Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Một số kinh nghiệm cầm quyền, quản lý nhà nước ở Hàn Quốc hiện nay

Ngày phát hành: 12/08/2018 Lượt xem 2813

Vừa qua, Ban Chủ nhiệm Đề tài KX.04.30/16-20 do PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm Đề tài KX.04.30/16-20 làm Trưởng đoàn, đi khảo sát, tìm hiểu về kinh nghiệm lãnh đạo của đảng cầm quyền, quản lý của nhà nước ở Hàn Quốc. 


Đoàn đã tọa đàm, trao đổi với Lãnh đạo Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế đối ngoại; toạ đàm với bà Pác Ưu Châng, Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng và quyền công dân; làm việc với ông Li Chun Sấc Tổng Thư ký, các ông Phó Tổng Thư ký, lãnh đạo Ban Đối ngoại, văn phòng Đảng Dân chủ Đồng hành (đảng cầm quyền tại Hàn Quốc hiện nay); tọa đàm với các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Soogang; làm việc với ông Kim Hác Yong, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Hàn – Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng Quốc hội, thành viên Đảng Hàn Quốc tự do (đảng đối lập tại Hàn Quốc hiện nay); trao đổi với ông Nguyễn Vũ Tú, Đại sứ và một số cán bộ sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Dưới đây là một số kết quả rút ra từ đợt khảo sát.


1. Về phương thức lãnh đạo của một số chính đảng ở Hàn Quốc


(1) Phương thức lãnh đạo của các chính đảng đối với nhà nước ở Hàn Quốc được thực hiện ở 2 nội dung cơ bản:

- Đưa người của Đảng ra tranh cử Tổng thống để trở thành Đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước;

- Đưa người của Đảng tranh cử vào Quốc hội để tham gia vào quyền lập pháp của Quốc hội. 

Do tổ chức nhà nước của Hàn Quốc theo quy định của Hiến pháp là  chế độ “Tổng thống chế”, nên chính đảng có người được bầu làm Tổng thống  sẽ là đảng cầm quyền (khác với chế độ nghị viện, đảng cầm quyền là đảng có số ghế nhiều nhất tại Quốc hội). Vai trò của Đảng cầm quyền là hỗ trợ Tổng thống điều hành  quốc gia và dự thảo luật, chính sách trình Quốc hội thông qua. Chức năng quan trọng nhất của đảng cầm quyền tại Hàn Quốc, tại cấp trung ương là hỗ trợ công việc cho Tổng thống và Chính phủ bằng cách giúp Quốc hội thông qua các chính sách, hoặc dự luật do Tổng thống và Chính phủ đệ trình, hoặc nghị sỹ của đảng trực tiếp trình các dự luật hỗ trợ thuận lợi cho Tổng thống và Chính phủ, hoặc phủ quyết, tác động không thông qua các dự luật, chính sách mà đảng đối lập đệ trình gây bất lợi cho Tổng thống và Chính phủ; tại cấp địa phương, nhiệm vụ của các tổ chức và đảng viên của đảng là vận động người dân ủng hộ các chính sách, biện pháp của Tổng thống và Chính phủ. 


Đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước thông qua các thành viên của Đảng là lãnh đạo chủ chốt trong cơ quan Nhà nước (Tổng thống, Thủ tướng, thành viên nội các...). Khi chính đảng trở thành đảng cầm quyền,  có người có đảng trở thành Tổng thống sẽ dễ dàng bố trí người của Đảng cầm quyền vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong cơ quan Nhà nước Hàn Quốc bởi vì Tổng thống có quyền giới thiệu Thủ tướng để Quốc hội thông qua; Thủ tướng có quyền lựa chọn nội các và các thành viên của Chính phủ. Thông qua Tổng thống, Thủ tướng và các thành viên nội các, các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng thắng cử (đảng cầm quyền) được thể chế hóa và hiện thực hóa thành chính sách của Nhà nước. 
Đối với chính đảng không thắng cử trong bầu cử tổng thống, tham gia vào các công việc của Nhà nước thông qua các nghị sỹ của Đảng trong Quốc hội. Các nghị sỹ Quốc hội là người bảo vệ, đưa ra các quan điểm, chính sách của Đảng mà mình là thành viên; phản biện, bỏ phiếu chống đối với chính sách, nhân sự của các đảng đối lập khi lấy ý kiến biểu quyết trong Quốc hội...


Ở Hàn Quốc, khác với một số nước khác, Hiến pháp ngăn cấm Nhà nước dùng ngân sách hỗ trợ cho các đảng chính trị dưới mọi hình thức; Nhà nước không cấp kinh phí cho đảng theo số lượng đảng viên của đảng là đại biểu quốc hội. Ngay cả với đảng cầm quyền, chỉ những cán bộ của đảng có vị trí trong bộ máy nhà nước mới hưởng lương từ ngân sách nhà nước, còn lãnh đạo đảng cầm quyền nhưng không có vị trí trong bộ máy nhà nước cũng không hưởng lương từ ngân sách. Việc lựa chọn người của đảng ra ứng cử tổng thống, thủ tướng, các bộ trưởng, thứ trưởng là do tổ chức trung ương của Đảng quyết định.


(2) Đối với nội bộ Đảng, phương thức lãnh đạo của một số chính đảng ở Hàn Quốc đều có  những điểm rất đáng chú ý:


Một là, hầu hết các chính đảng ở Hàn Quốc đều coi trọng các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong việc tư vấn, góp ý đường lối, chính sách của đảng. Các chuyên gia giỏi thường xuyên được hỏi và tham vấn ý kiến về đường lối, chính sách phát triển.  Những chuyên gia giỏi  thường là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học có uy tín, các lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm, giám đốc điều hành những tập đoàn, doanh nghiệp lớn... Tổng thống Hàn Quốc gần như thường xuyên gặp gỡ các quan chức, chuyên gia, học giả hàng đầu để cùng trao đổi về các mục tiêu và kế hoạch phát triển quốc gia.


Hai là, coi trọng tín nhiệm, uy tín đội ngũ cán bộ lãnh đạo của đảng,  đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt ở cả trung ương và địa phương. Tín nhiệm, uy tín của đội ngũ lãnh đạo đảng được đánh giá dựa vào kết quả điều tra, khảo sát, lấy phiếu tín nhiệm trong Đại hội đảng toàn quốc, kết quả bầu cử của các đảng viên chủ chốt (đối với Đảng Dân chủ đồng hành) hoặc đảng viên trách nhiệm (đối với Đảng Hàn Quốc Tự do), kết quả điều tra trong đảng viên thông thường. Các cán bộ chủ chốt phụ trách lĩnh vực nào thì người được lấy phiếu tín nhiệm  thuộc lĩnh vực đó. Trong nhiệm kì hoạt động, nếu cán bộ lãnh đạo của đảng hoạt động không hiệu quả hoặc có sai sót dẫn tới mức không còn được đảng viên và nhân dân ủng hộ, tỷ lệ tín nhiệm đảng thấp… thì bản thân các cán bộ lãnh đạo đảng có trách nhiệm tự nguyện từ chức. Nếu không từ chức thì những người không ủng hộ trong đảng sẽ xin ra khỏi đảng và nếu không có thay đổi thì sẽ dẫn tới sự sụp đổ của đảng đó. 


Ba là, các chính đảng ở Hàn Quốc đều chú trọng công tác phát triển đảng viên, đặc biệt là việc thu hút thanh niên, trí thức trẻ vào đảng. Một số chính đảng nhận thức vai trò, vị trí quan trọng của thanh niên, trí thức trẻ trong xã hội Hàn Quốc hiện đại và đều có biện pháp, giải pháp thu hút đối tượng này gia nhập đảng. Các chính đảng đều tăng cường công tác tuyên truyền, vận động kêu gọi thanh niên, trí thức trẻ gia nhập đảng. Một số đảng thành lập ủy ban thanh niên trong đảng để chịu trách nhiệm phát triển đảng viên là thanh niên.


2. Về tổ chức các cơ quan nhà nước và chính sách kinh tế xã hội theo chủ trương của Đảng cầm quyền ở Hàn Quốc hiện nay


 (1) Về tổ chức các cơ quan nhà nước Hàn Quốc hiện nay theo chế độ Cộng hòa, tam quyền phân lập, trong đó:


- Quốc hội là cơ quan lập pháp duy nhất, theo chế độ một viện gồm 300 ghế, trong đó 253 ghế được bầu từ các cử tri, 47 ghế được lựa chọn theo tỷ lệ đại diện bởi các đảng. Quốc hội gồm 16 Ủy ban Thường vụ, 2 Ủy ban đặc biệt (Ngân sách và Kế toán; Đạo đức). Nghị sỹ Quốc hội được bầu theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 04 năm. 


- Cơ quan hành pháp gồm có Tổng thống, Thủ tướng, các bộ, cơ quan trực thuộc và các chính quyền tự trị. Tổng thống do dân bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm và không được tái cử. Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước, nắm quyền điều hành đất nước và là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Hàn Quốc.Thủ tướng là người đứng thứ 2 trong cơ quan hành pháp, được chỉ định bởi Tổng thống và có sự chấp thuận của Quốc hội. Thủ tướng điều phối và kiểm soát việc thực thi các chính sách, đưa ra các đề xuất, tham mưu cho Tổng thống và bãi nhiệm các thành viên của Chính phủ.  Hội đồng Nhà nước (Chính phủ) gồm Chủ tịch Hội đồng là Tổng thống, Phó Chủ tịch Hội đồng là Thủ tướng Chính phủ và 15 – 30 bộ trưởng là Ủy viên Hội đồng. Hội đồng Nhà nước có nhiệm vụ thảo luận các chính sách và bộ luật, điều hành các công việc của bộ máy hành pháp. Thành viên Chính phủ do Thủ tướng chỉ định. Thủ tướng và các bộ trưởng phải được Quốc hội chuẩn y. Các bộ của Chính phủ Hàn Quốc hiện nay gồm: Bộ Chiến lược và Tài chính; Bộ Giáo dục; Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Kế hoạch tương lai; Bộ Ngoại giao; Bộ Thống nhất; Bộ Tư pháp; Bộ Quốc phòng; Bộ Nội vụ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn; Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng; Bộ Y tế và Phúc lợi; Bộ Môi trường; Bộ Việc làm và Lao  động; Bộ Bình đẳng giới và Gia đình; Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và giao thông; Bộ Đại dương và Thủy sản.


- Hệ thống tư pháp của Hàn Quốc mang tính độc lập. Chánh án Tòa án nhân dân do Tổng thống đề cử và Quốc hội thông qua. Hệ thống Tòa án Hàn Quốc gồm ba cấp: Toà án Tối cao, ba toà Thượng thẩm và các Toà án quận ở các thành phố lớn. Toà án Tối cao xem xét các kháng cáo đối với quyết định của các toà Thượng thẩm. Quyết định của Toà án Tối cao là cuối cùng.


(2) Về chính sách kinh tế - xã hội ở Hàn Quốc hiện nay


Trên lĩnh vực kinh tế, nét chính trong việc đổi mới nội dung, chính sách của đảng cầm quyền và Chính phủ Hàn Quốc hiện nay là thực hiện đường lối, chính sách “tăng trưởng kinh tế lấy thu nhập làm chủ đạo và đặt trọng tâm vào con người”, trong đó nội dung chính là tạo việc làm, nâng cao chất lượng việc làm, tăng thu nhập. Để tạo việc làm, Hàn Quốc thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng việc làm trong khu vực công, hỗ trợ tạo việc làm mới trong khu vực tư nhân, như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tuyển dụng nhân viên mới, áp dụng chế độ trợ cấp xúc tiến tìm việc làm cho thanh niên, nữ giới, mở rộng chế độ bắt buộc tuyển dụng thanh niên ở các cơ quan nhà nước từ mức 3%  lên mức 5%, hỗ trợ cho người lao động đang đi tìm việc... Để cải thiện chất lượng việc làm, Chính phủ Hàn Quốc đẩy mạnh việc ngăn chặn hành vi lạm dụng lao động ngắn hạn, tạo môi trường làm việc công bằng, không phân biệt đối xử. Việc tuyển dụng sẽ được đặt trên nguyên tắc là ký hợp đồng chính thức, nếu muốn ký hợp đồng ngắn hạn, doanh nghiệp phải nêu lý do chính đáng.


Trong nội dung, chính sách phát triển kinh tế, Hàn Quốc xác định nguồn lực, động lực, ngành sản xuất chính, chủ yếu cho phát triển kinh tế thời gian tới là những ngành công nghiệp công nghệ mới 4.0 gắn với đổi mới sáng tạo, coi đây là những ngành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. 


Để phát triển khoa học và công nghệ, Chính phủ Hàn Quốc nâng cao vị thế và quyền hạn của Cơ quan đổi mới khoa học và công nghệ (STI), tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu và phát triển ; thành lập Ủy ban cách mạng công nghiệp lần thứ tư trực thuộc Tổng thống để lập kế hoạch cho các ngành công nghiệp trong tương lai, đáp ứng yêu cầu tình hình mới của Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc cũng xây dựng, triển khai các đề án phát triển khoa học và công nghệ, đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như “Kế hoạch hành động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”; “Kế hoạch xúc tiến động lực tăng trưởng sáng tạo” gồm 13 lĩnh vực được xác định là động lực tăng trưởng của Hàn Quốc: Dữ liệu lớn, viễn thông thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo, xe tự hành, máy bay mini không người lái, chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu, thành phố thông minh, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, robot thông minh, chíp bán dẫn thông minh, vật liệu tiên tiến, thuốc mới và năng lượng mới. Điểm đáng lưu ý trong chính sách cách mạng công nghiệp 4.0 của Hàn Quốc là nước này xác định đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 phải là sự phát triển tổng hợp, liên ngành của các lĩnh vực công nghiệp, khoa học và công nghệ, nghiên cứu và phát triển và thông tin truyền thông. Hàn Quốc cũng định hướng phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ theo các nhóm: nhóm thương mại hóa sớm, nhóm công nghệ nguồn, nhóm do Nhà nước trực tiếp đầu tư, nhóm do Nhà nước hợp tác với doanh nghiệp, nhà nghiên cứu...


Để phát triển những ngành công nghiệp công nghệ mới 4.0, mang lại giá trị gia tăng cao, Hàn Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ cho các dự án trên lĩnh vực công nghệ mới; giảm nhẹ gánh nặng khi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thất bại như xóa bỏ quy định về bảo lãnh liên đới; có chính sách ưu đãi các nhà nghiên cứu, giáo viên đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao... Một nội dung đáng chú ý trong đổi mới nội dung chính sách kinh tế của Hàn Quốc là chuyển trọng tâm, trụ cột phát triển từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn sang các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ gia đình và các công ty mới thành lập, các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhằm thúc đẩy thu nhập của các cá nhân, hộ gia đình thuộc tầng lớp lao động, tầng lớp trung lưu.  Chính phủ Hàn Quốc hiện nay cũng tăng kiểm soát giới tài phiệt, các tập đoàn, kinh tế lớn, ngăn chặn các hành vi thao túng quyền lực, thao túng nền kinh tế của các chủ thể này. Đồng thời,  cũng tăng quyền hạn cho các cổ đông nhỏ, nâng cao tính độc lập của Hội đồng quản trị nhằm đẩy mạnh giám sát và siết chặt giới tài phiệt, các tập đoàn kinh tế lớn.


Để tăng thu nhập cho người lao động, tầng lớp trung lưu, Hàn Quốc thành lập Ủy ban dịch vụ tài chính (FSC) để giúp gia tăng tài sản cho đối tượng này, đồng thời đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ người lao động, tầng lớp trung lưu giảm gánh nặng kinh tế như giảm chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng; giảm chi phí vận chuyển, truyền thông; xây dựng nhiều siêu thị loại nhỏ và mở rộng wifi miễn phí khu vực công cộng. 


Đối với ngân sách nhà nước, Chính phủ Hàn Quốc thực hiện cơ cấu lại, tăng thu ngân sách nhà nước để đảm bảo nguồn kinh phí cho chính sách kinh tế mới thông qua các giải pháp: 


- Quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả  chi tiêu ngân sách. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.


- Cơ cấu lại ngân sách và chi tiêu quốc gia theo hướng giảm chi tiêu quốc gia cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, xây dựng...


- Tăng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân, doanh nghiệp có thu nhập cao.
Đối với chính sách xã hội, một điểm mới đáng lưu ý trong nội dung, chính sách phát triển  xã hội là Chính phủ Hàn Quốc đưa ra nhiều chính sách, biện pháp để đối phó tình trạng già hóa dân số trong xã hội Hàn Quốc, tập trung vào việc khuyến khích các gia đình sinh thêm con, tăng phúc lợi xã hội cho trẻ em và người về hưu. Chính phủ Hàn Quốc đưa ra sáng kiến phúc lợi  năm 2018 trị giá 178 nghìn tỷ won, tập trung vào: Hỗ trợ các gia đình nuôi con (hỗ trợ nuôi con 100.000 won/tháng cho trẻ từ 0 đến 5 tuổi); hỗ trợ nhà ở cho các gia đình mới cưới; tăng thu nhập, nâng lương cho người cao tuổi... 


Trong lĩnh vực chính trị, Hàn Quốc thực hiện việc mở rộng dân chủ và quyền chính trị cho người dân, đẩy mạnh việc chống tham nhũng. Hàn Quốc đẩy mạnh việc minh bạch hóa các công việc của Nhà nước, cởi mở và giao tiếp tốt hơn với người dân, tăng cường và thực hiện tốt việc lấy ý kiến tham vấn của người dân đối với chính sách của Nhà nước, nới lỏng các quy tắc cho các cuộc trưng cầu dân ý, giảm tuổi cử tri từ 19 tuổi xuống 18 tuổi, bảo đảm cho công chức và giáo viên được quyền hoạt động chính trị.


Trên cơ sở định hướng tăng cường dân chủ trong lĩnh vực chính trị, Chính phủ Hàn Quốc mở rộng và tăng sự độc lập của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia trong các vấn đề nhân sự và ngân sách. Để phòng, chống tham nhũng, Chính phủ Hàn Quốc thành lập các nhóm đặc nhiệm chống tiêu cực ở từng bộ, ngành, thành lập Ủy ban thanh liêm quốc gia.


Chính sách về quốc phòng, an ninh của Chính phủ Hàn Quốc hiện nay được tập trung vào việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và tăng cường trao đổi liên Triều. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho đất nước, như tăng ngân sách quốc phòng, tăng mức lương của binh lính nhập ngũ, đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa KAMD và hệ thống tên lửa Kill Chain đang bị đình trệ  (nâng đầu tư, phát triển hệ thống tên lửa Kill Chain từ 2,1 nghìn  tỷ won lên 2,3 nghìn tỷ won).


Một định hướng lớn trong chính sách an ninh của Hàn Quốc là đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống như ô nhiễm không khí, ô nhiễm bụi mịn...


Về đối ngoại, Chính phủ Hàn Quốc hiện nay thực hiện chính sách tăng cường hợp tác quốc tế, chống bảo hộ mậu dịch; điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng tiếp tục coi trọng quan hệ đồng minh với Mỹ, tăng cường quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, EU.... Tổng thống Moon Jae In cũng công bố “chính sách phương Nam mới” nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác với ASEAN, tạo dựng một cộng đồng hòa bình, đặt trọng tâm vào con người và ủng hộ sự thịnh vượng chung; “chính sách phương Bắc mới” nhằm tăng cường hợp tác kinh tế với vùng Viễn Đông của Nga, ba tỉnh Đông Bắc Trung Quốc, Trung Á và Mông Cổ.


3. Một số nhận xét


- Hàn Quốc đã có bước phát triển “thần kỳ”, từ một nước nghèo, lạc hậu bị chiến tranh tàn phá sau 30 năm đã vươn lên trở thành nước phát triển; hiện nay, Hàn Quốc đứng thứ 11 thế giới về GDP (năm 2017 đạt 1529 tỷ USD), thu nhập bình quân đầu người đạt 29.730 USD, trình độ khoa học và công nghệ thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Hàn Quốc luôn xác định khoa học và công nghệ là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển nhanh, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế đất nước, do đó, có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển khoa học công nghệ. Ngày nay, Hàn Quốc đã vượt qua giai đoạn nhập khẩu công nghệ, ứng dụng công nghệ được sáng tạo từ bên ngoài, trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sáng tạo công nghệ, xuất khẩu công nghệ trên nền tảng phát triển mạnh mẽ, đạt tới trình độ cao, tiên tiến của nghiên cứu khoa học (cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ); đi đầu trong việc sáng tạo và ứng dụng nhiều công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào các ngành kinh tế, các sản phẩm chủ lực của mình. 


- Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến mở rộng dân chủ và các quyền chính trị khác của người dân, lắng nghe ý kiến của người dân, các tầng lớp xã hội, các chuyên gia, các nhà khoa học để điều chỉnh chính sách; xây dựng bộ máy nhà nước liêm chính, trong sạch, giữ gìn hình ảnh, uy tín của quan chức chính phủ, của đảng cầm quyền; xác định phòng, chống tham nhũng là chương trình trọng điểm quốc gia. Biện pháp phòng, chống tham nhũng của Chính phủ Hàn Quốc đa dang phong phú bao gồm các nội dung: Hoàn thiện pháp luật, chính sách về phòng, chống tham nhũng; thường xuyên đánh giá mức độ liêm chính của các cơ quan nhà nước qua điều tra, khảo sát; hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử của công chức, quy tắc, hướng dẫn xử lý những hành vi xung đột lợi ích (bộ quy tắc hành động của tổ chức); đẩy mạnh khai báo, trình báo về tham nhũng; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan phòng, chống tham nhũng; tăng cường bảo vệ cá nhân khai báo về tham nhũng; xây dựng văn hóa chống tham nhũng, đẩy mạnh giáo dục liêm chính cho công chức; tăng cường hình phạt đối với hành vi tham nhũng; khuyến khích người dân tham gia vào phòng, chống tham nhũng,...


4. Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam


- Các chính đảng ở Hàn Quốc rất coi trọng giữ gìn hình ảnh, uy tín của đảng, lòng tin của dân, do đó đòi hỏi các đảng viên, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo Đảng phải thường xuyên giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, uy tín và đây là yếu tố quyết định để thắng cử trở thành đảng cầm quyền.  Trong trường hợp lãnh đạo của đảng vi phạm khuyết điểm, mất uy tín thì phải từ chức để giữ gìn hình ảnh, uy tín của Đảng. Trong một số trường hợp khi lãnh đạo đảng mất uy tín nghiêm trọng (như trường hợp cựu tổng thống Park Geun-hye), thậm chí đảng phải đổi tên để đảm bảo uy tín, hình ảnh.


Các chính đảng ở Hàn Quốc rất chú trọng các ý kiến tư vấn, góp ý của các cơ quan nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia, đội ngũ các nhà khoa học vào các đường lối, chính sách của đảng, coi đây là kênh thông tin quan trọng để hoàn thiện đường lối, chính sách của đảng. Việc tư vấn, góp ý được thực hiện thông qua đặt hàng đối với các vấn đề cụ thể hoặc thông qua các báo cáo thường xuyên của các tổ chức, cá nhân này.


Các chính đảng ở Hàn Quốc rất coi trọng sự đoàn kết trong đảng. Việc đoàn kết được thể hiện trong việc các đản viên ủng hộ ứng viên bầu tổng thống của đảng trong các cuộc bầu cử; ở việc đảng cầm quyền đoàn kết xung quanh  Tổng thống để hỗ trợ tổng thổng. Việc quy định đảng cầm quyền là đảng có người thắng cử trong bầu cử Tổng thống là cơ sở tạo ra sự thống nhất, ủng hộ của đảng cầm quyền đối với Tổng thống trong điều hành, quản lý nhà nước.


- Hàn Quốc rất coi trọng việc xây dựng Chính phủ liêm chính, trong sạch, thường xuyên phòng, chống tham nhũng. Một kinh nghiệm đáng tham khảo trong chính sách phòng, chống tham nhũng của Hàn Quốc là việc thường xuyên đánh giá mức độ liêm chính của các cơ quan nhà nước thông qua điều tra, khảo sát và xây dựng, hoàn thiện hệ thống giáo dục liêm chính trong các cơ quan nhà nước. Mức độ liêm chính của các cơ quan nhà nước là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu tổ chức. Giáo dục liêm chính được coi là công việc bắt buộc, thường xuyên đối với cán bộ công chức. Việc giáo dục được thực hiện thông qua các khóa đào tạo tập trung thường xuyên và các khóa đào tạo online...


Chính phủ Hàn Quốc nhạy bén, linh hoạt điều chỉnh, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Những cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu đều được nâng cấp, tăng quyền hạn như Bộ Khoa học và sáng tạo tương lại được đổi tên thành Bộ Khoa học và Công nghệ và thông tin truyền thông, hoàn thiện tổ chức, tăng đầu tư cho Cơ quan đổi mới khoa học và công nghệ, thành lập Ủy ban cách mạng công nghiệp lần thứ tư trực thuộc Tổng thống nhằm đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0; thành lập Bộ Doanh nghiệp liên doanh vừa và nhỏ để hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp...Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc chủ động đưa ra các biện pháp, giải pháp để hạn chế những tác động tiêu cực của già hóa dân số, thông qua biện pháp như tuyên truyền, giáo dục; hỗ trợ các gia đình trẻ; tăng phúc lợi xã hội cho trẻ em...

 

Nguồn: Báo cáo khảo sát, tìm hiểu về kinh nghiệm lãnh đạo của đảng cầm quyền, quản lý của nhà nước ở Hàn Quốc

 

(1) Dưới thời chính quyền Tổng thống Moon Jae In hiện nay, SDI quan lý gần 20 nghìn tỷ won (gần 18 tỷ USD) ngân sách quốc gia cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết