Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Mỹ năm 2015 -
Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam
Năm 2023 là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: Hai nước kỷ niệm 10 năm ngày thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023). Đến nay, mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ đã và đang phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên cả ba bình diện song phương, khu vực và quốc tế. Hai nước duy trì các hoạt động tiếp xúc, đối thoại các ngành các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm cấp cao. Trong các tuyên bố chung, hai bên luôn khẳng định tôn trọng Hiến chương Liên Hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và thể chế của nhau.
Tháng 7/2013, Việt Nam-Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Đến nay, mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ đã và đang phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên cả ba bình diện song phương, khu vực và quốc tế. Để có được thành quả này, cả hai nước đã cùng gác lại quá khứ chiến tranh, cùng nỗ lực tạo dựng một tương lai tươi sáng.
Ngày 3/2/1994, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton chính thức tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam. Hơn một năm sau đó, vào đêm 11/7/1995 (giờ Mỹ), Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong tuyên bố có đoạn: Giờ đây chúng ta có thể tiến tới một cơ sở chung. Bất kể những gì đã chia rẽ chúng ta trước đây, chúng ta hãy xếp vào quá khứ. Hãy để cho giây phút này, theo từ của Kinh thánh, là một thời điểm để hàn gắn và thời điểm để kiến tạo. Sáng 12/7/1995 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: Chính phủ và nhân dân Việt Nam hoan nghênh quyết định ngày 11/7/1995 của Tổng thống Bill Clinton và sẵn sàng cùng Chính phủ Hoa Kỳ thỏa thuận một khuôn khổ mới cho quan hệ giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, cùng có lợi và phù hợp với nguyên tắc phổ biến của luật pháp quốc tế. Đó là một dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Nền tảng quan trọng cho sự phát triển của mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ là khẳng định của hai bên về các nguyên tắc cơ bản, như tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Điều này tạo cơ sở để hai bên tăng cường quan hệ về chính trị, ngoại giao với các chuyến thăm cấp cao và các cấp thường xuyên giữa hai nước, qua đó tăng cường hiểu biết và làm sâu sắc hơn quan hệ. Nổi bật trong hoạt động trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Nhà Trắng năm 2015; chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam năm 2016; chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Washington D.C. vào năm 2017; các chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump đến Hà Nội vào năm 2017 và 2019; chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Hà Nội vào năm 2021 và gần đây là chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ vào tháng 5/2022.
Trên cơ sở quan hệ chính trị ngày càng mở rộng, hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 240 lần, từ nửa tỷ USD năm 1995 lên hơn 120 tỷ USD vào năm 2022. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ tại Việt Nam đạt 11,4 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số những nước đầu tư vào Việt Nam.
Mỹ cũng tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Hai bên cũng phối hợp ngày càng hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tiểu vùng sông Mekong, trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, như phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.
Trong cuộc điện đàm cấp cao tối 29/3/2023 giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, hai nhà lãnh đạo đều đánh giá cao sự phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ hai nước thời gian qua và nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Tiếp đến, tại cuộc tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc E.Knapper tại Phủ Chủ tịch sáng 5/6/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, quan hệ Việt Nam và Hoa kỳ đã có những bước tiến dài sau 28 năm bình thường hóa quan hệ, có nhiều hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có những nội dung mang tính chất chiến lược. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ và xác định Hoa Kỳ là đối tác hàng đầu của Việt Nam. Những kết quả đạt được trong quan hệ giữa hai nước là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai...
Trước đó, trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hà Nội ngày 15/4/2023, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Việt Nam; nhất trí với Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn về việc hai bên cần tiếp tục hợp tác, thúc đẩy quan hệ song phương trên các nguyên tắc đã được lãnh đạo cấp cao hai bên nhất trí. Đánh giá cao sự phát triển năng động, vai trò, vị thế của Việt Nam tại khu vực, Ngoại trưởng Antony Blinken tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ về việc tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường, thịnh vượng”.
Sau 28 năm bình thường hoá và thiết lập quan hệ ngoại giao, và 10 năm triển khai quan hệ Đối tác toàn diện, quan hệ hai nước đã và đang phát triển ngày càng sâu rộng, vững chắc trên tất cả lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân…, trên nền tảng hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi. Hoa Kỳ đã trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Sự phát triển vượt bậc của quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ trong đó quan hệ kinh tế - thương mại là trụ cột, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa hai bên./.
Minh Trà (Tổng hợp)