hiện đại và “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”, thay đổi hẳn so với quan điểm thể hiện trong dự thảo.Tuy nhiên, từ Đại hội đến nay, vẫn chậm xử lý các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn không có lãi. Đó là biểu hiện của khuyết điểm mà Tổng Bí thư Trường Chinh đã phê bình từ gần 30 năm trước: “Khi đã mắc sai lầm thì lại bảo thủ, trì trệ, muốn kéo dài hiện trạng, không dũng cảm, quyết tâm sửa chữa” hay là biểu hiện của nhóm lợi ích?
- Thực hành nhà nước pháp quyền dân chủ; thực hiện minh bạch, công khai trong mọi hoạt động của chính quyền; đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái.
- Thực sự coi trọng phát triển văn hóa, giáo dục.
- Thực sự coi trọng hiền tài, không phân biệt người trong Đảng Cộng sản hay ngoài Đảng, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, bằng cấp; tuyển chọn nhân sự tất cả các cấp theo cơ chế thi tuyển, bầu cử dân chủ, công khai, minh bạch; chấm dứt cơ chế cha truyền con nối kiểu mới./.
GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết
[1] Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Lê Mậu Hãn (Chủ biên), Sđd, tr. 321 – 327.
[2] Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Lê Mậu Hãn (Chủ biên), Sđd, tr. 320.
[3] Tính cả hai giai đoạn Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Tác giả bài viết tự thống kê theo: Ngô Đức Thọ (Chủ biên), Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi. Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 – 1919). Nxb Văn học, Hà Nội, 1993.
[4] Bia Văn Miếu Hà Nội.Sđd, tr. 304.
[5] Đây cũng là truyền thống dã có từ thời Trần, mà ví dụ tiêu biểu là sự trọng dụng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đối với Phạm Ngũ Lão – một người dân thường qua một lần gặp gỡ. Sách Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) kể lại chuyện Phạm Ngũ Lão như sau: Hưng Đạo Vương cùng tuỳ tùng đi ngang qua Đường Hào thấy Phạm Ngũ Lão ngồi bên vệ đường đang đan sọt. Quân lính kéo đến, dẹp lối đi. Phạm Ngũ Lão vẫn ngồi thản nhiên, như không để ý đến ai cả. Quân lính cầm giáo đâm vào đùi chảy máu mà ông vẫn không nhúc nhích. Thấy vậy Vương dừng lại hỏi. Bấy giờ Phạm Ngũ Lão mới trả lời rằng đang nghĩ một câu trong binh thư nên không để ý. Biết người có tài, Trần Hưng Đạo cho ông ngồi cùng kiệu đưa về kinh sư. Từ đó ông trở thành môn khách của Trần Hưng Đạo. Phạm Ngũ Lão được Trần Hưng Đạo gả con gái cho. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285), ông cùng với Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội binh thuyền khổng lồ của giặc và diệt quân Nguyên chiếm đóng Thăng Long. Sau đó, Phạm Ngũ Lão được lệnh mang 3 vạn quân phục kích đánh địch ở Vạn Kiếp, chặn đường địch rút chạy lên biên giới phía bắc và diệt được hai phó tướng địch là Lý Quán và Lý Hằng. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba (1288), Phạm Ngũ Lão cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng. Trong trận này, quân nhà Trần bắt sống các tướng nhà Nguyên là Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi. Phạm Ngũ Lão tiếp tục truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ. Năm 1290, vua Trần Nhân Tông giao cho ông cai quản quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu. Một người con gái của Phạm Ngũ Lão trở thành thứ phi của vua Anh Tông.
[6] Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Lê Mậu Hãn (Chủ biên), Sđd, tr. 331 – 332.
[7] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 7 – 9.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr. 99.
[9] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Sđd, tr. 451.
[10] Văn kiện Đảng: toàn tập, tập 47. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 270.