(HĐLL) Vừa qua Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.04/16-20 đã tiến hành kiểm tra định kỳ lần thứ ba các đề tài thuộc Chương trình từ ngày 09-5-2018 đến 16-6-2018. Thông qua kiểm tra cho thấy một số vấn đề sau
Các đề tài đều bám sát mục tiêu, nội dung nghiên cứu theo thuyết minh và hợp đồng đã ký kết.
Về tiến độ nghiên cứu, hầu hết các đề tài đều bảo đảm về mặt thời gian và triển khai toàn diện nội dung nghiên cứu. Một số đề tài đã vượt tiến độ nghiên cứu. 100% các đề tài đã hoàn chỉnh đề cương chi tiết báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu và đang tiến hành xây dựng báo cáo. Đặc biệt, có 4 đề tài đã có bản thảo báo cáo tổng hợp nghiên cứu và tiến hành xin ý kiến chuyên gia (như đề tài số 23, 24, 27, 28). Một số đề tài trong quá trình nghiên cứu xét thấy cần bổ sung vấn đề mới cho phù hợp đã được Ban Chủ nhiệm Chương trình cho ý kiến đồng ý.
Việc khảo sát thực tế trong nước và ngoài nước về cơ bản các đề tài đã hoàn thành. Một số đề tài sẽ hoàn thành khảo sát trong quý II và quý III/2018. Các đề tài có nội dung tổ chức điều tra xã hội học cũng hoàn thành với chất lượng tốt, số liệu phản ánh khách quan, trung thực, phục vụ có hiệu quả cho công tác nghiên cứu.
Việc tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học theo kế hoạch của các đề tài đã cơ bản hoàn thành. Các hội thảo đều được chuẩn bị chu đáo, các báo cáo khoa học, có chất lượng. Các đề tài đã biên tập kỷ yếu, môt số đề tài đã biên tập thành sách và Nhà Xuất bản chính trị quốc gia Sự thật, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản.
Về sản phẩm gia tăng: Hầu hết các đề tài đã và đang triển khai việc tham gia đào tạo nghiên cứu sinh, cao học. Nhiều đề tài đã có thạc sỹ bảo vệ. Đã có hơn 150 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước, đặc biệt đã có 5 bài báo được đăng trên các tạp chí nước ngoài và 1 bài đang được tạp chí nước ngoài gửi đi thẩm định. Đã có 8 cuốn sách chuyên khảo được xuất bản.
Báo cáo chắt lọc nghiên cứu lần 3 nhìn chung nộp đúng hạn, bảo đảm chất lượng, làm rõ được những vấn đề nghiên cứu mới mang tính khái quát, luận điểm.
Đặc biệt, kết quả nghiên cứu của một số đề tài đã phục vụ trực tiếp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của bộ, ban, ngành và xây dựng luật, như: Đề tài 04 của Ban Tổ chức Trung ương, Đề tài 27 của Bộ Ngoại giao, Đề tài 14 của Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đề tài 27 của Viện Khoa học xã hội nhân văn của Bộ Quốc phòng; Đề tài 24 của Tổng Cục An ninh phục vụ xây dựng Luật An ninh mạng. Một số đề tài đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng các luận cứ khoa học thực tiễn phục vụ các báo cáo tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc ra Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa XII).
Đối với 3 đề tài mới được bổ sung và đi vào triển khai từ tháng 4-2018 : Hai đề tài đã triển khai tích cực là đề tài 32 của Học viện An ninh và đề tài 33 của Hội đồng Lý luận Trung ương. Riêng đề tài 31 do Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì triển khai còn chậm.
Qua kiểm tra lần 3 cho thấy, đa số các cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài rất tích cực, chăm lo đến chất lượng, tiến độ nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn còn một hạn chế cần khẩn trương khắc phục như: một số chủ nhiệm chưa thật chú tâm đến đề tài, thể hiện ở chất lượng nghiên cứu và tiến độ chưa bảo đảm; có đề tài báo cáo chắt lọc chưa tương xứng với kết quả nghiên cứu, còn sơ sài, chủ yếu là liệt kê nội dung nghiên cứu, hầu như chưa có vấn đề mới; có đề tài còn lúng túng trong trong thực hiện kế hoạch khảo sát nước ngoài; một số đề tài chưa chú ý tới việc thực hiện các sản phẩm đề tài đã đăng ký, nhất là sản phẩm tham gia đào tạo sau đại học.../.